Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo nghĩa là gì năm 2024

Tôi đã bắt gặp ánh mắt đăm chiêu của một cụ già khi đứng đến gần 30 phút để chiêm nghiệm bức tranh của một họa sĩ danh tiếng người Pháp phác họa về Thăng Long - Hà Nội xưa, và cũng bắt gặp cả ánh nhìn vô cảm của một nhóm thanh niên mới lớn, bất ngờ lạc vào Hoàng thành để… trú mưa. Hẳn là các tiền nhân khi ấy không thể nghĩ rằng, những vật dụng sinh hoạt hàng ngày của mình từ ấm nước, bình gốm, bát đĩa, dao sắt đến những đồ trang sức bằng đá lại được lớp hậu thế trân trọng và gìn giữ đến vậy.

Để có được hơn 50 tác phẩm tranh phục dựng phản ánh sinh hoạt đời sống kinh thành Thăng Long từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, họa sĩ - nhà nghiên cứu Trịnh Quang Vũ đã dày công sưu tầm cùng em trai là nhà khoa học Trịnh Quang Dũng suốt hơn 30 năm qua, từ tất cả những tài liệu trong thư viện, kho tư liệu, thậm chí từ những cuốn sách phải lật giở thật nhẹ nhàng vì đã bị mối xông mục nát. Đây là những tác phẩm của các học giả châu Âu từng đặt chân đến nước ta. Được tận mắt chứng kiến những phản ánh chân thực của lịch sử, chúng ta có quyền tự hào về một kinh thành nguy nga tráng lệ khi xưa, cho dù Điện Kính Thiên chỉ còn lại dấu tích là đôi rồng đá.

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo nghĩa là gì năm 2024

Du khách tham quan những hiện vật cổ được trưng bày tại Hoàng Thành.

Tôi đi theo đám "trẻ con" tham quan Hoàng thành như một người lẩn thẩn. Chúng gọi tôi bằng "cô" và có lẽ rất ngạc nhiên khi thấy một "bà cô" cứ lẽo đẽo theo mình. Một thằng bé mà sau này tôi biết nó tên là Hoàng, học lớp 10 trường Việt - Đức, vừa đi vừa nhún nhảy theo điệu nhạc hip-hop phát ra từ chiếc MP3 đeo bên hông, vừa ngây ngô nhìn những lưỡi rìu đá, những đồ trang sức đường nét thô sơ và buông những lời bình luận (không biết có nên ghi vào hay không). Có lẽ với chúng, việc bất đắc dĩ phải vào đây không dễ chịu tí nào so với việc ngồi quán cà phê nghe nhạc trẻ.

Một cô bé xinh xắn cùng nhóm của Hoàng cho biết, họ đi chơi xuân, đúng lúc đến đường Nguyễn Tri Phương thì gặp mưa, nhìn thấy bảng thông báo mở cửa triển lãm nên họ vào luôn, vừa để xem vừa để… trú mưa. Nghe thì cũng thấy hơi buồn cười nhưng thực tế, lớp trẻ hiện nay ít hào hứng với lịch sử nước nhà, thậm chí, trong các show game, nếu có câu hỏi về lịch sử là phần lớn thí sinh đứng "chào cờ" và… "bỏ qua". Trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển như vũ bão hiện nay, thì có lẽ người ta thích quan tâm đến những sản phẩm hi-tech có giá trị phục vụ cuộc sống con người hơn là tìm về những hoài niệm không "quy ra thóc" được.

Liệu trong số những người tham quan Thành cổ, ai có thể tâm huyết với lịch sử như Trịnh Quang Vũ, hay lại cũng đành lòng để những cung vua, phủ chúa, đền đài lộng lẫy biến mất như trong thơ của Bà Huyện Thanh Quan: "Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương…". Mỗi bức tranh được trưng bày hôm nay đã tái hiện rõ nét những phương thức sinh hoạt của kinh thành Thăng Long với đầy đủ vẻ tráng lệ nguy nga, với nhiều lính gác, quan lại, người hầu, voi ngựa, vũ khí… Những gì chúng ta hằng tưởng tượng và nghĩ rằng sẽ không bao giờ nhìn thấy thì đây: Một bức tranh toàn cảnh Thăng Long nhìn từ phía Đông Bắc sông Hồng (vẽ năm 1672) sẽ khiến người xem có thể chiêm ngưỡng bức tường thành chạy chữ "chi", bao quanh nhiều cung điện, nhà cửa, bên ngoài thành là núi và tấp nập thuyền buồm buôn bán dưới sông. Một khu phố cổ đông vui nhộn nhịp thể hiện kiến trúc hoành tráng của kinh thành Thăng Long ở thế kỷ XVII-XVIII thời Lê - Trịnh với các công trình Điện Kính Thiên, cửa Đoan Môn, khu Hoàng cung. Một bức tranh tả cảnh sinh hoạt dân gian Việt Nam và những lễ hội, lễ nghi cung đình thực sự là những tài liệu quý giá để các nhà làm nghệ thuật tham khảo.

Hơn 50 bức tranh phục dựng và 1.000 hiện vật cổ vô tri vô giác như cái vẻ cổ kính, lặng lẽ của nó nên để chúng bước từ triển lãm ra đời sống, giúp lớp trẻ hiểu thêm về lịch sử nước nhà, về văn hóa Thăng Long thì những hiện vật ấy rất cần được thổi hồn, chứ không phải để trưng bày theo kiểu định kỳ rồi lại cất vào kho. Xin đừng đổ lỗi rằng, vì các nhà làm nghệ thuật Việt Nam ít chú ý xây dựng những bộ phim tái hiện lịch sử ngang tầm với "Tam quốc diễn nghĩa" của Trung Quốc nên lớp trẻ của chúng ta không am hiểu lịch sử nước nhà bằng lịch sử Trung Quốc. Đấy chỉ là một lý do rất nhỏ để biện minh cho sự thiếu ý thức của con người đối với lịch sử. Tại sao hàng chục năm trước, phim ảnh còn chưa hiện đại như bây giờ, đất nước Việt Nam vẫn sản sinh những Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng… Tại sao không cần phải xem những thước phim sống động, họ vẫn dành sự tâm huyết cả đời mình cho lịch sử.PageBreak

Đành rằng, để lịch sử dễ hiểu và dễ nhớ đối với học sinh, cách tiếp cận nhanh nhất và hiệu quả hơn cả là cho những nhân vật lịch sử "sống" lại. Điều đó đòi hỏi cách ứng xử của chúng ta trong chiến lược phát triển giáo dục và đòi hỏi các nhà làm nghệ thuật vào cuộc. Nhưng theo tôi, đây là vấn đề không dễ dàng gì, bởi để đề cập đến một câu chuyện lịch sử cần những chuyên gia giỏi và chính xác, nếu không sẽ gây hiệu ứng ngược. Còn nhớ, chúng ta đã đầu tư để làm bộ phim "Ký ức Điện Biên" tốn kém khoảng 13 tỷ đồng, thế nhưng khi trình chiếu lại nhận được không ít những lời phê bình, bởi so với thực tế thì Chiến dịch Điện Biên Phủ trong "Ký ức Điện Biên" còn rất kém về độ hoành tráng và ác liệt. Nói thế để thấy rằng, tất cả những bộ phim lịch sử đã và sẽ làm chỉ là "công cụ hỗ trợ" trong việc bồi đắp kiến thức cho học sinh. Việc quan trọng hơn cả là phải giáo dục cho học sinh ý thức được tầm quan trọng của lịch sử và từ đó xây dựng lối sống có trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ và bảo vệ văn hóa.

Nhà văn hóa Trần Bạch Đằng từng có lần phát biểu: "Phát hiện quy mô Hoàng thành Thăng Long chính là phát hiện sức mạnh sáng tạo của Việt Nam, phát hiện một bằng chứng về nền văn hóa rất phong phú của dân tộc. Những cái mà chúng ta tìm thấy thật vô giá". Chúng ta đồng ý với nhận định của ông, rằng: "Cái giá của hồn nước, của niềm tự hào của tài năng người xưa đâu dễ gì lượng hóa". Bạn bè quốc tế quan tâm và ủng hộ chúng ta, đồng thời sẵn sàng phối hợp với các nhà khoa học trong nước trong việc bảo tồn di chỉ quý. Được biết, Bảo tàng Hoàng gia Mariemont đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam mở một phòng bảo quản phục chế đồ gốm và kim loại cũng như đào tạo kỹ thuật viên chuyên ngành. Ở cách xa chúng ta hàng ngàn cây số có những người tâm huyết như vậy thì không có cớ gì lớp trẻ Việt Nam lại thờ ơ với lịch sử dân tộc mình.

Vào tham quan Thành cổ chiều nay, tôi đã gặp một đại gia đình gồm 15 người, trong đó có hai cụ già và hai em bé chừng 5-6 tuổi. Đến một nơi không nhộn nhịp như thế này trong những ngày đầu xuân năm mới, nhưng lại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục con cháu về truyền thống lịch sử dân tộc, hẳn không phải người ông, người bà nào cũng nghĩ và làm được. Nếu gia đình nào ở đất nước Việt Nam này cũng đều có những động thái tích cực trong việc bảo vệ và phát triển văn hóa được kết tinh từ lịch sử 4.000 năm dựng nước và giữ nước thì chúng ta đều có quyền tự hào về truyền thống văn hiến lâu đời của dân tộc, không thua kém bất cứ một nền văn hóa nào trên thế giới.

Sự kiện phát lộ di tích Hoàng thành Thăng Long năm 2003 là một sự kiện lớn, thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học trên thế giới. Hoàng thành Thăng Long xứng đáng là di sản văn hóa thế giới như nhận xét của đa số bạn bè quốc tế. "Không một nhà bảo tàng nào mang tính thuyết phục - hơn thế, tính thiêng liêng - về sức sống Việt Nam từ cội nguồn hơn Hoàng thành Thăng Long" như lời của Nhà văn hóa Trần Bạch Đằng. Vấn đề còn lại là phải tìm những người có đủ tầm và tài để làm công việc thổi hồn vào những hiện vật vô tri vô giác, để chúng ta không bị mang tiếng thất lễ với tiền nhân và cũng không xấu hổ với hậu thế. Làm được điều đó cũng là thể hiện sự biết ơn quá khứ, biết ơn tiền nhân đã xây dựng nên Hoàng thành Thăng Long, để lại cho hậu thế những giá trị lịch sử không thể tính bằng tiền