Người bất tử review đam mỹ năm 2024

Mình đến với bộ phim này vì trailer của nó quá hấp dẫn, quá kịch tính so với đa phần nhiều phim xem trailer hoặc thậm chí poster là biết nội dung phim sẽ mở màn ra sao, diễn biến thế nào và kết thúc chắc chắn sẽ chỉ có thế.

Mình sẽ đi ngược review từ đoạn kết trước, đoạn kết mà đa phần nhiều người đã xem cho rằng chưa tương xứng với cả bố cục tình tiết phim twist chồng twist. Với cảm quan và tư duy của mình, cái kết của bộ phim hoàn toàn xứng đáng mà không hề bị làm quá nhanh hay quá ẩu.

Có thật là toàn bộ câu chuyện chỉ là giấc mơ của một kẻ mộng du hay cô gái An sau khi giết chết nhân vật Hùng [nhân vật nam chính- Người bất tử], những sự mơ hồ và mộng mị vẫn tiếp tục xảy đến khiến cô gái phải quay trở lại địa điểm kết liễu một lần nữa để xóa bỏ hoàn toàn những ám ảnh lên tâm trí mình. Tiếng gọi “Mẹ ơi, mẹ dậy đi” kết thúc phim không thể khẳng định đâu là cái kết chính xác cho câu chuyện này. Có thể là em bé chẳng bị bệnh gì hết và tất cả mọi chuyện chỉ là một giấc mơ. Hoặc đó cũng có thể là tiếng gọi của em bé khi người mẹ cuối cùng cũng kiệt sức trở về. Hiện tượng giấc mơ chồng giấc mơ chính bản thân mình cũng đã từng gặp. Vì thế, dù cái kết đối với nhân vật An [cô gái mộng du ở thời điểm hiện đại] là gì thì đạo diễn vẫn khẳng định kết thúc đối với nhân vật Hùng là cái chết do chính An hay linh hồn Liên đầu thai qua nhiều kiếp kết liễu.

Vậy Liên là ai? Liên là mối tình thời trai trẻ của Hùng, là tài sản quý giá nhất mà Hùng không hề biết đã phải đánh đổi để trở thành người bất tử. Liên phải đánh đổi sinh mạng để Hùng có thể trường thu bất tử thì sự đầu thai của Liên qua nhiều kiếp cũng có thể giết chết sự bất tử trong Hùng. Và người bất tử thì vẫn có thể chết như thế.

Chìa khóa sự bất tử này không chỉ có một chiều ý nghĩa. Người bất tử không thực sự bất tử vì vẫn có một mối đe dọa từ đời này sang kiếp khác. Thứ sinh ra sự bất tử cũng chính là thứ có thể kết thúc sự bất tử. Và mỗi kiếp trôi qua, Hùng phải kết liễu các kiếp của Liên mới bảo toàn được sự bất tử trong mình. Điều này có thể suy ngược lại các tình tiết của bộ phim.

Tình tiết 1: Tại sao An lại bị mộng du cùng thời điểm với đứa con bị bệnh và An thì liên quan gì đến cuộc đời của Hùng.

Tình tiết này được điều khiển bởi Hùng. Sau 70 năm lặn lộn đi khắp các nơi học và tìm hiểu về bùa ngải, Hùng đã có thể nhận biết được kiếp sau của Liên là ai [là An] và triệu hồi được cô bằng hiện tượng gây ra căn bệnh cho con gái cô cùng lúc khiến cô gặp những cơn mộng du để cô buộc lòng phải tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của hiện tượng bất thường này và lên đường phá giải chúng.

Tình tiết 2: Tại sao khi biết Duyên [kiếp sau của Liên ở thời kỳ thuộc địa] bị ám ảnh bởi linh hồn của Liên, Hùng đã lấy cớ đuổi Duyên đi chợ để lẳng lặng bỏ đi nhưng vẫn lựa chọn ở lại.

Hùng bỏ đi vì ban đầu không muốn làm hại đến Duyên- người đã khiến Hùng rung động một lần nữa. Tuy nhiên, Hùng đã nhận ra khi ở bên cạnh mình, Duyên không chỉ bị ám ảnh bởi linh hồn của Liên mà thực chất Duyên chính là kiếp sau của Liên. Điều này có thể nhận thấy qua việc bộ phim xây dựng những nhân vật truyền kiếp của Liên là những người phụ nữ có chồng mang cái chết bất thường. Thấu hiểu được điều này, Hùng đã chọn cái chết cùng Duyên khi chuẩn bị sẵn bom mìn ở chính căn nhà ven biển ấy. Tuy nhiên, dự tính của Hùng không hề đúng khi Duyên trở về với đám lính sai đang truy nã Hùng. Và những thứ bom mìn Hùng chuẩn bị để kết liễu hai con người trở thành phương thức kết liễu đám lính sai và tên tướng Tây đầu sỏ ác ôn- kẻ đã dùng Hùng như vật thí nghiệm tra tấn, giết chóc bằng mọi cách dã man để tìm ra phương thức bất tử. Theo như lời Hùng viết trong cuốn hồi ký, Duyên đã tự giằng súng từ tên tướng Tây và hy sinh bản thân để cứu Hùng, nhưng thực tế, cái chết của Duyên lại khác. Hùng khi ấy đã bị bản ngã đen tối [biểu hiện là đôi mắt ám nguyên một màu đen] ám ảnh quyết định kết liễu Duyên để bảo tồn sự bất từ kiếp này trong mình. Và từ giây phút ấy, bộ phim càng khắc họa sâu đậm ý nghĩa chuyên chở của cả bộ phim, đó là bản ngã con người.

Poster phim thể hiện hai mặt thiện ác trong Hùng cùng các nhân vật nữ chính của câu chuyện. Từ trên xuống dưới An [thời điểm hiện tại], Liên [thời điểm cuối phong kiến], Duyên [thời điểm thuộc địa].

Trong một con người luôn tồn tại hai mặt thiện và ác. Cái ác vùng lên khi bản thân chịu quá nhiều đau thương và sự đe dọa, ở đây là việc Hùng muốn trở thành người bất tử khi đã suýt chết một lần từ chính người anh trai cùng cha khác mẹ trong nhà, từ những đe dọa của bọn chuyên quyền thời bấy giờ. Điều này lí giải vì sao Hùng quyết định giết Duyên để kết thúc những ám ảnh của thời đại thuộc địa và quyết định giết tiếp An ở thời điểm hiện tại.

Như vậy, cái kết của bộ phim không hề đơn giản bằng việc An giết chết Hùng thế là hết phim mà cái kết còn là sự giằng xé trong bản ngã của nhân vật Hùng và sự đấu tranh của linh hồn Liên vùng lên báo thù qua hàng kiếp bị chết dưới tay Hùng hay cũng thể hiểu là sự đấu tranh muốn thoát khỏi cơn mộng du ám ảnh của nhân vật An.

Bộ phim có rất nhiều logic và rất nhiều cú twist liên tục xảy đến khiến người xem không kịp suy đoán tình huống tiếp theo là gì. Theo mình, đó là sự thành công của kịch bản và cách kể chuyện của đạo diễn. Người Bất Tử của đạo diễn Victor Vũ hoàn toàn xứng đáng là một tác phẩm điện ảnh kiệt xuất của Việt Nam trong thời điểm hiện tại ở lĩnh vực đề tài mới mẻ cũng như là sự nâng tầm trong các khâu sản xuất và kĩ thuật.

P/s:

Về diễn xuất, theo mình tất cả các nhân vật đều làm tròn vai và từ hay trở lên. Thậm chí cảnh Jun Vũ khóc không nước mắt mà nhiều người đánh giá là Jun Vũ diễn cảnh tâm trạng chưa tới khi hay tin Hùng chết ở đầu phim, cũng chính là điểm gợi mở về tính cách cô ả đào này. Mình không tin tình yêu từ phía Liên với Hùng là chân thành mà Liên yêu chính là gia sản kếch xù của gia đình Hùng. Điều này có thể hiểu vì sao Liên dễ dàng ngã vào lòng Khang – anh trai, kẻ chủ mưu giết Hùng chỉ sau một câu thông báo Hùng mất tích không tìm thấy.

Về nhạc phim, bài hát Hồi Ức của Phan Mạnh Quỳnh được cất lên trong bối cảnh 10 năm chốn chui chốn lủi Hùng không giết ai. Ban đầu, nghe có vẻ không hợp nhưng thực ra rất hợp bởi lời bài hát cũng như tiếng lòng tự sự của Hùng bởi quá khứ giết chóc quá nhiều khi nhìn lại những cái chết và bản thân mình vẫn còn sống ở đây. Còn bài hát thứ hai thì thực sự quá ma mị rồi nên không cần bàn cãi nhiều nữa.

Bên cạnh đó, nội dung phim khiến mình liên tưởng đến một số tác phẩm khác như Á Nhân của Nhật Bản kể câu chuyện về những người bất tử có khả năng tái sinh, cũng bị đem đi thí nghiệm tìm ra phương thức bất tử bằng những sự tra tấn, giết chóc man rợ. Tình tiết mở đầu câu chuyện về người kiếp sau bị triệu hồi bởi những câu chuyện quá khứ cũng khiến mình nhớ đến cách kể chuyện trong bộ truyện tranh Long Thần Tướng của bộ ba tác giả Thành Phong – Khánh Dương – Mỹ Anh về vị thần tướng nhà Trần đã làm nên chiến thắng trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông. Tuy nhiên, sự liên tưởng không đồng nghĩa với quy chụp sao chép.

Chủ Đề