Ngày 043 04 là ngày gì o phần lan năm 2024

Lá cờ của Phần Lan đã được kéo lên bên ngoài trụ sở NATO, quốc gia Bắc Âu trở thành thành viên thứ 31 của liên minh quân sự lớn nhất thế giới.

Ông Jens Stoltenberg - Tổng Thư ký NATO phát biểu: "Trong nhiều năm, quân đội Phần Lan và các nước NATO đã sát cánh với nhau như những đối tác. Từ hôm nay, chúng ta sát cánh bên nhau với tư cách là những đồng minh".

Sau khi gia nhập, các thành viên của Lực lượng vũ trang Phần Lan sẽ trở thành một phần trong cơ cấu chỉ huy quân sự của NATO, sẽ có đại diện trong các cơ quan của liên minh và được triển khai trong các nhiệm vụ quân sự.

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto: "Kỷ nguyên không liên kết quân sự trong lịch sử Phần Lan đã kết thúc".

Theo Tổng thư ký Stoltenberg, tư cách thành viên của Phần Lan sẽ mang lại lợi ích cho an ninh của liên minh, chủ yếu là do quân đội Phần Lan đông đảo và được trang bị hiện đại. Phần Lan là một trong số ít quốc gia châu Âu không cắt giảm chi tiêu quốc phòng và đáp ứng yêu cầu của NATO về việc chi 2% GDP cho quốc phòng.

Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto [trái] trao văn kiện gia nhập NATO của Phần Lan cho Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken [phải] và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg [giữa] tại trụ sở NATO ở Brussels, ngày 4/4. Ảnh: Reuters

Về phần mình, Điện Kremlin ngay lập tức tuyên bố sẽ buộc phải thực hiện các biện pháp đáp trả để đảm bảo an ninh của Nga trước việc Phần Lan gia nhập NATO.

Ông Dmitry Peskov - Người phát ngôn Điện Kremlin: "Sự mở rộng của NATO là mối đe dọa đối với an ninh và lợi ích quốc gia của Nga. Và tất nhiên nó buộc chúng tôi phải thực hiện các biện pháp đối phó để đảm bảo an ninh cho chính mình, cả về chiến thuật và chiến lược".

Lập trường của Nga với Mỹ và NATO cách nhau rất xa

Phần Lan cùng với Thụy Điển chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5 năm ngoái. Ngày 5/7/2022, toàn bộ 30 nước thành viên NATO đã ký Nghị định thư về việc Phần Lan và Thụy Ðiển gia nhập khối. Chỉ sau 2 tháng, đã có 28 quốc gia thành viên phê chuẩn Nghị định thư. Cuối tháng 3 vừa qua, Quốc hội Hungary và Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã chấp thuận việc kết nạp Phần Lan. Phần Lan chỉ mất 11 tháng để trở thành thành viên đầy đủ của NATO.

Phần Lan cùng với Thụy Điển đã có quá trình hợp tác chặt chẽ với NATO từ ba thập kỷ qua, khi mà cùng tham gia chương trình Đối tác vì hòa bình từ năm 1994, cùng tham gia Lực lượng viễn chinh chung NATO, tức là NATO được phép đưa quân đến và tiến hành tập trận tại hai nước này. Thậm chí NATO còn dành riêng cơ chế NATO+2 để họp cùng hai nước này tại các kỳ họp Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng của khối. Điểm khác biệt khi trở thành thành viên chính thức là từ nay Phần Lan được bảo trợ theo Điều 5 của Hiến chương NATO trong trường hợp bị tấn công.

Lễ kết nạp Phần Lan tuần qua đánh dấu đợt mở rộng thứ 9 của NATO kể từ khi thành lập năm 1949. Đáng chú ý là 6 lần mở rộng gần đây, mỗi lần NATO lại tiến xa hơn về phía Đông. Kể từ năm 1999, lần lượt tất cả các nước thuộc khối Hiệp ước Warszawa, ba nước Baltic và cũng là các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây, cùng với 4 nước cộng hòa tách ra từ LB Nam Tư trước đây, đã gia nhập liên minh quân sự này. Ước tính mỗi năm có khoảng 40 cuộc tập trận quy mô lớn được tổ chức ở ngay sát biên giới Nga.

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto [trái] và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong cuộc họp báo tại trụ sở NATO ngày 4/4. Ảnh: Getty Images

Với việc kết nạp thành viên thứ 31 tuần qua, đường biên giới giữa NATO và Nga giờ là 2.600km, tăng hơn gấp đôi so với trước.

Có thể thấy lập trường của Nga với Mỹ và NATO cách nhau rất xa, hai bên luôn đổ lỗi cho nhau trước bất cứ động thái quân sự nào của phía bên kia. Đã có những cơ chế để xây dựng lòng tin và tăng cường hợp tác giữa hai bên, trong đó phải kể đến thỏa thuận năm 1997, được đặt tên là Đạo luật Sáng lập, nhằm thúc đẩy hợp tác Nga - NATO, hay việc thành lập Hội đồng Nga - NATO năm 2002 từng được ca ngợi là một bước đi lịch sử. Tuy nhiên, sau những giai đoạn nồng ấm rất ngắn ngủi, quan hệ Nga - NATO lại chìm trong nghi kỵ và chỉ trích. Và quãng thời gian ba thập kỷ từ sau Chiến tranh Lạnh cho đến nay cũng là lúc thế giới chứng kiến sự bùng nổ các cuộc xung đột và khủng hoảng, với nhiều đau thương mất mát.

Thắt chặt liên minh Nga - Belarus

Một chuỗi các sự kiện mà Nga hoặc NATO thường viện dẫn mỗi khi lên án các hành động quân sự của nhau với lý lẽ riêng của mỗi bên. Việc xác định chuyện gì do ai gây ra trước giống như cuộc tranh cãi không có hồi kết về con gà và quả trứng, xem con gà có trước hay quả trứng có trước.

Trong bối cảnh an ninh châu Âu hiện nay, diễn biến mới nhất tuần qua là việc Nga xúc tiến các kế hoạch liên minh sâu rộng hơn với Belarus, trong đó có cả việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus. Đây sẽ là lần đầu tiên Nga triển khai vũ khí hạt nhân ở nước ngoài kể từ thập niên 90 và Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh, đó là do Mỹ và NATO đã làm điều đó trước.

Triển khai vũ khí hạt nhân là một phần trong chương trình hợp tác rộng lớn trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước trong khuôn khổ Nhà nước liên minh. Cơ chế đặc biệt này vừa tiếp tục được củng cố tại cuộc họp Hội đồng Nhà nước Tối cao hai nước tại Moscow ngày 6/4 vừa qua. Khái niệm an ninh chung của "Nhà nước liên minh" - đây là bước đi mới nhất trong quá trình hội nhập của Nhà nước liên minh Nga - Belarus.

Tổng thống Nga Vladimir Putin: "Việc bắt đầu phát triển khái niệm an ninh của Nhà nước Liên minh có ý nghĩa rất lớn, tài liệu này bao gồm các nhiệm vụ cơ bản trong hợp tác của chúng ta trong bối cảnh căng thẳng gia tăng bên ngoài biên giới cũng như các lệnh trừng phạt và chiến tranh thông tin".

Nga, Belarus ký nhiều văn kiện trong khuôn khổ Nhà nước liên minh. Nguồn: The Russian Goverment

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko: "… Chúng tôi đặc biệt chú ý đến các vấn đề an ninh, phát triển quân đội, công nghiệp quốc phòng và các vấn đề khác có liên quan cũng như việc phòng thủ của nhà nước liên minh".

Từ sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, quan hệ đồng minh Nga - Belarus ngày càng được củng cố, tăng cường. Về kinh tế, 74% nội dung của Kế hoạch hội nhập Nhà nước Liên minh giai đoạn 2021-2023 đã được triển khai. Năm 2022, kim ngạch thương mại hai nước đã tăng 12%, đạt 45 tỷ USD; Nga chiếm tới hơn một nửa hoạt động ngoại thương của Belarus.

Về quân sự, tháng 10/2022, Nga - Belarus lên kế hoạch thành lập lực lượng quân sự chung tại Belarus với sự tham gia của khoảng 9.000 binh sỹ Nga. Đáng chú ý, cuối tháng 3 vừa qua, hai nước đồng ý triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus.

Tổng thống Nga Vladimir Putin: "Mỹ đã triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ các đồng minh, hỗ trợ huấn luyện vũ khí. Và chúng tôi cũng sẽ làm như vậy. Tôi xin nhấn mạnh là điều này không vi phạm các nghĩa vụ quốc tế về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân".

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko: "Chúng ta sẽ bảo vệ chủ quyền và độc lập của mình và đảm bảo điều đó bằng mọi cách có thể, bao gồm cả kho vũ khí hạt nhân của chúng ta".

Hiện Nga đã chuyển giao cho Belarus tổ hợp tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân Iskander và việc xây dựng kho cất giữ vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus dự kiến hoàn thành sau 3 tháng nữa.

Người dân Phần Lan chỉ mong một cuộc sống bình thường

Có thể nói rằng, cả NATO và Nga đều đang có sự điều chỉnh, cập nhật chiến lược an ninh và đối ngoại trong bối cảnh trật tự thế giới đang chứng kiến những rung lắc mạnh nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh. Cuộc đối đầu Nga - NATO không chỉ là đề tài tranh luận của các nhà hoạch định chính sách của hai bên, mà đang tác động đến cuộc sống thường ngày của những người dân bình thường.

Những cánh rừng taiga trải dài là vùng biên giới giữa Phần Lan và Nga. Hòa bình đã ngự trị tại đây trong nhiều thập kỷ, nhưng kể khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, mọi thứ đã thay đổi.

Đó là cảm nhận chung của người dân làng Värtsilä, trong đó có ông Pertti Purmonen và ông Pekka Kunnas. Cả hai đều cho rằng cuộc xung đột đang đe dọa đến nền hòa bình của đất nước mình. Tuy nhiên, cách họ nhìn nhận vấn đề lại rất khác nhau.

Ông Pekka Kunnas - Người dân làng Vartsila, Phần Lan: "Lẽ ra châu Âu nên hình thành một mặt trận thống nhất sớm hơn, tôi cảm thấy tiếc cho người dân Ukraine".

Ông Pertti Purmonen - Người dân làng Vartsila, Phần Lan: "Chính đất nước chúng ta cũng đang gây lo ngại cho người Nga khi cung cấp vũ khí cho Ukraine".

Cách đây gần 1 năm, ông Pertti Purmonen và vợ còn điều hành một khách sạn nhỏ ở Vartsila. Khách của họ đa phần là người Nga, giờ thì khách thuê phòng vẫn có, nhưng không đủ để trang trải cuộc sống. Bản thân ông Pertti Purmonen cũng đã sang Nga nhiều lần để giải quyết công việc cũng như đi du lịch và vợ chồng ông vẫn đang mong du khách Nga trở lại.

Cuối tháng 9 năm ngoái, Phần Lan đã đóng cửa biên giới với công dân Nga, ngoại trừ những người Nga nhập cảnh để thăm gia đình cũng như làm việc và học tập. Mục đích của quyết định này là ngưng hoàn toàn khách du lịch Nga vào Phần Lan và quá cảnh qua Phần Lan để tới các nước khác trong khu vực Schengen.

Tuy nhiên, quyết định này cũng đã vấp phải ý kiến trái chiều của người dân. "Việc giới hạn số lượng người Nga đến đây là đúng. Tôi chỉ hy vọng rằng biện pháp trừng phạt này có thể giúp cải thiện tình hình".

Sự kiện Phần Lan gia nhập NATO được nhìn nhận khác nhau từ hai phía, với NATO là một thắng lợi, là cảm giác an toàn hơn, nhưng đối với Nga thì lại là mối đe dọa an ninh quốc gia.

Nhìn rộng ra, việc mở rộng NATO không phải phương thuốc chữa bách bệnh, nó không giải đáp được câu hỏi cuộc xung đột Ukraine sẽ đi về đâu, nó cũng không được kỳ vọng có thể mang lại giải pháp căn cơ cho những thách thức đối với an ninh châu Âu. Vấn đề đặt ra trong bối cảnh cuộc xung đột Ukraine hiện nay là cần có tư duy mới về an ninh ở "vùng xám" của châu Âu, những vùng đất nằm giữa NATO và Nga.

Còn với những người dân bình thường, họ chỉ mong một cuộc sống bình yên, một cuộc sống bình thường.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!

Chủ Đề