Công văn về việc không xác nhận gỗ rừng trồng

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất quy định về đối tượng, trình tự, thủ tục xác nhận nguồn gốc lâm sản

Theo dự thảo, các loại gỗ phải thực hiện xác nhận nguồn gốc bao gồm: a- Gỗ khai thác từ rừng tự nhiên trong nước; b- Gỗ thuộc đối tượng quy định tại Điều 11 Thông tư này (Cụ thể là cây gỗ tự nhiên thuộc loài thông thường còn sót lại hoặc tái sinh tự nhiên trong rừng trồng là rừng sản xuất); c- Gỗ có nguồn gốc nhập khẩu sau thông quan từ quốc gia không thuộc vùng địa lý tích cực hoặc gỗ thuộc loài rủi ro nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định của Chính phủ về hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam; d- Gỗ của loài thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và Phụ lục CITES; đ- Gỗ xuất khẩu không thuộc điểm a, điểm b, điểm c theo đề nghị của tổ chức, cá nhân.

Các loại động vật, thực vật rừng ngoài gỗ phải thực hiện xác nhận nguồn gốc bao gồm: a- Thực vật rừng ngoài gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và Phụ lục CITES; b- Động vật rừng, bộ phận, dẫn xuất và sản phẩm của của động vật rừng; động vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES.

Trình tự, thủ tục xác nhận nguồn gốc lâm sản

Theo dự thảo, hồ sơ đề nghị xác nhận nguồn gốc lâm sản, gồm: 1- Bản chính Giấy đề nghị xác nhận nguồn gốc gỗ; 2- Bản chính Bảng kê lâm sản; 3- Bản sao hồ sơ nguồn gốc hợp pháp; 4- Bản chính Sổ theo dõi nhập, xuất lâm sản hoặc Phiếu theo dõi xuất lâm sản trong trường hợp tổ chức, hộ kinh doanh có hoạt động chế biến, mua bán lâm sản theo dõi nhập, xuất lâm sản bằng sổ điện tử.

Dự thảo nêu rõ, tổ chức, cá nhân nộp 1 bộ hồ sơ theo quy định đến Cơ quan Kiểm lâm sở tại (gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc bưu điện). Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 1 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan Kiểm lâm sở tại có trách nhiệm hướng dẫn trực tiếp hoặc bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân để hoàn thiện hồ sơ.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan Kiểm lâm sở tại xác nhận nguồn gốc lâm sản hoặc thông báo bằng văn bản đối với trường hợp không xác nhận nguồn gốc lâm sản và nêu rõ lý do.

Trường hợp cần xác minh nguồn gốc lâm sản trước khi xác nhận, trong thời hạn 1 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan Kiểm lâm sở tại thông báo cho chủ lâm sản. Trong thời hạn 1 ngày làm việc kể từ ngày thông báo, Cơ quan Kiểm lâm sở tại tiến hành xác minh, kiểm tra nguồn gốc; trường hợp phức tạp, việc xác minh, kiểm tra nguồn gốc được thực hiện không quá 5 ngày làm việc. Kết thúc xác minh, kiểm tra, Cơ quan Kiểm lâm sở tại lập biên bản kiểm tra gỗ, động vật, thực vật hoang dã.

Trong thời hạn 1 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc xác minh, Cơ quan Kiểm lâm sở tại xác nhận nguồn gốc lâm sản và trả kết quả cho tổ chức, cá nhân hoặc thông báo bằng văn bản đối với trường hợp không xác nhận nguồn gốc lâm sản và nêu rõ lý do.

Cơ quan Kiểm lâm sở tại chịu trách nhiệm trước pháp luật khi xác nhận nguồn gốc lâm sản; cập nhật thông tin sau mỗi lần xác nhận nguồn gốc lâm sản vào bản chính Sổ theo dõi nhập, xuất lâm sản hoặc Phiếu theo dõi xuất lâm sản trong trường hợp tổ chức, hộ kinh doanh có hoạt động chế biến, mua bán lâm sản theo dõi nhập, xuất lâm sản bằng sổ điện tử do chủ lâm sản lập; lập Sổ theo dõi xác nhận nguồn gốc lâm sản; lưu trữ bản sao Bảng kê lâm sản đã xác nhận và bản sao các tài liệu về nguồn gốc lâm sản theo quy định. Sau khi xác nhận, Cơ quan Kiểm lâm sở tại trả lại Sổ theo dõi nhập, xuất lâm sản hoặc Phiếu theo dõi xuất lâm sản cho chủ lâm sản lưu giữ theo quy định.

Mới đây, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) đã có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bộ Tài Chính đề nghị tháo gỡ khó khăn đối với việc xác nhận nguồn gốc gỗ rừng trồng trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT).

Theo Viforest, trong bối cảnh xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào các thị trường lớn như Mỹ, EU và Vương quốc Anh đang suy giảm 40-50%, dòng tiền đầu vào của các doanh nghiệp đang bị suy giảm nghiệm trọng, ách tắc trong khâu hoàn thuế VAT làm cho các doanh nghiệp đã khó khăn lại càng khốn đốn hơn.

Theo ước tính, lượng thuế VAT các doanh nghiệp sử dụng gỗ rừng trồng chưa được hoàn tính đến nay đã trên dưới 1.000 tỷ đồng, với hàng trăm doanh nghiệp hiện chưa được hoàn thuế. Có doanh nghiệp số tiền thuế chưa được hoàn lên tới 200 tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp 40-50 tỷ đồng.

Theo quy định hiện nay, thời gian hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp là không quá 40 ngày kể từ khi cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ từ doanh nghiệp. Tuy nhiên thực tế cho thấy hầu hết doanh nghiệp không được hoàn thuế từ tháng 4, tháng 5/2022. Một số doanh nghiệp chưa được hoàn thuế từ tháng 1/2022. Thời gian chậm hoàn thuế vượt xa so với quy định hiện hành.

"Khó khăn trong khâu hoàn thuế hiện đã dẫn đến thực trạng một số doanh nghiệp phải dừng xuất khẩu; một số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Nếu tình trạng khó khăn trong việc hoàn thuế VAT tiếp tục kéo dài trong tương lai, nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa. Hệ lụy của điều này là chuỗi cung gỗ rừng trồng, bao gồm hàng triệu hộ gia đình trồng rừng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực", Viforest nhận định.

Lý do chủ yếu dẫn đến tình trạng ách tắc trong việc hoàn thuế VAT như hiện nay là do hướng dẫn của Tổng cục Thuế tại các văn bản hiện nay coi gỗ và các mặt hàng gỗ được làm từ gỗ rừng trồng trong nước là các mặt hàng có độ rủi ro cao về thuế; yêu cầu các cục thuế địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, phối hợp với cơ quan công an, hải quan, chính quyền địa phương… trong việc xác minh nguồn gốc gỗ.

Viforest cho rằng việc kiểm tra, giám sát doanh nghiệp như hiện nay không những làm ách tắc các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà còn tạo ra tâm lý lo sợ trong cộng đồng doanh nghiệp;

Bên cạnh đó, các yêu cầu chi tiết của cơ quan thuế về việc xác minh nguồn gốc gỗ nguyên liệu hiện đang không nhất quán với các quy định có liên quan theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cụ thể, Thông tư số 27 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định các doanh nghiệp tham gia mua bán, vận chuyển gỗ rừng trồng trong nước cần có “Bảng chính bảng kê lâm sản do chủ lâm sản lập và bản sao hồ sơ nguồn gốc lâm sản do chủ lâm sản bán”.

Tuy nhiên, do coi các mặt hàng gỗ có nguồn gốc từ gỗ rừng trồng là các mặt hàng rủi ro về thuế theo các văn bản của Tổng cục Thuế quy định, dẫn tới chi cục thuế các địa phương kết hợp với chính quyền địa bàn của Chủ rừng đi xác minh “Diện tích rừng trồng là bao nhiêu, có hợp pháp không, có tranh chấp không; Người ký hợp đồng mua bán có đủ hành vi năng lực không; Có đủ năng lực cung cấp hàng không; Gỗ có đủ tuổi để khai thác không?”.

Ngoài ra khi các doanh nghiệp xuất khẩu nộp hồ sơ xin hoàn thuế, cơ quan quản lý thuế tại nhiều địa phương trả lại hồ sơ và yêu cầu doanh nghiệp phải xác nhận nguồn gốc gỗ nguyên liệu đầu vào trong các mặt hàng xuất khẩu.

Cụ thể, cơ quan thuế và các cơ quan liên quan khác đang thực hiện việc xác minh nguồn gốc nguyên liệu tới tận chủ rừng, bao gồm việc yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu cung cấp sổ đỏ của chủ rừng và cần bên thứ ba là cơ quan kiểm lâm địa bàn hoặc Ủy ban nhân xã xác nhận hồ sơ nguồn gốc lâm sản.

Điều này cho thấy sự không nhất quán giữa Thông tư 27 của Bộ Nông nghiệp và các quy định của Tổng cục Thuế về xác minh nguồn gốc lâm sản, bao gồm hồ sơ nguồn gốc lâm sản.

Bên cạnh đó thực tế chuỗi cung gỗ rừng trồng hiện nay cho thấy hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng gỗ rừng trồng, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia sản xuất và xuất khẩu ván bóc/ván ép, doanh nghiệp dăm và viên nén phải thu mua gỗ nguyên liệu đầu vào từ nhiều nhóm đối tượng khác nhau, bao gồm hàng chục nghìn hộ tư thương, các hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ… và từ nhiều địa phương khác nhau. Do đó, việc xác minh nguồn gốc gỗ theo các quy định của Tổng cục Thuế mất rất nhiều thời gian...

Để giải quyết tình trạng ách tắc trong việc hoàn thuế VAT hiện nay, Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam đề nghị cần có sự thống nhất giữ hai Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính để hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện các yêu cầu có liên quan tới việc xác định nguồn gốc gỗ và hồ sơ lâm sản trong quá trình hoàn thuế.

Đồng thời, đề nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm nhất giải quyết việc hoàn thuế VAT đối với các doanh nghiệp đã có đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo quy định nhưng hiện tại chưa được giải quyết.