Làm thế nào để có chính kiến

  1. Giải trí
  2. Thư giãn

- Chính kiến là gì? Phân biệt "chính kiến" với "chứng kiến" là băn khoăn của rất nhiều người. Dưới đây, Emdep sẽ giúp bạn tìm hiểu về chính kiến là gì, tại sao con người cần có chính kiến, người có chính kiến là người như thế nào...

Người ta vẫn nói "Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam". Thế giới từ vựng tiếng Việt đã "làm khó" không ít người và việc nhầm lẫn nghĩa của từ này với từ khác là điều không tránh khỏi ở một ngôn ngữ giàu có, đa dạng như tiếng Việt. "Chính kiến" là một từ tiếng Việt như thế, không ít người còn chưa hiểu rõ  "chính kiến là gì", chưa phân biệt được "chứng kiến với "chính kiến". Hãy để Emdep giúp bạn ngay sau đây!

Chính kiến là gì?

Chính kiến là ý kiến, quan điểm riêng của cá nhân trước sự việc gì đó. Bảo vệ chính kiến là bảo vệ ý kiến của chính mình. Chính kiến cũng đồng nghĩa với chủ kiến.

Tại sao con người cần có chính kiến?

Con người cần có chính kiến bởi vì xã hội được tạo nên từ những mảnh ghép muôn màu, từ những sự khác biệt của con người tạo nên. Mỗi người một cá tính, một quan điểm, một chính kiến riêng sẽ tạo nên một xã hội muôn hình vạn trạng.

Hơn nữa, còn người cần có chính kiến vì mỗi người sinh ra đều có hoàn cảnh, điều kiện sống riêng, từ đó hình thành tư duy, suy nghĩ, tính cách, quan điểm sống riêng. Cái “riêng” đó chính là chính kiến. 

Nếu xã hội này không ai có chính kiến, luôn hướng đến hình mẫu chung tính cách chung chứ không ai muốn khẳng định màu sắc riêng của bản thân mình thì bản thân khó có thể phát triển.

Mặt khác, khi đứng trước vấn đề nào đó trong cuộc sống buộc con người ta phải đưa ra lựa chọn, có những lựa chọn mang tính quyết định. Khi không có chính kiến thì người đó chẳng khác gì đẽo cày giữa đường và rất khó để thành công. 

Tại sao con người cần có chính kiến? Steve Jobs, Bill Gate… là những minh chứng bằng xương bằng thịt cho câu hỏi này. Steve Jobs, người sáng lập Apple từng nói: “Thời gian của bạn không nhiều, vì vậy đừng lãng phí nó để sống cuộc đời của người khác. Đừng nghe những lời giáo điều - đó là sống với kết quả suy nghĩ của người khác. Đừng để âm thanh của những quan điểm khác lấn át đi giọng nói bên trong bạn. Và quan trọng nhất là, hãy giữ lấy sự can đảm để đi theo trái tim và trực giác. Chúng biết bạn thực sự muốn trở thành con người như thế nào. Mọi thứ khác chỉ là thứ yếu”.

Hay nói đến Bill Gate, nếu ông không giữ vững chính kiến của mình, quyết định bỏ ngang con đường Đại học để thành lập công ty phần mềm và vượt qua nhiều lần thất bại để khẳng định, bảo vệ chính kiến của mình thì hôm nay đã không có một tỷ phú thế giới dành phần lớn tài sản của mình cho việc từ thiện.

Người có chính kiến là gì?

Người có chính kiến là người có những biểu hiện sau đây:

Thứ nhất, không dễ bị dao động trước ý kiến của người khác. Chính kiến cũng như một cái gương, bị bụi bẩn che mất thì không thể thấy rõ hình ảnh. Lòng bị dao động thì tâm sẽ khó làm chủ con người. Đứng trước khó khăn, trở ngại, con người sẽ dễ bị nao núng, chùn bước. Người có chính kiến sẽ luôn giữ vững mục tiêu, thái độ, quyết tâm của mình.

Thứ hai, người có chính kiến không phải là người bảo thủ mà biết tiếp thu ý kiến của người khác một cách chọn lọc, dùng trí tuệ để phân biệt rõ đúng sai, từ đó điều chỉnh cho phù hợp. Khi đặt cái tôi cá nhân, đặt chính kiến của mình lên quá cao và coi thường ý kiến của người khác thì bản thân người đó lại dễ trở nên bảo thủ, ấu trĩ, ngu muội.

Thứ ba, người có chính kiến là người luôn suy xét kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định. Khi họ đưa ra bất cứ một quyết định nào, họ bảo vệ nó cho đến cùng bởi lẽ họ đã có đủ lý do, minh chứng cho những gì họ nghĩ, họ làm.

Thứ tư, người có chính kiến cũng là người có năng lực tự phê phán chính mình, tự đối mặt với những hạn chế về tư duy của mình để nhìn nhận thế giới khách quan hơn mà không cho mình là cái rốn của vũ trụ.

Làm thế nào để trở thành người có chính kiến?

Để trở thành người có chính kiến trong thời đại bùng nổ, thừa mứa thông tin như hiện nay, chính kiến của con người cần được xây dựng qua một quá trình nhiều giai đoạn:

Đầu tiên, con người cần nhận thức được tư duy và thế giới quan của mình, học cách đặt câu hỏi vì sao lại như thế, có thể thay đổi được không để giúp chúng ta nhận ra đâu là điểm mù nhận thức của mình, nhận ra chúng ta theo trường phái tư duy nào…

Tiếp theo, bạn cần hiểu rằng, những quan điểm, tư duy của chúng ta không khách quan mà luôn chịu sự chi phối của ý thức xã hội. Nói một cách nôm na là, quan điểm của chúng ta ít nhiều cũng sẽ chịu ảnh hưởng của tâm lý đám đông, nhiều người cùng quan điểm thì quan điểm đó sẽ là đúng. Vì vậy, thường xuyên chất vấn bản thân bằng những câu hỏi chính là cách để bản thân tự do tìm ra chính kiến của mình

Cần lưu ý rằng, khả năng tư duy phản biện là yếu tố quan trọng để bạn có thể thực hiện thành công việc đặt câu hỏi cho chính mình. Việc tìm ra, thể hiện và bảo vệ chính kiến của bản thân không phải để phân biệt thắng thua mà để chúng ta hiện thực hóa những sự khác biệt, những màu sắc cá nhân cũng như chấp nhận sự khác biệt của người khác trong một cộng đồng xã hội.

Phân biệt “chứng kiến” hay “chính kiến”

“Chứng kiến” và “chính kiến”, đâu là từ viết đúng chính tả là câu hỏi của không ít người. Và câu trả lời là, cả hai từ “chứng kiến” và “chính kiến” đều là những từ viết đúng chính tả, những mỗi từ lại mang một nghĩa khác.

“Chứng kiến” là từ có trong từ điển tiếng Việt, là một động từ đúng chính tả dùng để nói về quá trình quan sát một vấn đề nào đó. Nói một cách dễ hiểu, chứng kiến là nhìn thấy một sự việc nào đó xảy ra bằng mắt.

Ví dụ: Tôi vô tình chứng kiến vụ tai nạn thảm khốc ở ngã 3 thành phố chiều nay.

Còn “Chính kiến” là ý kiến của bản thân mình về một vấn đề nào đó trong xã hội. Trong vô số những quan điểm thì bạn cần có chính kiến riêng, quan điểm riêng.

Ví dụ: Chàng thanh niên trẻ ấy đã dùng những lý lẽ thuyết phục để bảo vệ chính kiến của mình.

Tại sao hay nhầm lẫn “chứng kiến” với “chính kiến”?

Nhầm lẫn “chứng kiến” với “chính kiến” do sự chủ quan của người sử dụng nó. Hai từ “chứng” và “chính” khi đọc quá nhanh kết hợp với giọng đọc vùng miền thì người nghe cũng sẽ khó phân biệt được.

Trong một số trường hợp, người nói cũng không phân biệt được sự khác nhau về nghĩa của “chứng kiến” và “chính kiến”, không có ý thức tự trau dồi vốn từ nên thường xuyên sử dụng sai.

Những tổng hợp trên đây đã giúp bạn trả lời câu hỏi “chính kiến là gì?”. Chúc các bạn tìm thấy cho mình những thông tin tham khảo hữu ích!

MIN [Tổng hợp]

Gợi ý những bài tập yoga giảm cân giúp eo thon, da xinh, dáng đẹp

Đọc nhiều nhất

Video Hot

Chủ Đề