Đánh giá olympus omd m1 mark 2 năm 2024

Được nâng cấp từ dòng máy ảnh thành công thế hệ đầu tiên OM-D E-M1 ra mắt vào năm 2013, E-M1 Mark II sở hữu những công nghệ cải tiến, trong khi vẫn đảm bảo được sự cơ động cũng như chất lượng hình ảnh xuất sắc.

Là 1 trong 2 hãng sản xuất máy ảnh duy nhất trên thế giới hiện nay trung thành với việc sử dụng cảm biến Micro Four Thirds trên các sản phẩm của mình.

Với khả năng chụp liên tiếp lên tới 60fps,; Olympus OM-D E-M1 Mark II hiện là mẫu máy ảnh có tốc độ chụp nhanh nhất thế giới hiện nay.

Chính thức được giới thiệu lần đầu tiên tại triển lãm Photokina ở Đức hồi tháng 9/2016, Olympus OM-D E-M1 Mark II đã khiến giới nhiếp ảnh thế giới phải ngỡ ngàng về khả năng chụp liên tục tới 60fps, nhanh nhất trong làng máy ảnh hiện tại.

Thiết kế nhỏ gọn, linh hoạt

Về cơ bản, ngoại hình của E-M1 Mark II không khác biệt quá nhiều so với thế hệ trước. Olympus chỉ tinh chỉnh lại một chút phần báng cầm và các nút điều hướng để mang tới trải nghiệm sử dụng tốt hơn. Ấn tượng để lại khi cầm nắm chiếc mirrorless này là sự gọn nhẹ, chắc chắn, đầm tay. Nếu đang sử dụng một chiếc DSLR, bạn chắc chắn sẽ phải bất ngờ về trọng lượng của E-M1 Mark II khi cân nặng cho riêng phần thân máy chỉ khoảng 600g. Tôi đã sử dụng chiếc máy này trong cả một ngày dài rong ruổi trên các phố cổ Hà Nội và phần cổ tay không hề gặp chút nhức mỏi nào.

Dù thân máy nhỏ gọn nhưng do phần báng cầm được làm nhô lên rất cao cùng kích thước lớn hơn, tạo điểm tựa tốt khi thao tác, nên có thể dễ dàng cầm máy chắc chắn bằng một tay khi cần thiết. Chất liệu giả da phủ quanh thân máy mang tới độ bám tốt, chống trơn trượt. Theo Olympus, toàn bộ phần khung của E-M1 Mark II được làm từ magiê nên có khả năng chống va đập, chịu thời tiết khắc nghiệt, chống bụi, chống mưa/nước và chống cả băng giá tới -10 độ C.

Hệ thống vòng xoay chỉnh chế độ được Olympus bố trí tập trung trên đỉnh máy, có phần hơi hoài cổ gợi cảm hứng đến các máy ảnh phim. Vị trí các vòng xoay, nút bấm hợp lý, giúp tôi thao tác mau lẹ khi chụp ảnh đường phố, thể thao. Phía mặt sau nổi bật là màn hình LCD kích thước 3 inch, tỷ lệ 3:2, độ phân giải 1,037 triệu điểm ảnh có thể xoay lật linh hoạt, rất đáng giá khi chụp ảnh, quay phim ở những góc cực thấp hay từ trên cao xuống. Màn hình hiển thị sáng nét, chống lóa tốt với ánh nắng mặt trời, màu sắc trung thực.

Bạn cũng có thể lật ngược màn hình ra phía trước để chụp ảnh selfie hay quay vlog rất tiện lợi. E-M1 Mark II cũng có một chế độ dành riêng cho việc chụp "tự sướng". Máy sẽ tự động làm đẹp khuôn mặt người chụp, và bạn có thể quan sát trực tiếp khi xoay màn hình ra phía trước.

Màn hình này cũng tích hợp cảm ứng để chọn điểm nét, chụp ảnh hay xem lại ảnh. Tuy nhiên, hơi đáng tiếc khi các thao tác cảm ứng đa điểm lại chưa được hỗ trợ nên không thể dùng 2 ngón tay để phóng to ảnh khi cần.

Hướng đến người dùng chuyên nghiệp, E-M1 Mark II tích hợp sẵn kính ngắm điện tử EVF độ phân giải 2,36 triệu điểm ảnh, tỷ lệ 4:3, độ phủ 100% khung hình, độ phóng đại tối đa 1.48x, độ trễ chỉ 5ms với tốc độ làm tươi lên tới 120fps. Kính ngắm có kích thước lớn, độ sáng cao, hiển thị mượt mà, đủ thoái mái để ngắm chụp, bố cục khung hình thuận tiện nhưng màu sắc hơi rực rỡ thái quá so với phần màn hình chính. Bạn có thể vừa ngắm chụp qua kính ngắm vừa chọn điểm nét trên màn hình chính.

Nhờ kích thước lớn hơn, Olympus đã tích hợp cho E-M1 Mark II một viên pin dung lượng cao hơn 37% so với thế hệ trước đi kèm với 2 khe cắm thẻ nhớ SD, hỗ trợ chuẩn UHS-II tốc độ cao. Thời lượng pin cũng được hiển thị trực quan hơn dưới dạng phần trăm thay vì chỉ là các vạch pin đơn thuần. Nhờ thế, tôi có thể dễ dàng kiểm tra dung lượng pin của máy và có kế hoạch sạc pin hay thay pin hợp lý. Viên pin của E-M1 Mark II cho thời lượng tốt, trụ được cho khoảng 500 shot hình hoặc 1 tiếng rưỡi quay phim liên tục. Lưu ý là bạn nên để độ sáng màn hình thấp một chút nếu không máy sẽ tụt pin rất nhanh.

Đáng chú ý khi E-M1 Mark II sử dụng cả cổng USB Type-C hỗ trợ tốc độ truyền dữ liệu tương đương mức USB 3.0. Hệ thống cổng kết nối phong phú với micro HDMI để xuất hình ảnh, cổng mic, cổng tai nghe 3.5 tiện dụng khi quay phim. Chỉ tiếc là cổng USB trên máy chỉ cho phép truyền dữ liệu chứ không hỗ trợ sạc để có thể bổ sung pin từ các viên pin sạc dự phòng phổ biến hiện nay.

Tính năng chuyên nghiệp

Trái tim của E-M1 Mark II là cảm biến Live MOS Micro Four Thirds truyền thống của Olympus với độ phân giải 20.4M. Dải ISO 200 - 6400 có thể mở rộng từ 64 đến 25600. Máy sở hữu chip xử lý hình ảnh lõi tứ kép TruePic VIII hoàn toàn mới với 4 lõi chuyên biệt để xử lý chất lượng ảnh và 4 lõi để vận hành các tính năng khác, cho tốc độ xử lý nhanh hơn 3,5 lần so với thế hệ trước, hỗ trợ xuất ảnh RAW 12 bit. Đây cũng được coi là một trong những yếu tố giúp tốc độ chụp của E-M1 Mark II rất ấn tượng.

Điểm nổi bật nhất của E-M1 Mark II là khả năng chụp liên tục lên tới 60fps khi sử dụng màn trập điện tử ở chế độ khóa nét. Ở chế độ lấy nét liên tục và sử dụng màn trập điện tử, máy cũng có thể chụp với tốc độ 18 fps. Khi sử dụng màn trập cơ, tốc độ chụp liên tiếp vẫn rất ấn tượng với con số 15 fps. Tốc độ màn trập cơ học tối đa tới 1/8000s và 1/32000s với màn trập điện tử.

Tất cả ảnh chụp liên tục đều có thể lưu dưới định dạng RAW đầy đủ. Số lượng ảnh RAW chụp liên tiếp "RAW Buffer Capacity" gấp đôi so với EM1 thế hệ đầu: xấp xỉ 100 ảnh. Tất nhiên, để chế độ chụp 60fps hoạt động trơn tru nhất, bạn phải sử dụng các thẻ nhớ tốc độ cao.

Hệ thống lấy nét Dual F.A.S.T AF trên E-M1 Mark II được tích hợp 121 điểm cross-type phủ kín gần như toàn bộ cảm biến, kết hợp cả giữa lấy nét theo pha và tương phản cho tốc độ bắt nét rất nhanh, lý tưởng cho các thể loại ảnh thể thao, đường phố, thiên nhiên hoang dã. Bên cạnh đó, máy có khả năng quay video độ nét cao 4K [4096 x 2160] 24fps chuẩn DCI Cinema với bitrate tới 237 Mbps, và có thể chụp ảnh tĩnh High Res Shot Mode cho độ phân giải lên tới 50MP.

Không thể không kể đến hệ thống chống rung 5 trục trên cảm biến "đặc sản" của Olympus hỗ trợ chống rung tối đa tới 5.5 stop; và khi kết hợp với hệ thống chống rung đồng bộ trên các ống kính M.Zuiko PRO của Olympus có thể bù tới 6.5 stop. Nhờ vậy, máy có thể cho ra những bức ảnh sắc nét kể cả khi chụp với tốc độ màn trập từ 4 đến 5 giây hay quay video cầm tay dễ dàng mà không cần đến tripod.

E-M1 Mark II có cả kết nối WiFi, cho phép kết nối với smartphone, tablet rất nhanh chóng để điều khiển từ xa hay lấy ảnh trong thẻ nhớ. Việc kết nối dễ dàng khi chỉ cần quét mã QR Code do máy sinh ra mà không cần qua các bước thiết lập phức tạp.

Chất lượng ảnh, video xuất sắc

Trong suốt quá trình đánh giá, trải nghiệm E-M1 Mark II, tôi sử dụng máy với ống kính Olympus M.Zuiko Digital ED 12-40mm F2.8 Pro. Tiêu cự của ống kính này sẽ tương đương mức 24-80 mm trên các máy ảnh Full frame do tỉ lệ crop 2x của cảm biến Micro Four Thirds. Đây cũng là lựa chọn ống kính "kit" mà Olympus mang tới cho người dùng. Khoảng tiêu cự này là phù hợp để chụp với nhiều thể loại từ đường phố, trong nhà, chân dung hay phong cảnh với khả năng "xóa phông", tạo độ sâu trường ảnh ở mức tốt.

Ấn tượng mạnh nhất mà E-M1 Mark II đem lại là tốc độ chụp và lấy nét cực nhanh. Toàn bộ quá trình ngắm, khóa nét, chụp và lưu ảnh chỉ diễn ra trong tích tắc, với độ trễ gần như bằng không ngay cả trong điều kiện thiếu sáng. Rất khó để bỏ lỡ một khoảnh khắc nào khi cầm chiếc máy này trong tay với hệ thống lấy nét phủ kín toàn bộ cảm biến.

Chất lượng ảnh thu được từ E-M1 Mark II thực sự xuất sắc. Ảnh có độ nét rất cao, tái tạo rõ ràng cả những chi tiết nhỏ như lông mi, tròng mắt, thậm chí cả...lông tơ trên da mặt. Điểm đáng khen là độ nét cao như vậy nhưng ảnh không hề gai, rạn, vỡ nét kể cả khi crop ảnh 100%. Hệ thống lấy nét với 121 điểm chữ thập luôn mang tới khả năng bắt nét chính xác, hiếm khi trật nét. Tính năng tự động lấy nét còn có tùy chọn bắt nét vào …mắt trái hay mắt phải, mang tới những bức ảnh chân dung hoàn hảo. Khi chụp trong điều kiện ánh sáng yếu, hệ thống lấy nét tự động của E-M1 Mark II vẫn hoạt động rất hiệu quả với tốc nhanh nhẹn.

Màu sắc mặc định của ảnh từ E-M1 Mark II theo hướng trung tính, tự nhiên và sát với thực tế. Ban đầu có thể bạn sẽ thấy màu ảnh ra hơi nhạt với độ tương phản thấp nhưng khi đã quen, chất ảnh trung thực này sẽ làm bạn thực sự thích thú. Chính nhờ chất ảnh này, E-M1 Mark II có dải tương phản động rất ấn tượng, thu được nhiều chi tiết ở cả vùng sáng và vùng tối. Độ chuyển màu, những giao tiếp giữa vùng nét và vùng xóa phông cũng rất mịn màng.

Máy cũng có chế độ HDR kết hợp 3 bức ảnh phơi sáng khác nhau để có một bức hình đúng sáng, giữ lại toàn bộ chi tiết ở cả vùng sáng và vùng tối. Kết quả cho ra khá tốt, chế độ này phù hợp với những khung cảnh có độ tương phản cao, chênh lệch ánh sáng rõ rệt.

Khả năng khử nhiễu của E-M1 Mark II ở mức khá. Ảnh ở mức ISO 1600 trở lên vẫn đủ trong trẻo. Nhiễu bắt đầu xuất hiện nhiều ở mức ISO 3200 và ở mức 6400 trở lên hiện tượng vỡ hạt, mất chi tiết có thể dễ dàng nhận thấy.

Nhưng trên tất cả, hệ thống chống rung 5 trục trên cảm biến và tốc độ chụp liên tục của E-M1 Mark II mới là thứ khiến tôi thật sự choáng ngợp. Bạn sẽ khó lòng tưởng tượng nổi việc phơi sáng tới 5 giây mà không cần đến tripod. Chỉ đơn giản là cầm máy trên tay, nín thở một chút và "bóp cò" nhẹ nhàng nhất có thể. Để có kết quả tốt nhất, bạn có thể ngồi xuống và dựa lưng vào một điểm tựa nào đó như cột điện hay bờ tường. Còn với những bức ảnh chụp với tốc độ từ 2 tới 3 giây, cầm tay đơn thuần, hít thở bình thường, không cần đến bất kỳ điểm tựa nào mà vẫn sắc nét là quá đỗi bình thường với chiếc máy ảnh của Olympus. Điều hoàn toàn không thể với những chiếc DSLR hiện nay.

Khả năng chống rung 5 trục cũng tỏ ra đặc biệt hữu dụng khi quay phim. Tôi dễ dàng cầm máy trên tay và thoải mái di chuyển mà không cần đến sự hỗ trợ của bất kỳ công cụ nào như steady cam, gimbal hay monopod. Khả năng bắt nét liên tục, bám nét theo đối tượng hoạt động trơn tru. Chất lượng video quay ra hoàn toàn thỏa mãn. Độ phân giải 4K đảm bảo độ sắc nét, chi tiết tuyệt vời, màu sắc chuẩn xác. Đặc biệt phần âm thanh thu được bằng mic tích hợp sẽ khiến không ít người bất ngờ về độ sống động và khả năng lọc ồn xuất sắc.

Tính năng chống rung 5 trục còn được Olympus tận dụng để cho phép E-M1 Mark II chụp được những bức ảnh với độ phân giải tới 50MP bằng cách dịch chuyển cảm biến, chụp 8 tấm ảnh và ghép lại. Để sử dụng tính năng này, bạn buộc phải dùng đến tripod hoặc đặt máy thật vững trên mặt phẳng. Máy cũng sẽ mất khoảng 4-5 giây để chụp các bức ảnh và ghép lại. Bù lại cho những yêu cầu có phần rắc rối đó, ảnh 50MP thu được là hoàn toàn xứng đáng. Độ sắc nét, chi tiết vượt trội so với ảnh chụp ở chế độ thông thường. Tất nhiên, chế độ này chỉ hoạt động hiệu quả nhất với những chủ thể tĩnh. Bất cứ sự chuyển động nào, dù là nhỏ nhất cũng khiến ảnh mờ nhòe. Vì vậy, đây sẽ là tính năng phù hợp khi chụp macro tĩnh vật hay phong cảnh

Khả năng chống rung của E-M1 Mark II làm tôi bất ngờ bao nhiêu thì tốc độ chụp liên tục của chiếc máy ảnh này còn khiến tôi ngỡ ngàng hơn gấp bội. Như đã đề cập trong phần đầu, E-M1 Mark II có thể chụp liên tiếp tối đa tới 60 hình/giây ở chế độ Pro Capture. Tại chế độ này, ngay khi bạn ấn nửa nút chụp để khóa nét máy đã chụp trước 14 tấm và lưu trong bộ nhớ tạm. Khi nút chụp được nhấn xuống toàn bộ, ngoài những bức ảnh được ghi lại trong suốt quá trình bấm máy, 14 tấm ảnh đó cũng sẽ được lưu vào thẻ nhớ. Điều này đồng nghĩa với việc bạn luôn có ít nhất 14 tấm ảnh cho một khoảnh khắc, được lưu sẵn trước khi cả mắt và tay kịp phản ứng.

Để có thể tận dụng tốt nhất tính năng này bạn cần phải có một thẻ nhớ đủ nhanh, ít nhất là chuẩn UHS-I trở lên bởi quá trình lưu hàng chục bức ảnh vào thẻ sẽ mất kha khá thời gian và trong lúc đó máy sẽ không thể chụp tiếp hay xem ảnh. Một điểm cần lưu ý là khi ở chế độ Pro Capture, máy sẽ sử dụng màn trập điện tử và không hề phát ra tiếng động nào nên nếu lỡ nhấn nhầm nút chụp bạn sẽ nhận được một loạt bức ảnh không mong muốn.

Tất nhiên để có thể chụp nhanh đến như vậy, E-M1 Mark II buộc phải chuyển về chế độ lấy nét cố định và chỉ có khung hình đầu tiên là có độ nét tốt nhất. Vì thế, chế độ 60fps sẽ phù hợp với những vật thể chuyển động không quá phức tạp. Để có thể vừa chụp liên tiếp, vừa lấy nét liên tục, thậm chí là bám nét, theo dõi đối tượng chuyển động, tốc độ chụp sẽ giảm xuống 18fps đến 10fps tùy thuộc việc sử dụng màn trập điện tử hay màn trập cơ. Tốc độ này cũng là quá đủ để bắt trọn mọi khoảnh khắc khi chụp thể thao, động vật, trẻ nhỏ...Khả năng bắt nét liên tục của E-M1 Mark II tiếp tục thể hiện xuất sắc với rất ít bức ảnh out nét.

Lời kết

Với những gì thể hiện, E-M1 Mark II đã cho thấy đường lối đúng đắn của Olympus khi trung thành với cảm biến Micro Four Thirds. Sự gọn nhẹ, linh hoạt tuyệt vời trong khi vẫn đảm bảo chất lượng ảnh xuất sắc, đi kèm khả năng chống rung "không tưởng" cùng tốc độ lấy nét, chụp liên tục ấn tượng.

Đây sẽ là chiếc máy ảnh cực kỳ phù hợp cho các phóng viên ảnh thể thao, nhiếp ảnh gia thiên nhiên hoang dã hay bất cứ ai yêu thích việc ghi lại những khoảnh khắc trong cuộc sống ở tốc độ và chất lượng cao nhất.

Tại Việt Nam, E-M1 Mark II được phân phối chính hãng với mức giá 49,99 triệu đồng cho riêng thân máy và 64,99 triệu đồng khi mua kèm ống kính "kit" M.Zuiko Digital ED 12-40mm F2.8 Pro.

Ưu điểm:

- Khả năng chống rung tuyệt vời

- Tốc độ lấy nét, chụp liên tục ấn tượng

- Chất lượng ảnh, video, thu âm xuất sắc

- Nhỏ gọn, chắc chắn, dễ cầm nắm

- Thời lượng pin tốt

Hạn chế:

- Màn hình chỉ hỗ trợ cảm ứng đơn điểm, không dùng được 2 ngón tay để zoom ảnh

- Kính ngắm điện tử có màu sắc hơi rực rỡ

Thông số kỹ thuật:

Cảm biến: Live MOS Micro Four Thirds độ phân giải 20.4M

Chip xử lý hình ảnh: TruePic VIII

Màn hình: 3 inch, tỷ lệ 3:2, độ phân giải 1,037 triệu điểm ảnh, hỗ trợ xoay lật, cảm ứng đơn điểm

Ống ngắm điện tử: độ phân giải 2,36 triệu điểm ảnh, tỷ lệ 4:3, độ phủ 100% khung hình, độ phóng đại tối đa 1.48x, độ trễ 5ms, tốc độ làm tươi lên tới 120fps

Chủ Đề