Làm hộ chiếu vacxin ở đâu

Người dùng có thể đăng ký trước để được cấp hộ chiếu vaccine Covid-19 điện tử thông qua website của Bộ Y tế.

Theo Bộ Y tế, việc cấp “hộ chiếu vaccine” cho người dân dự kiến được thực hiện từ ngày 15/4. Bên cạnh chờ đợi để được cấp chứng nhận này, người dùng có thể chủ động đăng ký trên website của Bộ Y tế để được tự động cấp hộ chiếu vaccine Covid-19.

Để đăng ký, người dùng truy cập //chungnhanvacxin.vn/ và điền đầy đủ thông tin cá nhân gồm họ tên, ngày sinh, số CMND/CCCD, địa chỉ email và ngày tiêm mũi vaccine gần nhất ở mục đề nghị cấp hộ chiếu vaccine Covid-19 điện tử. Bước cuối cùng, người dùng nhập mã capcha và chọn gửi để hoàn tất đăng ký.

Ngoài ra, website của Bộ Y tế chưa đăng ký chứng chỉ bảo mật SLL nên sẽ bị chặn truy cập khi sử dụng một số trình duyệt. Để vào trang, người dùng mở tùy chọn nâng cao và chọn tiếp tục truy cập đường dẫn.

Website đăng ký để được cấp hộ chiếu vaccine Covid-19 của Bộ Y tế.

Theo thông tin trên website đăng ký của Bộ Y tế, người đề nghị cấp hộ chiếu vaccine Covid-19 phải hoàn thành việc tiêm chủng tại các cơ sở tiêm chủng, khai báo đúng và đủ thông tin khi tiêm. Ngoài ra, người dân cần đề nghị cấp hộ chiếu vaccine trên website của Bộ Y tế hoặc ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, PC Covid. Hệ thống sẽ trả lại hộ chiếu vaccine Covid-19 dưới dạng QR Code.

Theo đó, mã QR Code hộ chiếu vaccine được khởi tạo theo tiêu chuẩn châu Âu, đáp ứng các quy định về bảo mật và riêng tư. Trong mỗi mã QR Code có ẩn chứa mã hóa chữ ký số của cơ quan phê duyệt cấp chứng chỉ để đảm bảo tránh làm giả. Trên cơ sở đáp ứng tiêu chuẩn chung quốc tế, hệ thống sẽ liên thông hỗ trợ người dân khi cấp chứng chỉ tiêm chủng để xuất cảnh.

Đại diện cục Công nghệ Thông Tin, Bộ Y tế cho biết trang tra cứu hộ chiếu vaccine Covid-19 của Bộ Y tế sẽ được hoàn thiện trong tuần này. Những người dân không sử dụng điện thoại di động thông minh có thể đăng ký nhận thông tin qua email và in thành bản cứng để sử dụng.

Hộ chiếu vaccine được hiểu là giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 hoặc giấy xác nhận đã khỏi bệnh Covid-19. Hộ chiếu vaccine được sử dụng để chứng minh lịch sử tiêm chủng, khỏi bệnh của cá nhân, không thay thế cho các giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh khác như hộ chiếu, thị thực, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy thông hành, thẻ tạm trú, thẻ thường trú, giấy miễn thị thực…

Hộ chiếu vaccine tạo điều kiện cho lao động, chuyên gia và nhà đầu tư đi lại, làm việc giữa các quốc gia trên thế giới đã công nhận lẫn nhau.

Đây cũng là giải pháp đang được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng để mở cửa nền kinh tế, đưa hoạt động kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường mới.

Câu hỏi: Hộ chiếu vaccine có giá trị trong bao lâu và hiện nay hộ chiếu vaccine của Việt Nam có thể sử dụng tại những quốc gia nào?

Trả lời: 

Bộ Y tế mới đây đã cung cấp 8 nội dung quan trọng để người dân hiểu rõ hơn về hộ chiếu vaccine: 

1. “Hộ chiếu vaccine” điện tử là gì?

“Hộ chiếu vaccine” điện tử là chứng nhận tiêm chủng Covid-19 điện tử do các cơ sở tiêm chủng và Bộ Y tế ký số xác nhận dựa trên thông tin tiêm chủng Covid-19 của người dân.

2. Thời hạn của “Hộ chiếu vaccine”điện tử là bao lâu?

Mã QR của “Hộ chiếu vaccine” có thời hạn 12 tháng kể từ ngày Bộ Y tế ký số xác nhận. Khi mã hết hạn, người dân sẽ được thông báo và tự động khởi tạo mã QR mới để sử dụng. Đây là giải pháp kỹ thuật để bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin.

3. “Hộ chiếu vaccine” điện tử của Việt Nam sử dụng tiêu chuẩn kỹ thuật nào và có bao nhiêu quốc gia sử dụng tiêu chuẩn này?

"Hộ chiếu vaccine" điện tử của Việt Nam sử dụng các tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế thế giới [WHO] và Liên minh châu Âu [EU] ban hành, hiện đang được sử dụng tại 62 quốc gia và trong thời gian tới sẽ có thêm các quốc gia khác sử dụng.

4. “Hộ chiếu vaccine” điện tử của Việt Nam có thể sử dụng tại những quốc gia nào?

Tính đến ngày 7/4/2022, Việt Nam đạt được thỏa thuận về công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau với 19 nước, gồm: Nhật Bản, Mỹ, Anh, Australia, Ấn Độ, Belarus, Campuchia, Philippines, Palestine, Maldives, New Zealand, Sri Lanka, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Singapore, Saint Lucia, Hàn Quốc, Iran và Malaysia.

5. Người dân phải làm gì để được cấp “Hộ chiếu vaccine”?

Người dân đã tiêm chủng và được cơ sở tiêm chủng cập nhật dữ liệu lên hệ thống, được xác thực đúng thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được ký số xác nhận "Hộ chiếu vaccine" mà không phải làm thủ tục gì thêm.

6. Người dân có thể xem “Hộ chiếu vaccine” ở đâu?

“Hộ chiếu vaccine” sẽ được hiển thị trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử, PC-Covid hoặc trên trang tra cứu Bộ Y tế đang thực hiện xây dựng và sẽ công bố trong thời gian tới.

Ngoài ra, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Bộ Công an bổ sung chức năng hiển thị “Hộ chiếu vaccine” trên ứng dụng VNEID. Hiện nay, đơn vị đầu mối của hai bộ đang làm việc để sớm hoàn thiện.

7. Người dân cần làm gì nếu thông tin tiêm chủng Covid-19 bị sai hoặc thiếu?

Người dân cần kiểm tra thông tin tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trên Cổng thông tin tiêm chủng hoặc trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử.

Nếu có sai sót/thiếu thông tin đề nghị người dân liên hệ [trực tiếp hoặc phản ánh trên cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 //tiemchungCovid19.gov.vn] với cơ sở tiêm chủng để được bổ sung, cập nhật.

8. Quy trình cấp “Hộ chiếu vaccine” như thế nào?

Theo quyết định số 5772/QĐ-BYT ngày 20/12/2021 của Bộ Y tế, quy trình cấp Hộ chiếu vaccine bao gồm 3 bước:

- Bước 1: Các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác minh, xác thực thông tin người dân tiêm chủng vaccine Covid-19 theo hướng dẫn tại Công văn số 8938/BYT-DP ngày 21/10/2021 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn quy trình xác minh thông tin và tiêm chủng vaccine Covid-19 và Công văn số 9438/BYT-CNTT ngày 5/11/2021 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn Quy trình xác thực thông tin người dân trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19.

- Bước 2: Các cơ sở tiêm chủng thực hiện ký số dữ liệu tiêm chủng vaccine Covid-19 trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19. Nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19 kết nối, chia sẻ dữ liệu tiêm chủng với Hệ thống Quản lý cấp chứng nhận tiêm chủng vaccine Covid-19 đáp ứng theo các quy định về kết nối dữ liệu y tế do Bộ Y tế ban hành.

Dữ liệu tiêm chủng vaccine Covid-19 trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19 cần đáp ứng quy định tại Mục 3 và Mục 4.

- Bước 3: Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế thực hiện ký số giấy xác nhận tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tập trung. Chứng nhận được cấp sử dụng định dạng mã QR theo tiêu chuẩn của EU quy định tại Mục 5.

Các ứng dụng phòng, chống dịch quốc gia và các ứng dụng tiện ích khác [nếu được sự đồng ý của cá nhân người sử dụng] tiếp nhận và lưu giữ xác nhận tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 dạng mã QR theo hướng dẫn trao đổi dữ liệu y tế do Bộ Y tế ban hành.

Chủ Đề