Biên bản thanh lý có gái trị lúc nào năm 2024

“Thanh lý Hợp đồng” là một hoạt động mang tính “thường xuyên” mà mỗi doanh nghiệp hay một chủ thể thực hiện các hoạt động kinh doanh, ít nhiều đã thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay khi đối chiếu với các quy định của pháp luật, thì lại vắng bóng, không có quy định cụ thể về “Thanh lý Hợp đồng”.

Sự hình thành của hoạt động “Thanh lý Hợp đồng”

“Thanh lý” là một từ Hán Việt, dịch ra có nghĩa là sự kiểm kê, giải quyết các hồ sơ còn tồn đọng, và cụm từ Thanh lý được sử dụng nhiều trong hoạt động kinh tế.

Trước đây, tại Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế 1989 thì thuật ngữ “Thanh lý hợp đồng kinh tế” đã được xuất hiện. Sau đó, tới Nghị định 17-HĐBT năm 1990 của Hội đồng Bộ trưởng Hướng dẫn Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế và Thông tư 108-TTNN năm 1990 của Trọng Tài nhà nước Hướng dẫn ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế thì thuật ngữ “Thanh lý Hợp đồng kinh tế” lại được thể hiện.

Đến khi Bộ luật Dân sự 2005 có hiệu thực thi hành, thì Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế 1989, Nghị định số 17, Thông tư 108 nêu trên hết hiệu lực, và tại Bộ luật Dân sự 2005 cũng không có nêu thuật ngữ “Thanh lý hợp đồng”, hay “Thanh lý Hợp đồng kinh tế”.

Tuy nhiên, do thói quen đã áp dụng, thực hiện các hoạt động thanh lý Hợp đồng nhiều trong khoảng thời gian dài nên mặc dù thuật ngữ Thanh lý hợp đồng không được ghi nhận, thể hiện trong các văn bản pháp luật nhưng các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vẫn thực hiện thủ tục thanh lý Hợp đồng để chấm dứt các quan hệ trong giao dịch phát sinh từ Hợp đồng. Nó có thể là hoạt động thanh lý Hợp đồng cho thuê nhà, Hợp đồng mua bán hàng hóa,…

Thanh lý Hợp đồng là gì ?

Hiện không có khái niệm, định nghĩa cụ thể về “Thanh lý Hợp đồng”, tại Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế 1989, chỉ mô tả, thông qua việc nêu lên các trường hợp các bên phải cùng nhau thanh lý Hợp đồng. Cụ thể, tại Điều 28 Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế 1989 có thể hiện:

“Các bên phải cùng nhau thanh lý hợp đồng kinh tế trong trường hợp:

1- Hợp đồng kinh tế được thực hiện xong;

2- Thời hạn có hiệu lực của hợp đồng kinh tế đã hết và không có sự thoả thuận kéo dài thời hạn đó;

3- Hợp đồng kinh tế bị đình chỉ thực hiện hoặc huỷ bỏ;

4- Khi hợp đồng kinh tế không được tiếp tục thực hiện theo quy định tại đoạn 2, đoạn 3 Điều 24 hoặc Điều 25 của Pháp lệnh này.”

Đối chiếu với quy định tại đoạn 2, đoạn 3 Điều 24 hoặc Điều 25 của Pháp lệnh thì Thanh lý Hợp đồng khi “Người nhận chuyển giao không đủ điều kiện thực hiện hợp đồng kinh tế được chuyển giao thì yêu cầu bên chuyển giao phải thanh lý hợp đồng kinh tế trước khi nhận chuyển giao” hoặc khi “một bên ký kết hợp đồng kinh tế là pháp nhân phải giải thể”.

Như vậy, Thanh lý Hợp đồng trong các trường hợp này là hoạt động mà các bên xác lập một văn bản để ghi nhận khối lượng, giá trị công việc đã thực hiện, và các phát sinh sau quá trình hoàn thành công việc đó.

Có thể nhận thấy, việc Thanh lý Hợp đồng không đương nhiên tại cùng thời điểm với Hợp đồng được hoàn thành và hết hiệu lực. Do liên quan đến Hợp đồng, là quyền lợi, nghĩa vụ của các bên, và có liên quan đến lợi ích vật chất. Vậy nên, trong biên bản Thanh lý Hợp đồng các bên thường ghi nhận các bên đã thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo Hợp đồng như thế nào, cái gì còn chưa thực hiện được, cách thức xử lý ra làm sao.

Khi chốt, thống nhất với nhau những công việc đã thực hiện, nghĩa vụ còn lại phải thực hiện thì kể từ thời điểm biên bản thanh lý được ký kết thì quan hệ hợp đồng giữa các bên kết thúc. Tuy nhiên, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên được thể hiện trong biên bản thanh lý vẫn có hiệu lực pháp luật thi hành. Bởi đây là một dạng thỏa thuận của các bên, chuyển trạng thái ban đầu từ thực hiện Hợp đồng, sang một giai đoạn khác khi Hợp đồng kết thúc.

Có nghĩa rằng, nếu một bên đang còn nghĩa vụ phải thực hiện với bên kia thì phải thực hiện, như nghĩa vụ thanh toán tiền công nợ, nghĩa vụ thực hiện một số công việc.

Mục đích chính của việc thanh lý Hợp đồng là các bên thỏa thuận chấm dứt Hợp đồng, kèm theo đó là sự ghi nhận, xác định công việc mà các bên đã thực hiện. Điều này, tránh được việc khi một trong các bên đã chấm dứt thực hiện Hợp đồng, nhưng trên mặt pháp lý lại chưa có một căn cứ để xác lập thỏa thuận chấm dứt Hợp đồng, cũng như quyền nghĩa vụ đã được thực hiện chưa được làm rõ.

Trong trường hợp, Hợp đồng đã được thực hiện xong thì các bên vẫn ký kết Biên bản thanh lý Hợp đồng, điều này là rất bình thường. Bởi khi ký Biên bản thanh lý Hợp đồng, các bên xác định được khối lượng công việc đã được thực hiện, là cơ sở để các bên ghi nhận, thừa nhận công việc đã thực hiện của đối phương, tránh việc lật lọng, mâu thuẫn, tranh chấp. Hoạt động này thường xảy ra trong các lĩnh vực liên quan đến việc nghiệm thu chất lượng hàng hóa, sản phẩm. Ví dụ: Bên A cung cấp, lắp đặt cho B một thiết bị điện. Khi thực hiện xong việc cung cấp, lắp đặt Hai bên tiến hành biên bản thanh lý, xác nhận khối lượng công việc và giá trị thanh toán. Biên bản này chính là một bằng chứng thể hiện việc Bên A đã hoàn thành công việc, và nghĩa vụ thanh toán của Bên B. Trường hợp Bên B vi phạm thì Bên A đã có căn cứ để yêu cấu thực hiện, hoặc khởi kiện ra Tòa án, điều này làm cho Bên B không thể lật lọng, hay chối bỏ việc thanh toán trong khi đã xác nhận, thừa nhận việc hoàn thành công việc của Bên A.

Chính sự phù hợp, thuận lợi của hoạt động thanh lý Hợp đồng, nên mặc dù các quy định hiện không có quy định rõ, nhưng các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vẫn đang áp dụng chế định này.

Các bên có còn được Quyền thanh lý Hợp đồng ?

Hiện nay, Bộ luật Dân sự 2015 không có khái niệm, hay liệt kê các trường hợp cụ thể các bên phải tiến hành thanh lý Hợp đồng như quy định trước đây của Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế 1989. Tuy nhiên, như đã phân tích, chính sự ưu việt, phòng ngừa rủi ro của chế định thanh lý Hợp đồng, nên trong hoạt động kinh tế, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vẫn áp dụng rất nhiều.

Theo quy định tại khoản 2, Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015 thì: “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.”

Như vậy, một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là sự tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Vậy nên, việc quy định bắt buộc các bên phải tiến hành thanh lý Hợp đồng khi xảy ra trường hợp này, trường hợp kia là không thực sự cần thiết. Việc quyết định xác lập, thực hiện, chấm dứt các quyền và nghĩa vụ của Hợp đồng được chuyển về cho các bên tự quyết định, và nhà nước không can thiệp vào vấn đề này quy định mang tính bắt buộc.

Bộ luật Dân sự 2015 vẫn có các quy định liên quan đến các trường hợp Hợp đồng bị chấm dứt. Cụ thể tại Điều 422 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định: “Hợp đồng chấm dứt trong trường hợp sau đây:

  1. Hợp đồng đã được hoàn thành;
  2. Theo thỏa thuận của các bên;
  3. Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện;
  4. Hợp đồng bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện;
  5. Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn;
  6. Hợp đồng chấm dứt theo quy định tại Điều 420 của Bộ luật này;
  7. Trường hợp khác do luật quy định.”

Như vậy, nếu xảy ra trường hợp nêu trên thì khi Hợp đồng chấm dứt, xử lý các vấn đề liên quan đến việc Hợp đồng chấm dứt thì tương ứng từng trường hợp đã có các quy định cụ thể để giải quyết. Theo đó, với việc Hợp đồng bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì thực hiện theo quy định tại Điều 427, Điều 428 Bộ luật Dân sự 2015.

Ngoài ra, Bộ luật Dân sự 2015 vẫn có thể hiện rõ là “theo sự thỏa thuận của các bên”, nên khi các bên thỏa thuận về việc chấm dứt Hợp đồng, thì có thể ký kết Biên bản thanh lý Hợp đồng, đây chính là quyền tự quyết, tự định đoạt của các bên chứ không phải là một thủ tục bắt buộc. Và các bên phải thực hiện theo đúng những nội dung đã thỏa thuận, nếu không có sự ép buộc, lừa dối khi xác lập “Biên bản thanh lý”.

Đơn cử, tại Bản án số 517/2019/DS-ST ngày 08/11/2019 của Tòa án nhân dân quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh về Tranh chấp hợp đồng thuê nhà, có nhận định liên quan đến việc ký thanh lý Hợp đồng. Cụ thể:

Theo hồ sơ vụ án, ngày 20 tháng 4 năm 2018, giữa Nguyên đơn (Bên thuê) và Bị đơn (Bên cho thuê) có ký với nhau Hợp đồng thuê nhà, thời hạn thuê là 4 năm. Vào ngày 02/5/2019, khi việc thuê nhà được hơn 01 năm thì phía Bị đơn có đến phản ánh không đồng ý việc Nguyên đơn xây dựng thêm nhà vệ sinh và đề nghị thanh lý hợp đồng thuê nhà.

Hai bên đã ký kết Biên bản thanh lý Hợp đồng có nội dung, hai bên đồng ý chấm dứt trước thời hạn cho thuê nhà. Bên cho thuê sẽ trả tiền cọc và đền bù cho Bên thuê như sau: “Từ ngày ký thanh lý hợp đồng thì bên A sẽ đưa 50.000.000 đồng cho bên B và bên B tức bên thuê nhà có nghĩa vụ sửa chữa, chống thấm, sơn nước những chỗ hư hỏng, vật dụng trong phòng: như máy lạnh, camera, kính nhà…v..v trả lại hiện trang nhà như cũ lúc ban đầu giao nhà. Đến ngày 20 tháng 6 năm 2019 bên A sẽ thanh toán số tiền 25.000.000 đồng khi mọi hiện trạng được như lúc mới bàn giao.”

Tuy nhiên, ngày 05 tháng 6 năm 2019, tuy chưa đến thời điểm bàn giao lại nhà cho thuê, phía bị đơn đã không đồng ý để bên nguyên đơn tiếp tục sửa chữa nhà theo thỏa thuận, tự động lấy lại nhà và không có bất cứ ý kiến hay yêu cầu gì đối với nguyên đơn. Giữa hai bên đã phát sinh tranh chấp, phía nguyên đơn đã khởi kiện yêu cầu bị đơn tiếp tục thực hiện thỏa thuận. Trong quá trình giải quyết vụ án, phía bị đơn cho rằng không có ý định thanh toán số tiền 75.000.000 đồng nêu trên, nhưng vì muốn lấy nhà sớm nên mới đồng ý ký thỏa thuận thanh lý hợp đồng. Nội dung này đã bị Tòa án bác bỏ với lập luận: “trình bày của bị đơn là không có căn cứ bởi lẽ việc ký thỏa thuận này là do hai bên tự nguyện, không trái quy định của pháp luật thì các bên phải có nghĩa vụ thực hiện.”

Chế định về “Thanh lý Hợp đồng” mang tính chất “lịch sử” vì thời điểm ban hành đang hướng đến là hoạt động kinh tế của các đơn vị, doanh nghiệp nhà nước, là lúc Việt Nam mới mở cửa thị trường. Do đó, để tránh rủi ro, tránh sự tranh chấp, nhà nước quy định mang tính bắt buộc các bên thực hiện, bởi việc “Thanh lý Hợp đồng” là ghi nhận sự thỏa thuận của các bên, giúp phòng ngừa, hạn chế được những tranh chấp trong hoạt động kinh tế.

Đơn cử, cũng vì việc các bên chưa làm rõ được các nội dung trong Biên bản thanh lý mà một vụ kiện “xuyên thế kỷ đã được diễn ra”. Đó là vụ tranh chấp thanh lý Hợp đồng Liên doanh trong quá trình giải thể Công ty Liên doanh (LD) Sản xuất băng từ Sài Gòn (Saindes).

Theo đó, năm 1993, Liên doanh sản xuất băng từ Sài gòn (Saindes) được thành lập trên cơ sở hợp tác giữa Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC, Công ty Indesen (Hong Kong) và Công ty Asia Investment and Trading (AIT) do ông Thái Hưng – Việt kiều Úc – đại diện. Liên doanh có tổng số vốn đầu tư gần 10,5 triệu USD, trong đó, vốn pháp định gần 9,5 triệu USD. Tỷ lệ góp vốn của SJC 45% vốn pháp định và phía nước ngoài là 55%.

Do các vấn đề nội bộ nên sau khi hoạt động được hơn 4 năm rưỡi, liên doanh phải xin giải tán. Cuối tháng 12/1997, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã đồng ý với đề nghị này. Tháng 6/1999, hai bên ký phương án chia tài sản. Theo đó, phía đối tác nước ngoài sẽ nhận máy móc, thiết bị, còn SJC sẽ nhận các tài sản còn lại và chịu trách nhiệm thanh toán công nợ của liên doanh. Thế nhưng sau đó giữa các bên đã phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp vì phía Công ty SJC cho rằng “biên bản bàn giao này không có giá trị pháp lý” nên không thực hiện. Kể từ khi phiên tòa đầu tiên năm 2001 đến nay, việc xét xử vẫn chưa kết thúc với nhiều phiên tòa phân xử khác nhau.

Như vậy, có thể nhận thấy, khi chấm dứt quan hệ Hợp tác, các bên khi xác lập biên bản thanh lý cần thống nhất các nội dung, ghi nhận rõ ràng, chế tài xử lý các hành vi vi phạm, chú ý chủ thể tham gia ký kết cũng phải là người có thẩm quyền ký kết. Bởi khi xảy ra các tranh chấp, thì chính biên bản thanh lý Hợp đồng sẽ là tài liệu chứng minh lỗi, nghĩa vụ phải thực hiện của các bên, là cơ sở để xác định chế tài xử lý vi phạm.

Vậy nên, mặc dù pháp luật không có quy định bắt buộc phải tiến hành hoạt động “Thanh lý Hợp đồng”, nhưng các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoàn toàn có quyền áp dụng, sử dụng chế định này, nhằm bảo đảm được quyền lợi của mình.

Luật sư Mai Quốc Việt – Công ty Luật FDVN

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

Xem thêm: http://tratu.coviet.vn/hoc-tieng-trung/tu-dien/lac-viet/T-V/%E6%B8%85%E7%90%86.html

Bản án 517/2019/DS-ST ngày 08/11/2019 về tranh chấp hợp đồng thuê nhà của TAND quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh

Xem thêm: https://baophapluat.vn/phap-luat/vu-kien-xuyen-the-ky-cua-mot-doanh-nhan-viet-kieu-154407.html

[4] Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989 do Hội đồng Nhà nước ban hành;

[5] Thông tư 108-TTNN năm 1990 hướng dẫn ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế (theo Pháp lệnh HĐKT ngày 25/9/89 và Nghị định 17-HĐBT ngày 16/1/1990 thi hành Pháp lệnh hợp đồng kinh tế) do Trọng Tài nhà nước ban hành.

[6] Bộ luật Dân sự 2015.

[7] Xem thêm: https://vietstock.vn/2019/05/lien-doanh-cua-sjc-dung-hoat-dong-tu-nam-1997-den-nay-van-chua-the-giai-the-737-676200.htm