Dân số kế hoạch hóa gia đình 2023 năm 2024

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) luôn được các cấp, các ngành của tỉnh Yên Bái quan tâm thực hiện và xác định đây là một trong những giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong Chiến lược dân số giai đoạn 2021-2025 của tỉnh, nhiệm vụ này tiếp tục được chú trọng với những mục tiêu cao hơn nhằm nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo hạnh phúc cho mỗi gia đình, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược dân số của tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025, nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn tại hoặc mới phát sinh của tỉnh theo định hướng Chiến lược dân số đến năm 2030 của Chính phủ. Theo đó, từ năm 2021 - 2025, tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp hướng đến mục tiêu đưa nhanh mức sinh chung của tỉnh về mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; sẵn sàng thích ứng với già hóa dân số; nâng cao chất lượng dân số, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với mục tiêu cụ thể gồm: giai đoạn 2021 - 2025 tổng tỷ suất sinh hàng năm trung bình giảm 0,12 con/phụ nữ và tiến tới giai đoạn 2026 - 2030 duy trì mức sinh thay thế tổng tỷ suất sinh trên địa bàn toàn tỉnh đạt 2,15 con/phụ nữ, quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 900.000 người…

Năm 2023 là năm thứ 3 Yên Bái thực hiện Chiến lược DS giai đoạn 2021 - 2025, với những giải pháp đồng bộ, công tác DS-KHHGĐ tiếp tục có những chuyển biến tích cực, tạo được những đột phá mới. Từ tỉnh đến huyện, xã, từng tổ, thôn xóm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ. Các ngành thành viên Ban Chỉ đạo DS-KHHGĐ tỉnh đã thực hiện tốt cơ chế phối hợp liên ngành trong thực hiện công tác dân số, đặc biệt trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành và toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác DS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Các hoạt động truyền thông được thực hiện, truyền tải với nhiều hình thức phong phú mang lại hiệu quả cao. Ngoài tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng xã hội, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tổ chức 857 buổi hội nghị truyền thông chuyên đề với 11.214 người tham gia; tổ chức 958 buổi truyền thông lồng ghép hội nghị hội thảo với 23.833 lượt người tham gia; thực hiện 5.600 buổi truyền thông nhóm, truyền thông tại cộng đồng với 36.942 người tham gia; treo 301 băng rôn, khẩu hiệu, panô truyền thông; cấp phát 15.650 tờ rơi, sách mỏng, băng đĩa; tư vấn tại hộ gia đình cho 27.018 lượt người; tổ chức 526 buổi sinh hoạt câu lạc bộ với 10.951 lượt người tham gia; tổ chức 5.120 buổi sinh hoạt ngoại khoá tại trường học với 16.178 học sinh tham gia.

Ngoài ra, Chi cục cũng tổ chức chiến dịch tuyên truyền lồng ghép cung cấp dịch vụ KHHGĐ tại 158 xã, trong chiến dịch đã tổ chức 133 buổi nói chuyện chuyên đề với 6.270 người tham gia; 85 buổi sinh hoạt nhóm lượt với 3.732 người tham gia; tư vấn, truyền thông tại hộ cho 42.812 lượt người; làm mới 195 pa nô, khẩu hiệu, cấp phát 2.142 tài liệu, tờ rơi truyền thông… Theo đó, đặt dụng cụ tử cung được 5.352 ca, triệt sản 179 ca, thuốc tiêm tránh thai 977 người, sử dụng bao cao su 13.018 người, thuốc uống tránh thai 28.332 người….

Trong năm, Chi cục cũng đảm bảo 100% người dân tại các xã vùng III và thôn, bản đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ triệt sản, đặt dụng cụ tử cung, tiêm thuốc tránh thai miễn phí; 100% xã, phường, thị trấn duy trì các hoạt động can thiệp giảm thiểu cân bằng giới tính khi sinh, tỷ số giới tính khi sinh năm 2023 là 111 trẻ trai/100 trẻ gái, giảm 0,2 điểm phần trăm so với năm 2022.

Công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được ngành đặc biệt chú trọng. Toàn tỉnh duy trì 785 buổi sinh hoạt tại 215 câu lạc bộ người cao tuổi với 7.063 lượt người tham gia; số người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ 72.964 người, tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ là 74,1%, tăng 6,5% so với cùng kỳ góp phần từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng dân số...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác DS-KHHGĐ năm 2023 vẫn còn những tồn tại cần khắc phục. Theo đó, kết quả giảm sinh chưa vững chắc, tâm lý sinh con trai và mong có con trai trong gia đình vẫn còn, dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao 15,1%, tăng 1,3 điểm phần trăm so với năm 2022. Một số huyện tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn cao như: Mù Cang Chải 29,9%, Văn Chấn 23,4%, Trấn Yên 17,1%, Yên Bình 16,6%, Trạm Tấu 15,1%... Đó cũng là những hạn chế mà Yên Bái cần phải tiếp tục tìm ra những giải pháp phù hợp để công tác DS-KHHGĐ trong năm 2024 có những chuyển biến tích cực hơn để tỉnh sớm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong chiến lược dân số giai đoạn 2021-2025.

Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam năm 2023 với chủ đề "Tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước”, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong việc chuyển đổi hành vi về DS và phát triển trong tình hình mới.

Theo đó, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đẩy mạnh truyền thông trực tiếp tại cộng đồng thông qua các hoạt động tư vấn, sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt nhóm nhỏ, nói chuyện chuyên đề tại các khu dân cư; truyền thông trên nền tảng Internet, mạng xã hội; tiếp tục triển khai các hoạt động tư vấn, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và KHHGĐ tại trung tâm y tế cấp huyện và trạm y tế cấp xã; trong đó, đặc biệt chú trọng các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, sinh con 1 bề là gái, nam giới chủ hộ gia đình, vị thành niên và thanh niên, người có uy tín trong cộng đồng… Tổ chức tọa đàm, thảo luận nhóm, họp mặt biểu dương tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác dân số và các gia đình thực hiện tốt chính sách theo quy định.

Trong thời gian từ ngày 1-31/12, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền Nghị quyết số 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 và các chương trình, kế hoạch của Chính phủ, Bộ Y tế để thực hiện mục tiêu: giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, nâng cao chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, chú trọng tuyên truyền các nội dung về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước; đảm bảo duy trì mức sinh thay thế, ổn định quy mô dân số, nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình, tiến tới nâng cao chất lượng dân số, tạo điều kiện để mỗi người dân, mỗi gia đình và toàn xã hội có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.