Đánh giá thực hiện quy chế dân chủ cơ sở

6 tháng đầu năm 2023, các cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa thực hiện quy chế dân chủ [QCDC] ở cơ sở gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; chú trọng phát huy “Dân chủ” trong hoạt động của hệ thống chính trị và xã hội; quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt QCDC ở các loại hình cơ sở đạt được những kết quả nổi bật sau:

Việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn

Các cấp chính quyền cơ sở đã thực hiện công khai những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến Nhân dân và địa phương; thực hiện tốt quy chế phối hợp với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức thực hiện tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng quy định; đồng thời tiếp thu ý kiến góp ý của Nhân dân về công tác quản lý, điều hành, thái độ, phong cách làm việc của cán bộ, công chức tại đơn vị, giải quyết những vướng mắc, khó khăn, bức xúc cho Nhân dân, giúp cho người dân tiếp cận rộng rãi với các nguồn thông tin, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, tác động tích cực tới phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, đời sống; phòng chống quan liêu, tham nhũng; thực hiện có hiệu quả các phong trào đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà ở, xóa đói, giảm nghèo…

Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, phát huy hiệu quả hoạt động của bộ phận một cửa, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân, các tầng lớp nhân dân đến giao dịch, giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Đến nay 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thực hiện thủ tục hành chính “Một cửa”; kịp thời cập nhật, công khai đầy đủ, chi tiết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết, cung cấp đầy đủ thông tin về thủ tục hành chính, công khai phí và lệ phí, hướng dẫn cụ thể các bước thực hiện, thứ tự quy trình của từng hoạt động trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị và tại bộ phận một cửa các cấp. Đặc biệt chú trọng đến các thủ tục hành chính lĩnh vực chứng thực, xác nhận của chính quyền cấp xã, định danh điện tử…

Cán bộ bộ phận một cửa UBND huyện Hữu Lũng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân

Công tác đối thoại của cấp ủy, chính quyền với Nhân dân được thực hiện theo định kỳ và tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu chính quyền với Nhân dân được thực hiện hằng tháng để lắng nghe, tiếp thu ý kiến, kiến nghị, đề xuất cũng như tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Tổ chức cuộc họp hoặc phát phiếu tới cử tri, cử tri đại diện hộ gia đình theo địa bàn từng thôn, tổ dân phố; thông qua hòm thư góp ý để xin ý kiến nhân dân đối với: Các nội dung người dân được bàn và quyết định trực tiếp, biểu quyết để các cấp có thẩm quyền quyết định; các nội dung người dân được tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định theo quy định tại Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Khắc phục triệt để hiện tượng huy động các khoản đóng góp xã hội không dựa trên tinh thần tự nguyện; công khai, minh bạch các khoản đóng góp xã hội.

Ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng tiếp tục phát huy tốt vai trò giám sát hoạt động của UBND, tập trung vào giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện QCDC ở cơ sở, việc thực hiện các chương trình, dự án thuộc thẩm quyền… Kết quả, các ban thanh tra nhân dân đã giám sát được 83 cuộc, ban giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát được 95 cuộc.

Việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập

Ngay từ đầu năm, các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2023 theo quy định. Việc thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy đối với các cơ quan chuyên môn và các đơn vị sự nghiệp công lập, đồng thời thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đảm bảo hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tiễn, rà soát, triển khai sắp xếp, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy, biên chế theo hướng tinh gọn và giảm đầu mối tổ chức bên trong, loại bỏ những bất cập, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, từ năm 2015 đến nay, giảm 106 đơn vị sự nghiệp, tỷ lệ giảm 12,1%.

Người dân nhận kết quả hồ sơ TTHC tại quầy giao dịch Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh

Cán bộ Trung tâm PVHCC tỉnh hướng dẫn người dân nộp hồ sơ qua Cổng Dịch vụ công và Một cửa điện tử tỉnh

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách hành chính, xác định là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục ngay từ đầu năm 2023; UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức cập nhật và công khai các TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC tại Cổng dịch vụ công quốc gia, đồng thời đăng tải kịp thời lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh. Đã cung cấp 1.810 dịch vụ công, trong đó có 391 dịch vụ công mức độ 2; 420 dịch vụ công trực tuyến một phần; 999 dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Năm 2022, Chỉ số PCI Lạng Sơn xếp thứ 15/63 tỉnh, thành trong cả nước, tăng 21 bậc so với năm 2021, xếp thứ 5/14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc; Chỉ số PAPI đạt 43,85 điểm, xếp hạng 13/63 tỉnh, thành phố, nằm trong nhóm cao nhất [nhóm 15 tỉnh, thành phố có điểm số từ 43,51 trở lên]; Chỉ số PAR INDEX đạt 81,45%, xếp hạng 54/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số SIPAS đạt 75,44%, xếp hạng 59/63 tỉnh, thành phố. Hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tiếp tục được đánh giá cao và nhận được sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến đạt 75,06%.

Công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện đúng quy định, đúng thẩm quyền. Trong 6 tháng đầu năm 2023, các cơ quan hành chính trong tỉnh đã tiếp 1.670 lượt công dân đến kiến nghị, phản ánh, tiếp nhận 174 đơn khiếu nại, tố cáo, tăng 24,1% so với cùng kỳ, trong đó có 77 đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp, tăng 7,8%; đã giải quyết 62/77 đơn, đạt tỷ lệ 80,5%.

100% cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đã tổ chức hội nghị cán bộ công chức, viên chức; 100% công đoàn cơ sở đã bầu được ban thanh tra nhân dân theo quy định. Việc thực hiện nội quy, quy chế làm việc, ban hành các văn bản quy định nội dung quy chế dân chủ theo ngành, lĩnh vực quản lý được duy trì thực hiện hiệu quả, tạo ra cơ sở pháp lý để cán bộ, công chức, viên chức phát huy quyền làm chủ của mình trong việc tham gia quản lý hoạt động của cơ quan, đơn vị, đồng thời tiến hành rà soát, sửa đổi bổ sung các quy chế, quy định cho phù hợp với tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị.

Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc

Công đoàn cơ sở đã chủ động phối hợp với giám đốc doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động, thông qua hội nghị các doanh nghiệp thực hiện công khai phương hướng nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, phổ biến và thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động. Thường xuyên bổ sung, sửa đổi, các quy chế, quy định cho phù hợp với quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp. Xem xét, giải quyết kịp thời kiến nghị, đề xuất của người lao động... Hiện nay toàn tỉnh có 141 công đoàn cơ sở doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước và các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, trong đó tổng số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đủ điều kiện tổ chức hội nghị người lao động là 104 đơn vị [số đơn vị còn lại dưới 10 đoàn viên, người lao động không thuộc đối tượng tổ chức hội nghị người lao động hoặc đơn vị khó khăn tạm ngừng hoạt động]. Kết quả, số doanh nghiệp, đơn vị đã tổ chức được hội nghị người lao động là 95/104 đạt 91,3%; thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể là 97/104 đạt 93,3%; các doanh nghiệp đã tổ chức được 132 cuộc đối thoại định kỳ, đột xuất tại nơi làm việc. Việc thực hiện quy chế dân chủ đã tác động tích cực của đến sản xuất, kinh doanh, sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, dây chuyền sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng; vai trò kiểm tra giám sát của tổ chức Công đoàn được tăng cường.

Qua những kết quả đạt được trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nhận thức về dân chủ, thực hành dân chủ và kết quả thực hiện QCDC ở cơ sở tiếp tục được nâng lên; dân chủ trong Đảng, trong quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp tiếp tục đi vào thực chất hơn.

Thời gian tới, để việc thực hiện QCDC ở cơ sở bảo đảm thực chất, thiết thực, hiệu quả, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về dân chủ và thực hành dân chủ. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm quan tâm giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển.

Chủ Đề