Tác chiến điện tử là gì

QPTD -Thứ Năm, 27/10/2011, 23:15 [GMT+7]

Một số vấn đề về phòng chống tác chiến điện tử trong chiến tranh công nghệ cao

Dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học- công nghệ, chiến tranh mang những hình thái mới, trong đó có chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao [CNC]- gọi tắt là chiến tranh CNC. Thực tiễn các cuộc chiến tranh gần đây cho thấy, vũ khí, trang bị kỹ thuật CNC được sử dụng ngày càng phổ biến, trở thành xu hướng phát triển chủ đạo trong hoạt động tác chiến và suốt quá trình chiến tranh. Nếu như trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất [năm 1991] được coi là cuộc chiến tranh CNC đầu tiên, quân đội Mỹ và đồng minh mới chỉ sử dụng khoảng 8-9% vũ khí CNC, thì đến cuộc chiến tranh Irắc lần thứ 2 [năm 2003] tỷ lệ đó đã lên tới 80- 90% và có thể coi đó là cuộc chiến tranh CNC trong “kỷ nguyên thông tin”. Đặc điểm chủ yếu của chiến tranh CNC là, nhiều lực lượng liên hợp của nhiều nước tham chiến; không gian tác chiến mở rộng về môi trường, cả trong vũ trụ, trên không, trên biển, dưới biển, trên đất liền, trong lòng đất, nhất là môi trường điện từ; hoạt động tác chiến linh hoạt, đa dạng, tác chiến không phân tuyến, mọi mục tiêu ở mọi nơi đều có thể bị tiến công với nhịp độ cao, ác liệt; sử dụng nhiều loại vũ khí, trang bị kỹ thuật CNC như: vũ khí điều khiển chính xác, tên lửa hành trình, máy bay và phương tiện tàng hình, vũ khí xung điện từ, vũ khí năng lượng định hướng và đặc biệt là các hoạt động tác chiến điện tử [TCĐT] rất đa dạng. Do sử dụng vũ khí CNC phải có sự phối hợp với các biện pháp và phương tiện TCĐT mới đạt hiệu quả, nên TCĐT trở thành phương thức tác chiến cơ bản, “một dạng hỏa lực”, có tính tiến công và là nhân tố có tầm quan trọng đặc biệt trong việc giành thắng lợi của cuộc chiến tranh. Từ thực tiễn các cuộc chiến tranh gần đây có thể khái quát TCĐT là hoạt động sử dụng tổng hợp các biện pháp chiến thuật, kỹ thuật để loại trừ hoàn toàn hoặc làm giảm hiệu quả các hệ thống chỉ huy, trinh sát, điều khiển vũ khí bằng điện tử của đối phương, giành quyền làm chủ trên không, làm chủ chiến trường, làm chủ trong quá trình tác chiến; đồng thời bảo đảm tối đa cho sự hoạt động ổn định của các hệ thống điện tử của mình trong quá trình tác chiến.

Cũng cần thấy rằng, trong chiến tranh, việc sử dụng vũ khí CNC phải được kết hợp chặt chẽ với TCĐT và chính sự phụ thuộc đó bên cạnh tính ưu việt cũng bộc lộ những điểm hạn chế, mỏng yếu, đặc biệt là sự phụ thuộc vào kết quả trinh sát nắm dải tần số hoạt động các phương tiện điện tử của đối phương và các yếu tố chi phối khác. Lợi dụng điểm yếu đó, một số nước, tiêu biểu là Nam Tư đã có biện pháp phòng chống, đánh trả đối phương có hiệu quả, bảo toàn được lực lượng, phương tiện, buộc họ phải thay đổi phương thức tác chiến.

Với nước ta nếu xảy ra chiến tranh, thì đó sẽ là chiến tranh bảo vệ Tổ quốc phát triển ở trình độ cao chống cuộc chiến tranh xâm lược bằng vũ khí CNC của kẻ thù, trong đó TCĐT nhiều khả năng sẽ là mũi nhọn, là một phương thức tác chiến cơ bản, phổ biến của chúng với mưu đồ “bịt tai, bịt mắt”, chế áp từ đầu và suốt quá trình tác chiến toàn bộ hệ thống thông tin, điện tử và các hoạt động quân sự của ta.

Vì thế, ngay từ trong thời bình, chú trọng nghiên cứu toàn diện, hệ thống về TCĐT nói riêng, chiến tranh CNC nói chung, để có biện pháp phòng chống hiệu quả, thiết nghĩ đó là việc làm quan trọng và cần thiết. Chúng tôi cho rằng, để phòng chống hiệu quả TCĐT của đối phương, vấn đề quan trọng trước hết là phải quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối chiến tranh nhân dân và tư tưởng, nghệ thuật quân sự của Đảng, “lấy yếu đánh mạnh, lấy thô sơ kết hợp với hiện đại thắng hiện đại”. Trong đó, lấy phòng chống là chính, đồng thời tranh thủ tận dụng thời cơ đánh trả; vận dụng linh hoạt các biện pháp chiến thuật và kỹ thuật, các biện pháp ngụy trang che giấu lực lượng, nghi binh lừa địch, kết hợp với cơ động lực lượng phòng tránh. Trong phòng chống TCĐT cần hết sức coi trọng việc chống trinh sát điện tử, thực hiện im lặng vô tuyến điện, sử dụng tổng hợp các biện pháp ngụy trang, đánh lừa điện tử, nhất là thay đổi môi trường điện từ, nhiệt, quang bằng cách sử dụng các trận địa giả, các thiết bị điện tử, ra đa cũ, các phương tiện điện tử, mồi bẫy, mặt phản xạ, nguồn nhiệt kết hợp với các mô hình khí tài, thiết bị giả kết hợp cơ động phân tán kịp thời...Trong đánh trả cần kết hợp chặt chẽ giữa gây nhiễu điện tử với tiêu diệt bằng hoả lực; thực hiện bí mật, bất ngờ, bố trí đón lõng trên cơ sở theo dõi qui luật hoạt động của địch và phán đoán trước đường, hướng của các phương tiện bay. Điều đó đòi hỏi phải nắm chắc hoạt động của địch, bố trí các phương tiện chế áp điện tử và hỏa lực ở các khu vực trọng điểm, các hành lang bay của máy bay, tên lửa hành trình của đối phương; thường xuyên nghiên cứu kỹ về TCĐT của địch, ý đồ, cách đánh và khả năng của chúng ngay từ thời bình, để từ đó tìm ra các biện pháp đối phó thích hợp.

Thực tế trong cuộc chiến tranh Nam Tư đã chứng minh một cách chống TCĐT hiệu quả, các biện pháp phòng chống TCĐT, ngụy trang đánh lừa TCĐT của Nam Tư đã buộc Mỹ và NATO từ “chiến tranh không tiếp xúc” phải điều chỉnh xuống thang thành “chiến tranh bán tiếp xúc”, từ tiến công bằng vũ khí chính xác từ xa ngoài tầm hoả lực, phải đột phá, đánh gần trong tầm hoả lực phòng không. Nhờ vậy, Nam Tư đã bảo toàn lực lượng chiến đấu trong điều kiện đối phương đánh phá ác liệt bằng vũ khí CNC trong thời gian dài của cuộc chiến tranh.

Hai là, coi trọng phát triển nghệ thuật TCĐT ngang tầm yêu cầu đòi hỏi [cả về trinh sát, tiến công và phòng vệ] trong nghệ thuật chỉ huy tác chiến binh chủng hợp thành và hoạt động tác chiến khác. Trong đó, cần xác định trinh sát điện tử là khâu trung tâm, nhằm theo dõi, phân tích, định vị, đo đạc các tham số kỹ thuật, khả năng hoạt động các phương tiện điện tử của đối phương để phục vụ trực tiếp cho chế áp điện tử và bảo vệ điện tử. Việc chế áp điện tử có thể thực hiện bằng cách phá huỷ các phương tiện điện tử của đối phương bằng xung lực hoặc hoả lực [của không quân, pháo binh, đặc công...] hay còn gọi là chế áp “cứng”. Ngoài ra, có thể sử dụng biện pháp vô hiệu hoá các hoạt động điện tử của đối phương bằng gây nhiễu, còn gọi là chế áp “mềm”. Trong bảo vệ điện tử phải sử dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật và chiến thuật để chống trinh sát điện tử , thực hiện chế áp điện tử, điều khiển vũ khí của đối phương và bảo đảm cho các phương tiện điện tử của ta an toàn, hoạt động ổn định trong mọi tình huống.

Ba là, coi trọng xây dựng lực lượng TCĐT vững mạnh, vừa là yêu cầu cấp bách, vừa cơ bản lâu dài. TCĐT tự thân của nó là phương thức tác chiến bằng phương tiện kỹ thuật, nghĩa là “đánh nhau bằng điện tử”. Do vậy, muốn giành thắng lợi trong TCĐT phải có lực lượng mạnh, trang bị hiện đại và có phương thức tác chiến thích hợp. Cần nghiên cứu, kiện toàn hệ thống tổ chức, biên chế lực lượng TCĐT các cấp trong toàn quân, có trang bị phù hợp theo từng cấp, đáp ứng được yêu cầu thời bình và phát triển khi chiến tranh xảy ra. Sớm hình thành đội ngũ cán bộ TCĐT chuyên trách tại các đơn vị, không nên để chức danh kiêm nhiệm như hiện nay, vừa không bảo đảm chuyên sâu, vừa khó khăn trong công tác chỉ huy tham mưu, cũng như trong huấn luyện diễn tập. Về lâu dài cần chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật TCĐT theo hướng chuyên môn hóa, chuyên sâu, có trình độ khoa học kỹ thuật cao và mang tính dài hạn. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng đào tạo chuyên gia đầu ngành về công nghệ thông tin, chuyên gia mạng máy tính để khi cần thiết có thể đưa vào sử dụng trong lĩnh vực an ninh mạng và là những “trợ thủ” có khả năng đột nhập vào mạng máy tính của đối phương. Cùng với đó, xây dựng hệ thống chính sách có sức thu hút nhân tài, bổ sung nguồn nhân lực cho lực lượng TCĐT.

Về trang bị, trong điều kiện kinh tế của ta hiện nay còn hạn chế, cần tập trung ưu tiên lựa chọn theo hướng tiên tiến nhằm tạo ra bước đột phá trong đầu tư phát triển về công nghệ, đáp ứng yêu cầu tác chiến trong chiến tranh tương lai [nếu xảy ra]. Bên cạnh phát huy sức mạnh, khả năng sản xuất, công nghệ của các nhà máy quốc phòng, các cơ sở kỹ thuật, các trung tâm, các viện nghiên cứu trong và ngoài quân đội trong sản xuất trang bị, phương tiện TCĐT, cần nghiên cứu chính sách huy động tiềm lực khoa học- công nghệ của các cấp, các ngành, các địa phương về mặt điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin và cơ khí điện tử là những lĩnh vực được dự báo sẽ có bước phát triển nhảy vọt trong những năm tới. Vì vậy, cần tranh thủ đi tắt, đón đầu tận dụng cơ hội để nhanh chóng chiếm lĩnh, đầu tư có trọng điểm, trên cơ sở đẩy mạnh mở rộng phát triển hợp tác quốc tế, tiếp cận với công nghệ tiên tiến của các nước có trình độ phát triển cao.

Bốn là, đẩy mạnh công tác huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành cho cán bộ chỉ huy tham mưu binh chủng hợp thành. Cần có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức cơ bản về TCĐT cho đội ngũ cán bộ chỉ huy các cấp nắm được bản chất, nội dung của TCĐT; tính năng kỹ chiến thuật của các phương tiện TCĐT trong biên chế; thủ đoạn hoạt động TCĐT của đối phương; tiếp cận những nội dung mới về TCĐT để nâng cao hiểu biết chung về TCĐT, tạo cơ sở vững chắc trong lãnh đạo, chỉ đạo TCĐT khi có yêu cầu. Theo chúng tôi, thời gian tới, trong kế hoạch huấn luyện chiến đấu hằng năm cho các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, nhất là đối với các quân, binh chủng cần có nội dung về TCĐT. Muốn thế, trước hết cần đẩy mạnh việc phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các cơ quan chức năng nghiên cứu theo hướng cơ bản, hệ thống về TCĐT; đồng thời triển khai thực hiện có nền nếp, trọng tâm là trong các cơ sở nghiên cứu, các học viện, trường, nhằm sẵn sàng đáp ứng yêu cầu cao của cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc chống chiến tranh xâm lược bằng vũ khí CNC của địch.

Trung tá Trần Thanh Phúc

Video liên quan

Chủ Đề