Đánh giá khái quát tổ chức bộ máy biên chế

Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế Thái Quang Toản phát biểu tại Hội nghị triển khai chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ.

1. Một số kết quả chủ yếu trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính và quản lý biên chế

1.1 Về tổ chức bộ máy

- Thực hiện nhất quán chủ trương tổ chức mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, đầu mối các cơ quan của Chính phủ đã từng bước được thu gọn. Qua 3 nhiệm kỳ Chính phủ (khóa XI, XII, XIII), số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã giảm từ 48 xuống 30 cơ quan (22 bộ, cơ quan ngang bộ và 08 cơ quan thuộc Chính phủ). Không còn cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực.

- Các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước bao quát đầy đủ các ngành, lĩnh vực; trong đó, thực hiện nguyên tắc mỗi ngành, lĩnh vực được Chính phủ phân công cho 01 bộ chủ trì, chịu trách nhiệm chính, các bộ, ngành khác có trách nhiệm phối hợp. Theo đó, về cơ bản, đến nay đã khắc phục sự chồng chéo hoặc bỏ trống về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ.

- Cơ cấu tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ từng bước được kiện toàn phù hợp với tiêu chí, điều kiện của từng loại hình tổ chức: tham mưu quản lý tổng hợp (đối tượng quản lý bên trong bộ); tham mưu quản lý chuyên ngành (đối tượng quản lý bên ngoài bộ); cung ứng dịch vụ sự nghiệp công (trong phạm vi quản lý của bộ), đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

- Hệ thống cơ quan hành chính nhà nước được tổ chức, quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thông suốt trong quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực. Thực hiện nhất quán nguyên tắc, không nhất thiết ở trung ương có bộ, cơ quan ngang bộ thì địa phương có tổ chức tương ứng để thu gọn đầu mối tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.

Qua 3 nhiệm kỳ Chính phủ (khóa XI, XII, XIII), số lượng cơ quan chuyên môn cấp tỉnh giảm từ 22 xuống 17 (tổ chức cứng), cơ quan chuyên môn cấp huyện cơ bản giữ ổn định là 12 cơ quan (có tính đến yếu tố đặc thù theo loại hình đơn vị hành chính ở cấp huyện).

Từ những kết quả chủ yếu nêu trên, về cơ bản, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương được thiết kế tinh gọn, hợp lý, đáp ứng yêu cầu quản lý thống nhất, thông suốt và bao quát đối với các ngành, lĩnh vực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, so với yêu cầu quản lý trong tình hình mới, Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã chỉ ra một số vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy cần nghiên cứu để phù hợp với trình độ, năng lực quản lý và đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, đó là: 1) Nghiên cứu phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số bộ; 2) Tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, bảo đảm bộ máy đồng bộ, tinh gọn, ổn định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; 3) Nghiên cứu việc thành lập cơ quan quản lý chuyên ngành về năng lượng; 4) Nghiên cứu việc thành lập cơ quan quản lý chuyên ngành về tài nguyên nước.

1.2 Về tinh giản biên chế

Thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010, ngày 08/8/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 132/2007/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Theo báo cáo của các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể ở trung ương và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính đến ngày 31/12/2011 đã giải quyết tinh giản biên chế được 69.269 người, trong đó: 62.490 người hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi; 6.676 người hưởng chính sách thôi việc ngay; 79 người hưởng chính sách chuyển sang các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước; 24 người hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học.

Việc tinh giản biên chế theo Nghị định số 132 và các quy định của pháp luật trong thời gian qua đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, thể hiện như sau:

- Thông qua việc rà soát, phân loại các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã xác định được số lượng và những người cần tinh giản, bộ máy có điều kiện bổ sung những người có trình độ đào tạo, chuyên môn, nghiệp vụ cao, có ngoại ngữ, tin học, sức khỏe vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức.

- Thực hiện tinh giản biên chế bảo đảm sự ổn định về tư tưởng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức kể cả những người trong diện phải tinh giản. Thông qua việc tổ chức triển khai đồng bộ, công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng, cùng với chính sách hỗ trợ hợp lý đã động viên và tạo điều kiện cho những người tinh giản biên chế sau khi nghỉ việc thoải mái về tư tưởng và có thêm một khoản kinh phí để bảo đảm ổn định cuộc sống.

Việc thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định số 132 bước đầu đã nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhưng chưa giải quyết được vấn đề giảm biên chế. Dù đã giải quyết tinh giản một khối lượng lớn cán bộ, công chức, viên chức (69.269 người) và việc quản lý biên chế công chức, viên chức trong thời gian qua được kiểm soát chặt chẽ nhưng biên chế công chức, viên chức vẫn có xu hướng tăng lên hàng năm.

2. Một số vấn đề đặt ra trong thời gian tới

2.1 Về tổ chức bộ máy

Để bảo đảm bộ máy nhà nước ngày càng tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, công tác quản lý tổ chức bộ máy trong thời gian tới cần tập trung thực hiện theo định hướng sau: 1) Tiếp tục thực hiện mô hình tổ chức quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; 2) Hệ thống cơ quan hành chính nhà nước được tổ chức, quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Trên cơ sở định hướng nêu trên, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một là, tập trung hoàn thiện thể chế: Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 (sửa đổi) và Luật tổ chức chính quyền địa phương; các thông tư, thông tư liên tịch về cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

Hai là, tổng kết, đánh giá cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa XIII và đề xuất cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa XIV.

Ba là, tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức các cơ quan, đơn vị. Trước mắt, giữ ổn định tổ chức như hiện nay. Không thành lập các tổ chức trung gian; chỉ thành lập tổ chức mới trong trường hợp cá biệt thật sự cần thiết do yêu cầu thực tiễn. Rà soát để sửa đổi quy định về tổ chức bộ máy trong các văn bản pháp luật hiện hành không thuộc chuyên ngành Luật Tổ chức Chính phủ.

Bốn là, kiện toàn tổ chức bộ máy phải gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ. Tiếp tục củng cố và nâng cao hoạt động của mô hình quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Xem xét để hợp nhất các tổng cục, cục, vụ; cơ bản không để cấp phòng trong các đơn vị tham mưu thuộc cơ quan trung ương.

Năm là, phân loại đơn vị hành chính làm cơ sở xác định tổ chức, bộ máy phù hợp với yêu cầu quản lý và nâng cao chất lượng cung ứng các nhu cầu cơ bản, thiết yếu phục vụ nhân dân. Những nhiệm vụ không cần thiết phải trực tiếp thực hiện hoặc thực hiện không có hiệu quả thì chuyển sang các tổ chức ngoài nhà nước đảm nhận.

Sáu là, rà soát lại bộ máy các sở, ban, ngành ở địa phương để kiện toàn các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng thu gọn đầu mối, giảm bớt khâu trung gian, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Chú ý phân biệt rõ mô hình chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn.

Bảy là, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực. Phân loại đơn vị sự nghiệp để thực hiện các hình thức chuyển đổi phù hợp (hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, từng bước cổ phần hóa, hợp tác công tư...). Đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập có khả năng tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động theo hướng tiếp tục đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, nhân sự và khuyến khích thành lập các tổ chức cung ứng dịch vụ công thuộc các thành phần ngoài nhà nước, nhất là lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học. Tăng cường kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước và nhân dân đối với hoạt động của các đơn vị sự nghiệp.

2.2 Về tinh giản biên chế

Để bảo đảm đạt được mục tiêu tinh giản biên chế nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, cải cách chính sách tiền lương, trong thời gian tới cần thực hiện theo định hướng sau:

- Từ nay đến 31/12/2016, bảo đảm không tăng tổng biên chế trong cả hệ thống chính trị. Trường hợp phải thành lập tổ chức mới hoặc được giao nhiệm vụ mới thì các cơ quan, tổ chức, đơn vị tự cân đối, điều chỉnh trong tổng biên chế hiện có. Riêng đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế bảo đảm có học sinh thì phải có giáo viên, có giường bệnh thực sử dụng thì phải có nhân viên y tế để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

- Các cơ quan, tổ chức và đơn vị cần rà soát trình độ đào tạo, năng lực của công chức, viên chức để có kế hoạch sắp xếp, bố trí sử dụng phù hợp với vị trí việc làm và yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện tinh giản biên chế đối với những cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, không đạt tiêu chuẩn quy định, những người dôi dư do sắp xếp lại tổ chức.

- Các cơ quan, tổ chức và đơn vị chỉ được sử dụng tối đa 50% số biên chế tinh giản và biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định để tuyển dụng mới; số còn lại được đưa vào biên chế dự phòng do cơ quan có thẩm quyền quản lý để sử dụng, phục vụ bổ sung cho tổ chức thành lập mới hoặc được giao thêm chức năng, nhiệm vụ mới theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Trường hợp các cơ quan, tổ chức không thực hiện được tinh giản biên chế theo quy định thì xử lý trách nhiệm của người đứng đầu về việc không thực hiện được tinh giản biên chế.

- Giữ ổn định biên chế của các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp đến hết năm 2016. Từ năm 2017, thực hiện khoán hoặc hỗ trợ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ khi được Đảng, Nhà nước giao.

- Từng cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 7 năm (2015-2021) và từng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện; trong đó phải xác định tỷ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu 10% biên chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao năm 2015. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp, khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi thêm 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp.

- Tiếp tục đẩy mạnh và hoàn thành bước đầu việc xác định vị trí việc làm để làm căn cứ xác định biên chế và tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

- Các cơ quan, tổ chức, đơn vị nếu đã thực hiện số lượng biên chế lớn hơn tổng số biên chế được cấp hoặc cơ quan có thẩm quyền giao phải giải trình và báo cáo cụ thể với cơ quan có thẩm quyền quản lý biên chế; đồng thời phải xây dựng phương án giảm ngay số biên chế vượt quá so với quy định để đảm bảo thực hiện nghiêm quy định của Đảng và pháp luật về quản lý biên chế.