Em hay kể những hành vi vi phạm đến tính mạng và sức khỏe của người khác

1. Đặt vấn đề

Tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người là những vốn quý không thể đánh đổi. Quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự là những quyền cơ bản, chính đáng và quan trọng nhất của mỗi con người. Chính vì vậy, quy định về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người là nội dung tất yếu trong pháp luật hình sự của các quốc gia trên thế giới. Trong lịch sử lập pháp hình sự Việt Nam, quy định về nhóm tội phạm nêu trên đã được ghi nhận ngay trong các bộ luật thời kỳ phong kiến. Qua quá trình phát triển của xã hội, quy định về các tội phạm này thường xuyên được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong từng thời kỳ.

Trong Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 [sau đây gọi tắt là Bộ luật Hình sự 2015], các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người có nhiều điểm mới so với quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 [sau đây gọi tắt là Bộ luật Hình sự 1999]. Những điểm mới trong quy định của Bộ luật hình sự 2015 đã góp phần đảm bảo quyền con người theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013; đáp ứng yêu cầu nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Về mặt lý luận cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật, chúng ta cần nhận thức rõ những điểm mới này.


2. Khái quát các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người trong Bộ luật hình sự 2015

Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người trong Bộ luật hình sự 2015 kế thừa phần lớn quy định của Bộ luật hình sự 1999. Để phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia, các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người trong Bộ luật hình sự 2015 có một số sửa đổi, bổ sung cơ bản sau đây:

Thứ nhất, về số lượng điều luật, Chương XIV của Bộ luật hình sự 2015 có 34 điều luật so với 30 điều luật trong Chương XII của Bộ luật hình sự 1999. Việc tăng thêm 04 điều luật là do Chương XIV của Bộ luật hình sự có 02 điều luật quy định về tội phạm mới [Điều 147. Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm và Điều 154. Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người] và 03 điều luật được tách từ 01 điều luật của Bộ luật hình sự 1999 [Điều 120. Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em ở Bộ luật hình sự 1999 được tách thành Điều 151. Tội mua bán người dưới 16 tuổi, Điều 152. Tội đánh tráo người dưới 01 tuổi, Điều 153. Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi của Bộ luật hình sự 2015]. Nhìn chung, việc tăng số lượng điều luật của Bộ luật hình sự qua các lần sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng Bộ luật hình sự mới là xu hướng tất yếu. Vì qua quá trình vận động, phát triển, biến đổi không ngừng của đời sống xã hội, sẽ có nhiều hành vi nguy hiểm cho xã hội mới phát sinh và cần thiết được quy định là tội phạm. Bên cạnh đó, với những điều luật quy định nhiều tội phạm mà tính chất nguy hiểm cho xã hội, đặc điểm hành vi, đối tượng tác động khác nhau thì cũng cần tách ra thành các điều luật riêng biệt để có chính sách xử lý cho phù hợp, cá thể hóa trách nhiệm hình sự một cách hợp lý.

Thứ hai, Chương XIV Bộ luật hình sự 2015 đã bổ sung một số tội phạm mới: Tội giết người do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội; Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội; Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm; Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người. Trong 04 tội phạm mới được bổ sung trên thì 02 tội phạm được quy định tại điều luật riêng là Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm [Điều 147], Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người [Điều 154]; 02 tội phạm còn lại được ghép vào các điều luật quy định về Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng [thành Điều 126. Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội] và Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng [thành Điều 136. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội]. Việc bổ sung các tội phạm nêu trên là phù hợp với đòi hỏi của xã hội; vừa đảm bảo yêu cầu đấu tranh phòng, chống các hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, vừa thể hiện tinh thần nhân đạo của Luật hình sự Việt Nam. Cụ thể:

- Đối với Tội giết người do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội [Điều 126] và Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội [Điều 136]: Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội [Điều 24] là một trong những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự mới được bổ sung trong quy định của Bộ luật hình sự 2015 bên cạnh các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự khác [1]. Ở trường hợp này, người thực hiện hành vi mặc dù đã gây ra những thiệt hại nhất định cho người bị bắt giữ nhưng mục đích thực hiện hành vi là để bắt giữ người phạm tội, ngăn chặn tội phạm, ngăn chặn người phạm tội bỏ trốn. Việc sử dụng vũ lực, gây thiệt hại cũng là biện pháp duy nhất để bắt người phạm tội. Chính vì vậy, nếu thiệt hại gây ra là cần thiết thì hành vi gây thiệt hại không bị coi là tội phạm, người thực hiện hành vi được loại trừ trách nhiệm hình sự [2]. Trong trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì hành vi sử dụng vũ lực gây thiệt hại có thể bị coi là tội phạm và người thực hiện hành vi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự [3]. Tuy nhiên, xuất phát từ động cơ, mục đích thực hiện hành vi [để bắt giữ người phạm tội, vì lợi ích chung của xã hội] nên tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi ít nguy hiểm hơn hẳn so với các hành vi giết người và cố ý gây thương tích thông thường. Cần phải có chính sách xử lý phù hợp, tương tự như quy định về Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Vì vậy, việc bổ sung thêm Tội giết người do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội và Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội là phù hợp với đòi hỏi của xã hội. Những quy định này cùng với quy định tại Điều 24 vừa có ý nghĩa tạo cơ sở pháp lý, khuyến khích người dân chủ động tham gia vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm; vừa tạo khuôn khổ pháp lý để tránh các hành vi vượt quá mức cần thiết, lạm dụng hoặc lợi dụng việc bắt người để gây thiệt hại cho người khác.

- Đối với Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm [Điều 147] và Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người [Điều 154]: Đây là những hành vi nguy hiểm cho xã hội ở mức độ đáng kể đã phát sinh và diễn biến phức tạp trên thực tế, để lại nhiều hậu quả đáng tiếc nhưng Bộ luật hình sự năm 1999 chưa có quy định điều chỉnh. Các hành vi lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi thoát y, khỏa thân, thực hiện các hoạt động mô tả hoạt động tình dục hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự, sự phát triển bình thường về thể chất, tâm sinh lý của người dưới 16 tuổi nhưng Tội dâm ô với trẻ em [Điều 117 Bộ luật hình sự 1999] chưa bao quát hết được các hành vi nêu trên. Tương tự, các hành vi mua bán, thậm chí là chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người [đặc biệt là mua bán thận, tinh trùng] đã diễn ra phổ biến, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống, thuần phong, mỹ tục nhưng cũng chưa được Bộ luật hình sự 1999 quy định. Vì vậy, việc bổ sung các tội phạm nêu trên trong quy định của Bộ luật hình sự 2015 góp phần ngăn chặn các hành vi xâm phạm sức khỏe, nhân phẩm của con người mới phát sinh.

Thứ ba, Bộ luật hình sự 2015 đã bổ sung điều khoản quy định về trường hợp chuẩn bị phạm tội đối với Tội giết người [Điều 123] và Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác [Điều 134]. Quy định mới này giúp cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người có tính khả thi cao hơn. Cụ thể:

Bộ luật hình sự 1999 quy định người chuẩn bị phạm tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định thực hiện [4]. Tuy nhiên, đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác [Điều 104 Bộ luật hình sự 1999] thì có thể là tội phạm ít nghiêm trọng [khoản 1], tội phạm nghiêm trọng [khoản 2], tội phạm rất nghiêm trọng [khoản 3] hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng [khoản 4]. Căn cứ để xác định tội phạm ở khoản nào của Điều 104 chủ yếu dựa vào tỷ lệ thương tật [hiện nay là tỷ lệ tổn thương cơ thể] [5]. Hay nói cách khác thì hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hay tội phạm đặc biệt nghiêm trọng chủ yếu phụ thuộc vào tỷ lệ thương tật. Trong khi đó, người mới có hành vi chuẩn bị cố ý gây thương tích thì hậu quả chưa xảy ra, chưa có tỷ lệ thương tật nên không thể xác định họ chuẩn bị phạm tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng hay tội đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chuẩn bị cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là không khả thi, hiệu quả đấu tranh phòng ngừa tội phạm không cao. Chính vì vậy, Điều 14 Bộ luật hình sự 2015 quy định theo hướng không cần xác định loại tội phạm [theo phân loại tội phạm tại Điều 9 Bộ luật hình sự 2015] định thực hiện mà chỉ cần xác định Điều luật được chuẩn bị thực hiện. Trong đó, đối với Chương các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người chỉ có 02 tội phạm phải chịu trách nhiệm hình sự ở giai đoạn chuẩn bị là Tội giết người [Điều 123] và Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác [[Điều 134] [6]. Để phù hợp với quy định tại Điều 14 về chuẩn bị phạm tội, Điều 123 và Điều 134 đều bổ sung thêm khoản quy định trách nhiệm hình sự cụ thể đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội [7].

Thứ tư, Bộ luật hình sự 2015 đã bổ sung hành vi “quan hệ tình dục khác” bên cạnh hành vi “giao cấu” đã được quy định từ trước trong các tội như Tội hiếp dâm [Điều 141], Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi [Điều 142], Tội cưỡng dâm [Điều 143], Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi [Điều 144] và Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi [Điều 145]. Việc bổ sung này là phù hợp với tình hình xã hội hiện nay. Đời sống xã hội phát triển kéo theo nhiều thay đổi trong cuộc sống của con người. Cách thức thỏa mãn tình dục của con người cũng có sự thay đổi, không chỉ “gói gọn” trong hành vi giao cấu mà còn có các hành vi quan hệ tình dục khác bằng tay, miệng, quan hệ tình dục giữa những người cùng giới tính… Những hành vi quan hệ tình dục khác này nếu được thực hiện trái với ý muốn người khác, thực hiện bằng việc sử dụng vũ lực, đe dọa, cưỡng ép, thực hiện với người dưới 16 tuổi… thì cũng có tính chất nguy hiểm cao cho xã hội, cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự, sức khỏe, tâm sinh lý của người khác và cũng cần thiết phải xử lý nghiêm để răn đe, ngăn chặn những thiệt hại cho xã hội. Hiện nay, khái niệm “hành vi quan hệ tình dục khác” đã được hướng dẫn khá chi tiết, cụ thể tại Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các Điều 141,142,143,144,145, 146, 147 của Bộ luật hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.

Thứ năm, Bộ luật hình sự 2015 đã sửa tên và nội dung một số tội danh theo hướng quy định cụ thể độ tuổi của nạn nhân, thay từ “trẻ em” bằng cụm từ “người dưới 16 tuổi” tại các điều luật: Điều 123 [Tội giết người], Điều 124 [Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ], Điều 127 [Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ], Điều 130 [Tội bức tử], Điều 133 [Tội đe dọa giết người], Điều 134 [Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác], Điều 137 [Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ], Điều 140 [Tội hành hạ người khác], Điều 141 [Tội hiếp dâm], Điều 142 [Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi], Điều 143 [Tội cưỡng dâm], Điều 144 [Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi], Điều 145 [Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi], Điều 146 [Tội dâm ô với người dưới 16 tuổi], Điều 147 [Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm], Điều 148 [Tội lây truyền HIV cho người khác], Điều 149 [Tội cố ý truyền HIV cho người khác], Điều 151 [Tội mua bán người dưới 16 tuổi], Điều 152 [Tội đánh tráo người dưới 01 tuổi], Điều 153 [Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi]. Việc thay đổi như trên mặc dù khiến cho tên và nội dung điều luật dài hơn nhưng lại giúp việc định tội, định khung hình phạt được rõ ràng và thuận tiện hơn. Mặt khác, việc thay từ “trẻ em” bằng cụm từ “người dưới 16 tuổi” còn giúp quy định của Bộ luật hình sự phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em [8] và không cần thay đổi cho dù Luật trẻ em có thay đổi độ tuổi đối tượng được xác định là trẻ em [9].

Bên cạnh những điểm mới cơ bản nêu trên thì Chương các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người còn nhiều điểm mới cụ thể khác như: Bổ sung hình phạt tiền là hình phạt chính đối với một số tội gây thương tích tại các Điều 135, 136, 138, 139; sửa đổi chính sách xử lý hình sự đối với hành vi giao cấu với người dưới 13 tuổi; sửa đổi quy định về Tội mua bán người [Điều 150] và Tội mua bán người dưới 16 tuổi [Điều 151] để phù hợp với yêu cầu của thực tế; thay thế cụm từ “tỷ lệ thương tật” thành “tỷ lệ tổn thương cơ thể” để phù hợp với các văn bản chuyên ngành; phân hóa tỷ lệ tổn thương cơ thể trong một số tội xâm phạm sức khỏe thành các mức độ khác nhau tương ứng với các khung hình phạt khác nhau; bổ sung thêm dấu hiệu định khung tăng nặng “gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân” trong các Điều 141, 142, 143, 144…                                                                                                                                                                                                                        

                                                                                                                                                 Phạm Xuân Thuỵ - K2 – T04

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Xem Chương IV Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

2. Xem khoản 1, Điều 24 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

3. Xem khoản 2, Điều 24 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

4. Xem Điều 17 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009.

5. Xem Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009.

6. Xem khoản 2 Điều 14 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

7. Xem khoản 3 Điều 123, khoản 6 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

8. Xem Điều 1, Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989.

9. Mặc dù hiện nay Điều 1 Luật trẻ em 2016 vẫn quy định trẻ em là người “dưới 16 tuổi” nhưng có nhiều quan điểm cho rằng cần nâng độ tuổi của đối tượng được coi là trẻ em lên “dưới 18 tuổi” như quy định của Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989.

Video liên quan

Chủ Đề