Biểu diễn bài chòi qua kịch là thế nào năm 2024

QĐND - Bài chòi là một bộ môn nghệ thuật có đặc điểm tổ chức và hình thức diễn xướng rất gần gũi với người lính. Tùy điều kiện và hoàn cảnh, một đơn vị nghệ thuật bài chòi có thể rất gọn nhẹ, thậm chí chỉ một diễn viên cầm trịch gọi là “Anh Hiệu”, cùng lúc có thể sắm vai nhiều nhân vật trong một hoạt cảnh. Trình diễn bài chòi cũng không cần sân khấu hoành tráng, đạo cụ cồng kềnh… Vì thế nên tính chất gọn nhẹ và cơ động của bài chòi rất cao. Có thể ví một đơn vị nghệ thuật bài chòi giống như một phân đội xung kích, cơ động nhanh, đánh nhanh, rút nhanh...

Thời “oanh liệt” đã qua?

Thực tế những năm kháng chiến, trên địa bàn Quân khu 5 đã có nhiều tổ, đội văn nghệ xung kích mang nghệ thuật bài chòi đi phục vụ quân và dân theo phương thức nhanh, gọn và hiệu quả như thế. Tiêu biểu là Đoàn Văn công Giải phóng Bình Định thực sự là một đơn vị chiến đấu, mỗi chuyến đi biểu diễn là một trận đánh. Và trong hơn 13 năm chiến đấu và phục vụ chiến đấu, đơn vị đã có nhiều cán bộ, diễn viên anh dũng hy sinh trong khi biểu diễn nghệ thuật, như: Đoàn trưởng Hoàng Ngọc Ẩn, Đoàn trưởng Nguyễn Tuấn Anh, Đội trưởng Nguyễn Văn Minh, diễn viên Nguyễn Mẹo, nhạc công Nguyễn Ngọc Hà v.v..

Ngày nay, nghệ thuật bài chòi vẫn được cán bộ, chiến sĩ các LLVT rất mến mộ. Lính ta yêu thích bài chòi có lẽ vì tính chất vui nhộn, hoạt náo, ứng biến… phù hợp với “chất lính”. Vai trò của “Anh Hiệu” trong bài chòi phần nào giống với các vai tấu nói vốn là một hình thức nghệ thuật sản sinh từ đời sống văn nghệ của bộ đội trong kháng chiến trước đây. Không chỉ trên địa bàn Quân khu 5 mà bộ đội miền Bắc cũng thích bài chòi. Mỗi lần có đơn vị nghệ thuật của tỉnh Bình Định ra thăm và biểu diễn ở đơn vị kết nghĩa là Sư đoàn 3 của Quân khu 1, bao giờ bộ đội cũng yêu cầu hô bài chòi và đó là những tiết mục được cổ vũ nhiệt liệt nhất.

Biểu diễn bài chòi qua kịch là thế nào năm 2024

Một cảnh trong vở bài chòi “Khúc ca bi tráng” của Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định.

Nhưng bài chòi cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác ở nước ta, đang đứng trước nguy cơ thất truyền, phai nhạt; nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin đa phương tiện và xu thế hội nhập, toàn cầu hóa… Ngày nay, ở các vùng nông thôn, hiếm có nơi nào còn hội đánh bài chòi vào dịp đầu Xuân, các sân khấu hiếm khi diễn ca kịch bài chòi. Có một vài đoàn ở những địa bàn vốn là “đất bài chòi” trước đây thì nay cũng tồn tại và hoạt động lay lắt, cầm chừng… Nghệ sĩ dần dần bỏ sân khấu vì không sống được với nghề...

Thực tế không phải nhân dân ta đã chán bài chòi; hoặc đây chỉ là một thứ nghệ thuật nhà quê nôm na, đơn giản, nghèo nàn… không phù hợp với thời hiện đại, với công chúng trẻ và bạn bè quốc tế. Bằng chứng là những năm gần đây, thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa, hội đánh bài chòi đã được tái hiện trong không gian mới là các khu du lịch trong một số nhà hàng ở Quy Nhơn - Bình Định, trong khu phố cổ Hội An - Quảng Nam và nhiều lễ hội địa phương, được nhân dân bản địa và du khách trong và ngoài nước hào hứng tiếp nhận… Đồng thời, nhiều nghệ sĩ và nhà nghiên cứu tâm huyết đã tích cực đề nghị và nhiệt tình tham gia cùng các ngành chức năng tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo, liên hoan sân khấu bài chòi… ở các cấp độ khác nhau và đã thu được những kết quả đáng mừng. Đặc biệt, năm 2011, tại TP Quy Nhơn, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức Liên hoan sân khấu dân ca kịch bài chòi chuyên nghiệp toàn quốc. Đây là một trong những hoạt động văn hóa nghệ thuật nằm trong khuôn khổ chương trình “Năm Du lịch Quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ – Phú Yên 2011” nhằm quảng bá các di sản văn hóa và tiềm năng du lịch của các tỉnh Nam Trung Bộ với du khách trong và ngoài nước. Tham dự Liên hoan có 3 đơn vị ca kịch bài chòi chuyên nghiệp toàn quốc là Đoàn Ca kịch Quảng Nam, Đoàn Ca kịch Bình Định và Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa. Mỗi đơn vị nghệ thuật mang đến Liên hoan 2 vở diễn gồm: Một vở ca kịch bài chòi truyền thống và một vở có đề tài lịch sử, huyền sử, dân gian hoặc hiện đại.

Theo đánh giá của Ban tổ chức, với những đề tài khác nhau, dù truyền thống hay hiện đại, nhưng các đoàn tham gia Liên hoan sân khấu Dân ca kịch bài chòi chuyên nghiệp toàn quốc năm 2011 đều đã thể hiện được ý thức bảo tồn và phát triển nghệ thuật bài chòi trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay. Hầu hết các vở diễn đều giữ được đặc trưng, vẻ đẹp của bài chòi – môn nghệ thuật đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân miền Trung từ mấy trăm năm qua. Các đoàn đều có dàn diễn viên trẻ trung, yêu nghề, có khả năng kế tục sự nghiệp của lớp đàn anh đi trước trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của nghệ thuật bài chòi.

Gần đây nhất, Cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc-năm 2013, tổ chức tại tỉnh Quảng Nam với 15 vở diễn của 11 đơn vị nghệ thuật nhiều vùng, miền tham gia, thì 1 trong 2 vở được trao Huy chương vàng là vở “Khúc ca bi tráng” của Ðoàn Ca kịch bài chòi Bình Định (tác giả kịch bản Văn Trọng Hùng, Ðoàn Thanh Tâm chuyển thể, NSND Hoài Huệ đạo diễn). Lấy bối cảnh lịch sử giai đoạn thoái trào của nhà Tây Sơn dưới thời vua Cảnh Thịnh, xoay quanh các nhân vật lịch sử ở hai chiến tuyến, “Khúc ca bi tráng” ca ngợi những tấm gương nghĩa khí mà cái chết của họ đã thành bất tử. Đáng chú ý là trong lúc nhiều đoàn thường dành các vai diễn quan trọng nhất cho các nghệ sĩ tên tuổi, có thâm niên nghề nghiệp và bề dày thành tích đảm nhận để đi thi thố, thì Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định đã giao vai chính thể hiện nhân vật lịch sử Trần Quang Diệu cho một diễn viên 32 tuổi và diễn viên này đã vượt qua được áp lực để thể hiện tốt vai diễn, là một trong những diễn viên trẻ nhất đoạt Huy chương bạc của cuộc thi.

Phục hồi và phát triển thế nào?

Từ những sự kiện sinh động và cụ thể trên đây, cho thấy rõ ràng nếu được quan tâm đầu tư đúng mức và có những cách làm tốt, thì nghệ thuật bài chòi vẫn được công chúng các thế hệ hôm nay hâm mộ, vẫn còn nhiều thế hệ nghệ sĩ và diễn viên tài năng, tâm huyết gắn bó; những giá trị văn hóa của bộ môn nghệ thuật này vẫn được giữ gìn và phát huy, phát triển. Xin kiến nghị 2 biện pháp sau đây:

Một là: Cần có một đề tài cấp Nhà nước về bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi trong thời đại hội nhập và phát triển của đất nước. Để thực hiện đề tài này, cùng với các hoạt động nghiệp vụ của giới chuyên môn, như: Điền dã, khảo sát, sưu tầm, nghiên cứu… thì cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cần chủ trì một số hội thảo khoa học cấp quốc gia và tổ chức những cuộc Liên hoan nghệ thuật chuyên đề về bài chòi. Các hội thảo và Liên hoan này có thể theo định kỳ 3 năm hoặc 5 năm; không nên để quá thưa, quá dài, quá xa… như thời gian qua và nói cho chính xác thì một số hoạt động gần đây vừa nêu trên cũng “lồng ghép” nhiều bộ môn nghệ thuật chứ không chuyên về bài chòi.

Biểu diễn bài chòi qua kịch là thế nào năm 2024

Hát bài chòi phục vụ khách du lịch ở phố cổ Hội An. Ảnh: Trương Hoàng

Trước mắt, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cần chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương là những cái nôi của nghệ thuật bài chòi triển khai các bước lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận nghệ thuật bài chòi là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Theo tôi, nếu tiến hành tích cực công việc này sẽ tạo nên “hiệu quả kép”: Một mặt, quá trình thu thập tư liệu và xây dựng luận chứng để trình UNESCO sẽ thúc đẩy hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát triển nghệ thuật bài chòi có những nét khởi sắc hơn. Mặt khác, nếu bài chòi được UNESCO công nhận là di sản của nhân loại thì sẽ mở ra một cơ hội mới, với những điều kiện mới để việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi thuận lợi hơn và đạt được những kết quả to lớn hơn.

Hai là: Nhà nước cần đầu tư xây dựng một Nhà hát Bài chòi tại Nam Trung Bộ. Hiện tại, ở vùng đất quê hương của bài chòi chưa có một nhà hát riêng xứng tầm với tiềm năng di sản nghệ thuật bài chòi, thậm chí một Đoàn Nghệ thuật Bài chòi chuyên biệt cũng chưa có mà đa số là những đơn vị dân ca kịch tổng hợp. Và giả sử có được một Đoàn Nghệ thuật Bài chòi chuyên biệt thì đó cũng chỉ là một đơn vị biểu diễn, không có chức năng nghiên cứu và đào tạo. Vì vậy, phải có một Nhà hát Bài chòi thì mới đáp ứng được các yêu cầu về biểu diễn phục vụ nhân dân, nghiên cứu và giảng dạy, đào tạo nghệ thuật bài chòi cho các thế hệ kế tiếp. Theo chúng tôi, nhà hát này nên xây dựng tại tỉnh Bình Định và giao cho tỉnh Bình Định trực tiếp quản lý. Bởi lẽ: Bình Định không chỉ là một trong những cái nôi của nghệ thuật bài chòi, mà trên thực tế nhiều chục năm qua, nơi đây đã đạt được những thành tựu khá nhất trong việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi. Trải qua hơn nửa thế kỷ dựng xây và phát triển, Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định đã trở thành một “thương hiệu” ở miền Trung. Tập thể và nhiều cá nhân của đoàn đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc, giành được nhiều HCV, HCB… và được phong tặng các danh hiệu cao quý của Nhà nước. Riêng trong 2 năm 2010-2011, đã có 8 diễn viên trẻ của đoàn đoạt được tổng cộng 3 Huy chương vàng, 6 Huy chương bạc tại các liên hoan, cuộc thi. Đặc biệt, tại Cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc, tổ chức tại tỉnh Quảng Nam hồi tháng 5-2013, Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định đã gặt hái những kết quả xuất sắc: Huy chương vàng cho vở diễn “Khúc ca bi tráng” và Giải tác giả kịch bản xuất sắc nhất cho tác giả Văn Trọng Hùng, cùng 2 HCV và 3 HCB cho 5 diễn viên khác. Thành tích trên đã khẳng định hướng đi đúng của Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định những năm qua. Các thế hệ nghệ sĩ đi trước đã tận tình dìu dắt những người trẻ mới vào nghề, từng bước tạo điều kiện để các diễn viên trẻ thử sức ở những vở diễn “kinh điển”, hay vai chính trong các vở mới dàn dựng. Từ đó, các diễn viên trẻ có được môi trường hoạt động nghệ thuật tốt để trưởng thành. Đây chính là cơ sở để chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào tương lai của nghệ thuật bài chòi trên quê hương Bình Định!