Có nên mua vàng ngày vía Thần Tài

[TBTCO] - Trong phong tục của người dân Việt Nam, Thần Tài được cho là vị thần giúp mang lại nhiều may mắn đến cho gia chủ. Vì vậy, Thần Tài đã trở nên quen thuộc với mọi người, đặc biệt những người kinh doanh buôn bán rất coi trọng ngày lễ này, coi đây là ngày để cầu may mắn, tiền bạc.

Chỉ lên mua lượng nhỏ lấy may

Ngày vía Thần Tài nhằm ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch hằng năm. Trong ngày này, nhiều người thường sắm sửa lễ vật cúng Thần Tài. Đặc biệt, người dân thường có thói quen mua vàng trong ngày vía Thần Tài với mong muốn một năm có nhiều may mắn, tài lộc. Chính vì vậy, nhu cầu mua vàng ngày này thường rất cao khiến giá vàng cũng vì thế có chiều hướng tăng.

Năm nay, trước ngày vía Thần Tài, thị trường vàng trong nước đã có những phiên giao dịch hết sức sôi động. Khi vừa mở đầu phiên giao dịch đầu năm âm lịch Nhâm Dần, giá vàng miếng SJC đã tăng phi mã, vượt ngưỡng 63 triệu đồng/ lượng bán ra; hơn 62 triệu đồng/ lượng mua vào, cao hơn giá vàng thế giới tới hơn 13 triệu đồng/ lượng.

Để lấy may mắn, người dân có thể chọn mua một số lượng vàng nhỏ

Thực tế hằng năm cho thấy, giá vàng thường có xu hướng tăng mạnh trong ngày vía Thần Tài nhưng sau đó giảm rất nhanh do nhu cầu mua không còn nhiều. Đơn cử như năm Tân Sửu 2021, ngay sau ngày vía Thần Tài, giá vàng đã giảm ngay 750.000 đồng/lượng khiến người mua chịu cảnh lỗ nặng.

Theo các chuyên gia kinh tế, xét về khía cạnh kinh tế, người dân không nên chọn mua nhiều vàng trong Ngày vía Thần Tài do có thể phải mua giá cao, dẫn đến nguy cơ lỗ nặng sau này. Nếu để lấy may mắn, người dân có thể chọn mua một số lượng vàng nhỏ.

Có thể mua online

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, vài năm trở lại đây, mua vàng Ngày vía Thần Tài thông qua hình thức online cũng được người dân ưa chuộng hơn việc phải chen chân xếp hàng dài từ sáng sớm để mua vàng trực tiếp.

Bằng hình thức mua - bán vàng online, khách hàng có thể chủ động được thời gian giao dịch, mua bán vàng khi đang ở bất cứ đâu, giúp khách hàng tiết kiệm được thời gian, cũng như tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh do tiếp xúc trực tiếp.

Đại diện của Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI cho biết, khách hàng có thể mua vàng Thần Tài online qua ứng dụng eGold của DOJI trên nền tảng iOS, Android hoặc website.

Trên ứng dụng eGold, khách hàng có thể lựa chọn sản phẩm vàng và trọng lượng vàng như: Vàng ép vỉ Âu vàng Phúc Long [trọng lượng 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ và 10 chỉ], Vàng ép vỉ Lộc Phát Tài [trọng lượng 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ], Vàng ép vỉ Hưng Thịnh Vượng [trọng lượng 0.5 chỉ, 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ, 10 chỉ]...

Khi khách hàng đặt lệnh mua vàng, hệ thống sẽ tự động trừ tiền trong tài khoản ngân hàng TPBank và vàng sẽ tự động được cộng vào trong tài khoản eGold của DOJI. Khách hàng mua vàng thành công, DOJI sẽ mặc định giữ hộ vàng cho khách hàng trên tài khoản eGold.

Sau khi mua vàng khách hàng không có nhu cầu giữ hộ vàng trên tài khoản eGold có thể đăng ký rút vàng tại các địa điểm giao dịch của DOJI ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng và Cần Thơ.

“Với việc ra ứng dụng mua bán vàng trực tuyến thì người dân đã thay đổi thói quan mua sắm, thay vì đến cửa hàng khách có thể mua online. Chúng tôi ghi nhận số lượng giao dịch online cũng tăng hơn so với năm ngoái 25-30% nhất là những ngày mở đầu giao dịch của Doji”, đại diện Doji cho biết.

Còn đại diện Công ty Bảo Tín Minh Châu cho hay, để đáp ứng nhu cầu mua hàng của khách cho ngày Thần Tài, doanh nghiệp đã mở các kênh bán hàng online qua mạng xã hội như Zalo, Facebook, hotline của công ty để phục vụ nhu cầu mua online của khách hàng.

Năm nay, Bảo Tín Minh Châu đã tung ra thị trường vàng các sản phẩm như: Bản vị vàng Thần Tài - Khai xuân đại phát; Linh vật kim dần Thần Tài; Quà mừng vàng Thần Tài; Đĩnh vàng tài lộc cùng rất nhiều trang sức nhẫn, lắc tay, dây chuyền vàng tây 14k, 18k, 24k.

Đặc biệt, Bảo Tín Minh Châu đã chuẩn bị số lượng lớn nhẫn tròn trơn Vàng Rồng Thăng Long 999.9 tiêu chuẩn quốc tế với 6 bản vị từ 0,5 chỉ, 1 chỉ, 2 chỉ, 3 chỉ, 5 chỉ, 10 chỉ để đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua vàng lấy may của người tiêu dùng./.

Hầu hết sách, tài liệu nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Thần Tài của người Việt xưa không đề cập đến tục mua vàng cầu may. Quan niệm này được cho bắt nguồn từ giới kinh doanh.

Theo tín niệm của dân gian, ngày mùng 10 tháng Giêng là ngày vía Thần Tài, vị thần biểu trưng cho tiền bạc, may mắn và sự giàu có.

Tại Việt Nam, dù xuất hiện khá muộn và còn phụ thuộc vào Thần Đất, tín ngưỡng thờ cúng Thần Tài ngày càng phổ biến với sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng thương nhân.

Theo thời gian, tập tục trong ngày mùng 10 tháng Giêng có nhiều thay đổi. Ngày nay, nhiều người đổ xô đi mua vàng trong ngày vía Thần Tài với mong ước một năm thịnh vượng, sung túc. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quan niệm này không hoàn toàn chính xác theo tập tục thờ cúng của người Việt xưa.

Người dân mua vàng cầu may trong ngày vía Thần Tài. Ảnh: Duy Hiệu.

Nguồn gốc ngày vía Thần Tài

Trong cuốn Thần Đất - Ông Địa & Thần Tài, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng chỉ ra mối liên hệ giữa Thần Đất và Thần Tài trong tập tục thờ cúng của người Việt.

Theo đó, ngày mùng 10 tháng Giêng vốn không phải ngày vía Thần Tài mà là ngày vía đất, đúng như quan niệm "mùng 9 vía trời mùng 10 vía đất". Vì Thần Tài và Thần Đất có nhiều nhân duyên với nhau, được thờ chung một khám thờ, không tách rời nhau, nên người ta đã lấy ngày này làm vía Thần Tài.

Tín ngưỡng thờ Thần Đất, Thổ Địa ở nước ta có từ lâu và việc thờ tự vị thần này dựa vào hai tín lý cơ bản: Một là vị phúc thần bảo vệ cộng đồng dân cư; hai là vị thần ban sung túc, thịnh vượng.

Còn việc thờ tự Thần Tài rất khó xác định có từ bao giờ, nhất là khi Thần Tài được hội nhập vào hệ thống thần bản gia - tức các thần linh bảo hộ cho gia đình [trong các vị thần bản gia có Táo Quân, Thổ thần, Ngũ tự và Thần Tài].

Cuối thế kỷ XIX, sự phân biệt giữa Thần Đất và Thần Tài vẫn còn chưa rõ rệt.

Sách Thần Đất - Ông Địa & Thần Tài do NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM phát hành đầu năm 2021.

Còn trong cuốn Đại Nam quấc âm tự vị [xuất bản năm 1895], tác giả Huỳnh Tịnh Của giải thích Thổ thần và Tài thần đều là “Thần Đất, thần giữ tiền bạc”.

Sự nhập nhằng này xuất phát từ thời kỳ “dĩ nông vi bản” - coi nông nghiệp là sản xuất chính yếu và thương nghiệp là thứ yếu, nên đất đại diện cho sự phát đạt, giàu có.

Tuy nhiên, đến đầu thế kỷ XX, khi kinh tế hàng hóa phát triển, thương nghiệp ngày càng có vị thế, tiền, vàng bạc bắt đầu thay thế đất đai, ruộng vườn để trở thành dấu hiệu của sự giàu có.

Từ đây, Thần Tài trở thành đại diện mới chuyên trách cho việc phát tài, được thờ tự đàng hoàng và dần dà trở thành một gia thần phổ biến với các gia đình.

Mua vàng cầu may

Ngày nay, tập tục thờ cúng ngày vía Thần Tài có nhiều thay đổi, một trong số đó là quan niệm mua vàng để cầu phát lộc.

Hầu hết sách, tài liệu nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Thần Tài của người Việt xưa không đề cập đến tục mua vàng này.

Tục lệ này được cho mới xuất hiện trong khoảng 10 năm trở lại đây. Ban đầu, nó chỉ lan truyền trong một bộ phận nhỏ thương nhân, giới kinh doanh, nhưng hiện trở nên phổ biến với người dân ở nhiều đô thị lớn.

"Thường thấy người kinh doanh hay mua vàng trong ngày này, niềm tin mua vàng hy vọng về một năm sẽ làm ăn phát đạt. Niềm tin này cần được đặt ở chánh tín, đặt vào ngày mai tươi sáng hơn.

Cuộc sống vốn luôn tồn tại niềm tin và hy vọng vào ngày mai tươi sáng hơn. Dĩ nhiên, ước muốn cần luôn đi kèm với phấn đấu làm việc không ngừng", nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cho biết.

Người dân ở các tỉnh phía nam thường cúng heo quay, cá lóc trong ngày vía Thần Tài.

Các nhà nghiên cứu cho rằng việc thờ cúng Thần Tài diễn ra tự do theo quan niệm dân gian.

Sáng mở cửa hàng, người dân thắp nhang, cúng Thổ Địa - Thần Tài ly cà phê, điếu thuốc, bánh bao hoặc gói xôi.

Rằm, mùng một cúng chè, chuối, trái cây theo lệ sóc vọng hay tuần tiết, lễ trọng hơn cúng "tam sênh" [tam sanh/sinh] hoặc thịt heo quay. Sau khi đạt được một kết quả tài chính nào đó nên biện lễ tạ thần.

Tại nhiều tỉnh thành phía nam, người dân còn cúng cá lóc nướng trong ngày vía Thần Tài với hy vọng mang đến nhiều may mắn, tài lộc.

Ngoài một số lễ trọng cúng Thổ Địa và Thần Tài, theo tập tục truyền thống còn có văn cúng nghiêm túc.

Nơi thờ tự thường là cái khám đặt sát mặt đất, bên cạnh bàn thờ tổ tiên, ở vị trí quan trọng nhất là phía gốc cây đòn dông, tức phía trái [tính từ hướng trong nhà nhìn ra cửa], vì các thần ấy là thần đất, thần long mạch.

Video liên quan

Chủ Đề