Thất nguyệt và an sinh đánh giá năm 2024

Thất Nguyệt và An Sinh không phải bộ phim hay nhất, buồn nhất, đẹp nhất nhưng cảm xúc lắng lại trong tâm hồn tôi tựa như dòng nước thấm vào mạch đất, càng thấm càng sâu, càng lan càng rộng để rồi trở thành một phần không thể tách rời khỏi linh hồn.

Thất nguyệt và an sinh đánh giá năm 2024

Thất Nguyệt và An Sinh (Bản điện ảnh 2016 của Trung Quốc) không phải bộ phim hay nhất, buồn nhất, đẹp nhất nhưng cảm xúc lắng lại trong tâm hồn tôi tựa như dòng nước thấm vào mạch đất, càng thấm càng sâu, càng lan càng rộng để rồi trở thành một phần không thể tách rời khỏi linh hồn.

Chúng ta có đang sống thực với trái tim mình không? Tôi nghĩ rằng ít người làm được điều đó. Thuở nhỏ vô tư ta có thể sống những tháng năm ngắn ngủi vô lo vô nghĩ muốn cười thì cười, thích khóc thì khóc. Nhưng khi năm tháng ngây ngô trôi đi và những suy nghĩ rối ren nảy mầm bén rễ trong tâm hồn, ta bắt đầu học được cách giả vờ thành người khác. Bố mẹ muốn có đứa con ngoan, thầy cô muốn trò giỏi, bạn bè cần người thú vị, biết lắng nghe, rồi đồng nghiệp, lãnh đạo, khách hàng, đối tác,... Trước mỗi đối tượng ta lại đeo lên chiếc mặt nạ kì nhông để thỏa mãn kì vọng của họ, để đổi lại lợi ích cho bản thân, để không trở thành một kẻ ngoài lề trong xã hội.

Thất Nguyệt, An Sinh và Gia Minh cũng vậy, họ là 3 con người rất giỏi sống giả vờ, giỏi dùng lý trí để che giấu đi cảm xúc thực sự của bản thân.

Lưu ý: Review này chứa nhiều spoiler về cốt truyện.

Nhân vật trung tâm của bộ phim là An Sinh - một cô gái ngổ ngáo, làm hết sức, chơi hết mình và bất cần đời. Xét về bề ngoài ta dễ lầm tưởng đây là nhân vật sống thật nhất trong phim nhưng thật ra bên trong lại chồng chất mâu thuẫn. An Sinh muốn chết năm 27 tuổi không phải vì thực sự muốn thế mà vì cô không tìm được tương lai nào dành cho mình. Cô muốn phiêu du bốn bể chẳng qua vì không có nơi nào để dừng chân. An Sinh muốn nổi loạn, muốn phá phách, muốn sống nhanh, sống gấp chỉ bởi một lý do duy nhất: cô quá mông lung về cuộc đời nên không tìm được điều bản thân thực sự cần. Cô không có một mái ấm để tìm về mỗi tối. Gia đình của Thất Nguyệt chỉ là một mái ấm "đi mượn", ngọt ngào đấy nhưng cũng đong đầy xót xa khi nó đối chọi gay gắt với gia đình thực sự của An Sinh. Cô thích Gia Minh, thứ tình cảm chưa kịp thành hình đã định phải tàn lụi. Nhưng trái tim cô không thể vờ như không được. Bởi vậy An Sinh nâng niu sợi dây chuyền mặt phật, cố gắng đi thật xa nhưng vẫn không thoát được định mệnh. Giống như một cơn sóng cồn tưởng như muốn vươn mãi ra đại dương hùng vĩ nhưng thực ra lại lưu luyến không rời bờ cát bé nhỏ.

Trái ngược với An Sinh, cuộc đời của Thất Nguyệt vốn gắn liền với hai chữ "bình yên" nhưng trong thâm tâm lại là sóng cồn gào thét. Là một cô gái thông minh, lý trí và lúc nào cũng đầy ắp suy tư, người lớn thích đứa trẻ thế nào thì cô có thể khoác lên mình tấm áo ngoan ngoãn, chăm chỉ y như vậy. Tài năng của cô là dễ dàng nhận ra kì vọng của người khác để thay đổi bản thân cho phù hợp. Từ cấp 1, cấp 2, cấp 3, đại học, xin việc, lấy chồng, sinh con, về hưu,... kế hoạch cuộc đời hiện lên như một con đường thẳng tắp không lối rẽ. Chỉ cần thong dong thả bước theo con đường bình yên đó, nắm tay Gia Minh, ở bên cha mẹ qua vài chục năm là cô có thể hoàn thành cuốn sách về cuộc đời mẫu mực của mình. Nhưng trái tim không nghe lời của Thất Nguyệt lại thả hồn bên cuộc đời phóng khoáng và phiêu bạt của An Sinh. Cô ngưỡng vọng sự tự do, khát khao được cởi bỏ tấm áo ngụy trang hiền lành ngoan ngoãn để đắm mình trong cơn gió lộng lênh đênh giữa đại dương cuồng loạn. Nhưng lý trí khắc nghiệt không cho phép điều đó vì nó biết rằng cái giá phải trả vô cùng đắt đỏ. Cuộc đời của Thất Nguyệt là cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ giữa sự kìm nén gắt gao của lý trí và khát khao nổi loạn của trái tim. Vậy nên, cô gửi ước mộng tự do của mình vào An Sinh, để người bạn tri kỷ sống thay đời phiêu du trên những miền đất xa lạ.

Gia Minh là một kiểu người vừa giống lại vừa khác Thất Nguyệt. Giống ở chỗ Gia Minh cũng có sự nhận thức rõ ràng về kì vọng của người khác và cách thức để thay đổi bản thân cho phù hợp. Thay vì chênh vênh giữa 2 cuộc đời đối chọi gay gắt như Thất Nguyệt, ước vọng của Gia Minh khá hời hợt. Anh thích và chọn Thất Nguyệt như một phương án tất nhiên và an toàn cho cuộc đời mình. Nhưng đồng thời ánh mắt anh lại không thể rời khỏi một An Sinh sống động như mặt trời và cũng không kìm lòng được trước sự sôi động của thành phố phồn hoa. Nhưng những mong muốn đó của Gia Minh không cháy bỏng như Thất Nguyệt mà chỉ dừng ở mức mong được "trải nghiệm". Con đường của anh cũng thẳng nhưng nó có những lối rẽ nho nhỏ đủ để lạc vài bước chân ngắm nhìn khung cảnh mới, loài hoa mới rồi vòng lại về trục đường chính. Thất Nguyệt không dám, còn Gia Minh lại là không muốn trả giá.

Bởi vì tính cách như vậy nên chuyện tình cảm giữa 3 nhân vật này mới dùng dằng luẩn quẩn đến vậy. Một người thà phiêu bạt cũng nhất quyết nhường, một người biết chắc chắn không cần tranh và một người chọn điều mình cần nhưng lại trông ngóng một điều khác. Nếu có thể thẳng thắn đối diện với bản thân và 2 người còn lại thì có khi 3 người sẽ nhận ra tình cảm của họ chẳng đủ sâu sắc để phải dây dưa bao năm như thế. Nhưng vì họ chôn sâu cảm xúc thực sự sau tầng tầng lớp lớp mặt nạ, sâu đến mức họ cảm thấy nó quá quý giá để từ bỏ mà không biết rằng vốn đã chẳng trân quý gì. Và Thất Nguyệt là người đầu tiên nhận ra được điều đó.

Tôi không muốn nói về kết thúc buồn đau của bộ phim - một kết thúc mang đậm màu sắc cuộc đời của những người tạo nên nó: tầng tầng lớp lớp những vỏ bọc biến hóa cho phù hợp với đối tượng cần tiếp cận. An Sinh đã tìm ra cách tự xây dựng bến đỗ cho cuộc đời mình thay vì trông chờ vào những bến bờ "đi mượn". Thất Nguyệt cuối cùng cũng có thể đối diện và lắng nghe trái tim mình. Còn Gia Minh, thực ra Gia Minh thế nào cũng chẳng quan trọng nữa. Anh chỉ còn là mảnh ghép lạc lõng vô vị đã bị xóa nhòa khỏi cuộc đời của hai cô gái.

Điều khiến tôi ấn tượng sâu sắc với bộ phim này chính là nhân vật Thất Nguyệt. Nhìn vào cô gái ấy tôi có cảm giác như một tấm gương sống động soi lại cuộc đời chật vật với những tấm áo choàng ngụy trang, mệt mỏi với những chiếc mặt nạ muôn màu của mình. Và điều tệ nhất là tôi đã chôn dấu quá lâu đến độ lãng quên mất bản thân mình vốn là ai và thực sự khát khao điều gì. Tôi quá mệt mỏi để bóc trần từng lớp cảm xúc bên trong nên tôi cứ kệ nó để chìm vào dòng xoáy mờ nhạt giữa biển người.