Cuồng thần tượng là gì

Ai cũng có thần tượng của riêng mình, điều đó hết sức bình thường, nhưng hâm mộ thần tượng đến mức không kiểm soát được hành vi là biểu hiện của bệnh lý.

Phóng to
Ba hotboy đang "làm khổ" các chuyên gia tâm lý hiện nay:Bi Rain, Đan Trường, Hà Anh Tuấn [từ trái qua]

Vô số những thiên tình sử huyễn hoặc!

Câu chuyện cuồng mộ thần tượng giờ không còn là của riêng tài tử Lưu Đức Hoa và những người hiếu kỳ thích "buôn chuyện" nữa, mà đã là một hiệu ứng đặc biệt trong xã hội, thu hút các chuyên gia tâm lý học, xã hội học.. đặc biệt các bậc phụ huynh, những người đã và đang khổ sở vì căn bệnh cuồng thần tượng của con em họ, hết sức quan tâm.

Chuyên gia tâm lý Lê Hà, người phụ trách tư vấn tâm lý về mảng tình cảm, tâm sinh lý tuổi trẻ và gia đình của đường dây điện thoại nóng 1088 cho biết, bà đã từng phải giải quyết rất nhiều ca khó xử liên quan đến chuyện hâm mộ thần tượng của [đa số] các cô cậu học trò.

Bà Hà kể có lần đường dây của bà bị một vị phụ huynh đòi kiện vì thấy số tiền điện thoại nhà ông gọi tới dịch vụ này tăng vọt tới mấy triệu đồng/tháng, mà theo ông gia đình ông không có ai có nhu cầu tư vấn tâm lý cả. Nhưng sau đó, mới phát hiện cô con gái cưng ngày nào cũng gọi tới đường dây này nấu cháo cả tiếng đồng hồ để hỏi han, tâm sự, và kể lể về thần tượng của cô, ca sĩ Đan Trường, thậm chí cô gọi đến 1088 chỉ để .. đòi được nghe Đan Trường hát, hoặc để sụt sùi tâm sự trút bỏ những bực dọc, ưu phiền khi thần tượng của cô gặp khó khăn trong công việc!

Một fan khác của Đan Trường cũng làm bà Lê Hà và đồng nghiệp ấn tượng sâu sắc vì liên tiếp gọi điện tới 1088 trong  1 năm liền để kể về anh trai Đan Trường của cô. Theo như cô bé nói, cô là em gái ruột của ca sĩ Đan Trường, và nhà cô rất giàu có, nhà lầu, xe hơi không thiếu thứ gì. Anh trai cô là ngôi sao còn cô cũng là đại tiểu thư, và anh Đan Trường rất chiều chuộng, yêu thương cô, đi đâu về cũng có quà và chiều chuộng em vô cùng.

Cô cũng phàn nàn với bà Hà rằng gia đình cô không hài lòng với việc quá nhiều fan nữ theo đuổi anh Trường. Có lúc lại chị Cẩm Ly rất thích anh Trường em, nhưng bố mẹ em không đồng ý, lúc lại ngồi vẽ cho các chuyên gia tư vấn nghe cả một thiên sử ca gia đình hạnh phúc và tình yêu bao la vô tận của anh Trường dành cho cô. Khi bà Hà hỏi, tại sao Đan Trường ở miền nam, mà em gái lại ở miền bắc, thì cô bé nói cô được gia đình gửi ra đây học tập và anh Trường của cô phải liên tục bay ra Hà Nội chơi với em gái!?

Sau gần một năm là khách quen của dịch vụ, một hôm vô tình một chuyên gia tư vấn lần theo số điện thoại của cô bé, mới khám phá được nhân thân của cô: bố sửa xe máy, còn mẹ bán thịt lợn tại một phố quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Từ đó cô em gái Đan Trường mới thôi đốt tiền gọi điện đến dịch vụ.

Ở tuổi vị thành niên, các em rất cần có nhu cầu tâm tình chia sẻ. Trong khi đó, các bậc cha mẹ lại vì nhiều lý do nên không dành thời gian cho các em. Nên các em tự dựng lên một thần tượng, một hình mẫu cho mình để tôn thờ và hướng theo. Bà Hà nói. Và hơn nữa, ở lứa tuổi vị thành niên dễ rung động, các cô cậu bé dễ bị rung cảm với những bài hát, ca từ về khát khao tình yêu đôi lứa. Đặc biệt thần tượng của các cô bé thường hát những bài hát tình yêu đau khổ hay yêu em trọn đời, các cô bé dễ tin đó là những lời chân thành thần tượng chỉ  dành cho riêng mình nên chạy theo. Bà Hà nói.

Bà Hà cho rằng trường hợp em gái Đan Trường cũng là do quá yêu thần tượng nên cô bé đã tự huyễn hoặc mình, đồng thời cũng mong muốn người khác chia sẻniềm hạnh phúc ấy. Bà Hà cho biết tâm lý, nhất là các em gái vị thành niên, rất dễ xúc động, cả tin, và dễ tổn thương.

Bản thân bà Hà cũng phải tư vấn vài ca liên quan đến các cô bé say mê anh Chánh Văn của báo Hoa Học Trò, mặc dù chưa bao giờ gặp anh cả. Các cô yêu thương và sẵn sàng bù đắp cho anh Văn chỉ vì đẹp trai và thông minh như anh ấy lại có một cô vợ bán cá đanh đá. Khi cố công tiếp cận được anh rồi, các cô mới phát hiện anh không như mình nghĩ, vậy là sụp đổ thần tượng, đau khổ và trên đời chẳng có gì đáng tin nữa.

Ai cũng "nuôi" một thần tượng!

Phóng to
Chị Linh Phương, Chuyên viên tư vấn tâm lý: thường những biểu hiện hâm mộ hay sụp đổ thái quá đương nhiên đều ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển và hình thành nhân cách.

Chị Linh Phương, Chuyên viên tư vấn tâm lý thuộc Trung tâm tư vấn Tuổi trẻ - Hạnh phúc  Kỹ năng cuộc sống, cũng cho biết thông tin về thần tượng cũng là một trong những nội dung các chị thường được hỏi.

Thôi thì đủ các loại thắc mắc: em gửi cho anh Lam Trường cả trăm lá thư rồi mà sao anh không trả lời? Chị có thể tư vấn làm sao để em có thể gặp riêng anh A, chị B  hay thậm chí làm sao để anh ấy  nhìn em một chút được không? Tại sao anh Hà Anh Tuấn trước đây nặng 80kg, giờ chỉ còn 65kg? Tại sao anh A yêu chị B, giờ lại thấy đi với chị C v.v và v.v

Trong phòng làm việc của chị Phương ngoài các tài liệu khoa học về tâm sinh lý, khoa học thường thức.. còn có các loại album, tài liệu về các ca sĩ, minh tinh đang "hot", thông tin về họ các chị cũng phải cập nhật hàng ngày để kịp giải tỏa bức xúc cho các cô cậu fan.

Vị thành niên là lứa tuổi rất quan trọng đánh dấu mốc trong cuộc đời, dễ biến đổi tâm sinh lý, và có những rung động đầu đời về giới. Các em gái dễ lý tưởng hóa một hình tượng nào đó, còn ở nam thì các em thích thể hiện mình. Chuyện đó hết sức bình thường, lúc tuổi trẻ ai cũng có thần tượng của riêng mình. Cha mẹ nên tôn trọng và chia sẻ với các em, đồng thời hướng cho các em tới những hoạt động lành mạnh khác. Lúc lứa tuổi bồng bột qua đi, tự các em sẽ tự buồn cười khi nhớ về sự hâm mộ si cuồng một thời của mình.

Những trường hợp như Dương Lệ Quyên là rất hiếm, và có thể coi là một biểu hiện bệnh lý. Cô ấy đã không tự kiểm soát và tự chủ được hành vi của mình, để sự việc đi quá xa. Bố mẹ cô ấy cũng là nạn nhân của tâm lý yêu chiều con quá đáng trong hội chứng con một của Trung Quốc, chị Phương nói.

Chị Phương cho rằng, thường những biểu hiện hâm mộ hay sụp đổ thái quá đương nhiên đều ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển và hình thành nhân cách. Nhưng những biểu hiện tiêu cực thường chỉ xảy ra với những người có đời sống tinh thần không được khỏe mạnh, không kiểm soát được hết mọi hành vi, hoặc đôi khi bị mê đắm thần tượng quá đáng không dứt ra được. Chị Phương kể khách hàng của chị cũng có một người đàn ông đã ở tuổi xế chiều vì quá say mê phát thanh viên Nhật Lệ của Đài truyền hình VN mà quyết tâm không lấy vợ, chỉ sống với hình ảnh thần tượng của anh là đủ.

ThS Phạm Mạnh Hà, Phó giám đốc TT Hỗ trợ và tư vấn tâm lý, khoa Tâm lý trường ĐH KHXH&NV, cho rằng hội chứng thần tượng là sản phẩm của đời sống công nghiệp. Những người mắc hội chứng này thường sống ở các thành phố, nơi con người có quá ít không gian và thời gian cho riêng mình, mọi người cần có gì đó cho riêng mình, và thần tượng sinh ra.

Thần tượng ở vị thành niên cũng là một sản phẩm công nghiệp khác, khi các em ở thành phố thường có tâm lý sành điệu, a dua, lây truyền, dễ chạy theo số đông. Những trường hợp thần tượng thái quá thường do bị cha mẹ buông lỏng. Ngay từ lúc các em có biểu hiện say mê một ai đó, cha mẹ nên tìm cách gần gũi định hướng cho các em ngay, để khi các em đã quá đắm đuối rồi sẽ rất khó xử lý. Đặc biệt sự can thiệp thô bạo của cha mẹ đôi khi sẽ nhận được sự phản kháng không mong muốn, thậm chí có những kết cục bi thảm không thể lường trước vì lứa tuổi này rất nhạy cảm, ThS Hà kết luận.

Chủ Đề