Nhà hàng trong khôn viên nhà văn hóa lao đông

Lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán hàng hóa; trong khu vui chơi sân chơi cho trẻ em cũng có quán cafe; nhà văn hóa biến thành bãi gửi, đỗ xe,… là những gì đang xảy ra tại ngõ 43 phố Trung Kính, phường Trung Hòa, [quận Cầu Giấy, Hà Nội].

Tại ngõ 43 Trung Kính, phường Trung Hòa có rất nhiều điểm bán hàng rong, bán quán nước ngay gần biển cấm như này

Vỉa hè, lòng đường luôn được trưng dụng

Tình trạng chung ở hầu hết trên khắp các tuyến phố tại Hà Nội là người dân họ bất chấp các biển báo cấm mà vẫn ngang nhiên buôn bán trái phép trên lòng đường, vỉa hè.

Quán chè ngang nhiên mở dưới tấm biển cấm bán hàng

Theo quan sát của PV, tại ngõ 43 phố Trung Kính, phường Trung Hòa, có rất nhiều biển cấm bán hàng ở lòng đường, vỉa hè, nhưng đâu cũng thấy hàng rong bày bán khắp dãy phố. Nào là những quán nước, quán bia, người bán hàng lấn chiếm cả vỉa hè và lòng đường làm nơi buôn bán.

Khi được hỏi sao có biển cấm mà chị vẫn buôn bán giữa lòng đường, vỉa hè như vậy? Chị Thơm [38 tuổi, quê Phú Thọ] cho biết: “Ở quê cuộc sống khó khăn không có đất làm ăn nên tôi đã bỏ quê xuống Thủ đô bán hàng. Nghề này vất vả lắm chú ạ, nay đây mai đó. Trước tôi bán hàng rong ở gần chợ Long Biên nhưng bị Công an đuổi nên tôi bỏ chỗ đó. Tôi có chị bạn bán hàng tại chợ Trung Kính nên rủ tôi qua đây bán, thấy biển báo cấm cũng sợ lắm. Nhưng vì miếng cơm manh áo với lại mọi người bán cũng rất đông nên cũng đỡ sợ phần nào”.

Quanh hồ Trung Kính có rất nhiều quán bia mở ngay dưới tấm "biển cấm bán hàng"

Anh Trung, người dân sống gần ngõ 43 Trung kính, phường Trung Hòa bức xúc: “Nhà tôi ở gần đấy, sáng nào thức dậy cũng rất ồn ào khó chịu, mới sáng sớm ra đường đã chật kín người dân bán hàng rong khắp tuyến phố, có hôm còn không đẩy xe ra khỏi nhà được, mặc dù có biển cấm bán hàng mà vẫn thấy họ bán đều đều như cơm bữa”.

Chị Thơm cho biết thêm: “Chúng tôi cũng muốn vào chợ bán cho đàng hoàng, nhưng vì không đủ tiền nộp phí với lại phải chi nhiều chi phí nên đành phải chấp nhận bán hàng rong trốn Công an, trật tự như thế này. Vào giờ cao điểm lượng xe lưu thông qua con phố này rất đông khiến mọi người điều khiển rất khó khăn, ngày nào mà có 1 chiếc ô tô đi vào là tắc đường rất lâu, không ai nhúc nhích được chiếc xe của mình”.

Qua tìm hiểu tại ngõ 43 phố Trung Kính, mặc dù các cán bộ trật tự đô thị đã tới nhắc nhở, dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán của người dân. Có thu, có xử phạt hôm nay nhưng ngày mai đâu lại vào đó.

Phải chăng mức phạt của cán bộ trật tự đô thị không đủ sức răn đe với họ, hay ý thức của người dân quá kém?

Lợi dụng của công thành của tư

Không chỉ vỉa hè, lòng đường bị người dân lấn chiếm mà những khu vui chơi, hay nhà văn hóa cũng bị một số người dân lợi dụng của công thành của tư.

Quán cafe mở ngay bên trong khuôn viên nơi dành cho trẻ em chơi

Chị Hạnh 42 tuổi, sống gần khu vui chơi tại ngõ 123 phố Trung Kính, phường Trung Hòa, chia sẻ: “Tôi ngày nào cũng vậy vào mỗi buổi chiều thường đưa con ra khuôn viên để cho chúng chơi cùng chúng bạn, nhưng tôi thật không hiểu tại sao lại có một quán cafe ở trong khuôn viên. Không biết ủy ban phường cấp phép hay họ tự ý vào mở quán?”

Theo quan sát, quán cafe được mở ngay trong khuôn viên của công viên có tên là “Gia Bảo” hàng ngày có nhiều lượt khách đi xe vào đây để uống cafe, trong khi các em nhỏ đang chơi đùa trong khuôn viên, có những thanh niên phóng xe rất nhanh vào uống nước. Như vậy sẽ tiềm ẩn rất nguy hiểm cho các cháu nhỏ đang chơi đùa bên trong công viên.

Thêm nữa, tai Nhà văn hóa Trung Kính Hạ đã trở thành bãi đỗ xe của người dân nơi đây. Một số người đã lợi dụng của công thành của tư, Thủ đô đất chật người đông, những gia đình có xe máy hoặc ô tô, sinh viên nhà trọ không có chỗ để xe nên họ đã tận dụng cả nhà văn hóa để làm nơi trông giữ xe nhằm vụ lợi.

Mỗi lượt vào lấy xe, khách hàng – người dân nhà không có chỗ để xe phải trả cho người trông giữ xe với một chiếc xe máy là 5.000đồng/lượt, nếu để qua đêm thì 10.000đồng/lượt và một chiếc ô tô từ 20.000đồng - 30.000đồng/lượt.

Nhà văn hóa Trung Kính Hạ biến thành bãi gửi, đỗ xe ngày đêm

“Nhà thì chật không có chỗ để xe nên tôi thường hay mang ra Nhà văn hóa để vì ở đây có người trông ngày đêm. Lúc đầu thì cũng tự hỏi sao Nhà văn hóa lại biến thành bãi đỗ xe như này, nhưng thấy mọi người cũng gửi nhiều nên tôi cũng gửi theo. Nếu không gửi thì nhà mình cũng không có chỗ để” Chị Lan 48 tuổi, người dân sống gần đây cho biết.

Theo quan sát tại Nhà văn hóa Trung Kính Hạ gần ngõ 43 Trung kính, phường Trung Hòa, có hàng chục chiếc xe ô tô, xe máy đỗ trong sân, đi ra đi vào rất nhiều.

“Điều đáng nói là tại sao trong khuôn viên dành cho trẻ em chơi lại có một quán cafe ở trong đó và nhà văn hóa là nơi họp bàn của phường, nơi sinh hoạt thể thao và văn nghệ sao lại trở thành một bãi gửi xe? Tổ chức hay cá nhân nào đứng ra cấp trái phép như vậy?” Anh Đạt bức xúc

Rất mong các ban, ngành và chính quyền phường Trung Hòa sớm vào cuộc để xử lý dứt điểm tình trạng này để các em nhỏ có một sân chơi đúng nghĩa, để Nhà văn hóa không phải là một bãi gửi, đỗ xe.

Chủ Đề