Hạ Vi Ông ngoại tuổi 30

Ông ngoại tuổi 30 xoay quanh chàng phát thanh viên điển trai nổi tiếng Sơn Huy (Trịnh Thăng Bình). Ở tuổi 30, Sơn Huy có được cuộc sống đáng mơ ước với sự nghiệp ổn định, nhà cửa sang trọng, có người yêu xinh đẹp và nóng bỏng… Cho đến một ngày, cuộc sống mỹ mãn đó bị xáo trộn khi một cô gái trẻ đem theo cậu con trai nhỏ đến nhận anh là cha.

Hạ Vi Ông ngoại tuổi 30

Ông Ngoại Tuổi 30 là tựa phim tiếp theo của Hàn Quốc được các nhà làm phim Việt remake. Từng là cơn sốt không nhỏ của điện ảnh Hàn, tuy nhiên phiên bản Việt của bộ phim này lại không tạo được nhiều ấn tượng với khán giả, đặc biệt là khi những diễn viên trong phim đều chưa có nhiều kinh nghiệm với màn ảnh rộng.

Phim hài không có nghĩa là phải diễn lố

Rất tiếc, hạt sạn to nhất của Ông Ngoại Tuổi 30 lại là diễn xuất dàn diễn viên, từ chính tới phụ. Trịnh Thăng Bình có thể từng gây cười với nhiều khán giả qua những màn ứng tác trong Ơn giời, cậu đây rồi hoặc một vài chương trình truyền hình khác, nhưng điện ảnh là một kiểu diễn xuất khác hẳn và vai diễn Sơn Huy giống như chiếc áo quá rộng với anh.

Có thể đồng ý khi nói rằng một bộ phim được làm theo thể loại hài hước thì đạo diễn hay diễn viên sẽ có quyền “lố” một chút. Nhưng sẽ không khó để nhận ra diễn xuất của Trịnh Thăng Bình trong phim này đã có phần quá “lố”. Với kỹ thuật diễn xuất sơ đẳng, Thăng Bình không ít lần khiến người xem thấy gờn gợn, thậm chí khó chịu vì những biểu cảm bề nổi và thiếu logic, vì dụ như trong phân đoạn Sơn Huy phải đối mặt với sự xuất hiện của hai mẹ con Lê Dung – Mi Trần.

Trong phân đoạn này, diễn xuất của Thăng Bình cộng hưởng với sự dàn dựng không hợp lý và cách dựng phim rời rạc đã khiến cho mọi thứ trên màn ảnh diễn ra một cách bát nháo, quá kịch và tệ hơn là chẳng hề hài hước chút nào. Dù vậy, đây chỉ là một trong những phân đoạn rất kịch của phim, khiến khán giả dần mất phương hướng, không biết logic của các nhân vật trong phim nằm ở chỗ nào.

Hạ Vi Ông ngoại tuổi 30

Dàn diễn viên không có điểm sáng

Nếu như một số bộ phim Việt khác có thể châm chước được khi diễn xuất của một ai đó trong dàn diễn viên thì với Ông Ngoại Tuổi 30, việc này lại trở nên quá khó bởi cả dàn diễn viên đều chỉ dừng ở mức diễn xuất bề nổi. Trịnh Thăng Bình, như đã nêu ở trên, diễn xuất quá lố và vụng về, thì Kiều Trinh lại hời hợt, biểu cảm đơn điệu và ngay cả phân đoạn cao trào nhất của cô cũng không thể chiếm được cảm tình của khán giả.

Hạ Vi Ông ngoại tuổi 30

Hạ Vi vốn chẳng phải nhân vật được kỳ vọng nhiều sau những biểu cảm “đơ có thương hiệu” trong Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể. Tuy nhiên, đây lại là trường hợp có thể thông cảm được khi vai trò của cô trong phim cũng không nhiều đất diễn. Dù vậy, khán giả vẫn tưởng rằng với bộ phim điện ảnh thứ hai, Hạ Vi sẽ chứng tỏ nhiều hơn trong sự nghiệp diễn xuất, nếu như vậy thì hẳn nhiều người đã được một phen thất vọng, vì Hạ Vi vẫn chỉ là một người đẹp mà thôi.

Tuy nhiên, nhân vật gây bực nhất hẳn sẽ được trao cho vai diễn đầu tay của Lou Hoàng. Bản thân vai diễn này đã là một nhân vật rất khó chịu, hành động nông nổi và vô lối. Nhưng sự rời rạc trong hành động, không theo logic tâm lý nào, kèm theo diễn xuất chỉ có nhăn nhó và tức giận của anh chàng ca sĩ đã làm cho vai diễn trở nên “không thể yêu nổi”. Rõ ràng trong toàn bộ dàn diễn viên chính lẫn thứ của phim, đạo diễn đã không cho khán giả lý do để yêu thương một nhân vật nào, chỉ bởi sự thiếu chiều sâu tâm lý của họ. Từ việc các nhân vật rất phi logic và khó tin, sự thiếu chân thực của phim sẽ hiện rõ, từ đó mà phim trở nên kém hấp dẫn, đây là điều không thể tránh khỏi.

Hạ Vi Ông ngoại tuổi 30

Trào lưu remake phim Hàn ngày càng trở nên rầm rộ hơn khi không chỉ điện ảnh mà dòng phim truyền hình cũng đang đi theo những kịch bản có sẵn của điện ảnh nước bạn. Không thể phủ nhận rằng kịch bản phim của Hàn Quốc luôn được đánh giá cao, từ ý tưởng tới cách khai thác. Nhưng nói vậy, không có nghĩa là các nhà làm phim cứ tha hồ remake scene-by-scene (copy từng cảnh quay) mà chẳng cần lo về vấn đề gì khác.

Khách quan mà nói, kịch bản của Ông Ngoại Tuổi 30 có một ý tưởng độc đáo và cách xây dựng rất chỉn chu, hấp dẫn. Phiên bản Việt đã có thể là một tác phẩm chấp nhận được nếu như đạo diễn khéo léo hơn, xây dựng một câu chuyện thuần Việt hơn, và đặc biệt là chăm chút cho tác phẩm kỹ lưỡng hơn. Những mối dựng rời rạc, tương tác giữa các diễn viên gượng ép, lồng tiếng bị giả, và nhiều lý do không đầu không cuối khác, có thể không cái nào nghiêm trọng nhưng khi kết hợp lại có thể giết chết một tác phẩm.

Nói như vậy để thấy rằng, không phải cứ có kịch bản hay sẽ có phim hay. Bởi kịch bản là của biên kịch nhưng phim là của cả ê-kíp. Với Ông Ngoại Tuổi 30, điểm trừ lớn nhất có lẽ phải dành cho đạo diễn – người cầm cân nảy mực, quyết định tác phẩm của mình sẽ thành hình hài ra sao. Vậy phải chăng, trước khi remake một tác phẩm nước ngoài, đạo diễn và các nhà sản xuất nên dành một phút lắng lại để suy nghĩ?