Thuốc xổ ký sinh trùng cho tôm Bayer

Đường tiêu hóa (còn gọi là đường ruột) của tôm có thể được chia thành ba phần chính: phần ruột trước, phần ruột giữa và phần ruột sau (Hình 1). Phần ruột trước bao gồm dạ dày nối với thực quản và đến giữa khối gan tụy. Phần ruột giữa bao gồm manh tràng phía trước, ống ruột giữa, và manh tràng phía sau. Ruột sau nối với manh tràng phía sau của ruột giữa cho đến hậu môn (Sousa et al., 2006). Phần ruột trước và phần ruột sau được bao phủ bởi lớp biểu bì (lớp kitin) (cuticle layer) hoạt động như một hàng rào bảo vệ vật lý. Tuy nhiên phần ruột giữa không được lót bằng lớp kitin nhưng thay vào đó là một lớp biểu mô (epithelial layer), lớp biểu mô này được bảo vệ bởi màng bao chất dinh dưỡng (PM) có tính bán thấm, không thấm và tróc ra được (Martin et al., 2006).

Thuốc xổ ký sinh trùng cho tôm Bayer

Hình 1. Cấu tạo đường tiêu hóa tôm (Graindorge and Flegel., 1999; Sousa et al., 2006)

Những nhóm ký sinh trùng phổ biến trong đường tiêu hóa tôm

Trùng hai tế bào

Trùng hai tế bào (Gregarine) thuộc nhóm nguyên sinh động vật (lớp trùng 2 tế bào), ký sinh phổ biến ở tôm he là giống Nematopsis sp. Chúng thường ký sinh ở gan tụy và ruột giữa của tôm, có vật chủ trung gian là động vật thân mềm (chủ yếu là nhuyễn thể hai mảnh vỏ) và động vật chân đốt. Ở giai đoạn trưởng thành (còn gọi là thể dinh dưỡng) chúng có cấu tạo gồm 2 tế bào. Tế bào phía trước (Protomerite-P) có cấu tạo phức tạp gọi là đốt trước (Epimerite-E), cũng là cơ quan bám của ký sinh trùng và tế bào phía sau (Deutomerite-D) (Hình 2A). Quá trình phát triển của Gregarine trải qua các giai đoạn khác nhau có thể thấy trong gan ruột giữa của tôm (Hình 2B và 2C).

Thuốc xổ ký sinh trùng cho tôm Bayer

Hình 2. (A). Cấu trúc của trùng 2 tế bào trưởng thành (giống Nematopsis sp) thường nhiễm ở tôm he. (B). Các giai đoạn khác nhau của trùng hai tế bào (Nguồn Chakraborti et al., 2010). (C) Mẫu soi tươi dịch ruột của tôm thẻ chân trắng có thể thấy các giai đoạn khác nhau của trùng hai tế bào (mẫu tôm thu từ ao nuôi thâm canh tại Bạc Liêu, nguồn Đặng Thị Hoàng Oanh và ctv., 2019).

 

Khi tôm ăn thức ăn (là vật chủ trung gian như nhuyễn thể hai mảnh vỏ, giun đốt) nhiễm bào tử (spore) của Gregarine, bào tử vào cơ thể tôm sẽ nẩy mầm thành hạt bào tử (Sporozoite) bám vào thành và các mấu lồi của dạ dày hoặc lan xuống các tế bào biểu mô của ruột giữa, lấy chất dinh dưỡng từ vật chủ để phát triển thành thể dinh dưỡng, chúng tiếp tục phát triển và hình thành bào tử, phóng bào tử vào ruột giữa và dạ dày, di chuyển về cư trú ở các nếp gấp của ruột giữa, tiếp tục giai đoạn bào tử của ký sinh trùng. Ở ruột sau mỗi bào tử phát triển thành một kén giao tử (Gametocyst). Khi kén giao tử vỡ ra, các giao tử tiếp hợp và hình thành các hợp tử (Zygote) được phóng ra ngoài môi trường. Các hợp tử làm thức ăn cho nhuyễn thể hai mảnh vỏ và giun đốt sống ở đáy ao nuôi tôm. Ruột của nhuyễn thể hoặc giun đốt nhiễm Gregarine và hình thành các bào tử trong tế bào biểu mô. Kén bào tử phóng vào phân giả của nhuyễn thể hoặc giun đốt và chúng đều là thức ăn của tôm.

Tỉ lệ tôm nuôi trong ao nhiễm Gregarine rất cao (tỉ lệ nhiễm có thể là 100% ở một số ao nuôi ở). Tôm nhiễm Gregarine không có biểu hiện bệnh lý rõ ràng nhưng thường chậm lớn, với cường độ cảm nhiễm cao (Hình 3A), trùng hai tế bào sẽ làm tổn thương lớp biểu mô niêm mạc ruột giữa của tôm (Hình 3B) và tạo cơ hội cho vi khuẩn có hại xâm nhập gây ra nhiều bệnh khác trong đường ruột và gây tỉ lệ tôm chết cao.

Thuốc xổ ký sinh trùng cho tôm Bayer

Hình 3. (A) Trùng hai tế bào ở xoang ruột giữa (mũi tên). (B) Trùng hai tế bào trong lớp biểu mô ruột giữa (mũi tên) (40X, H&E). (Nguồn: Đặng Thị Hoàng Oanh và ctv., 2008).

Trùng hai tế bào rất dễ nhận thấy qua kiểm tra tiêu bản mẫu tươi (Hình 4A), tiêu bản phết kính nhuộm Giêm sa (Hình 4B) và mô bệnh học. Mẫu sử dụng có thể là dạ dày, gan tụy và ruột giữa của tôm. Các dạng bào tử của trùng hai tế bào có thể phát hiện trong mẫu phân tôm và bùn bã thu từ đáy ao.

Thuốc xổ ký sinh trùng cho tôm Bayer

Hình 4. (A) Tiêu bản tươi trùng hai tế bào ở xoang ruột giữa (mũi tên). (B) Tiêu bản phết kính nhuộm Giêm sa trùng hai tế bào trong gan tụy tôm (20X, H&E). (Nguồn Đặng Thị Hoàng Oanh, 2008; Đặng Thị Hoàng Oanh và ctv., 2019).

 

Tôm thường nhiễm Gregarine ở giai đoạn từ 40-50 ngày sau khi thả giống ở những ao nuôi mật độ cao, lúc trời nắng nóng và đáy ao dơ.

Các biện pháp phòng tôm nhiễm Gregarine:

Cải tạo ao tốt, loại bỏ vật chủ trung gian trước khi thả tôm bằng Aquabosso 50.

Lọc và xử lý nước bằng Complex Iodine Solution hoặc Virkon A trước khi nuôi.

Thức ăn cho tôm bố mẹ, những loại thức ăn tươi sống cần được kiểm tra kỹ hoặc chỉ cho ăn khi đã nấu chín (Lavilla-Pitogo, 2000).

Trong điều kiện thí nghiệm, cho tôm thẻ chân trắng ăn kháng sinh sodium monensin và sulfachloropyrazine đã được chứng minh là có thể làm giảm đáng kể cường độ nhiễm giao tử của trùng tế bào Nematopsis (Fajer-Avila et al., 2005).

Vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP)

Enterocytozoon hepatopenaei sp. là tên của một loài vi bào tử trùng được phát hiện nhiễm ở tế bào biểu mô của ống gan tụy tôm, chúng có siêu cấu trúc của họ Enterocytozoonidae, vị trí của các khối sinh chất đa nhân (plasmodia) của chúng ở trong tế bào chất của tế bào biểu mô ống gan tụy (Hình 5A) và có trình tự gen SSU rRNA khác biệt 16% với loài Enterocytozoon bieneusi (Tourtip et al., 2009). Bào tử trưởng thành có hình bầu dục (Hình 5B và 5C).

Thuốc xổ ký sinh trùng cho tôm Bayer

Hình 5. (A) Ảnh chụp tế bào biểu mô ống gan tụy nhiễm EHP nhuộm H&E (Nguồn: NACA). (B) Bào tử EHP nhuộm H&E. (C). Ảnh chụp bào tử EHP (Nguồn: Tourtip et al., 2009).

 

EHP là dạng ký sinh nội bào bắt buộc, sử dụng chất dinh dưỡng dự trữ ở gan tụy làm tôm chậm lớn do không đủ chất dinh dưỡng cho tăng trưởng và lột xác. EHP nhiễm ở tất cả các giai đoạn phát triển của tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Trong điều kiện phòng thí nghiệm, EHP đã được chứng minh có khả năng lây nhiễm từ con tôm này sang con khác (Tangprasittipap et al., 2013). Tôm nhiễm EHP không có dấu hiệu bệnh lý đặc trưng, nhưng được cho là có liên quan đến hiện tượng chậm lớn và phân cỡ ở tôm khoảng 2 – 3 tháng sau thả nuôi (Tang et al., 2016; Flegel et al., 2016), kích cỡ của tôm nhiễm EHP chỉ bằng ½ kích cỡ của tôm không nhiễm EHP bệnh với cùng thời gian nuôi (Tang et al., 2016; Flegel et al., 2016; Santhoshkumar et al., 2016).

EHP có thể được phát hiện bằng cách quan sát tiêu bản tươi, phết kính nhuộm H&E hay Giemsa hoặc mô bệnh học. Bào tử EHP bắt màu tím của hematocyline hoặc tím xanh của Giemsa có hình bầu dục ở dạng đơn hoặc tập trung thành cụm quanh các tế bào biểu mô ống gan tụy. Phương pháp PCR (gồm PCR hai bước và PCR thời gian thật) được áp dụng để xét nghiệm nhanh, nhạy và đặc hiệu EHP phục vụ cho chọn giống (Tourtip et al., 2009; Tangprasittipap et al., 2013; Tang et al., 2015).

Hiện nay chưa có phương pháp điều trị hiệu quả EHP ở tôm, các biện pháp phòng EHP nhiễm vào tôm và ao nuôi được khuyến cáo như sau:

  1.  Khử trùng các dụng cụ thiết bị tại trại sản xuất giống; kiểm tra nguồn thức ăn đặc biệt là thức ăn tự nhiên cho tôm bố mẹ bằng phương pháp PCR để tránh nhiễm EHP qua vật chủ trung gian;
  2. Khử trùng trứng trước khi ương;
  3. Chọn tôm giống không nhiễm EHP bằng xét nghiệm PCR;
  4. Chuẩn bị đáy ao thật kỹ, loại bỏ chất hữu cơ tích lũy ở đáy ao và xử lý bằng vôi nóng (CaO) để pH đạt khoảng 12 nhằm làm chết bào tử EHP.
  5. Cần có một số diện tích làm ao chứa lắng, khử trùng nước trước khi cấp vào ao nuôi.

Công ty Bayer khuyên người nuôi tôm áp dụng An toàn sinh học (xử lý vật chủ chung gian mang mầm bệnh như: ốc sò vẹm ... bằng Aquabosso 50; xử lý nước cấp vào ao bằng Complex Iodine Solution hoặc Virkon A).

          Vermiform

Vermifrom (dạng giun) là một sinh vật có hình dạng cơ thể giống trùng hai tế bào xuất hiện nhiều trong các ống gan tụy tôm (Sriurairatana et al., 2014). Vermiform thường có chiều dài và đường kính tỉ lệ thuận với ống lượn của gan tụy tôm (Hình 6A và 6B), đồng thời vermiform cũng xuất hiện ở phần ruột giữa của tôm (Hình 6C).

Thuốc xổ ký sinh trùng cho tôm Bayer

Hình 6. (A) Ảnh chụp tiêu bản tươi vermiform (mũi tên) ở gan tụy. (B) tiêu bản mô học gan tụy tôm nhiễm vermiform (mũi tên) nhuộm H&E. (C) tiêu bản mô học ruột giữa tôm nhiễm vermiform (mũi tên). (Nguồn: Đặng Thị Hoàng Oanh và ctv., 2013; 2019). (D). Cấu trúc màng của vermiform khi nhuộm với Rose Bengal (Nguồn: Sriurairatana et al., 2014).

 

Vermiform không di động, không mang bất kì cấu trúc tế bào hay tiền tế bào, không có nhân tế bào và các nội quan như ty thể, nhân, mạng lưới nội bào và ribisome, cơ thể gần như trong suốt và được bao bọc bởi một lớp màng lớp màng ngoài mỏng cùng với một phức hợp màng dày với nhiều lớp phức tạp (quan sát rõ khi nhuộm với Rose Bengal (Hình 6D) và không giống với màng sinh chất hay lớp màng ngoài của bất kỳ loài trùng hai tế nào hoặc các sinh vật đơn, đa bào đã được biết đến.

Tôm nhiễm Vermiform không có biểu hiện bệnh lý đặc trưng kể cả khi xuất hiện với số lượng lớn. Sự hiện diện của vermiform trong gan tụy và ruột được cho là làm tôm giảm ăn, chậm lớn và có liên quan đến bệnh phân trắng ở tôm (Sriurairatana et al., 2014). Nhóm tác giả cho rằng đây là một biểu hiện bệnh lý trên tôm được hình thành quá trình biến đổi, bong tróc và tập hợp các vi nhung mao từ các tế bào biểu mô ống gan tụy. Khi có sự hiện diện của Vermiform ở cường độ cao sẽ dẫn đến việc hình thành những chuỗi phân màu trắng trong ruột tôm và thải ra môi trường. Tuy nhiên cơ chế gây bệnh của vermiform vẫn chưa được xác định. Cho đến nay chưa có phương pháp phòng và trị vermiform ở tôm được công bố.