Hỷ xả có nghĩa là gì

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Từ Bi Hỷ Xả là 4 đức tính tiềm tàng trong lòng mỗi con người. Dù bạn giàu sang phú quý hay nghèo khổ cơ hàn, dù thông minh trí tuệ hay đần độn ngu dốt, xinh hay xấu, cao hay thấp, mạnh mẽ hay yếu đuối,...thì tứ vô lượng tâm vẫn luôn tồn tại sẵn trong lòng chúng ta.

Những ai mà phát triển được tứ vô lượng tâm trong lòng mình thì người ấy đã tạo ra được trạng thái tinh thần hài hòa và bình thản giữa mình và nhân loại, hòa mình được vào vạn vật.

Chính nhờ từ bi hỷ xả mà con người có thể gọi là văn minh. Từ bi hỷ xả là phần tinh túy cao cả nhất trong tâm hồn mỗi con người. Tâm hồn ta có được sự thanh khiết ấy một phần cũng là do tứ vô lượng tâm mà ra.

Từ Bi Hỷ Xả là 4 đức tính tiềm tàng trong lòng mỗi con người

Mặc dù vậy, nhưng ta phải cố công tìm mới gặp được và tìm được rồi thì ta phải thực hành nó, phải vun đắp để cho nó phát triển. Trong đời có kẻ bỏ công sức đi tìm vàng ngọc. Đành rằng trong đất trời luôn có sẵn như thứ ấy nhưng không phải lúc nào cũng tìm được. Con người phải cố công đào sâu moi xới thì mới có thể gặp được. Cũng tương tự như vậy, trong lòng ta có sẵn tứ vô lượng tâm, nhưng nếu ta cứ để bị tham lam sân si oán hận che lấp thì cả đời ta cũng không thể gặp được. 

Tìm vàng ắt phải đào đất, tìm tứ vô lượng tâm ắt phải vứt bỏ đi tham lam sân si. Rồi một ngày kia ta cũng sẽ trở nên "giàu có" nhờ tích đủ lòng từ bi hỷ xả. Thứ của cải này sẽ mang đến cho ta một sức mạnh phi thường, lại không ai có thể cướp đoạt đi nó.

Nhưng phải làm thế nào để tìm ra tứ vô lượng tâm? Đào đất tìm vàng phải dùng dụng cụ sắc bén. Vậy đào xới tâm hồn để tìm từ bi hỷ xả thì phải dùng cái gì? Đức Phật dạy rằng, để tìm ra tứ vô lượng tâm trong tâm hồn, chúng ta cần phải cố gắng thật nhiều, cố gắng đừng tham lam dục vọng, số gắng đừng say mê tiền tài, cố gắng diệt tận những tư tưởng ganh tỵ, oán hờn, sân si, cố gắng không để cho sự lười biếng xâm chiếm, cố gắng vượt qua mọi lo âu, hoài nghi, khổ sở,...

Tham dục, sân hận, lười biếng, lo âu, phiền não, hoài nghi,... đều là những thứ liên tục chi phối tâm ta và làm cho tâm ta luôn giao động. Những chướng ngại vật này khiến cho tâm ta không thể nào thanh tịnh được, khiến ta có thể nhận thức được chân tướng của sự vật. Và vì không hiểu được chân lý vô thường trong vũ trụ mà chúng ta mới đâm ra tham lam, sầu muộn, ghen ghét, đố kỵ,.... Vì như vậy mà ta mới không thể tiến đến trạng thái trong sạch.

Từ bi hỷ xả hiểu như thế nào?

Tâm từ

Là một trạng thái mở rộng tấm lòng bao dung, yêu thương với tất cả sự vật, con người xung quanh mình. Như vậy, người có lòng từ sẽ nhìn thế giới xung quanh bằng một tinh thần bao la bác ái, dễ đón nhận và hòa mình với mọi vật. Nhìn thấy một người làm sai, làm điều không phải, với một người có lòng từ, họ không trách móc, phê phán, chê bai mà ngược lại họ lại sẽ đi tìm hiểu để biết được nguyên nhân của sự việc.

Tâm từ là một trạng thái mở rộng tấm lòng bao dung, yêu thương với tất cả sự vật, con người xung quanh mình

Tâm từ thể hiện đến đâu thì mang đến đó một xúc cảm nhẹ nhàng, êm dịu, chan hòa, ấm áp môi trường xung quanh mình. Khi tâm từ xuất hiện thì đương nhiên tâm sân hận sẽ giảm hoặc mất đi, những ác ý, thù oán sẽ không phát sinh. Tâm từ ở đây là nói đến lòng yêu thương về tinh thần chứ không phải tình yêu vật chất, tình yêu xác thịt, tình yêu vì một mối nhân duyên thâm tình nào.

Nhưng theo tinh thần của Đạo Phật, Tâm Từ đối với xung quanh như thế nào thì cũng đối với chính bản thân mình như thế đó. Lo lắng mọi người vì lòng từ ái mà quên đi bản thân, để rồi bản thân mình không được khoẻ mạnh cả về vật chất lẫn tinh thần thì ấy là hiểu sai Tâm Từ của nhà Phật. Chúng ta phải hiểu nhà Phật muốn nói đến tâm từ ở đây là dùng sự sáng suốt của lý trí mà thể hiện lòng từ với mọi chúng sinh một cách đúng nhất theo thời gian, không gian và tâm đạo. Đó là ý nghĩa của Tâm Từ.

Tâm Bi

Là một trạng thái thương xót, rung động cho những chúng sinh đang bị phiền não, u sầu. Khi nói đến Tâm bi, người ta thường nghĩ ngay đến việc thương xót những người nghèo hèn, bần cùng, cơ cực hay những người đang đau khổ. Điều đó cũng đúng nhưng đó không phải là “Lòng Bi” theo tinh thần nhà Phật. Tâm Bi mà nhà Phật muốn nói đến là “Tâm Bi Mẫn”. Việc thể hiện tấm lòng thương xót chúng sinh hữu tình và vô tình cần phải dùng sự sáng suốt bằng lý trí mà thể hiện.

Tâm Bi là một trạng thái thương xót, rung động cho những chúng sinh đang bị phiền não, u sầu

Không phải nhìn thấy cảnh đau khổ rồi thương xót, thể hiện lòng bi ai rồi tâm mình cùng đau khổ, cùng bệnh theo họ thì như vậy là hại người hại ta. Thương xót họ, đồng cảm với phiền não của họ, và vì Lòng Bi Mẫn của nhà Phật mà giúp họ một cách sáng suốt để thoát khỏi phiền não. Đồng cảm với đau khổ của chúng sanh nhưng tâm phải được thanh tịnh, tâm không bị cấu nhiễm bởi sự phiền lụy thì đó mới chính là sự Bi Mẫn mà nhà Phật muốn nói đến. 

Tại sao Tâm Từ và Tâm Bi thường đi liền với nhau? Cơ bản vì Tâm Bi làm nhân và Tâm Từ làm Quả nên chúng thường đi liền với nhau. Nhờ có tâm bi làm nhân tâm thương xót, khi gặp phải hoàn cảnh hoặc sự việc phiền não liền khởi lên lòng bao dung và thông cảm cho chúng sinh xung quanh. Người ta gọi chung quy lại là Tâm Từ Bi.

Tâm Hỷ

Là một trạng thái vui vẻ, hoan hỷ, lạc quan khi thấy chúng sinh xung quanh gặp được nhiều điều may mắn, gặp thiện nghiệp, cuộc sống an lạc hoặc thấy chúng sinh đang hướng thiện, hướng đến Tam bảo và giải thoát. Người có tâm hỷ, họ cùng hòa mình vào niềm vui chung của mọi người, hoặc thậm chí luôn mang trong tâm một trạng thái làm thế nào mọi người luôn luôn được vui vẻ và đương nhiên trong đó cũng có mình theo tinh thần tự lợi – lợi tha.

Tâm hỷ luôn tạo ra một không gian/một trạng thái lạc quan, họ luôn nghĩ đến mặt tốt của sự việc trong mọi lúc mọi nơi cho dù bóng tối có vây quanh. Do Tâm hỷ là sự vận hành lý trí tâm bên trong nội tại, nên Tâm hỷ hoàn toàn độc lập và không bị kiểm soát bởi những tác động bên ngoài.

Tâm Hỷ là một trạng thái vui vẻ, hoan hỷ, lạc quan khi thấy chúng sinh xung quanh gặp được nhiều điều may mắn

Tuy nhiên, để có được Tâm hỷ thì vô cùng khó. Người có tâm Hỷ phải luôn luôn chủ động dùng lý trí và sự sáng suốt của Giáo lý nhà Phật mà nhìn mọi sự vật xung quanh bằng con mắt lạc quan, hoan hỷ cho dù mọi chuyện có tệ đến thế nào đi chăng nữa. Đó mới chính là Tâm hỷ Lạc thật sự mà theo nghĩa của nhà Phật.

Tâm Xả

Là một trạng thái hành động/suy nghĩ muốn buông bỏ hết những phiền não, những thứ không tốt, những bóng tối của chính Mình và cả của những người xung quanh mình đang gặp phải. Mọi người trước giờ vẫn suy nghĩ rằng Tâm xả là chỉ đơn thuần buông bỏ hết mọi thứ xung quanh thì đã coi như xả, không quan tâm đến nữa.

Như vậy là hiểu sai tinh thần Phật đạo rồi. Xả bỏ ở đây không phải là buông bỏ hết, không màng đến, như thế khác gì một kẻ lãnh đạm. Nói đến tâm xả ở đây chính là loại bỏ khỏi tâm mình những tạp niệm, những suy nghĩ trói buộc, phiền não gây hại cho mình, cho người, giúp cho mình và người khác được sống an lạc hơn. Bởi thế, theo đúng tinh thần tự lợi – lợi tha, Tâm xả nhiều khi được vận dụng không chỉ vì lợi cho mình mà xả nhưng đôi khi vì lợi cho người mà chúng ta cũng phải xả.

Từ Bi Hỷ Xả là bốn tâm trạng mà người phật tử phải đạt được bằng cách chiến thắng được các chướng ngại trong cuộc sống như tham dục, sân hận, lười biếng, phiền não và hoài nghi. Và nếu muốn tu thành công Tứ vô luợng tâm, người phật tử cũng phải vứt bỏ đi những thứ đang đè nặng tâm ta đó là tham, sân, si. Như vậy nó mới đem ta đến nơi thanh tịnh, không còn ngã chấp.

Hỉ xả là dù có chúng sanh làm những điều tội ác, vong ân, khinh hủy, hiểm độc, tổn hại cho người hoặc cho mình, cũng an nhẫn vui vẻ mà bỏ qua. Lòng hỉ xả giải được chướng hận thù báo phục.

Hỉ xả là gì

Vì sao chúng ta nên dùng tâm hỉ xả

Tổ Thiền Tâm bảo: “Khi bị người khinh báng mưu hại, nên dùng tâm hỉ xả mà an nhẫn. Đừng tìm cách biện minh chống trái. Ví như tờ giấy trắng bị vết mực làm lem, cứ để yên, nó chỉ dơ một chỗ đó rồi lần lần phai nhạt; Nếu lấy đồ lau chùi, tất sẽ hoen ố cả toàn diện. Luận Niệm Phật Bảo Vương Tam Muội nói: “Bị oan ức chớ cầu biện minh, nếu biện minh tất oán hận càng sanh.” Bởi người đã cố tâm nói xấu, ta biện minh tức là cho kẻ đó nói sai. Kẻ ấy dĩ nhiên sẽ sanh sự oán thù tranh cãi. Mà khi đã tranh cãi nhau sai hay đúng đâu còn ý nghĩa gì ngoài thù hận?

Thông thường, người mới tu hay thấy mình phải kẻ khác quấy. Người tu hơi lâu, thấy mình và kẻ khác đều có phải có quấy. Người tu càng lâu, duy chỉ thấy mình quấy. Tại sao thế? Bởi khi việc khinh báng xảy ra, nếu hiện tại mình không sai quấy tất kiếp trước cũng lỗi lầm, nên đời nay phải chịu quả. Giả sử kiếp trước ta không có biệt nghiệp trực tiếp gây nên lỗi, thì cũng do cộng nghiệp tội ác, mới đồng sanh trong cõi ngũ trược này.

“Đã mang lấy nghiệp vào thân.

Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.”

Lời của cụ Nguyễn Du nói, cũng thầm hợp với lý đạo.

Phật tử phải tin sâu nhân quả mới dụng được tâm Hỉ xả

Chúng ta từ trước đến nay luân hồi trong sáu nẻo, mỗi đời đều gây nghiệp trái hoặc ân hoặc oán, từ việc nhỏ đến việc lớn, có thể nói là vô lượng vô biên. Cho nên khi ta hành đạo, tuy nhờ công đức tu tập tiêu trừ một phần nào, nhưng các nghiệp chưa tan, tất phải lần lượt đền trả.

Như ta bị người vô cớ đánh mắng, hoặc thường đau yếu hoặc tàn tật..Thảy đều do kiếp trước đã tạo nghiệp sát sanh hoặc đánh đập người. Ngày nay vô cớ bị người đánh hại, cũng nên dùng tâm hỉ xả mà đền trả nợ tiền kiếp mà thôi. Bởi mọi thứ đều không ra khỏi vòng nhân quả, nên không phải tự nhiên mà ta bị người ám hại đâu!

Như ta vô cớ bị nhiều tiếng thị phi khen chê. Đây là  do kiếp trước ỷ thông minh quyền thế xem rẻ người, hoặc đã tạo nghiệp hủy báng. Nay cũng chỉ nên dùng tâm hỉ xả mà nhẫn chịu để trả nợ cho xong.

Như ta nghèo khổ thiếu hụt, bị người vô cớ cướp tiền của cũng là do kiếp trước không có lòng xót thương tu hạnh bố thí. Hoặc tiền kiếp cậy mạnh mà cướp đoạt của người. Nay thời tiết nhân duyên đến lúc đền trả, có chi đâu mà muộn phiền tức giận?

*

Như thế cho đến: Người bị gông cùm tra khảo tù đày, do kiếp trước hay trói buộc, đánh đập, giam nhốt chúng sanh. Kẻ bị cô độc lẻ loi thiếu người phụ trợ, do kiếp trước không hoan hỷ kết duyên với mọi người. Hết thảy đều có nguyên nhân, không có gì tự nhiên xảy ra cả. Chỉ là con mắt phàm phu chúng ta chẳng thấu được nghiệp duyên mà thôi.

Những nghiệp như thế vô lượng vô biên, ngày nay tu hành khi bị oan trái đến, phải dụng tâm hỉ xả mà an lòng nhẫn nại chịu đền trả, không nên oán trách buồn phiền.

Nơi kiếp luân hồi, chúng sanh đều có ăn uống cùng gia đình đôi bạn, nên trong các nghiệp duy có nghiệp sát và nghiệp ái là nặng nhứt. Cổ đức đã than: “Bể nghiệp mênh mang, khó đoạn không chi hơn ái dục. Cõi trần man mác, dễ phạm duy chỉ có sát sanh!”

Gương dụng tâm hỉ xả trả nợ duyên tiền kiếp

Trong Niệm Phật thập yếu, Tổ Thiền Tâm có kể lại kha khá chuyện người xưa dụng tâm hỉ xả để trả nợ tiền kiếp. Nay chép lại vào bài này để bạn thấy cách dụng tâm của người xưa khi đi trên con đường giải thoát.

Dụng tâm hỉ xả trả nợ về nghiệp ái

…Bút giả từng nghe một Phật tử Bắc Việt thuật lại câu chuyện. Vì lâu quá chỉ nhớ phần đại khái, quên mất tên họ địa chỉ của người trong cuộc. Phật tử ấy nói: “Có một vị sư nguyên là thầy giáo. Vì tỉnh ngộ cảnh thế phù du, nên lên tịnh tu trên núi. Trải một thời gian, vị sư được chư thần mách bảo rằng: Ông có duyên nợ mười chín năm với một cô tên họ là thế. Nay tuy đã tu hành không nên kết duyên chồng vợ. Nhưng phải xuống núi dạy dỗ giác ngộ cô kia. Trả xong mối nợ tiền khiên đúng như thời hạn ấy, rồi trở lên núi tu hành mới có thể thành công.

Vị sư y lời xuống núi, quả nhiên gặp một cô tên họ đúng như chư thần đã bảo, cảm mến đeo đuổi. Sư khuyên nhủ dạy đạo cho cô, trả xong y theo thời hạn rồi lên núi. Lúc lâm biệt cô ấy vẫn còn quyến luyến khóc lóc.” Đây là sự trả nợ nần về nghiệp ái.

Dụng tâm hỉ xả trả nợ nghiệp sát

Về nghiệp sát, như Sư Tử tôn giả bên Ấn Độ và Thần Quang nhị tổ ở Trung Hoa tuy đều đắc đạo, nhưng ngày kết liểu vẫn phải an nhiên chịu chém để đền nợ mạng.

Lại như ngài Mục Kiền Liên tuy đắc quả A La Hán, thần thông bậc nhất trong hàng Thanh Văn. Về sau Ngài vì muốn trả túc nghiệp, nên để bọn hung đồ dùng đá gậy liệng đánh cho đến chết. Chúng giết Ngài rồi đem thi hài vùi trong hầm phẩn. Đức Phật thấy thế thương xót, sai đệ tử đem thây Ngài lên tắm rửa sạch sẽ; Xoa ướp dầu thơm, rồi đem đi trà tỳ thâu lấy xá lợi.

Và như thái tử nước An Tức xuất gia tu hành đắc đạo. Ngài dùng Túc Mạng Trí thấy mình còn nghiệp trái sát sanh. Bởi thế nên ba phen Ngài chuyển kiếp đến xứ Lạc Dương ở Trung Hoa trả nợ mạng ba lần. Kiếp sau rốt, ngài là sa môn An Thế Cao.

Cho nên trên đường tu đâu biết ai là toàn vẹn, ta không nên tự mãn mà khinh thường người. Bởi nghiệp trái của chúng sanh rất nhiều, có khi đền trả hết lớp này lại đến lớp khác. Nhiều vị xem dường rảnh rang không oan trái, nhưng chưa hẳn là không có. Chỉ vì chưa đến thời tiết nhân duyên đền trả đó thôi. Muốn dứt oan khiên ta phải dùng tâm hỉ xả mà an nhẫn sám hối. Rồi từ đó cố gắng tu hành để diệt trừ cho tâm địa thanh lương.

Dụng tâm hỉ xả trị Oán Tắng Hội Khổ

Oán Tắng Hội Khổ, tức sự khổ về oan gia hội ngộ, là một trong bát khổ của thế gian. Chúng sanh thời mạt đa phần đều phải chịu cái khổ này. Chúng ta chẳng biết rằng: Vợ chồng con cái do 4 nhân duyên mà có, đó là: Báo ân, báo oán, trả nợ và đòi nợ

Cho nên khi ta bị những kẻ đối nghịch thù oán ở gần bên gièm pha nói xấu, phá phách mưu hại. Làm cho ta phải bực tức khó nhẫn, lo sợ không yên. Lại còn nhiều gia đình, cha mẹ anh em hoặc vợ chồng không đồng ý kiến; Thường có sự tranh cãi giận ghét buồn phiền lẫn nhau. Cần phải hiểu rằng đó là sự gặp gỡ trong oan gia.

Nếu bạn theo thế cuộc mà sanh tâm chống trái tất mọi mâu thuẫn ân oán sẽ càng trầm trọng hơn. Đến khi tỉnh ngộ thì có khi thân bằng quyến thuộc đã trở thành oan gia cừu hận. Nếu bạn dụng tâm hỉ xả, tuy lúc đó có thấy mình thiệt thòi đôi chút, nhưng quan hệ do đó mà trong ấm ngoài êm. Mình nhẫn nhục một chút được nhiều lợi lạc như thế, tại sao không làm?

[Hỉ xả là gì – Theo niệm Phật thập yếu]

Tuệ Tâm 2021.

Video liên quan

Chủ Đề