Hướng dẫn sinh hoạt chuyên đề năm 2024

Sinh hoạt chi bộ và sinh hoạt chuyên đề trong chi bộ là một nội dung quan trọng không thể thiếu trong công tác nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, được Ban chấp hành Trung ương quy định tại Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 30-3-2007, Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn tại Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 6-7-2018 và Ban Tổ chức Thành ủy Hải Phòng hướng dẫn tại Hướng dẫn số 09-HD/BTCTU, ngày 09/5/2019 về một số vấn đề nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ tại Đảng bộ thành phố Hải Phòng. Theo đó Ban Thường vụ Huyện ủy Kiến Thụy đã ban hành Hướng dẫn số 16 về một số vấn đề nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ tại Đảng bộ huyện. Trong đó, yêu cầu “không tổ chức sinh hoạt chuyên môn lồng ghép với sinh hoạt chi bộ. Việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề không thay thế sinh hoạt chi bộ thường kỳ. Nếu chi bộ khó khăn về thời gian, địa điểm có thể kết hợp sinh hoạt chuyên đề với sinh hoạt chi bộ thường kỳ trong cùng một buổi, nhưng phải thực hiện lần lượt, sinh hoạt thường kỳ xong mới sinh hoạt chuyên đề hoặc ngược lại”.

Căn cứ vào các văn bản hướng dẫn trên đây, Thường trực Huyện ủy Kiến Thụy chỉ đạo các cấp ủy cơ sở quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn các chi bộ trực thuộc đảng ủy chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ định kì hàng tháng và sinh hoạt chuyên đề theo quy định 3 tháng/lần. Đồng thời phân công 9 thành viên trong Ban chỉ đạo và 35 thành viên trong Tổ giúp việc thực hiện Chỉ thị số 10 về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, luân phiên dự sinh hoạt với tất cả các chi bộ tại các thôn, tổ dân phố, trường học, chi bộ cơ quan hành chính.

Thông qua công tác dự sinh hoạt chi bộ định kì, chúng tôi thấy hầu hết các chi bộ hiện nay đều nắm chắc các quy trình, các bước trong nội dung sinh hoạt theo đúng hướng dẫn. Nội dung sinh hoạt chi bộ đã thể hiện được sự lãnh đạo của chi bộ và vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, cải cách thủ tục hành chính, công tác chính trị, tư tưởng, công tác tổ chức cán bộ, công tác đoàn thể; thực hiện các quy định, quy chế, nội quy của cơ quan, đơn vị; tiến độ và chất lượng thực hiện các nhiệm vụ được giao, việc triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, việc ứng dụng khoa học kĩ thuật vào phát triển sản xuất, chăn nuôi, xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng, xóa đói, giảm nghèo, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong quản lý đất đai, quản lý trật tự, xây dựng, công tác bồi dưỡng, giúp đỡ quần chúng, tạo nguồn phát triển đảng viên và việc quản lý đảng viên đi làm ăn xa…

Đa số các bí thư chi bộ đã thể hiện được vai trò của mình trong điều hành buổi sinh hoạt chi bộ, tạo điều kiện để các đảng viên trao đổi thẳng thắn, dân chủ, cởi mở, có trách nhiệm trong việc thực hiện nghị quyết của chi bộ. Nhiều chi bộ đã sáng tạo trong phương pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào sinh hoạt chi bộ để đảng viên tiếp cận tài liệu, thông tin để phục vụ cho nhiệm vụ công tác, nghiên cứu, học tập của đảng viên ngày càng cao theo hướng thuận tiện, linh hoạt, tiết kiệm thời gian, chi phí trong hoạt động của cơ quan, đơn vị. Nhất là phần nội dung sinh hoạt tư tưởng. Các thông tin từ cuốn Thông tin Sinh hoạt Chi bộ của Ban Tuyên giáo Thành ủy và Ban Tuyên giáo Huyện ủy được các đồng chí bí thư cấp ủy gửi vào nhóm zalo của các đảng viên để nghiên cứu, nắm bắt trước khi tổ chức buổi sinh hoạt. Hoặc có nội dung mà cuộc họp tới cần thảo luận kĩ, các đồng chí trong chi ủy, chi bộ cũng gửi trước để các đảng viên nghiên cứu, thảo luận và cho ý kiến. Như vậy, với cách làm sáng tạo này, nhiều vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống nhân dân được bàn bạc kĩ càng và hiệu quả cao mà lại mất ít thời gian nghiên cứu thảo luận.

Ví dụ chi bộ thôn Văn Hòa, xã Hữu Bằng đưa ra nội dung: “Huy động mọi nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”. Trong đó, bí thư chi bộ trao đổi cụ thể về chủ trương xây dựng các tuyến đường trục thôn, tuyến đường trục xã, rất cần sự ủng hộ cao của mọi gia đình. Qua đó, nhiều đảng viên nắm được tinh thần chủ trương chung của Đảng, Nhà nước, bàn bạc thảo luận sôi nổi trên zalo rồi đi đến thống nhất cao về việc vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân sẵn sàng hiến đất. Từ đó, lan tỏa tinh thần cống hiến sức người sức của cho công cuộc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, tiếp thêm sức mạnh và tạo động lực cho hộ gia đình đã hiến nhiều lần để mở rộng đường mà vẫn tiếp tục hiến đất mặt đường có giá trị. Thậm chí có hộ đã hiến từ 30-45m2 đất, trị giá đến gần 500 triệu đồng.

Nhiều chi bộ đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ kính yêu vào sinh hoạt chi bộ, với các hình thức đa dạng, phong phú phù hợp với đặc thù từng chi bộ để các đảng viên không thấy nhàm chán, không nói suông mà được cụ thể hóa thành các công việc, việc làm thiết thực tại cơ quan, đơn vị, chi bộ mình. Có chi bộ còn dự thảo sớm các báo cáo, nghị quyết của chi bộ, gửi các đảng viên qua nhóm zalo để có thời gian nghiên cứu và đóng góp ý kiến vào buổi sinh hoạt chi bộ hôm sau. Bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin này, việc triển khai các chỉ thị nghị quyết của cấp trên cũng được đơn giản hóa hơn so với trước rất nhiều.

Tuy nhiên, không phải chi bộ nào cũng ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong sinh hoạt chi bộ. Bởi có những đảng viên tuổi cao, có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống thì mắt kém, ít tiếp xúc với mạng xã hội hoặc không biết sử dụng điện thoại thông minh và khó khăn trong việc tiếp nhận thông tin nên việc triển khai cũng được linh hoạt có thể gửi trước những thông tin bằng bản giấy, có thể gặp gỡ trao đổi trực tiếp những vấn đề chưa được thống nhất, để bàn bạc phướng hướng giải quyết sao cho phù hợp nhất.

Riêng đối với sinh hoạt chuyên đề, các chi bộ căn cứ vào các chỉ thị, nghị quyết và định hướng của cấp trên, tình hình, đặc điểm của chi bộ, mỗi quý ít nhất một lần chi bộ tổ chức sinh hoạt theo các nhóm vấn đề như: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, về giải pháp nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên, về nâng cao chất lượng học tập các nghị quyết của Đảng, về các giải pháp khắc phục, sửa chữa các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong chi bộ, về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu, xa dân, về xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch…

Ví dụ chi bộ 2, Trường Trung học Phổ thông Kiến Thụy thì chọn 4 nội dung chuyên đề cho cả 4 quý sau đó xin ý kiến các đồng chí trong chi ủy. Đến kì sinh hoạt, bí thư chi bộ gửi cho đảng viên trước từ 3-5 ngày để các đảng viên nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến phát biểu. Mỗi nội dung chuyên đề đều gắn với nâng cao chất lượng giảng dạy học sinh giỏi cấp thành phố và quốc gia, xây dựng chuẩn mực đạo đức cho giáo viên và học sinh, hoặc nâng cao chất lượng tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp đảng cho học sinh ưu tú…

Về dự sinh hoạt cùng chi bộ, chúng tôi thấy không khí cởi mở, thân thiện, gần gũi từ người bí thư chi bộ với các đảng viên. Các đảng viên đã chuẩn bị kĩ nội dung, phát biểu thảo luận trọng tâm, trọng điểm, nêu rõ nhận thức của cá nhân đối với chuyên đề và tác dụng của chuyên đề đối với bản thân; liên hệ từ chi bộ mình và trao đổi, đóng góp ý kiến để hoàn thiện dự thảo chuyên đề. Mỗi chuyên đề của Chi bộ 2- Trường THPT Kiến Thụy thực sự là đợt sinh hoạt chính trị bổ ích, đảng viên có cảm giác hào hứng khi được đóng góp trí tuệ của mình vào nội dung của chuyên đề được triển khai.

Tuy nhiên, không phải chi bộ nào cũng lựa chọn được những nội dung hay và thiết thực như vậy. Có những chi bộ vẫn còn chọn những nội dung chưa sát với tình hình thực tiễn, hoặc có chuẩn bị thì nội dung cũng sơ sài. Thậm chí có những chi bộ còn ngại tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, cả năm cũng chỉ tổ chức được 1-2 buổi với lí do “khó chọn được nội dung nào phù hợp”. Đây là tình hình chung của nhiều đảng bộ trên địa bàn thành phố.

Vậy để nâng cao hơn nữa chất lượng sinh hoạt chuyên đề, trước hết cấp ủy cấp trên phải phân công cấp ủy viên thường xuyên dự, giám sát, hướng dẫn các chi bộ thực hiện sinh hoạt chuyên đề. Việc chuẩn bị các nội dung sinh hoạt chuyên đề cần thiết thực với yêu cầu nhiệm vụ của chi bộ, đồng thời đảm bảo chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ các nội dung của báo cáo đề dẫn. Thứ hai, cần phát huy tính dân chủ, nâng cao tinh thần, trách nhiệm thực hiện tự phê bình và phê bình của đảng viên trong việc tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến trong sinh hoạt chuyên đề, nhất là đánh giá những hạn chế, tìm ra nguyên nhân và giải pháp để khắc phục, trên tinh thần xây dựng, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật đảng, xây dựng đoàn kết, thống nhất cao trong chi bộ. Đảm bảo các ý kiến đưa ra được thảo luận kỹ nhất là các ý kiến trái chiều. Thứ ba, thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy; quan tâm bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ công tác đảng, cách thức, nội dung sinh hoạt chi bộ nói chung và sinh hoạt chuyên đề nói riêng, đảm bảo các bí thư cấp ủy được cập nhật các kiến thức mới, các kĩ năng điều hành trong sinh hoạt chi bộ định kì và sinh hoạt chuyên đề theo đúng các hướng dẫn của Trung ương và Thành ủy./.

Chủ Đề