Công lao của Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Việt Nam thời kỳ này là gì

Những cống hiến lịch sử của Nguyễn Ái Quốc vào quá trình thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

11:05 05/02/2018
[...] Thứ nhất, Nguyễn Ái Quốc là nhà cách mạng Việt Nam đầu tiên đã ý thức được sự cần thiết phải có Đảng - nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.

  • Giá trị dân tộc và thời đại trong quyết định lựa chọn con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc
  • Sự sáng tạo mới về hình tượng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc
  • Nguyễn Ái Quốc - Những năm tháng gian khó

Sự ra đời của các Đảng chính trị là sự phản ánh trình độ trưởng thành nhất định của cuộc đấu tranh giai cấp hay dân tộc, khi các lực lượng chính trị ý thức sâu sắc được mục đích của mình, thấy rõ sự cần thiết phải liên kết lại trong một tổ chức chặt chẽ nhằm thống nhất tư tưởng và hành động để lôi cuốn quần chúng tham gia đấu tranh cho những mục đích mà họ theo đuổi.

Ở châu Âu, các chính đảng tư sản xuất hiện khá sớm, từ cuối thế kỷ XVIII, trong thời kỳ Cách mạng tư sản Pháp 1789. Các đảng công nhân xuất hiện muộn hơn, phải trải qua giai đoạn đấu tranh từ tự phát đến tự giác, vượt qua thời kỳ “đồng côpếc đầm lầy” đến với mục tiêu, lý tưởng của chủ nghĩa xã hội khoa học, xây dựng chính đảng của giai cấp vô sản theo đúng những nguyên tắc về chính trị, tư tưởng, tổ chức của V.I.Lênin để trở thành một đảng mácxít kiểu mới,… đó là cả một quá trình lịch sử lâu dài, từ những năm 30 của thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX.

Bìa cuốn “Đường kách mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Ở Việt Nam, theo nhận định của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, từ khi Pháp xâm lược, phong trào yêu nước của Việt Nam phát triển mạnh, nhưng “đó là một sự hỗn hợp giữa chủ nghĩa phản đế, chống công giáo và Cần Vương”, mà “không có một tổ chức nào như một đảng”. Đúng là trước khi Nguyễn Ái Quốc lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đầu năm 1925, ở Việt Nam chưa thật sự xuất hiện một tổ chức nào đáng gọi là một chính đảng theo đúng nghĩa của nó.

Năm 1905, sau khi Nhật thắng Nga, ở Việt Nam dấy lên phong trào Đông Du, tiếng là phong trào nhưng không có tổ chức[...]. Khi Pháp – Nhật cấu kết với nhau trục xuất Phan Bội Châu và số học sinh Việt Nam ra khỏi nước Nhật, thì phong trào cũng tan.

Sau Cách mạng Tân Hợi 1911, Phan Bội Châu có lập ra Việt Nam Quang Phục hội [tháng 5-1912] với tôn chỉ “đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục Việt Nam, kiến lập Việt Nam Cộng hòa dân quốc”. Nhưng như Phan Bội Châu đã tự thừa nhận: Hội “mới lọt lòng mẹ ra, mới thử một tiếng khóc thì đã biết triệu chứng là khó sống lâu rồi”.

Sau khi cụ Phan bị bắt vào ngục Quảng Đông, “hội viên bảy rơi, tám rụng, Quang Phục hội chỉ thành ra một bậc thần vị để tế ở trên bàn mà thôi”. Sau này, khi thấy phong trào đã nghiêng về xu hướng cách mạng thế giới, Phan Bội Châu dự định cải tổ Việt Nam Quang Phục hội thành Việt Nam Quốc dân Đảng theo mẫu của Tôn Trung Sơn, nhưng chưa kịp thực hiện thì ông đã bị bắt, đưa về Việt Nam.

Phan Chu Trinh đã viết: “Ngày nay, muốn độc lập, tự do, phải có đoàn thể,…” nhưng ông chỉ mới nói mà chưa làm. Còn Đảng Lập hiến [1923] thì như Nguyễn Ái Quốc nhận định “đó không phải là một đảng có tổ chức, mà đơn thuần, một vài nhà trí thức theo kiểu Pháp đặt tên đảng. Những thủ lĩnh của đảng này là những người theo quốc tịch Pháp”. Dù sao thì các đảng kiểu đó cũng không thể lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam đi đến thành công, bởi nó thiếu một đường lối chính trị và tổ chức đúng đắn, chặt chẽ, lại không có cơ sở rộng rãi trong quần chúng, thường chỉ có danh không có thực, nên sớm muộn cũng đều tan rã và thất bại.

Nguyễn Ái Quốc, ngay từ khi về Quảng Châu mở các lớp huấn luyện chính trị, đã đặt vấn đề: “Cách mệnh trước hết phải có cái gì?” và Người khẳng định: “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công”.

Người chỉ ra tấm gương của cách mạng Nga: “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng [công nông] làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”.

Như vậy, Nguyễn Ái Quốc không những là người Việt Nam đầu tiên nhận thức được tầm quan trọng và cần thiết phải có đảng lãnh đạo mà còn chỉ ra rằng, đảng đó phải là một đảng kiểu mới, tức là phải khác về chất so với các đảng, các hội chỉ tồn tại trên danh nghĩa trước đây. Sự khác biệt đó, như Người đã chỉ ra:

- Đó là Đảng phải biết lấy dân chúng công nông làm gốc, phải được vũ trang bằng chủ nghĩa Mác – Lênin.

- Đảng đó phải được tổ chức chặt chẽ, bền vững, thống nhất, đảng viên của Đảng phải bền gan, phải hy sinh.

- Đảng phải biết tổ chức, vận động dân chúng trong nước làm cách mạng đồng thời biết liên lạc, đoàn kết với giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

Đảng ta do Nguyễn Ái Quốc sáng lập đầu năm 1930 chính là được xây dựng trên những nguyên tắc chỉ nam đó.

Thứ hai, Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam đầu tiên đã sớm khẳng định sứ mệnh lịch sử và vai trò cách mạng tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam.

[...] Nguyễn Ái Quốc sang phương Tây sau Phan Chu Trinh 2 tháng, nhưng không phải trong vai thân sĩ mà trong tư cách người công nhân lao động, từng bước tham gia các hoạt động chính trị - xã hội, đầu tiên gia nhập Công đoàn Lao động Hải ngoại ở Anh, rồi đến với phái tả của cách mạng Pháp, sớm trở thành một chiến sĩ xã hội chủ nghĩa, chiến đấu cho lợi ích của giai cấp công nhân và những người lao động.

Sau khi trở thành người cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã tìm hiểu và viết nhiều bài nghiên cứu về phong trào công nhân Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ… từng bước nhận thức về vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân thế giới. Cuối năm 1922, được tin 600 thợ nhuộm Chợ Lớn quyết định bãi công, Nguyễn Ái Quốc coi đó là dấu hiệu chứng tỏ Việt Nam “giai cấp công nhân cũng bắt đầu giác ngộ về lực lượng và giá trị của mình”…

Theo Người, “những công nhân bản xứ khốn khổ kia, thường là rất ngoan ngoãn, dễ sai, dễ bảo, không được giáo dục và tổ chức, đã đi đến chỗ phải tập hợp nhau lại…” thì chúng ta phải “ghi lấy dấu hiệu đó của thời đại”, và nhiệm vụ của những người lao động ở chính quốc “không phải chỉ tỏ tình đoàn kết với những anh em cùng giai cấp ở đấy bằng lời nói, mà còn phải giác ngộ họ, giáo dục họ về ý thức tổ chức và về phương pháp tổ chức”.

Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, ra đời là để gánh vác nhiệm vụ của lịch sử đó: giáo dục cho giai cấp công nhân về ý thức và phương pháp tổ chức, đúng như điểm 1 của Sách lược vắn tắt của Đảng, do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo: “Đảng là đội tiên phong của giai cấp vô sản, phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng”.

Đến đây, giai cấp công nhân Việt Nam, thông qua lãnh tụ và Đảng của mình, đã có sự chuyển biến từ tự phát đến tự giác, ngày càng được tôi luyện và trưởng thành qua đấu tranh: “Chỉ có giai cấp công nhân là dũng cảm nhất, cách mạng nhất, luôn luôn gan góc đương đầu với bọn đế quốc thực dân. Với lý luận cách mạng tiên phong và kinh nghiệm của phong trào vô sản quốc tế, giai cấp công nhân ta đã tỏ ra là người lãnh đạo xứng đáng nhất và đáng tin cậy nhất của nhân dân Việt Nam”.

Thứ ba, kết hợp chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước như là quy luật hình thành Đảng Cộng sản Việt Nam, đó là một cống hiến lịch sử của Nguyễn Ái Quốc.

V.I.Lênin đã nói, ở các nước tư bản phát triển, Đảng Cộng sản là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác với phong trào công nhân.

Còn ở Việt Nam, trong điều kiện một nước nông nghiệp, thuộc địa, nửa phong kiến, công nghiệp chưa phát triển, vào đầu những năm 20 của thế kỷ XX, giai cấp công nhân Việt Nam tuy đã ra đời, nhưng còn rất nhỏ bé [theo báo cáo của Nguyễn Ái Quốc, vào khoảng 2% dân số], làm thế nào để xây dựng được một chính đảng thực sự là đảng của giai cấp công nhân?

Bằng kinh nghiệm đã qua của bản thân mình: từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã đi tới một sáng tạo lớn: đưa chủ nghĩa Mác – Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước để từng bước đi tới chuẩn bị thành lập một Đảng của giai cấp công nhân ở Việt Nam.

Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930 [chụp lại tranh của họa sĩ Phi Hoanh].

Sau khi Quốc tế III được thành lập, đặc biệt là sau Đại hội lần thứ nhất các dân tộc phương Đông họp tại Ba Cu [tháng 9-1920], các Đảng Cộng sản Inđônêxia, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… lần lượt được thành lập. Nhưng Nguyễn Ái Quốc không vội vã bởi Người đã nhận thức được xu thế phát triển tất yếu của cách mạng thế giới và những chuyển biến mới trong phong trào cách mạng Việt Nam.

Các cuộc vận động cứu nước từ cuối thế kỷ trước sang đầu thế kỷ này tuy liên tiếp bị đàn áp nhưng tinh thần yêu nước của dân ta lúc nào cũng sôi nổi. Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga, phong trào có xu hướng ngả về cách mạng thế giới. Sau tiếng bom của Phạm Hồng Thái, thanh niên trong nước lại nô nức tìm đường đến Quảng Châu.

Nguyễn Ái Quốc đã có mặt đúng thời điểm này để kịp thời tập hợp những thanh niên yêu nước, giàu nhiệt huyết, có chí khí cách mạng, nhưng đang thiếu người hướng đạo, đưa họ vào một tổ chức quá độ là “Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên mà nòng cốt là Cộng sản Đoàn, chuẩn bị những hạt giống cho sự ra đời của “một đảng lớn hơn và tương lai đã chứng minh điều đó”.

Nguyễn Ái Quốc đã mở các lớp huấn luyện chính trị, trang bị cho họ những kiến thức cơ bản về lý luận Mác – Lênin, về lịch sử phong trào cách mạng thế giới, về đường lối và phương pháp cách mạng Việt Nam… rồi đưa họ về nước, đi vào phong trào công nhân, thực hiện “vô sản hóa” về tư tưởng và nếp sống, vừa tự rèn luyện trong thực tế, vừa tuyên truyền, giác ngộ quần chúng đứng lên đấu tranh. Như vậy, Nguyễn Ái Quốc đã thực hiện được sứ mệnh là người gieo những hạt giống của chủ nghĩa Mác – Lênin, chủ nghĩa xã hội trên mảnh đất của chủ nghĩa yêu nước đã được chuẩn bị sẵn.

Việc chỉ trong một thời gian ngắn từ giữa năm 1929, đến đầu năm 1930 đã xuất hiện ba tổ chức cộng sản, dù họ có tranh luận, chỉ trích nhau gay gắt nhưng với sự xuất hiện kịp thời của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, họ đã thống nhất lại thành một đảng duy nhất. Điều đó chứng tỏ sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là một hiện tượng đã chín muồi và hợp quy luật mà bộ phận ưu tú do Nguyễn Ái Quốc đứng đầu chỉ làm nhiệm vụ thúc đẩy cho nó mau tới mà thôi.

Mặt khác, việc Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường kết hợp chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước dẫn đến việc thành lập Đảng ta là một cống hiến lịch sử, một sáng tạo độc đáo, có giá trị đóng góp vào lý luận xây dựng chính đảng của giai cấp công nhân ở những nước thuộc địa và phụ thuộc có hoàn cảnh tương tự như nước ta.

Thứ tư, ngay từ đầu vừa thành lập, Nguyễn Ái Quốc đã dày công xây dựng, giáo dục Đảng ta thành một Đảng Mác – Lênin trong sạch, cách mạng triệt để.

Để xứng đáng là một Đảng Mác Lênin, đội tiên phong của giai cấp vô sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc yêu cầu Đảng phải “giữ chủ nghĩa cho vững”, đó chính là thực chất của vấn đề giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Đối với những Đảng ở những nước chậm phát triển, giai cấp công nhân còn nhỏ bé thì đa số đảng viên xuất thân từ những thành phần xã hội ngoài công nhân, đó là điều dễ hiểu. Nhưng yếu tố quyết định bản chất giai cấp công nhân của Đảng là hệ tư tưởng, là chủ nghĩa Mác – Lênin.

Ngay từ những bài giảng ở Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải làm theo chủ nghĩa ấy”. Và Người nhấn mạnh: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”.

Do ý thức được nguồn gốc xuất thân của đảng viên ta khác nhau nên Người luôn luôn coi trọng công tác giáo dục, rèn luyện đảng viên, bồi dưỡng lý luận Mác-Lênin, nâng cao giác ngộ giai cấp cho họ, đưa họ từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, kết hợp nhuần nhuyễn dân tộc với giai cấp.

Ngoài việc nhấn mạnh phải “học tập chủ nghĩa, dùi mài tư tưởng, nâng cao lý luận, chỉnh đốn tổ chức”, Nguyễn Ái Quốc đã không ngừng chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Trên trang đầu cuốn “Đường Kách Mệnh”, Người đã chỉ ra một trong những “tư cách của người cách mệnh” là “cần kiệm, vị công vong tư, không hiếu danh, không kiêu ngạo, hy sinh, ít lòng tham muốn về vật chất…”.

Trên báo Thanh niên số 61 ra ngày 18-9-1926, Người nêu ra 12 điều mà một “người cách mạng kiểu mẫu” phải tu dưỡng, trong đó có điều phải “xem thường danh vị, ngôi thứ và tiền bạc vì chúng là cội nguồn sinh ra đố kỵ, hận thù và là nguyên nhân của những hành động chỉ điểm, phản bội, làm tổn hại nghiêm trọng đến sự nghiệp cách mạng”. Người nói điều này ngay từ buổi cách mạng còn trứng nước, đến nay ta càng cảm thấy tính sâu sắc, tính nhạy bén trong tư duy cách mạng của Người.

Cách mạng là sự nghiệp lâu dài: chống đế quốc để giành lại độc lập cho dân tộc; chống nghèo nàn lạc hậu để đem lại cơm no, áo ấm, phẩm giá cho con người. Trong cuộc chiến đấu gian khổ đó, Người nhắc nhở mỗi chiến sĩ cách mạng phải giữ sao cho “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy lực không thể khuất phục”[...].

# cống hiến lịch sử Đảng Đảng CSVN đường kách mệnh Hồ Chí Minh Nguyễn Ái Quốc
Facebook Twitter Link gốc

Nguyễn Ái Quốc và sự ra đời của báo chí cách mạng Việt Nam

[ĐCSVN] - Đầu những năm 20 của thế kỷ XX, lịch sử nhân loại chứng kiến một sự kiện có tính bước ngoặt đối với sự phát triển của thế giới: Thắng lợi vang dội của cách mạng Tháng Mười Nga mở ra thời đại mới: Thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.
Bác Hồ với các phóng viên báo chí. [Ảnh tư liệu]

Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, các nước thắng trận họp Hội nghị hoà bình tại cung điện Versailles ở Thủ đô nước Pháp để phân chia lại thị trường và vùng ảnh hưởng trên thế giới. Nhưng tất cả các cường quốc đều cố tình lờ đi vấn đề khôi phục hay ít ra là nới rộng quyền cơ bản của nhân dân các nước thuộc địa mà họ đã không ít lần lớn tiếng hứa hẹn khi chiến tranh còn chưa phân thắng bại. Tại Hội nghị này, họ đã phớt lờ bản yêu sách đòi các quyền dân sinh dân chủ tối thiểu do Nguyễn Ái Quốc thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước gửi đến.

Ở Việt Nam, mâu thuẫn giữa nhân dân với chủ nghĩa thực dân và tay sai phong kiến ngày càng gay gắt. Các phong trào yêu nước do các tầng lớp sỹ phu, trí thức, tiểu tư sản lãnh đạo đều bị đàn áp dã man và lâm vào khủng hoảng sâu sắc. Giai cấp công nhân Việt Nam từng bước lớn mạnh sẵn sàng đảm đương sứ mệnh lịch sử là lãnh đạo cách mạng. Tình hình trên đòi hỏi truyền bá một cách có hệ thống chủ nghĩa Mác-Lênin. Học thuyết cách mạng chân chính vào Việt Nam; vận động, tổ chức đẩy mạnh phong trào yêu nước và phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, tích cực chuẩn bị các tiền đề chính trị, tư tưởng, tổ chức cho việc thành lập một Đảng cách mạng, một tổ chức tiên phong đại diện lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cho toàn dân tộc. Lịch sử dân tộc Việt Nam đòi hỏi và trên thực tế đã hình thành những tiền đề cần thiết cho sự ra đời một tờ báo cách mạng chân chính. Trong bối cảnh của Việt Nam vào thời điểm này, người gánh trách nhiệm lịch sử đưa ra chủ trương xuất bản tờ báo này phải là người cách mạng, hiểu sâu sắc vai trò của báo chí cách mạng và chỉ có thể xuất bản và lưu hành bí mật ngoài vòng pháp luật của thực dân Pháp. Sứ mệnh lịch sử này đã được nhà yêu nước, người cộng sản Việt Nam đầu tiên nhận trách nhiệm thực hiện.

Trên con đường đi tìm đường cứu nước cứu dân, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu sự nghiệp báo chí của mình từ cuối năm 1917 khi Người từ Anh trở lại Pháp và sau đó tham gia Đảng xã hội Pháp. Động cơ làm báo lúc này của Người là phát biểu chính kiến của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng ngay tại nước Pháp để đấu tranh cho đội lập tự do cho dân tộc mình. Lúc đầu vốn tiếng Pháp của Người còn chưa đủ. Người phải nhờ một người bạn là luật sư Phan Văn Trường viết hộ. Không phải lúc nào ông bạn cũng nói hết hoặc nói đúng ý của Người. Nguyễn Ái Quốc hiểu chỉ có một cách là tự mình phải viết lấy để diễn đạt đầy đủ ý kiến của mình. Được sự khuyến khích của Charles Longuet, cháu ngoại của C.Mác, chủ nhiệm báo Lepopulaire [Người bình dân] cơ quan của Đảng xã hội Pháp thời kỳ này và của Gaston Monmousseau chủ bút báo La Vie Ouvrière [Đời sống thợ thuyền] Nguyễn Ái Quốc đã đi vào con đường báo chí. Sau này, Bác Hồ đã kể lại kinh nghiệm làm báo của mình như sau: “Lúc ở Pari, tuy biết nhiều tội ác của thực dân Pháp, nhưng không biết làm thế nào để nêu lên được. Một đồng chí công nhân ở toà báo Đời sống thợ thuyền cho Bác biết ở báo ấy có mục “tin tức vắn” mối tin chữ năm, ba dòng thôi và bảo Bác có tin tức gì thì cứ viết, đồng chí ấy sẽ sửa lại cho. Từ đó ngoài những giờ lao động, Bác bắt đầu viết những tin rất ngắn, mỗi lần viết làm hai bản, một bản đưa cho báo, một bản thì giữ lại. Lần đầu tiên thấy tin đã được đăng thì rất sung sướng. Mỗi lần đều đem tin đã đăng trên báo so với bài mình đã viết, xem sai chỗ nào. Về sau đồng chí ấy bảo Bác viết dài thêm vài dòng nữa, rồi lại vài dòng nữa… cứ thế kéo dài 15, 20 dòng, rồi đến cả một cột dài. Lúc đó đồng chí ấy lại bảo: “Thôi bây giờ phải viết rút ngắn lại, cũng những việc như vậy nhưng phải viết cho rõ, cho gọn”[1]”.

Bài báo đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc mà ngày nay chúng ta được biết là một bài luận chiến sắc sảo với tiêu đề: “Tâm địa thực dân”. Bài báo đã phê phán những luận điệu xuyên tạc của một nhà báo Pháp ở Đông Dương. Từ năm 1919, nhiều tờ báo ở Pháp trong đó có những tờ nổi tiếng như: L’Humanité, Lepopulaire, La Vie Ouvrière, Le journal purple [Báo của dân], Le cahiers du communisme [Tạp chí cộng sản], La Correspondance internationale [Thư tín quốc tế]… đã đăng nhiều bài của Nguyễn Ái Quốc.

Tháng 7/1921, Nguyễn Ái Quốc cùng một số nhà hoạt động cách mạng ở các nước thuộc địa khác của Pháp như Angieri, Tuynidi, Mangát, Máctinie, Marốc, lập Hội liên hiệp thuộc địa và xuất bản báo Le Paria [Người cùng khổ] làm cơ quan tuyên truyền của Hội. Số 1 ra ngày 1/4/1922. Những bài đăng trên tờ báo này đã biểu hiện tài năng báo chí và văn học của Nguyễn Ái Quốc. Sau một năm phát hành tờ Người cùng khổ và đang phát triển tốt đẹp, Nguyễn Ái Quốc dự định xuất bản một ấn phẩm định kỳ bằng tiếng Việt nhằm phục vụ kiều bào ta nơi đất khách. Người dự định đặt tên cho tờ báo này là Việt Nam hồn. Tờ Việt Nam hồn chưa kịp ra mắt thì Nguyễn Ái Quốc rời nước Pháp sang Liên Xô. Tờ Việt Nam hồn đã được các bạn của Người thực hiện. Tờ Việt Nam hồn cũng được gửi về phát hành ở Việt Nam. Khi bắt đầu bước vào nghề báo, Nguyễn Ái Quốc chưa tới tuổi ba mươi. Từ năm 1923 đến 1924, khi học tập công tác ở Liên Xô, Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc làm cộng tác viên của hãng thông tấn Liên Xô và tờ tiếng Anh: Canto Gazette – Cơ quan của quốc dân Đảng Trung Quốc. Từ những bước tập viết những tin ngắn bốn, năm dòng lúc đầu, chỉ vài năm sau, Người đã sử dụng thuần thục ngòi bút của mình giữa làng báo Pari, tạo nên những tác phẩm báo chí cho đến nay vẫn còn là mẫu mực. những chủ đề khi Nguyễn Ái Quốc mới bước vào nghề đề cập thời kỳ này là những vấn đề hệ trọng đến sự tồn vong của dân tộc và đụng chạm đến nhiều nhân vật và sự kiện tầm cỡ quốc tế.

Trong các tác phẩm đầu tay của mình, Người đã vận dụng nhuần nhuyễn lý luận cách mạng. Các bài báo của Người thời kỳ này đã thể hiện rõ một căn bản trí thức sâu rộng. Nguyễn Ái Quốc đã để lại nhiều bài luận chiến ngôn từ sắc bén, lập trường vững chắc, nhiều tiểu phẩm chua cay đối với kẻ thù. Bản án chế độ thực dân Pháp xuất bản 1925 là một tác phẩm lớn mang tính tố cáo đanh thép đối với chế độ thực dân dựa trên những tư liệu đầy sức thuyết phục, không những có giá trị cao về chính trị - lý luận mà còn có giá trị cao về báo chí, văn học! Nguyễn Ái Quốc là một nhà báo như vậy, khi Người chuẩn bị cho sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Cuối 1924, quốc tế cộng sản phái Nguyễn Ái Quốc sang công tác ở Trung Quốc theo đúng nguyện vọng của Người được gần với Tổ quốc để có điều kiện hoạt động hơn tiến tới thành lập Đảng cộng sản Việt Nam là mục đích cao nhất của Người đặt ra trong thời điểm này.

Thời gian này, với cương vị uỷ viên Bộ Phương Đông, trực tiếp phụ trách Cục Phương Nam, là nhà yêu nước có sự hiểu sâu sắc văn hoá Đông Tây, là nhà cách mạng thấm nhuần sâu sắc bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, là một người từng nhiều năm làm báo và hiểu rõ sức mạnh của báo chí. Nguyễn Ái Quốc rất tâm đắc những tư tưởng của Lênin về báo chí: “Trong thời đại ngày nay, không có tờ báo chính trị thì không thể có phong trào gọi là chính trị”, “chúng ta cần trước hết là tờ báo, không có nó thì không thể tiến hành một cách có hệ thống cuộc tuyên truyền, cổ động hết sức có nguyên tắc và toàn diện”[2] “Báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung”[3].

Cuối năm 1924, khi về đến Quảng Châu - Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc bắt tay ngay vào việc chuẩn bị xuất bản một tờ báo chính trị đồng thời với việc mở những lớp huấn luyện các thanh niên ưu tú đưa từ trong nước sang để làm nòng cốt cho cách mạng sau này.

Nguyễn Ái Quốc cùng một số đồng chí là học trò của Người thực hiện công việc trọng đại này trên căn gác nhỏ ở khu phố buôn bán sầm uất ở trung tâm Quảng Châu. Căn gác này cũng là nơi thành lập và là trụ sở của Hội Việt Nam cách mạng. Báo Thanh niên là cơ quan ngôn luận và đấu tranh của Tổ chức này.

Báo ra hàng tuần có khuôn khổ 19x13cm, ra mỗi kỳ 2 trang, có số 4 trang. Báo có các mục sau: xã luận, bình luận, diễn đàn Phụ nữ, phê bình, tin tức, thơ ca, vấn đáp, trả lời bạn đọc, việc làm.

Báo Thanh niên đảm trách nhiệm vụ cơ bản là tuyên truyền tôn chỉ và mục đích của Tổng bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Thông qua những bài viết để trình bày có hệ thống một số vấn đề cơ bản về đường lối chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam, về chủ nghĩa Mác-Lênin, kêu gọi đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước ra sức đoàn kết chiến đấu chống chủ nghĩa đế quốc giành lại độc lập dân tộc. Báo in trên chất liệu giấy sáp rồi được chuyển bí mật về nước. Ở Việt Nam các tờ báo Thanh niên được các cơ sở cách mạng chép tay thành nhiều bản rồi chuyền tay nhau cho các đồng chí của mình đọc và truyền đạt tới nhân dân. Số đầu của tờ Thanh niên xuất bản ngày 21/6/1925 và tiếp tục xuất bản đều đặn hàng tuần. Với gần 90 số, báo Thanh niên đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử: Truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, tuyên truyền Đường Kách mệnh, kêu gọi nhân dân đoàn kết đấu tranh, góp phần tích cực chuẩn bị về mặt lý luận chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, mở ra một dòng báo chí mới ÷ Báo chí cách mạng Việt Nam.

Sau báo Thanh niên, Nguyễn Ái Quốc lập ra báo Kông nông [1926], Báo Đường Kách mệnh [1927]. Ngày 1/10/1929, Báo Búa liềm, cơ quan ngôn luận của Đông Dương cộng sản Đảng ra số đầu tiên. Tháng 8/1929, chi bộ An Nam cộng sản ở Thượng Hải ra báo Đỏ viết tay trên giấy sáp. Kể từ tờ Thanh niên mở đường, đến cuối năm 1929, báo chí cách mạng Việt Nam đã có trên 50 tờ báo và tạp chí là cơ quan của các cấp Hội của Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng và 2 tổ chức cộng sản là Đông Dương cộng sản Đảng và An Nam cộng sản Đảng. Ngày 3/2/1930, tại Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, dưới sự chủ trì của Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã thông qua nghị quyết về kế hoạch thành lập một Đảng cộng sản chân chính. Trong mục q của nghị quyết này ra nghị quyết về báo chí với các nội dung sau:

1. Bỏ những tờ báo do Đông Dương cộng sản Đảng và An Nam cộng sản Đảng xuất bản trước đây.

2. Ban Trung Ương có thể xuất bản một tạp chí lý luận và ba tờ báo tuyên truyền.

3. Bỏ những tờ báo của các hội quần chúng do Đảng chỉ đạo.

4. Duy trì tất cả những tờ báo do quần chúng chủ trương[4]

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí cách mạng Việt Nam từ tờ báo đầu tiên - báo Thanh niên xuất bản ngày 21/6/1925, qua mỗi thời kỳ cách mạng 1925-1930, 1930-1945, 1945-1954, 1954-1975, 1975-1986, 1986-đến nay, đều có sự phát triển mạnh mẽ. Đến nay là một hệ thống quốc gia các cơ quan thông tin đại chúng gồm nhiều loại hình, ở nhiều cấp, thuộc nhiều cơ quan chủ quản, xuất bản bằng tiếng Việt và tiếng các dân tộc thiểu số, bằng ngoại ngữ với những chức năng và nhiệm vụ hết sức đa dạng, nhằm nhiều loại đối tượng và sử dụng nhiều công nghệ hiện đại.

Ngày nay với trên 600 cơ quan báo chí với tất cả các loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử đều tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại để đưa thông tin báo chí lên các hạ tầng, nền tảng truyền thông hiện đại, với gần 20.000 nhà báo có bản lĩnh chính trị, có đạo đức và nghiệp vụ báo chí, Báo chí cách mạng Việt Nam là một nền báo chí kiểu mới, do Đảng cộng sản tổ chức lãnh đạo, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng chính trị tư tưởng. Đó là nền báo chí vừa là cơ quan ngôn luận của các tổ chức trong hệ thống chính trị vừa là diễn đàn của Nhân dân.

Đây thực sự là nền báo chí của Nhân dân, vì lợi ích cao cả của nhân dân mà hoạt động và chịu sự giám sát của Nhân dân. Rất đỗi tự hào trước những trưởng thành và cống hiến to lớn trong lịch sử 96 năm qua, hơn 20.000 nhà báo Việt Nam tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống bút sắc, lòng trong tâm sáng, ra sức phấn đấu xây dựng nền báo chí Việt Nam cách mạng, chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, hiệu quả - là người tuyên truyền, cổ động, tổ chức chung góp phần hiện thực hóa thắng lợi khát vọng 2045: Việt Nam thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa./.


[1] Hồ Chí Minh toàn tập. NXB chính trị quốc gia - Hà Nội 2011. Tập 12. Trang 168

[2] Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam [1925-2010] NXB chính trị quốc gia. Hà Nội 2013. Trang 46.

[3] Mác, Ăngghen, Lênin, Hồ Chí Minh: Bàn về báo chí, xuất bản. NXB chính trị quốc gia. Hà Nội 2004. Trang 366.

[4] Văn kiện Đảng toàn tập. NXB chính trị quốc gia. Hà Nội 2002. Tập 2. Trang 12,13.

PGS.TS Đào Duy Quát - Nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tư tưởng – Văn hóa TW

Video liên quan

Chủ Đề