Đường lối xây dựng văn hóa thời kỳ đổi mới

Bức tranh tổng thể của văn hóa Việt Nam sau 35 năm Đổi mới mang những sắc thái mới, đa dạng và năng động. Đáng chú ý là sự đa dạng hóa về các chủ thể văn hóa, sự chuyển đổi từ nguồn lực đơn tuyến của Nhà nước cho văn hóa đến sự nhập cuộc, hợp lực và phối hợp đa chiều, đa thành phần từ nhiều chủ thể khác nhau cho các hoạt động văn hóa. Quan điểm văn hóa văn nghệ là sự nghiệp của toàn xã hội, huy động tiềm năng, nguồn lực của mọi lực lượng xã hội cùng tham gia phát triển sự nghiệp văn hóa đã mang lại những chuyển biến tích cực trong thực tiễn. Sự tham gia của nhiều chủ thể văn hóa đã thúc đẩy sự đa dạng trong loại hình, ý tưởng, xu hướng và phong cách của các biểu đạt văn hóa, đem đến cho công chúng những món ăn tinh thần phong phú hơn.

Đời sống văn hoá ở cơ sở đã có bước phát triển, thu hút quần chúng nhân dân tham gia hoạt động, sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. Các hoạt động văn hoá dân gian truyền thống được phục hồi và tổ chức với sự hưởng ứng rộng rãi của nhân dân. Đời sống văn hóa ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đã có những cải thiện rõ rệt. Một chủ trương, chính sách văn hóa lớn của Đảng là xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở, tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân được hưởng thụ và tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, cũng là một trong những nội dung trọng tâm của Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đã tạo điều kiện cho phong trào văn hóa, văn nghệ và thể dục thể thao quần chúng cả ở khu vục nông thôn, đô thị và cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được duy trì và phát triển.

Qua nhiều năm thực hiện chính sách văn hóa đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được những thành tựu nhất định. Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc. Giữa các bộ, ban, ngành đoàn thể đã có sự phối hợp hiệu quả trong việc thực hiện, triển khai các chương trình phối hợp nhằm giúp đỡ đồng bào giữ gìn, phát triển ngôn ngữ, chữ viết dân tộc thông qua các chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc, lồng tiếng dân tộc trong phim, dịch tiếng song ngữ tiếng dân tộc qua các ấn phẩm, sáng tác ca khúc tiếng dân tộc. Sách báo, tạp chí và các ấn phẩm văn hóa phù hợp đã được đưa tới các bản làng, vùng sâu, vùng xa.

Các thiết chế văn hóa [nhà văn hóa, thư viện, câu lạc bộ…] ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai xây dựng ở các địa phương. Ở các cấp cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được quan tâm hỗ trợ xây dựng các nhà văn hoá là nơi sinh hoạt, tổ chức các hoạt động văn hoá - văn nghệ và hội họp chung của cộng đồng. Đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số được nâng lên rõ rệt. Gần 100% số xã vùng dân tộc, miền núi có nhà văn hóa hoặc bưu điện văn hóa; nhiều thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng.

Trên lĩnh vực văn học - nghệ thuật, các hoạt động sáng tạo có bước phát triển mới, với sự phong phú, đa dạng của sản phẩm văn hóa. Tính chủ động trong hoạt động và sáng tạo văn hoá, tính tích cực xã hội của nhân dân bước đầu được phát huy; dân chủ trên các lĩnh vực đời sống văn hoá - xã hội được mở rộng. Nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống tuy gặp nhiều khó khăn khi chuyển đổi cơ chế, nhưng vẫn được giữ gìn và phát huy. Nhiều dự án sưu tầm, tư liệu hoá di sản văn hóa được thực hiện. Nhiều tư liệu quý từ kho tàng văn hóa Việt Nam được sưu tầm, công bố tạo cơ sở cho việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị tư tưởng, học thuật và thẩm mỹ của dân tộc. Bên cạnh những nỗ lực bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống [tuồng, chèo, cải lương, quan họ, rối nước…], các loại hình nghệ thuật hiện đại [ca, múa, nhạc, kịch, xiếc, điện ảnh…] cũng có bước tiến mới; một số tác phẩm mỹ thuật, âm nhạc, điện ảnh đã nhận được giải thưởng cao trong nước và quốc tế; từng bước ứng dụng kỹ thuật và công nghệ hiện đại vào việc sản xuất và lưu trữ phim, bảo tồn và phát huy các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Bước đầu nâng cao được nhận thức về bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan theo quy định của pháp luật, hình thành tổ chức bảo hộ quyền tác giả, bảo vệ quyền lợi của người sáng tạo.

Hoạt động lý luận, phê bình đã đạt được những kết quả tích cực, bước đầu đã có những đổi mới về quan niệm, về phương pháp nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; tính chủ thể của văn nghệ sĩ được coi trọng. Nhiều tác phẩm lý luận, trường phái nghiên cứu văn học, nghệ thuật nước ngoài được giới thiệu tạo điều kiện nâng cao trình độ lý luận văn học, nghệ thuật trong nước.

Các di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển bền vững đất nước. Việt Nam có gần 40.000 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, có 54 dân tộc với nhiều sắc thái văn hóa đa dạng, cùng với đó là hơn 61 nghìn di sản văn hóa phi vật thể, trong đó 26 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được UNESCO ghi danh. Hệ thống di sản văn hóa phong phú, cảnh quan kỳ vĩ và thơ mộng là tài sản vô giá, có tiềm năng chuyển hóa thành những sản phẩm, dịch vụ độc đáo, đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế, thương mại cũng như tạo dựng thương hiệu, vị thế của văn hóa Việt Nam.

Giao lưu văn hoá từng bước được mở rộng cùng với quá trình đa phương hóa, đa dạng hoá các mối quan hệ quốc tế. Hoạt động giao lưu các đoàn biểu diễn nghệ thuật và trao đổi sách báo, phim ảnh, triển lãm, nghiên cứu, đào tạo… giữa nước ta với các nước trong khu vực và thế giới ngày càng được đẩy mạnh. Nhiều hiệp định văn hoá với các nước và nhiều tổ chức quốc tế, các điều ước quốc tế song phương và đa phương về di sản văn hoá, về quyền tác giả và quyền liên quan đã được ký kết; nhiều dự án về hợp tác văn hóa được thực hiện có hiệu quả. Chúng ta có nhiều cơ hội tiếp xúc rộng rãi hơn với văn hoá thế giới và chọn lọc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, đồng thời giới thiệu với nhân dân các nước những giá trị tốt đẹp, độc đáo của văn hóa Việt Nam. Nhiều hoạt động hợp tác, giao lưu văn hoá quốc tế trên quy mô lớn đã được tổ chức ở Việt Nam và nước ngoài gây được tiếng vang và tạo được ấn tượng tốt đẹp về truyền thống văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Các liên hoan phim quốc tế, triển lãm mỹ thuật nhiếp ảnh quốc tế ở Việt Nam và của Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua cũng đã làm tốt việc giới thiệu văn hóa, đất nước, con người bạn bè quốc tế và con người Việt Nam, góp phần vào sự hiểu biết lẫn nhau và quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và các nước.

Việc quảng bá, giới thiệu đất n­ước, con ng­ười, văn hóa nghệ thuật Việt Nam được đẩy mạnh thông qua những hoạt động xúc tiến văn hoá, thể thao và du lịch ở nhiều nước hoặc qua các phương tiện công cộng, truyền thông, báo chí, làm phim quảng bá trong nước và quốc tế, tổ chức thành công các hoạt động văn hóa đối ngoại, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ở nước ngoài trên diện rộng, trọng điểm tại những địa bàn truyền thống, những đối tác quan trọng.

Sự nghiệp xây dựng văn hóa, phát triển con người trong những năm vừa qua vẫn còn những thách thức. Việc xây dựng thể chế văn hóa vẫn chưa đồng bộ và hiệu quả. Các văn bản luật về văn hóa nhiều khi chưa theo kịp với tình hình thực tiễn, việc tổ chức thực hiện còn yếu, một số quy phạm pháp luật về văn hóa chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam chưa tạo được sự chuyển biến rõ rệt. Hạn chế lớn nhất trong xây dựng con người những năm vừa qua là sự suy thoái về tư tưởng, xuống cấp về đạo đức, tha hóa về lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân. Lối sống thiếu lý tư­ởng, hoài bão, thiếu ý chí phấn đấu có phần gia tăng trong thế hệ trẻ. Văn hóa gia đình chưa được chăm lo, củng cố. Gia đình chưa thực sự trở thành cái nôi hình thành và nuôi dưỡng nhân cách con người. Văn hóa học đường có những biểu hiện đáng báo động. Hệ giá trị của người Việt Nam trong xã hội đang có nhiều biến đổi, có cả chiều hướng tiêu cực.

Mặc dù đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển văn hóa nhưng đời sống văn hóa tinh thần ở nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu. Khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa khu vực đô thị và các khu vực khác vẫn chậm được thu hẹp. Các thiết chế văn hóa, thể thao tuy đã được quan tâm đầu tư xây dựng, nhưng hoạt động thiếu hiệu quả, nội dung, phương thức nghèo nàn, trùng lặp, một số nơi còn không phù hợp với truyền thống văn hóa và điều kiện kinh tế, địa lý của người dân sở tại.

Nhiều sản phẩm văn hoá không phù hợp với truyền thống văn hoá của dân tộc, thậm chí độc hại, ảnh hưởng tiêu cực đối với thị hiếu, lối sống của một phần không nhỏ người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Số lượng các tác phẩm văn học, nghệ thuật xuất hiện ngày một nhiều, song còn ít tác phẩm đạt đỉnh cao, tương xứng với những thành tựu phát triển đất nước trong thời kỳ Đổi mới. Một số tác phẩm, lý tưởng xã hội, thẩm mỹ không rõ nét, chưa thể hiện được tính chất tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc. Thậm chí một số tác phẩm có nội dung tư tưởng lệch lạc, khai thác những mặt tiêu cực, phủ nhận quá khứ hào hùng của dân tộc, xuyên tạc sự thật lịch sử. Không ít tác phẩm còn thể hiện sự dễ dãi, chiều theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng.

Xu hướng xã hội hoá, phát triển thị trường văn hóa tạo sự đa dạng cho diện mạo văn học, nghệ thuật, song cũng khuyến khích xu hướng thương mại hóa văn hóa, nghệ thuật theo lợi nhuận của kinh tế thị trường. Còn thiếu vắng những tác phẩm sáng tạo mới, thực sự có giá trị cách tân, phản ánh sâu sắc những thay đổi to lớn của xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Những khó khăn khách quan từ tình hình thế giới, đặc biệt là những biến động sau khi bùng phát đại dịch covid trên phạm vi toàn cầu, đã đòi hỏi toàn xã hội phải dốc sức để giải quyết những nhiệm vụ chống dịch cấp bách mới đặt ra và chuyển trạng thái để chủ động ứng phó, thích nghi. Những ưu thế từ bề dày truyền thống làm nên sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam đòi hỏi được phát huy. Một lần nữa sức mạnh đoàn kết dân tộc, tinh thần giúp đỡ nhau, tương thân tương ái, sự năng động, sáng tạo ứng phó với hoàn cảnh, tinh thần kiên cường vượt qua thử thách… được động viên và tỏa sáng đã là những nhân tố tinh thần quan trọng để chúng ta từng  bước kiểm soát và chiến thắng dịch bênh. Chúng ta càng thấy sức mạnh và vai trò của văn hóa, càng thấy rõ tầm quan trọng của vấn đề xây dựng, phát triển toàn diện nền văn hóa Việt Nam trong bối cảnh mới.

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề