Thực trạng của phương pháp dạy học truyền thống

CHUYÊN ĐỀ

THỰC HIỆN ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC

I. Đánh giá thực trạng:

Qua kiểm tra hoạt động dạy học của nhà trường thông qua giờ lên lớp của giáo viên, được đánh giá cụ thể như sau:

Tổng số giờ dự: 44 tiết ; Trong đó:

+ Tin học: 1 tiết ; Âm nhạc: 2 tiết; Thể dục: 2 tiết; Anh văn: 3 tiết; Tiếng Việt: 13 tiết; Toán: 13 tiết

1. Về ưu điểm:

- Giáo viên chuẩn bị tốt giáo án, quy trình giờ lên lớp đảm bảo, có các thiết bị cần thiết để nâng cao hiệu quả giờ dạy.

- Đề cao việc sử dụng nhiều PPDH lấy HS làm trung tâm [chú tâm đến hoạt động của trò].

- Sử dụng thiết bị dạy học đúng lúc, đúng chỗ [phù hợp với mục tiêu bài dạy].

- Truyền thụ nội dung bài học chính xác theo yêu cầu SGK và có hệ thống.

- Học sinh học tập sôi nổi, đa số các em hiểu được bài.

-Tổ chức học tập nhóm, trò chơi học tập cho HS phát huy tác dụng.

- Bài soạn: Thể hiện rõ nét hoạt động dạy vầ hoạt động học. Giáo án được soạn trên máy vi tính, giáo án trình chiếu.

- Bài dạy được chuẩn bị tốt kể cả về chuẩn bị trước thiết bị dạy học.

- Bài dạy không áp đặt đúng quy trình, từng khâu, từng bước [linh hoạt trong việc tổ chức dạy học].

- Biết phát huy vai trò của người học, nội dung được linh hoạt theo SGK

- Học sinh hiểu bài thông qua các hoạt động học tập [Giáo viên tổ chức].

- Tổ chức học tập nhóm linh hoạt, hợp lý. Động viên giúp đỡ HS kịp thời trong từng giờ học.

2. Về hạn chế:

- Phương pháp:

+ Sử dụng không linh hoạt chỉ tập trung vào hoạt động của thầy.

+ Nói nhiều, tổ chức hoạt động ít, học sinh yếu bị bỏ rơi.

+ Dạy học áp đặt, các câu trả lời đúng hoặc sai còn tồn tại.

- Tổ chức hoạt động học tập:

+ Mục đích sử dụng hình thức tổ chức không rõ ràng.

+ Chỉ có một bộ phận HS tham gia.

- Dạy học với nội dung phù hợp

+ GV còn lạm dụng SGK, SGV

+ Chưa dám lựa chọn nội dung phù hợp.

- Đồ dùng dạy học:

+ Đồ dùng dạy học đồng bộ đã cũ thiếu chi tiết, tu sửa, mua mới còn hạn chế.

+ Đồ dùng dạy học tự làm chất lượng thấp.

+ Khâu sắp xếp đồ dùng tại lớp chưa khoa học

- Thái độ học tập của HS:

+ Nhiều học sinh còn nhút nhát [Chưa có kĩ năng tham gia các hoạt động].

+ Thông tin ngược ít tới GV.

- Tổ chức trò chơi học tập:

+ Nhiều GV chưa nắm chắc cách tổ chức trò chơi.

+ Nhiều trò chơi chưa mang tính học tập cao.

- Động viên học sinh:

+ GV động viên HS còn hời hợt.

+ Giúp đỡ còn mang tính qua loa, đại khái.

II. Giải pháp sau kiểm tra:

1. Cải tiến các phương pháp dạy học truyền thống:

Các phương pháp dạy học truyền thống như thuyết trình, đàm thoại, luyện tập luôn là những phương pháp quan trọng trong dạy học. Đổi mới phương pháp dạy học không có nghĩa là loại bỏ các phương pháp dạy học truyền thống quen thuộc mà cần bắt đầu bằng việc cải tiến để nâng cao hiệu quả và hạn chế nhược điểm của chúng. Để nâng cao hiệu quả của các phương pháp dạy học này người giáo viên trước hết cần nắm vững những yêu cầu và sử dụng thành thạo các kỹ thuật của chúng trong việc chuẩn bị cũng như tiến hành bài lên lớp, chẳng hạn như kỹ thuật mở bài, kỹ thuật trình bày, giải thích trong khi thuyết trình, kỹ thuật đặt các câu hỏi và xử lý các câu trả lời trong đàm thoại, hay kỹ thuật làm mẫu trong luyện tập. Tuy nhiên, các phương pháp dạy học truyền thống có những hạn chế tất yếu, vì thế bên cạnh các phương pháp dạy học truyền thống cần kết hợp sử dụng các phương pháp dạy học mới, đặc biệt là những phương pháp và kỹ thuật dạy học phát huy tính tích cực và sáng tạo của học sinh. Chẳng hạn có thể tăng cường tính tích cực nhận thức của học sinh trong thuyết trình, đàm thoại theo quan điểm dạy học giải quyết vấn đề.

2. Kết hợp đa dạng các phương pháp dạy học:

Không có một phương pháp dạy học toàn năng phù hợp với mọi mục tiêu và nội dung dạy học. Mỗi phương pháp và hình thức dạy học có những ưu, nhựơc điểm và giới hạn sử dụng riêng. Vì vậy việc phối hợp đa dạng các phương pháp và hình thức dạy học trong toàn bộ quá trình dạy học là phương hướng quan trọng để phát huy tính tích cực và nâng cao chất lượng dạy học. Dạy học toàn lớp, dạy học nhóm, nhóm đôi và dạy học cá thể là những hình thức xã hội của dạy học cần kết hợp với nhau, mỗi một hình thức có những chức năng riêng. Tình trạng độc tôn của dạy học toàn lớp và sự lạm dụng phương pháp thuyết trình cần được khắc phục, đặc biệt thông qua làm việc nhóm.

3. Vận dụng dạy học giải quyết vấn đề:

Dạy học giải quyết vấn đề [dạy học nêu vấn đề, dạy học nhận biết và giải quyết vấn đề] là quan điểm dạy học nhằm phát triển năng lực tư duy, khả năng nhận biết và giải quyết vấn đề. Học được đặt trong một tình huống có vấn đề, đó là tình huống chứa đựng mâu thuẫn nhận thức, thông qua việc giải quyết vấn đề, giúp học sinh lĩnh hội tri thức, kỹ năng và phương pháp nhận thức. Dạy học giải quyết vấn đề là con đường cơ bản để phát huy tính tích cực nhận thức của học sinh, có thể áp dụng trong nhiều hình thức dạy học với những mức độ tự lực khác nhau của học sinh.

4. Vận dụng dạy học theo tình huống:

Dạy học theo tình huống là một quan điểm dạy học, trong đó việc dạy học được tổ chức theo một chủ đề phức hợp gắn với các tình huống thực tiễn cuộc sống và nghề nghiệp. Quá trình học tập được tổ chức trong một môi trường học tập tạo điều kiện cho học sinh kiến tạo tri thức theo cá nhân và trong mối tương tác xã hội của việc học tập.

5. Vận dụng dạy học định hướng hành động:

Dạy học định hướng hành động là quan điểm dạy học nhằm làm cho hoạt động trí óc và hoạt động chân tay kết hợp chặt chẽ với nhau. Trong quá trình học tập, học sinh thực hiện các nhiệm vụ học tập và hoàn thành các sản phẩm hành động, có sự kết hợp linh hoạt giữa hoạt động trí tuệ và hoạt động tay chân. Đây là một quan điểm dạy học tích cực hoá và tiếp cận toàn thể. Vận dụng dạy học định hướng hành động có ý nghĩa quan trọng cho việc thực hiện nguyên lý giáo dục kết hợp lý thuyết với thực tiễn, tư duy và hành động, nhà trường và xã hội.

6. Tăng cường sử dụng phương tiện dạy học và công nghệ thông tin hợp lý hỗ trợ dạy học:

Phương tiện dạy học có vai trò quan trọng trong việc đổi mới phương pháp dạy học, nhằm tăng cường tính trực quan và thí nghiệm, thực hành trong dạy học. Việc sử dụng các phương tiện dạy học cần phù hợp với mối quan hệ giữa phương tiện dạy học và phương pháp dạy học. Hiện nay, việc trang bị các phương tiện dạy học mới cho các trường phổ thông từng bước được tăng cường. Tuy nhiên các phương tiện dạy học tự làm của giáo viên luôn có ý nghĩa quan trọng, cần được phát huy.

7. Sử dụng các kỹ thuật dạy học phát huy tính tích cực và sáng tạo:

Kỹ thuật dạy học là những cách thức hành động của của giáo viên và học sinh trong các tình huống hành động nhỏ nhằm thực hiện và điều khiển quá trình dạy học. Các kỹ thuật dạy học là những đơn vị nhỏ nhất của phương pháp dạy học. Có những kỹ thuật dạy học chung, có những kỹ thuật đặc thù của từng phương pháp dạy học, ví dụ kỹ thuật đặt câu hỏi trong đàm thoại.

8. Chú trọng các phương pháp dạy học đặc thù bộ môn:

Các phương pháp dạy học đặc thù bộ môn được xây dựng trên cơ sở lý luận dạy học bộ môn. Ví dụ:

- Thí nghiệm là một phương pháp dạy học đặc thù quan trọng của các môn khoa học tự nhiên;

- Các phương pháp dạy học như trình diễn vật phẩm kỹ thuật, làm mẫu thao tác, phân tích sản phẩm kỹ thuật, thiết kế kỹ thuật, lắp ráp mô hình, các dự án là những phương pháp chủ lực trong dạy học kỹ thuật;

- Phương pháp Bàn tay nặn bột đem lại hiệu quả cao trong việc dạy học các môn khoa học; TN-XH;

9. Bồi dưỡng phương pháp học tập tích cực cho học sinh:

Phương pháp học tập một cách tự lực đóng vai trò quan trọng trong việc tích cực hoá, phát huy tính sáng tạo của học sinh. Có những phương pháp nhận thức chung như phương pháp thu thập, xử lý, đánh giá thông tin, phương pháp tổ chức làm việc, phương pháp làm việc nhóm, có những phương pháp học tập chuyên biệt của từng bộ môn. Bằng nhiều hình thức khác nhau, cần luyện tập cho học sinh các phương pháp học tập chung và các phương pháp học tập trong bộ môn.

III. Đề nghị-kiến nghị:

- Đối với nhà trường:

Trên thực tế có rất nhiều phương hướng đổi mới phương pháp dạy học với những cách tiếp cận khác nhau, trên đây chỉ là một số phương hướng chung. Việc đổi mới phương pháp dạy học đòi hỏi những điều kiện thích hợp về phương tiện, cơ sở vật chất và tổ chức dạy học, điều kiện về tổ chức, quản lý. Chính vì vậy trong giai đoạn đến nhà trường sẽ từng bước kiện toàn về cơ sở vật chất. Tổ chức quản lý tốt việc thực hiện giờ lên lớp của giáo viên. Tăng cường việc kiểm tra chuyên đề có liên quan đến phương pháp dạy học.

- Đối với tổ trưởng chuyên môn:

Tích cực trong khâu đổi mới phương pháp dạy học. Tập trung nâng cao chất lượng giờ sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học. cần tổ chức nhiều Chuyên đề trong phạm vi tổ để giáo viên nâng cao tay nghề.

- Đối với giáo viên:

Phương pháp dạy học còn mang tính chủ quan. Mỗi giáo viên với kinh nghiệm riêng của mình cần xác định những phương hướng riêng để cải tiến phương pháp dạy học và kinh nghiệm của cá nhân. Tiếp tục tự bồi dưỡng theo chương trình bồi dưỡng thường xuyên hiện hành.

Trên đây là kết quả kiểm tra Chuyên đề Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học trong nhà trường. Đề nghị các bộ phận, các cá nhân có liên quan đến việc thực hiện chuyên đề tổ chức nghiên cứu và thực hiện. Trong qua trình thực hiện có gì còn vướng mắc, khó khăn báo cáo về bộ phận chuyên môn của trường để điều chỉnh, bổ sung.

Video liên quan

Chủ Đề