Chúa tể những chiếc nhẫn vieết từ sách nào năm 2024

Thực ra mà nói thì bây giờ mới lật đật viết review (tạm gọi là thế) cho Chúa Tể những chiếc Nhẫn - từ đây sẽ gọi tắt là Chúa Nhẫn - thì nghe chừng có vẻ tệ bạc quá. Mình biết đến Chúa Nhẫn cũng phải được mười lăm năm có lẻ, nhưng là bản phim chuyển thể của Peter Jackson. Lần đầu tiên mình đọc trọn bộ Chúa Nhẫn là chừng mười năm về trước. Số bài mình viết về các khía cạnh của tác phẩm này kể ra cũng không phải quá ít, nhưng nói đến cảm nhận cá nhân, thì hẳn đây là lần đầu tiên thực sự viết.

Với cá nhân mình mà nói, Chúa Nhẫn là một tác phẩm vĩ đại, một tượng đài không gì có thể xô đổ. Mình không đếm nổi số lần mình đọc đi đọc lại Chúa Nhẫn suốt những năm qua, nhưng chưa bao giờ mình chán khi đọc tác phẩm này cả. Cộng đồng fantasy tôn xưng Chúa Nhẫn là Kinh Thánh của fantasy hiện đại kể ra cũng không phải quá lời.

Những lời khen ngợi đối với Chúa Nhẫn đã nhiều lắm rồi, mọi người chắc nghe cũng đã mòn tai. Nhưng có một vấn đề khá thường thấy với những người mới đọc Chúa Nhẫn. Đó là họ thấy tác phẩm có vẻ chán, không cuốn hút như những bộ fantasy họ từng đọc. Dường như họ không cảm được Chúa Nhẫn, và không hiểu vì sao hằng bao thế hệ độc giả lại tôn thờ tác phẩm này đến thế. Bài cảm nhận này cũng không định cố chỉ ra những cái hay của Chúa Nhẫn - vì ấy là vấn đề mỗi cá nhân. Mình viết bài này, thuần túy để tri ân tới một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của văn chương, và cũng là thế giới kỳ ảo mà mình yêu mến nhất.

Về mặt cốt truyện, thực ra có thể nói là câu chuyện của Chúa Nhẫn rất đơn giản và dễ hiểu, không có gì lắt léo hết. Câu chuyện của Chúa Nhẫn là câu chuyện về sự đối đầu giữa hai phe Thiện và Ác. Motip mà Chúa Nhẫn sử dụng cũng không phải thứ gì quá xa lạ, mà chính là A Hero’s Journey - Hành trình của người anh hùng, với trọng tâm là bốn anh chàng Hobbit cùng bạn bè của họ. Câu chuyện của Chúa Nhẫn không thiếu cao trào, nhưng nó sẽ không có những tình tiết giật gân gây sốc, hay plot twist để thay đổi mạch truyện. Hệ thống nhân vật của Chúa Nhẫn khá đa dạng - nhưng đại đa số là đơn sắc. Điều này không có ý chê cách xây dựng nhân vật của Chúa Nhẫn bị kém, mặc dù phải nói thực là nó không có sự phức tạp và đa chiều của nhiều tác phẩm sau này. Nói các nhân vật của Chúa Nhẫn đơn sắc, là muốn nói tới bản chất của họ - hoặc thiện, hoặc ác; hoặc từ thiện sang ác và ngược lại. Dĩ nhiên vẫn có ngoại lệ - có thể kể đến nhân vật Gollum/Smeagol, nhưng nhìn chung, nhân vật của Chúa Nhẫn không tạo được cảm giác đa chiều hay phức tạp như nhiều tác phẩm thế hệ sau.

Dĩ nhiên nói như vậy có phần hơi bất công và không đúng lắm với Chúa Nhẫn. Chúng ta nên hiểu rằng đây là một tác phẩm thuộc thế hệ đầu tiên của fantasy hiện đại. Nếu so với những tác phẩm lứa kế cận - khi mà tác giả đã có nền tảng là chính Chúa Nhẫn để học hỏi và từ đó phát triển, thì việc xây dựng nhân vật của Tolkien tạo ra cảm giác hơi rập khuôn cũng dễ hiểu. Suy cho cùng, chính Chúa Nhẫn đã tạo ra những khuôn mẫu ấy kia mà? Vả chăng, nhân vật của Chúa Nhẫn đơn sắc không có nghĩa là họ thiếu chiều sâu. Các nhân vật của Tolkien đều đại diện cho một tư tưởng, một thông điệp mà ông muốn gửi gắm trong tác phẩm của mình. Hơn thế nữa, bản chất của Chúa Nhẫn là một câu chuyện đậm tính sử thi, nên việc khắc họa các nhân vật theo hơi hướng như vậy cũng dễ hiểu.

Và điều quan trọng nhất khi đọc Chúa Nhẫn, là phải hiểu rằng câu chuyện của nó không chỉ xoay quanh cuộc Nhẫn Chiến ở Kỷ Đệ Tam. Không, câu chuyện của Chúa Nhẫn là cả một hành trình dài của các nhân vật, mà cuộc chiến chỉ là một phần trong đó - quả là một phần quan trọng, nhưng không phải tất cả. Chính ra, thứ mà tác phẩm tập trung lại là việc tả cảnh, tả vẻ ngoài của từng nhân vật, tả lối sống, văn hóa và ngôn ngữ riêng của từng giống loài. Bởi vì thế, toàn bộ câu chuyện của Chúa Nhẫn đậm chất thi ca, mỹ học và triết học.

Chính vì tinh thần của tác phẩm như vậy, cho nên văn phong của Chúa Nhẫn cũng mang những dáng dấp đặc trưng như thế. Chúa Nhẫn là một tác phẩm đậm tính sử thi, được Tolkien lấy cảm hứng từ Kinh Thánh và nhiều hệ thần thoại khác nhau, đặc biệt là sử thi Beowulf. Bởi vậy, văn phong của Chúa Nhẫn cũng rất đậm chất thơ; các câu văn của nó toát lên vẻ cổ kính, thấm đẫm tính mỹ học và triết học. Tolkien dành ra rất nhiều dung lượng trong tác phẩm để tả cảnh, tả vật. Những cuộc đối thoại trong Chúa Nhẫn thường rất dài, và lồng ghép vào đó vô số tích truyện của chính thế giới ấy. Mà hơn thế nữa, Tolkien còn đưa vào Chúa Nhẫn hàng chục bài thơ hay khúc ca dài ngắn khác nhau. Những bài thơ ấy tạo nên vẻ đẹp trong câu văn của Chúa Nhẫn - một vẻ đẹp rất đặc trưng, đậm chất Tolkien mà gần như chưa ai có thể tái tạo được. Cũng bởi thế, nếu không đủ kiên nhẫn, hoặc quen với những cuốn fantasy có văn phong gãy gọn, dễ đọc thì chắc chắn bạn sẽ khó mà đọc hết vài chương đầu. Nhưng nếu bạn theo được, tất sẽ cảm được cái sự tinh tế, thi vị, hùng tráng rất đặc trưng của Chúa Nhẫn.

Ý tưởng cũng như thế giới của Chúa Nhẫn là một trong những hệ thống thế giới giả tưởng vĩ đại nhất từng được tạo ra. Đây là đỉnh cao mà chưa một tác phẩm fantasy nào vượt qua được.

Chúa Nhẫn xuất bản lần đầu là vào năm 1954 - 1955. Tolkien bắt đầu bắt tay vào viết Nhẫn trong khoảng từ năm 1937 (sau khi ông cho ra mắt cuốn Anh chàng Hobbit) đến năm 1949, sau đó tiếp tục chỉnh sửa. Tuy nhiên, những phác thảo đầu tiên của vũ trụ giả tưởng này đã được hình thành từ tận năm 1917. Có nghĩa là Tolkien đã dành ra gần 40 năm để tạo dựng thế giới của ông. Công sức mà Tolkien bỏ ra đã đem đến thành quả là một vũ trụ giả tưởng cực kỳ chi tiết. Có khởi thuỷ, có hệ thống các thế lực thần thánh, có những tích truyện, truyền thuyết xa xưa về thời trước câu chuyện của Chúa Nhẫn hàng ngàn năm. Rồi thì có cả những mô tả về địa lý, các chủng tộc sinh sống khắp Trung Địa, lịch sử các vùng đất, và phi thường nhất chính là hệ thống các ngôn ngữ giả tưởng mà Tolkien tạo ra. Ông đã sáng tạo khoảng 15 ngôn ngữ với mức độ chi tiết khác nhau và hoàn chỉnh nhất chính là ngữ hệ của tộc Tiên. Tolkien là giáo sư ngành ngôn ngữ học, nên ông đặt ra những quy chuẩn rất khắt khe và chân thực cho các ngôn ngữ giả tưởng của mình, như cách phát âm và cách viết. Tất cả những điều ấy đã tạo nên một thế giới giả tưởng chân thực đến kinh ngạc và vĩ đại ngoài sức tưởng tượng. Cho đến nay, vẫn chưa tác phẩm nào đạt đến độ chi tiết và kỳ vĩ như thế.

Cũng vì tạo ra thế giới chi tiết như vậy, cho nên kỳ thực toàn bộ cuốn Chúa Nhẫn (Tolkien luôn coi Chúa Nhẫn chỉ là một tác phẩm duy nhất, chia làm sáu quyển nhỏ, nhưng vì dung lượng quá dài nên nhà xuất bản mới phải chia làm 3 tập như ta thấy) chỉ là một câu chuyện ở cuối Kỷ Đệ Tam của thế giới. Xuyên suốt Chúa Nhẫn, ta sẽ thấy các nhân vật thường xuyên kể cho nhau nghe những tích truyện từ thời xa xưa. Đó toàn bộ là các sự kiện có thật và đã được Tolkien viết ra với nhiều độ chi tiết khác nhau. Sau này khi ông đã qua đời, con trai là Christopher đã tập hợp và biên soạn lại được thêm tầm 15 cuốn nữa. Nói như vậy để thấy mức độ đầu tư của Tolkien cho Chúa Nhẫn đáng khâm phục đến thế nào.

Một điều đáng nói nữa về Chúa Nhẫn là cho dù cốt truyện đơn giản, nhưng cái hệ thống ý nghĩa mà Tolkien đưa vào nó không giản đơn tý nào mà rất sâu sắc. Ông truyền tải đủ thứ thông qua Chúa Nhẫn: tình bạn, tình đồng đội, lòng dũng cảm, bóng ma của chiến tranh, những ý nghĩa về cái chết - sự sống, sức mạnh của sự kiểm soát,... Chính những suy ngẫm đầy triết lý của ông mới là thứ tạo nên cái hồn của Chúa Nhẫn, là thứ khiến biết bao thế hệ độc giả say mê nó. Đọc Chúa Nhẫn không chỉ để biết về các sự kiện trong đó, mà còn để cảm nhận được những suy tư và thế giới quan của Tolkien đã được gửi gắm thông qua các nhân vật của mình.

Ngoài ra, cũng còn một điểm khá hay ho về Chúa Nhẫn, ấy là Tolkien sáng tác nó theo một cách rất quái. Như đã nói, Tolkien luôn luôn coi Chúa Nhẫn là một tác phẩm duy nhất, chia làm sáu quyển nhỏ. Và quả tình là ông viết Chúa Nhẫn theo một cách khá kỳ quặc. Tolkien mất 4 năm đầu để viết gần hoàn chỉnh cuốn Một, nhưng sau đó ông viết về các sự kiện sau này sẽ trở thành mở đầu cho cuốn Ba và Năm. Sau đó ông nghỉ một thời gian, đến năm 1944 thì viết tiếp các chương của cuốn Bốn, chủ yếu để gửi cho con trai Christopher đang trong quân ngũ có cái mà đọc. Năm năm tiếp theo Tolkien viết nốt những chỗ dang dở, hoàn thành những chỗ bị trống. Đến năm 1949 ông cơ bản viết xong, rồi sau đó tự mình biên tập, đánh máy lại tất cả, hay nói thẳng ra là viết ngược lại từ cuối lên đầu để nhất quán các sự kiện. Chính nhờ thế mà tác phẩm có độ liên kết rất cao và không có vẻ gì là được viết trong nhiều giai đoạn khác nhau cả.

Chúa Nhẫn quả tình là một tác phẩm đáng đọc, kể cả nếu nó không khiến bạn bị mê đắm. Đây được coi là Kinh Thánh của fantasy hiện đại, là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của văn chương. Vậy thì ít nhất nếu đã yêu thích văn chương nói chung, hay là fantasy nói riêng, có lẽ cũng nên đọc một lần để phần nào cảm được sự vĩ đại của nó. Nhưng câu hỏi mà mình nghĩ chắc cũng nhiều bạn muốn nói, ấy là đọc bản gốc của Chúa Nhẫn thì có vẻ khá khó, nhưng có nên đọc bản dịch tiếng Việt hay không?

Mình tin là nếu đã quan tâm đến Chúa Nhẫn, hẳn các bạn cũng đã từng nghe phong thanh về việc nhiều người không thích cách dịch Chúa Nhẫn bản hiện hành của Nhã Nam. Phê bình chủ yếu nhắm vào việc dịch hầu hết nhân danh và địa danh chứ không để nguyên (ví dụ dịch Baggins thành Bao Gai).

Nhưng nói thực, trước khi phê bình thì phải hiểu cái thứ mình phê bình đã. Đội ngũ dịch giả của Nhã Nam vì sao dịch như thế? Sao không để nguyên cho "quen thuộc”?

Thực ra, lúc đầu chính bản thân Tolkien cũng phản đối dịch nhân danh địa danh do hai bản dịch Hà Lan và Thụy Điển dịch quá tệ. Tuy nhiên, dường như sau đó chính ông cũng phần nào cảm thông được cái khó của dịch giả, nên Tolkien thay đổi quan điểm. Ông đã chấp nhận việc dịch nhân danh và địa danh, thậm chí còn viết hẳn hướng dẫn chi tiết cách dịch cho các ngôn ngữ mà ông biết. Có nghĩa là cách dịch của Nhã Nam hoàn toàn chuẩn và đúng với tinh thần bao đời nay khi dịch Chúa Nhẫn.

Đúng ra mà nói, chính Tolkien cũng tự coi Chúa Nhẫn là một... bản dịch. Theo tư duy của ông thì Chúa Nhẫn nguyên là cuốn Sách Đỏ do hai bác cháu Bilbo và Frodo viết lại theo dạng hồi ký bằng Ngôn Ngữ Chung của Trung Địa. Việc của Tolkien là dịch cái quyển đấy ra tiếng Anh hiện đại. Do đó, để dịch đúng Chúa Nhẫn thì phải truy ngược lại ý nghĩa nhân danh địa danh mà Tolkien hàm ý sử dụng rồi chuyển sang ngôn ngữ cần dịch. Và điều cốt yếu là cuốn này viết theo điểm nhìn của dân Hobbit, nên chuyển ngữ cũng phải lấy góc nhìn của Hobbit mà làm. Điều đó có nghĩa là phương châm dịch của bản dịch tiếng Việt hoàn toàn đúng theo tư tưởng của chính Tolkien. Dĩ nhiên vẫn sẽ có người không thích và có những phê bình xác đáng, nhưng ấy lại quy về chuyện cảm quan cá nhân; còn cốt tủy cách dịch như vậy là không hề sai.

Chúa Tể những chiếc Nhẫn là cuốn fantasy hiên đại kỳ vĩ nhất từng được tạo ra. Tuy nhiên, bởi vì đây là một tác phẩm văn chương kinh điển, cho nên độc giả hiện đại đã quen với các tác phẩm fantasy hậu bối khác sẽ khó cảm được cái hay của nó. Thực tình mà nói thì nhiều tác phẩm fantasy hậu bối có cốt truyện và nhân vật hay hơn Chúa Nhẫn rất nhiều. Bởi vậy cho nên việc nhiều người cảm thấy Chúa Nhẫn nhàm chán hay tẻ nhạt là điều dễ hiểu. Đây cũng không phải vấn đề gì to tát. Thực ra, mình sẽ rất vui nếu ai đó có thể cảm nhận được sự vĩ đại và hoành tráng của Chúa Nhẫn, giống như mình đã làm được mười năm về trước.