Thực thi công vụ là gì

Ảnh minh họa [Nguồn: Internet]

Quan niệm chung về công vụ

Công vụ là một khái niệm được tiếp cận ở nhiều nghĩa khác nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố nên nó chỉ mang tính tương đối, cho đến nay ở các quốc gia khác nhau có những quan niệm, những cách hiểu khác nhau về công vụ, ở Việt Nam cũng chưa có một khái niệm thống nhất về công vụ. Tuy nhiên, theo nghĩa chung nhất, công vụ được hiểu là các việc công, công vụ là các việc được thực hiện vì lợi ích chung, lợi ích cộng đồng, lợi ích xã hội, lợi ích nhà nước. Ở phạm vi hẹp hơn, công vụ được hiểu là công các công việc của Nhà nước, công vụ được hiểu là công vụ nhà nước. Ở phạm vi hẹp hơn nữa, công vụ là các công việc của bộ máy hành pháp.

Mặc dù có nhiều quan niệm, nhiều cách hiểu khác nhau, nhưng ở bình diện chung, công vụ là một loại hoạt động đặc biệt, do đó công vụ có những đặc điểm đặc trưng, thể hiện thông qua:

- Mục tiêu của hoạt động công vụ

- Quyền lực và quyền hạn trong thực thi công vụ

- Nguồn lực để thực thi công vụ

- Phương thức thực thi công vụ

Về mục tiêu của hoạt động công vụ, đây là hoạt động có mục tiêu phục vụ nhà nước, phục vụ nhân dân, công vụ không có mục đích tự thân, không vì lợi nhuận

Về quyền lực và quyền hạn trong thực thi công vụ. Cán bộ công chức khi thực thi công vụ được sử dụng quyền lực nhà nước, đây là loại quyền lực đặc biệt nhằm thực hiện hoạt động quản lý nhà nước và là đặc điểm để phân biệt hoạt động công vụ với những hoạt động khác. Quyền lực nhà nước có những đặc điểm đặc trưng đó là quyền lực nhà nước khó có thể lượng hóa, được quy định trên cơ sở pháp luật; quyền lực nhà nước được trao cho các tổ chức, cá nhân mang tính pháp lý; quyền lực nhà nước được trao trên cơ sở các quyết định thành lập tổ chức và quyền lực nhà nước được trao cho các các nhân cụ thể khi muốn thay đổi, bổ sung hay rút bớt thì phải có quyết định mới thay thế.

Quyền hạn là giới hạn quyền lực pháp lý nhà nước trao cho các chủ thể thực thi công vụ. Quyền hạn luôn gắn liền với nhiệm vụ được trao, nói cách khác quyền hạn luôn gắn với công việc đảm nhận chứ không phải gắn với con người cụ thể. Trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, quyền hạn là yếu tố cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, tuy nhiên quyền hạn được trao cần tương xứng với nhiệm vụ. Nếu nhiệm vụ nhiều mà quyền hạn ít sẽ dẫn tới việc khó hoàn thành nhiệm vụ, tuy nhiên nếu nhiệm vụ ít mà quyền hạn được trao quá lớn có thể dẫn tới lạm dụng quyền lực.

Về nguồn lực để thực thi công vụ, hoạt động công vụ được đảm bảo bằng ngân sách nhà nước. Một trong những đặc trưng của các nhà nước đó là nhà nước được quy định và tiến hành thu thuế, thuế là nguồn thu chủ yếu vào ngân sách nhà nước và ngân sách nhà nước dùng để chi trả cho hoạt động của bộ máy nhà nước và trả lương có cán bộ công chức, bên cạnh đó dùng cho các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội hay củng cố an ninh quốc phòng.

Về phương thức thực thi công vụ, do công vụ là một dạng hoạt động đặc biệt, khác với các hoạt động thông thường khác nên quy trình thực thi công vụ có một số đặc trưng cơ bản sau đây:

Tính pháp lý: Hoạt động công vụ của các cơ quan nhà nước thực chất là hoạt động thực hiện các chức năng, nhiệm vụ do nhà nước giao được pháp luật quy định do vậy hoạt động công vụ là hoạt động mang tính pháp lý cao.

Trong quá trình thực thi công vụ, cán bộ, công chức phải tuân thủ chặt chẽ các quy tắc và thủ tục.

Hoạt động công vụ phải được công khai trừ những trường hợp thuộc về bí mật nhà nước.

Hoạt động công vụ phải nhằm tạo ra sự bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ công do Nhà nước cung cấp cho tất cả mọi người

Hoạt động công vụ không chỉ được thực thi bởi các cơ quan nhà nước, cán bộ công chức nhà nước mà còn có sự tham gia của các chủ thể về phía xã hội, đặc biệt trong xu hướng xã hội hóa ngày càng gia tăng hiện nay.

Công vụ theo quy định pháp luật Việt Nam hiện nay

Ở Việt Nam hiện nay mặc dù có khá nhiều văn bản quy định liên quan đến công vụ, tuy nhiên lại không có một định nghĩa chính thức và thống nhất về công vụ. Sau đây bài viết phân tích quy định về công vụ trong một số văn bản pháp luật hiện hành.

Nghị định 208/2013 của Chính phủ quy định biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ. Theo quy định tại Nghị định 208 thì người thi hành công vụ có phạm vi khá rộng, bao gồm cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.

Bộ luật Hình sự 2015 tại Điều 330 quy định Tội chống người thi hành công vụ: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Như vậy Bộ luật Hình sự đề cập đến hành vi chống người thi hành công vụ nhưng không có quy định những ai là người thi hành công vụ.

Trên thực tế, những hành vi hành hung bác sỹ, giáo viên không bị xử lý về hành vi chống người thi hành công vụ do quan niệm viên chức không phải là chủ thể thực thi công vụ, trong khi nếu hành hung hay chống đối lực lượng công an hay chính quyền thì sẽ bị coi là chống người thi hành công vụ.

Bên cạnh đó, còn có Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước 2019 quy định tại Khoản 1, Điều 3: Người thi hành công vụ là người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm vào một vị trí trong cơ quan nhà nước để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án hoặc người khác được cơ quan có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án.

Luật Cán bộ công chức 2008 thì không quy định công vụ do viên chức thực hiện mà chỉ quy định tại Điều 2: Hoạt động công vụ của cán bộ công chức việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức theo quy định của Luật này và các quy định khác có liên quan.

Luật Viên chức 2010 cũng không đề cập tới hoạt động công vụ do viên chức thực hiện, chỉ quy định về hoạt động nghề nghiệp của viên chức.

Như vậy có thể thấy rằng hiện tại ở Việt Nam có rất nhiều văn bản quy định về công vụ tuy nhiên lại không có sự thống nhất. Điều này dẫn đến những cách hiểu và áp dụng khác nhau trong thực tế về hoạt động công vụ.

Nhìn chung, theo nghĩa rộng công vụ thuộc khu vực công tương ứng với hệ thống chính trị, chủ thể trực tiếp thực hiện hoạt động công vụ là cán bộ, công chức, viên chức của cả hệ thống chính trị trong thực thi chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền quy định.

Theo nghĩa hẹp, công vụ thuộc khu vực nhà nước, tương ứng với chủ thể công vụ là các cơ quan thuộc hệ thống bộ máy nhà nước và cán bộ, công chức là chủ thể trực tiếp thực hiện hoạt động công vụ trong các cơ quan nhà nước [lập pháp hành pháp tư pháp] thực thi chức năng, nhiệm vụ công do cấp có thẩm quyền quy định. Ở nghĩa này, công vụ được hiểu là công vụ nhà nước.

Từ những phân tích trên, có thể đi đến quan niệm: Công vụ là một loại lao động mang tính quyền lực và pháp lý, phần lớn do cán bộ, công chức thực hiện nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước, gắn với quyền lực nhà nước, nhân danh nhà nước để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Công vụ do cán bộ, công chức là người làm cho nhà nước thực hiện. Ngoài ra, hoạt động công vụ còn được thực hiện bởi các cá nhân, tổ chức được nhà nước trao quyền. Đây cũng là xu thế hiện nay, khi sự tham gia của nhân dân vào hoạt động QLNN ngày càng được quan tâm và khuyến khích. Thì các hoạt động công vụ được thực thi bởi những người không phải là cán bộ, công chức ngày càng gia tăng.

Thạc sĩ Vũ Hoàng Quỳnh


Nguồn: giadinhvietnam.com

Video liên quan

Chủ Đề