Viettel đầu tư ra bao nhiêu nước năm 2024

Báo cáo của Chính phủ về thực hiện các nghị quyết của Quốc hội trong lĩnh vực tài chính đã cập nhật hiệu quả hoạt động của các dự án đầu tư ra nước ngoài. Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trước đó Viettel và đơn vị thành viên là Viettel Global đã đầu tư 10 dự án mạng viễn thông tại Campuchia, Lào, Mozambique, Đông Timor, Cameroon, Burundi, Tanzania, Haiti, Myanmar, Peru và 3 dự án nghiên cứu phát triển tại Pháp, Mỹ, Nga. Các dự án viễn thông của Viettel tại các nước châu Phi đã hoạt động và bắt đầu có dòng tiền chuyển về nước. Các dự án tại Haiti, Mozambique và Cameroon đang trong quá trình hoàn vốn.

Theo báo cáo của 23 doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước thì trong năm 2019 không đăng ký dự án mới đầu tư ra nước ngoài.

Tổng số vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài hiện nay là 12,2 tỷ USD, trong đó 3 tập đoàn đầu tư lớn nhất gồm: Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG).

Lũy kế đến ngày 31-12-2019, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện các doanh nghiệp là 6,1 tỷ USD (bằng 50,47% tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài đăng ký); số còn phải tiếp tục đầu tư ra nước ngoài là hơn 6 tỷ USD.

Doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất là PVN với số vốn đầu tư ra nước ngoài lũy kế là 3,12 tỷ USD (chiếm 51%), Viettel đứng thứ hai, còn VRG đứng thứ 3.

Về kết quả, đối với các dự án đầu tư ra nước ngoài đã có báo cáo thì số tiền chuyển về nước là 434 triệu USD, trong đó có 114 triệu USD của Viettel. Số tiền thu từ lợi nhuận, cổ tức được chia và lãi cho vay là 234 triệu USD. Lũy kế đến ngày 31-12-2019, 9 doanh nghiệp đã có số thu từ các dự án tại nước ngoài chuyển về nước với số tiền 2,971 tỷ USD, bằng 48,6% vốn đầu tư đã thực hiện.

Tổng lợi nhuận của các dự án đầu tư nước ngoài có lãi trong năm 2019 đạt 583 triệu USD, tăng 7% so với năm 2018. Tổng số lỗ phát sinh năm 2019 của các dự án đầu tư ra nước ngoài báo lỗ là 154 triệu USD, tương đương 45% tổng số lỗ năm 2018 (352 triệu USD). Báo cáo của Chính phủ đánh giá, lĩnh vực viễn thông, kinh doanh xăng dầu, dịch vụ dầu khí, là các lĩnh vực có dự án phát sinh lãi.

Gợi mở cho doanh nghiệp về việc đầu tư hiệu quả vào lĩnh vực viễn thông tại một sự kiện mới đây, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, với lĩnh vực viễn thông, hạ tầng phải đầu tư trước, rồi kinh doanh theo sau.

Theo Bộ trưởng, bản chất kinh doanh của di động là "đầu tư 100 triệu USD thì mất hết, đầu tư 200 triệu USD thì mất hết, đầu tư 300, 400 triệu USD thì cũng mất hết, đầu tư 1 tỷ USD thì sinh ra 2-3 tỷ USD".

Ông Nguyễn Mạnh Hùng nói: "Đã vào sân chơi viễn thông thì không phải nhỏ thì đầu tư nhỏ, mà ngược lại, nhỏ phải đầu tư lớn hơn, ông nhỏ nhất muốn thắng thì mạng phải to hơn để chất lượng tốt hơn. Không thể đã nhỏ hơn, thương hiệu kém hơn, chất lượng kém hơn mà lại đầu tư ít hơn để chất lượng lại kém đi nữa. Nếu vậy thì chết là chắc".

Bộ trưởng Thông tin Truyền thông lấy ví dụ câu chuyện của Viettel, khi đầu tư ra nước ngoài, ban đầu, Viettel luôn là nhà mạng nhỏ nhất trên thị trường: "Chiến lược khi đó là mạng phải to hơn ông to nhất ngay từ đầu, sau đó mới kinh doanh, và vì thế mà tại 7/10 nước đã vươn lên thành số 1 mặc dù vào sau hàng chục năm".

Trong một bài phỏng vấn cách đây gần chục năm, ông Tào Đức Thắng, lúc bấy giờ là Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư quốc tế Viettel (hiện là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel) đã khẳng định: "Tại các nước mà chúng tôi đầu tư, hạ tầng mạng lưới của Viettel luôn dẫn đầu về quy mô, chất lượng và góp phần đáng kể vào việc thay đổi diện mạo ngành viễn thông ở nơi đầu tư. Chính vì những điều này mà chúng tôi nhận được sự tin yêu và đánh giá cao của người dân và chính phủ nước sở tại".

Ông Thắng cho biết, kinh nghiệm từ việc cạnh tranh và điều hành kinh doanh trong nước là một trong những hành trang để Viettel "chinh chiến" ở thị trường nước ngoài.

Trong thời gian đầu, cũng như ở Việt Nam, Viettel tập trung xây dựng hạ tầng nhanh, phủ sóng rộng khắp cả nước, giành vị thế dẫn đầu về chất lượng và quy mô mạng lưới làm nền tảng để cạnh tranh kinh doanh.

Đồng thời, toàn bộ việc xây dựng, lắp đặt và vận hành đều do người Viettel tự làm nên doanh nghiệp hoàn toàn làm chủ mạng lưới. Chính sự chủ động, tính linh hoạt kết hợp với tinh thần làm việc quyết liệt giúp Viettel có thể thay đổi và thích ứng rất nhanh để đáp ứng lại nhu cầu của thị trường.

Hiện nay, Viettel Global là doanh nghiệp top đầu trong lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài thu hồi vốn lớn nhất tại Việt Nam. Doanh thu lũy kế cả năm 2022 của Viettel Global đạt 23.630 tỷ đồng - tương đương hơn 1 tỷ USD và tăng 22,8% so với mức 19.200 tỷ đồng của năm 2021.

Dòng tiền thu về từ các thị trường quý 3/2023 đạt 2.860 tỷ, lũy kế 9 tháng đầu năm 2023 đạt gần 5.000 tỷ đồng

Trong quý 3 năm 2023, đứng đầu tăng trưởng là khối các thị trường châu Phi với mức tăng 18%; tiếp đến là Mỹ La tinh tăng 17% và Đông Nam Á tăng 13%. Hầu hết các công ty thị trường (bao gồm cả công ty con và công ty liên kết) đều tăng trưởng cao về doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ như Movitel tại Mozambique +34%, Unitel tại Lào +23%, Telemor tại Đông Timor +21%.

Bên cạnh việc làm chủ thị trường viễn thông, các thương hiệu Viettel tại nước ngoài đang chuyển dịch mạnh mẽ sang các dịch vụ số. Quý III/2023, Viettel Global ghi nhận các công ty Ví điện tử tiếp tục có tốc độ tăng trưởng rất cao: M_mola tại Mozambique +593%, Telemor Fintech tại Đông Timor +96%, Star Fintech tại Lào +93%, eMoney tại Campuchia +41%, Halopesa tại Tanzania +31%.