Thực trạng xây dựng, cập nhật, khai thác của hệ thống thông tin đất đai ở nước ta hiện nay

Hệ thống thông tin đất đai [TTĐĐ] là công cụ quản lý dữ liệu giúp vận hành công tác quản lý Nhà nước, đáp ứng các nhu cầu của tổ chức, người dân và doanh nghiệp một cách khách quan, minh bạch các thông tin, cơ chế chính sách liên quan đến đất đai. Đồng thời, hệ thống TTĐĐ đảm bảo kết nối liên thông cải cách thủ tục hành chính giữa ngành TN và MT với các ngành thuế, hải quan… Do đó, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia theo lộ trình Chính phủ điện tử và bảo đảm hệ thống TTĐĐ được vận hành thống nhất trên phạm vi toàn quốc được ngành TN và MT xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.

Cán bộ phường Trần Đăng Ninh [TP Nam Định] rà soát quy hoạch sử dụng đất.

Tại tỉnh ta, trong nhiều năm nay, tỉnh đã quan tâm thực hiện công tác xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống TTĐĐ phục vụ yêu cầu khai thác, sử dụng và cập nhật biến động về đất đai. Đặc biệt, tỉnh đã tranh thủ kinh phí hỗ trợ của Bộ TN và MT, thực hiện chương trình ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng hệ thống dữ liệu và quản lý đất đai; trong đó đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật đường truyền số liệu, ứng dụng vận hành phần mềm xây dựng hệ thống TTĐĐ. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng NTM, tiến hành dồn điền đổi thửa ở các địa phương đã làm thay đổi cơ bản hệ thống bản đồ, hồ sơ địa chính đã lập trước đây. Toàn bộ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất [SDĐ] đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân ở các địa phương này không còn phù hợp với thực tế SDĐ, đòi hỏi phải đo đạc chỉnh lý, lập bản đồ hồ sơ địa chính, cấp lại giấy chứng nhận quyền SDĐ để bảo đảm thực thi các quyền luật định của người SDĐ, đồng thời đảm bảo sự phù hợp giữa giấy chứng nhận quyền SDĐ, hồ sơ địa chính với hiện trạng SDĐ, tránh xảy ra tranh chấp, khiếu kiện. Bên cạnh đó, do từ nhiều năm trước, công tác xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống TTĐĐ ở các địa phương mới chỉ dừng ở việc lập bản đồ địa chính và hồ sơ địa chính dạng số cho riêng từng xã mà chưa kết nối, xây dựng thành hệ thống TTĐĐ hoàn chỉnh của cả huyện. Do vậy, việc tổ chức thực hiện các nội dung đo đạc cũng có khó khăn do có nhiều nội dung phức tạp, phải thực hiện đồng bộ từ đo đạc, thành lập mới hoặc chỉnh lý hoàn thiện bản đồ, kê khai đăng ký lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận gắn với rà soát, cập nhật toàn bộ các biến động đất đai, nhất là gắn với xử lý vi phạm về đất đai, từ đó, xây dựng mới hoặc hoàn thiện lại hồ sơ địa chính, xây dựng hệ thống TTĐĐ theo các phần mềm chuẩn và công nghệ được Bộ TN và MT cho phép sử dụng. Trong quá trình thực hiện bằng các thiết bị, công nghệ mới, hiện đại phải bảo đảm tính kế thừa của hệ thống hồ sơ địa chính cũ. Vì vậy, khối lượng công tác chuyên môn phải thực hiện tại mỗi địa bàn rất lớn, thời gian kéo dài và được điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật của nhiều ngành khác nhau.

Để bảo đảm thực hiện kế hoạch từ nay đến năm 2020 sẽ xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia theo lộ trình Chính phủ điện tử, cũng như hệ thống thông tin quản lý đất đai được vận hành thống nhất trên phạm vi toàn quốc, UBND tỉnh đã giao Sở TN và MT phối hợp với UBND các huyện, thành phố nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện hệ thống TTĐĐ, cơ sở dữ liệu đất đai và hồ sơ địa chính theo hướng hiện đại, theo mô hình tập trung, thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh, phục vụ đa mục tiêu, chuyển dần các hoạt động đăng ký giao dịch trong lĩnh vực đất đai sang giao dịch điện tử, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, đảm bảo phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp khi tiếp cận đất đai thực hiện các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu các địa phương tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ TN và MT như: tập trung chỉ đạo thực hiện công tác lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính; kiện toàn, đầu tư trang thiết bị hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực về công nghệ thông tin cho cán bộ Văn phòng đăng ký quyền SDĐ các cấp; tăng cường đầu tư kinh phí cho việc lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên cơ sở hồ sơ địa chính và giấy chứng nhận đã cấp để đưa vào vận hành, khai thác sử dụng trước, không chờ đo vẽ bản đồ địa chính. Để các địa phương có đủ kinh phí thực hiện công tác xây dựng hệ thống TTĐĐ, UBND tỉnh đã quy định: Đối với nguồn kinh phí phân bổ ngân sách tỉnh hằng năm, Sở TN và MT và UBND cấp huyện [đối với những huyện có nguồn thu từ tiền SDĐ, tiền thuê đất hằng năm không đủ để thực hiện nhiệm vụ quản lý đất đai] xây dựng kế hoạch và kinh phí đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận, xây dựng hệ thống TTĐĐ, cơ sở dữ liệu đất đai và đăng ký biến động, chỉnh lý hồ sơ địa chính thường xuyên gửi Sở Tài chính thẩm định, báo cáo UBND tỉnh xem xét; trong đó bảo đảm dành tối thiểu 10% tổng số thu từ tiền SDĐ, tiền thuê đất hằng năm cho việc đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận, xây dựng hệ thống TTĐĐ, cơ sở dữ liệu đất đai và đăng ký biến động, chỉnh lý hồ sơ địa chính thường xuyên. Đối với nguồn kinh phí phân bổ từ ngân sách huyện: giao UBND các huyện, thành phố hằng năm xây dựng kế hoạch và kinh phí thực hiện, trình HĐND cấp huyện ban hành nghị quyết bố trí đủ kinh phí ngân sách cấp huyện để thực hiện các nội dung nhiệm vụ quản lý đất đai trên địa bàn huyện; trong đó yêu cầu phải đảm bảo dành tối thiểu 10% tổng thu từ số tiền SDĐ, tiền thuê đất hằng năm để chi cho công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ; không sử dụng để chi thường xuyên và không để xảy ra trường hợp chi hết nguồn thu tiền SDĐ cho các công việc khác mà không còn kinh phí chi cho các công tác quản lý đất đai theo quy định hiện hành. Hỗ trợ các xã, thị trấn không có nguồn thu hoặc nguồn thu tiền SDĐ thấp./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức công bố vận hành thực tế Hệ thống kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai quốc gia. Đây là một trong những bước tiến quan trọng trong tiến trình xây dựng cơ sở dữ liệu ngành TN&MT đóng góp lớn vào phát triển Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng

Ông Lê Phú Hà, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu TNMT cho biết, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ TN&MT về việc tiến độ và kế hoạch triển khai cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia theo lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử, Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu TNMT đã phối hợp với Tổng cục Quản lý đất đai cơ bản hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng công việc. Đến nay, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai do địa phương quản lý lên Hệ thống kết nối, chia sẻ thông tin đất đai quốc gia đã hoàn thành giai đoạn thử nghiệm. Các địa phương đã thử nghiệm là Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Đổng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Bình Thuận, Quảng Nam, Tây Ninh.

Theo đó, các nội dung dữ liệu đã kết nối, chia sẻ gồm: Dữ liệu hiện trạng sử dụng đất của quốc gia và 7 vùng kinh tế; dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia và 7 vùng kinh tế; dữ liệu khung giá đất, bảng giá đất các tỉnh; dữ liệu điều tra cơ bản về đất đai của quốc gia và 7 vùng kinh tế; dữ liệu về 12 trường thông tin cơ bản của thửa đất; bản đồ quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đối với thành phố Hồ Chí Minh.

Ảnh minh họa

Đặc biệt, khoảng 105 dịch vụ dữ liệu về đất đai cấp Trung ương, địa phương được kết nối với hệ thống, điển hình: Nhóm dữ liệu điều tra, đánh giá đất; nhóm dữ liệu hiện trạng sử dụng đất; nhóm dữ liệu quy hoạch sử dụng đất; nhóm dữ liệu danh mục dùng chung; nhóm dữ liệu giá đất; nhóm dịch vụ dữ liệu của thành phố Hồ Chí Minh; nhóm dịch vụ dữ liệu của tỉnh Bình Thuận; nhóm dịch vụ dữ liệu của tỉnh Quảng Nam; nhóm dữ liệu dịch vụ của tỉnh Tây Ninh.

Mô hình hệ thống thông tin dữ liệu đất đai có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chuyên môn về công nghệ thông tin. Đây là sự phát triển tất yếu của ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, không chỉ giúp cho quản lý chính xác hơn, mà còn tạo nhiều hiệu quả mới trong quản lý do có sự trợ giúp của hệ thống thông tin đất đai. Khi hình thành giải pháp kỹ thuật này, hệ thống còn có ý nghĩa lớn hơn vì đất đai được coi như một địa bàn hoạt động chủ yếu của con người, có thể sử dụng mặt đất như một nền tảng quy chiếu mọi yếu tố khác gắn liền với trái đất và con người. Từ đó, mô hình hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu [MPLIS], tức là LIS không chỉ phục vụ quản lý đất đai mà còn để chứa đựng hầu hết thông tin khác để phục vụ các ngành kinh tế - xã hội và người dân, doanh nghiệp.

Trên thực tế, hiện nay, đang được áp dụng để quản lý các dịch vụ công vì hầu hết các dịch vụ này đều gắn với từng thửa đất ở. Ngoài ra, các dữ liệu này trong tương lai sẽ được tích hợp để quản lý xã hội như hộ khẩu, dân cư, lao động... để từ đó, những quyết định về hoạch định chính sách phát triển được hình thành với độ tin cậy cao.

Bên cạnh đó, hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu tập trung, thống nhất sẽ hướng đến cung cấp một nền tảng mà dữ liệu được chia sẻ rộng rãi với các Bộ, ban, ngành khác, thúc đẩy tính minh bạch và sự tiếp cận của cộng đồng để cập nhật và khai thác thông tin đất đai đáng tin cậy. Việc khai thác, chia sẻ các thông tin đất đai giữa các cơ quan và các bên liên quan như cơ quan thuế, công chứng, ngân hàng, cơ quan thanh tra, điều tra, tư pháp..., để thực hiện các nhiệm vụ chuyên ngành, đặc biệt là những thông tin liên quan đến nguồn gốc sử dụng đất, giá đất và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo tính bền vững và quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai.

Cũng theo ông Hà, việc triển khai hệ thống kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai không chỉ phục vụ cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai mà còn là cơ sở để cung cấp thông tin đất đai nói riêng và về TN&MT nói chung cho Trung tâm Điều hành, Cổng Dịch vụ công cấp tỉnh, các Sở, ngành, địa phương góp phần phát triển Chính quyền điện tử, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, cung cấp dịch vụ công thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp. Đây là một trong những bước tiến quan trọng trong tiến trình xây dựng cơ sở dữ liệu ngành TN&MT, thể hiện đóng góp của ngành vào phát triển Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Kết nối liên thông dữ liệu quốc gia, chia sẻ dữ liệu về TN&MT

Về giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai theo Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành TN&MT phiên bản 2.0, ông Nguyễn Bảo Trung, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu TNMT cho biết, mô hình và giải pháp kết nối chia sẻ dữ liệu đất đai được xây dựng theo giải pháp chung về kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu về TN&MT, dựa trên nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của Bộ TN&MT, kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của các địa phương, tuân thủ Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0.

Mô hình và giải pháp kết nối chia sẻ dữ liệu đất đai được xây dựng theo giải pháp chung về kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu về TN&MT

Theo đó, các cơ sở dữ liệu [CSDL] đất đai quốc gia, CSDL đất đai cấp Trung ương và CSDL đất đai cấp địa phương sẽ cung cấp các dịch vụ dữ liệu và đăng ký kết nối vào nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của Bộ TN&MT để phục vụ cung cấp, chia sẻ khai thác thông tin cho các Bộ, ngành địa phương, cổng dịch vụ công quốc gia, trung tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu theo quy định.

Đặc biệt, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu được thực hiện thông qua các dịch vụ dữ liệu [WebServices/API] trên hạ tầng công nghệ thông tin, mạng Internet/WAN.

Nguồn Báo TNMT

Video liên quan

Chủ Đề