nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là gì

Đánh giá về những kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: Chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố, kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc; quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Để có được thành quả ấy, cần phải thấy rất rõ rằng, đó là sự phấn đấu không ngừng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó Quân đội nhân dân, Công an nhân dân giữ vai trò nòng cốt.

Xét trên bình diện chung của đời sống thế giới, chúng ta thấy rằng: Xung đột sắc tộc, tranh chấp chủ quyền biển đảo, cạnh tranh thương mại... trên thế giới và ở từng khu vực đã tác động rất lớn đến sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của chúng ta hiện nay. Đặc biệt, Việt Nam nằm ở khu vực được đánh giá là rất năng động của thế giới, với nhiều tiềm năng và lợi thế mà bất kỳ quốc gia nào cũng đều muốn có được sự ảnh hưởng của mình, nhất là đối với các nước lớn, các nước phát triển. Tình hình đó tạo ra rất nhiều cơ hội để thúc đẩy đất nước phát triển, nhưng cũng đặt ra không ít vấn đề cần được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm, nghiên cứu một cách hết sức kỹ lưỡng và thận trọng nhằm giải quyết hài hòa giữa việc lựa chọn phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đây thực sự là vấn đề không dễ và rất khó có được sự phân định một cách rõ ràng. Bởi vậy, để đưa ra được những giải pháp phù hợp, giải quyết thấu đáo cả hai vấn đề nêu trên đòi hỏi cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiên cứu kỹ, nắm chắc vấn đề cốt lõi những quan điểm được Đại hội XIII của Đảng xác định. Đặc biệt, trong triển khai thực hiện phải giữ nguyên tắc nhưng cần hết sức linh hoạt, phù hợp, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết và cao nhất.

Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 147 [Vùng 1 Hải quân] trực sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Nguồn: QĐND

Thực tiễn tình hình thế giới, nhất là những năm gần đây cho chúng ta thấy rất rõ sự tác động và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển đất nước từ tình hình an ninh chính trị, xung đột sắc tộc, tranh giành quyền lực xảy ra ở không ít quốc gia. Lợi ích mà các phe phái tranh giành diễn ra ở một số quốc gia cho thấy dường như không xuất phát từ lợi ích chung của nhân dân, của dân tộc, mà chủ yếu là vun vén, củng cố quyền lực và bảo vệ lợi ích cho một bộ phận rất nhỏ trong xã hội. Hậu quả của sự tranh giành đó là đời sống khổ cực của nhân dân; là tạo nên làn sóng di cư lớn; là kinh tế đất nước kiệt quệ; là nạn đói nghèo, bệnh tật... Không ít quốc gia xảy ra nội chiến, mỗi năm có hàng chục vạn người dân vô tội bị thiệt mạng, nguy cơ khủng hoảng nhiều vấn đề xã hội hiện hữu. Từ cách nhìn khách quan đó, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về thực hiện nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Sự vững mạnh của quốc phòng, an ninh cho phép chúng ta phát triển các lĩnh vực khác một cách bền vững. Đầu tư cho quốc phòng, an ninh là đầu tư cho lâu dài, đầu tư cho sự ổn định. Quốc phòng, an ninh được củng cố vững chắc chính là tạo ra tiềm lực đủ mạnh để bảo vệ thành quả cách mạng mà các thế hệ người Việt Nam đã nối tiếp nhau sẵn sàng hy sinh tất cả vì sự trường tồn của dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân. Quốc phòng, an ninh được củng cố vững chắc còn là điều kiện quan trọng mở rộng đầu tư, thúc đẩy kinh tế phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Hiệu quả trong việc giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, xây dựng môi trường hòa bình dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đưa Việt Nam trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và du khách quốc tế.

Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương. Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những yếu tố bất lợi, nhất là những yếu tố nguy cơ gây đột biến; đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Cùng với đó, một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng là: Giữ vững độc lập, tự chủ, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Nắm vững những định hướng lớn đó để mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào hoạt động thực tiễn nhằm mang lại hiệu quả cao. Trong tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cần kiên quyết khắc phục tình trạng chỉ coi trọng thúc đẩy phát triển kinh tế mà xem nhẹ việc bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đây là vấn đề hết sức quan trọng có tác động và ảnh hưởng lâu dài nếu không có nhận thức đúng và thái độ rõ ràng.

Thực tiễn, không phải không có những vấn đề liên quan đến nhận thức và quan điểm trong việc lựa chọn giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Cần phải nhận thức một cách đầy đủ rằng: Để xây dựng, phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa cần phải huy động được sức mạnh tổng hợp từ mọi nguồn lực; đồng thời coi trọng giải quyết hài hòa giữa thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, công tác xây dựng Đảng, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, thực hiện công bằng xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Cần thấy rõ vị trí, vai trò của từng lĩnh vực trong sự phát triển chung của đất nước để có được sự đầu tư công sức, trí tuệ xứng đáng nhằm mang lại hiệu quả cao. Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp của nhiều yếu tố.

LÊ LONG KHÁNH

Chủ Đề