Nếu ai đó tìm cách đổ lỗi cho bạn

Tắc đường là lý do đơn giản nhất bạn có thể “bám vào” khi tới chỗ làm muộn 10 phút. Tuy nhiên, liệu tắc đường có thực sự là lý do khiến bạn đi trễ?

Đổ lỗi cho người khác vì những bất hạnh bạn gặp phải, cho dù do chủ quan hay khách quan, là cách dễ dàng để thoái thác trách nhiệm. Mọi người thường đổ lỗi khi họ không thể tìm được phương án khả thi cho các vấn đề.

Những người đổ lỗi thường nhầm lẫn việc đó mang lại lợi ích lâu dài cho họ. Thực tế, các nghiên cứu chỉ ra rằng những người có xu hướng đổ lỗi cho người khác thay vì nhận trách nhiệm cho lỗi lầm của bản thân thường không giữ được vị thế trong mắt mọi người, hiệu suất làm việc thấp hơn và không học hỏi được nhiều từ những khó khăn, sai lầm gặp phải trong cuộc sống..png)

Đổ lỗi có thể trở thành thói quen với người thường xuyên làm vậy hoặc người luôn sống với tâm lý “nạn nhân”. Tuy nhiên, khi bạn đổ lỗi cho người khác, bạn đang dần đánh mất trách nhiệm cá nhân. Các nghiên cứu còn cho thấy đổ lỗi có tính “lây lan”: nếu bạn trông thấy ai đó đổ lỗi cho người khác vì lỗi sai của chính họ, bạn cũng có thể dễ dàng làm theo. Vậy, tại sao chúng ta phải chịu trách nhiệm cho cuộc sống của chính mình?

Các chuyên gia xã hội học nhận định những người nhận trách nhiệm cho những tiêu cực trong cuộc sống của họ thường mạnh mẽ, quyết đoán hơn những người thích “đóng vai nạn nhân”. Điều này có nghĩa là những người không đổ lỗi tin rằng họ làm chủ cuộc sống, trong khi đó những người thích “đóng vai nạn nhân” luôn cho rằng dẫu có làm gì chăng nữa, những yếu tố khác, không phải bản thân, sẽ quyết định tương lai của họ.

Nếu phải lựa chọn giữa “đóng vai nạn nhân” và làm chủ cuộc sống của chính mình, bạn sẽ chọn bên nào? Giả sử bạn chọn tự làm chủ cuộc sống, thì một trong những bước đầu tiên bạn cần làm chính là ngưng đổ lỗi cho người khác vì những điều không may gặp phải. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhìn nhận 6 lý do tại sao con người ta thích đổ lỗi cho người khác và phương pháp giúp bạn thoát khỏi lối sống này.

1. Rất đơn giản để đổ lỗi cho người khác

Nếu ai đó tìm cách đổ lỗi cho bạn
Hãy cùng bắt đầu với một sự thật đơn giản: khi bạn đổ lỗi cũng là lúc bạn rũ bỏ trách nhiệm của bản thân và chuyển nó sang người khác. Làm vậy thường dễ dàng hơn việc phải gánh vác, xử lý hậu quả của vấn đề, kể cả những cảm xúc gặp phải khi bạn mắc sai lầm.

Đôi khi, bạn thuyết phục bản thân mọi chuyện là do lỗi của người khác, nhưng cuối cùng, sâu trong thâm tâm, bạn tự biết mình đang nói dối. Tuy nhiên, nói dối thường dễ dàng hơn việc đối mặt với sự thật. Khi phải quyết định giữa việc dối trá hoặc nói thật, con người ta thường cân nhắc giữa khả năng bị người khác phát hiện so với hệ quả tạo ra bởi sự thật, và chọn phương án dễ dàng hơn bất kể đó là gì.

Phương án hành động: Thay đổi hoàn cảnh thành cơ hội để học hỏi. Mỗi lỗi sai đều cho phép bạn cơ hội được học hỏi và tiến bộ thêm. Nếu lần tới phạm lỗi, hãy dành chút thời gian cân nhắc những điều bạn có thể học được khi chịu trách nhiệm hoàn toàn. Điều này có thể giúp bạn không tái phạm sai lầm một lần nữa. Ngoài ra, nếu bạn chọn đổ lỗi thay vì học hỏi từ sai lầm, bạn không hề tiến bộ mà chỉ “dậm chân tại chỗ” và có phần khổ sở hơn bởi bạn coi chính mình là “nạn nhân” của hoàn cảnh và những người xung quanh.

2. Có thể coi đổ lỗi như một cách tự vệ

Nếu bạn không muốn thừa nhận những thiếu sót hoặc sai lầm ở bản thân, việc đổ lỗi cho người khác thường dễ dàng hơn cả. Chúng ta coi đổ lỗi như cách phòng thủ để bảo vệ bản thân khỏi những cảm giác tội lỗi và lo lắng, bởi khi rũ bỏ trách nhiệm lên người khác, bạn cũng đang tránh né trách nhiệm suy ngẫm lại hành vi của mình.

Nếu ai đó tìm cách đổ lỗi cho bạn

Cách phòng thủ này cũng là điều dễ hiểu bởi chúng ta thường muốn bảo vệ tự tôn và không để ai nhìn thấy những khiếm khuyết của bản thân. Tuy nhiên, nếu thường xuyên vịn lấy “phương pháp” này, vấn đề sẽ nghiêm trọng hơn bởi nó khiến ta trở thành người thường xuyên viện cớ thay vì có ý thức chịu trách nhiệm. Ngoài ra, đi kèm với việc từ chối, đổ lỗi có thể là cách phòng thủ hoàn hảo để tránh né những tình huống đầy thách thức, khó giải quyết.

Phương án hành động: Vì bản chất của cơ chế phòng thủ, bảo vệ được xây dựng từ thói quen theo thời gian, chúng có thể được thay thế bởi những hành vi mới. Nếu bạn thấy bản thân lo lắng và dùng cách đổ lỗi cho người khác để “bảo vệ” chính mình, hãy dừng suy nghĩ tiêu cực rằng nhận trách nhiệm sẽ gây ảnh hưởng tệ tới bạn, bởi khả năng cao là sẽ không có chuyện đó, và chịu trách nhiệm khiến bạn cảm thấy tốt hơn nhiều so với cảm giác tội lỗi khi làm ngược lại.

3. Một số người đổ lỗi cho người khác khi họ thấy bản thân mất kiểm soát

Chúng ta thường dễ hoảng loạn nếu mất kiểm soát trong một số tình huống, và cách đơn giản khiến ta cảm thấy bản thân đã lấy lại sự kiểm soát ấy chính là đổ lỗi cho người khác. Chẳng hạn như bạn và vợ/chồng có trận cãi vã căng thẳng, vì bạn không còn kiểm soát được cảm xúc nên đã nói những lời nặng nề với đối phương. Bạn có thể đổ lỗi vì đối phương ích kỷ, đối xử không tốt với bạn trước nên nói lời như vậy, nhưng lý do thực chất là do bạn đang cảm thấy bất lực, yếu thế tại thời điểm đó.

Nếu ai đó tìm cách đổ lỗi cho bạn

Đưa ra lời nói gây tổn thương như vậy chính là phản ứng với cơn tức giận - cảm xúc ngụy trang cho sự bất lực sâu trong lòng bạn. Dù bạn đã từng tranh cãi trước đó, bạn vẫn không muốn thừa nhận cuộc hôn nhân của mình hiện có những vấn đề cần được giải quyết. Trong trường hợp này, bạn đang thoái thác trách nhiệm của mình vì cảm thấy yếu thế, bất lực trước hành động của bản thân và khó có thể thay đổi. Tuy vậy, bạn không nhận ra một điều: đổ lỗi cho đối phương vì sự phẫn nộ của bản thân chỉ càng khiến bạn thấy yếu thế, bất lực hơn và khả năng bạn tiếp tục đổ lỗi cho đối phương cũng theo đó càng tăng cao.

Phương án hành động: Dù một số sự việc hoặc hành vi của người khác có thể ảnh hưởng tới cảm xúc của bạn, bạn không thể khiến họ nhận toàn bộ trách nhiệm cho cường độ hay cách bạn quản lý những cảm xúc ấy. Nếu bạn cảm thấy mình đang mất kiểm soát, hãy dừng lại, hít thở để bình tĩnh và nghĩ kỹ về bước tiếp theo bạn định làm. Hãy nhớ rằng chỉ có bạn là người thực sự kiểm soát hành vi của chính mình và vì thế, bạn sẽ trực tiếp chịu trách nhiệm cho hành động sau đó của bản thân.

4. Đổ lỗi cho người khác có thể bảo vệ cái “tôi” mỏng manh của bạn

Ta có thể coi đổ lỗi như một cách so sánh giữa mọi người trong xã hội. Nếu bạn đổ lỗi cho một người, bạn sẽ cảm thấy bản thân “đúng” còn người kia “sai”. Kể cả khi đổ lỗi cho ai đó để “đóng vai nạn nhân”, bạn vẫn đang cố gắng nâng cái “tôi” lên bởi bạn cần sự chú ý từ người khác để chứng minh bản thân là đúng. Điều này càng là minh chứng rõ nét của lòng tự trọng thấp.

Phương án hành động: Thay vì cố khám phá lý do vì sao bạn đổ lỗi cho người khác, hãy tìm hiểu tại sao bạn nhận định tiêu cực về chính mình tới mức phải “dìm” người khác xuống để “nâng” bản thân lên. Lưu tâm hơn tới việc tăng cường nhận thức về giá trị bản thân giúp bạn học cách chủ động chịu trách nhiệm. Thêm nữa, bạn càng sẵn sàng chấp nhận sai lầm của chính mình bao nhiêu, bạn càng có thể chấp nhận và hiểu điều đó ở người khác hơn bấy nhiêu.

5. Mọi người đổ lỗi để có được lời giải thích cho vấn đề

Khi sự việc bất thành, chúng ta muốn tìm nguyên nhân tại sao xảy ra vấn đề đó; và thông thường, đổ lỗi cho ai đó giúp ta cảm thấy đã xác định được lời lý giải. Ta thường mặc định cho rằng vấn đề bắt nguồn từ lỗi sai của cá nhân nào đó, nhưng cũng bởi lẽ này, những kết luận nóng vội và sự thoái thác trách nhiệm dễ dàng xuất hiện.

Điều mọi người hay bỏ lỡ chính là thay vì con người, hầu hết vấn đề xảy ra đều là kết quả từ một bối cảnh hay hệ thống. Mỗi người không hề lười biếng hay thiếu trình độ như lời những người đổ lỗi nói về họ. Thay vào đó, nhiều yếu tố thường kết hợp với nhau và dẫn đến kết quả không mong muốn.

Phương án hành động: Chấp nhận rằng có nhiều việc sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Bạn không nhất thiết phải luôn giải thích cho người khác về những việc xảy ra. Ngoài ra, không phải lúc nào bạn cũng có thể hiểu hết nguyên nhân tại sao sự việc đi sai hướng.

6. Mọi người đổ lỗi cho người khác để bào chữa cho hành động của họ

Đôi khi, đổ lỗi cho ai đó giúp ta có cớ để làm tổn thương người khác hoặc hành động theo một cách khác trái với bản thân thường ngày.

Khi đổ lỗi lên người khác cũng là lúc bạn đang cố biện minh cho hành động để giảm bớt sự ức chế trong bạn với hành động khó được xã hội chấp nhận ấy. Ngoài ra, làm vậy khiến bạn tạo lối suy nghĩ cho phép bản thân làm những điều mà bạn không thường thực hiện. Lấy ví dụ đơn giản là có ai đó “tạt đầu” hay chặn xe của bạn khi tham gia giao thông và bạn cố gắng đuổi theo họ để mắng nhiếc, chửi rủa. Trong trường hợp này, bạn có thể biện minh cho hành động vô lý của mình bằng lý do họ “bắt đầu trước” và bạn chỉ đáp trả lại hành vi tồi tệ của họ mà thôi. Thực chất, bạn đang viện cớ cho lỗi sai của bản thân bằng cách gán lý do cho nó.

Nếu ai đó tìm cách đổ lỗi cho bạn

Phương án hành động: Hãy chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Bạn là người trưởng thành và có đủ năng lực gánh vác sai phạm bản thân gây ra. Thay vì dành thời gian và công sức tìm cách chối bỏ, hãy dùng chúng vào việc học hỏi từ những lỗi sai, khiếm khuyết của mình.

Lời kết

Bởi mong ước đạt đến sự hoàn hảo (dù bất khả thi), con người ta dễ đổ lỗi cho người khác vì lỗi lầm của mình. Khi đổ lỗi cũng là lúc ta tự đánh mất cơ hội để phát triển bản thân. Có thể xem đổ lỗi là một hành động phòng thủ, tự vệ; nhưng nếu lạm dụng nó, ta khó mà mở lòng và tiếp xúc với những điều giúp bản thân học hỏi và tiến bộ.

Hãy bắt đầu coi trách nhiệm cá nhân là cách để học hỏi từ sai lầm của bản thân và những người xung quanh, chấp nhận sự tồn tại tất yếu của những sai lầm, khiếm khuyết ấy trên hành trình phát triển bản thân. Cuối cùng, hãy tiếp tục nỗ lực vì những điều tốt đẹp hơn, nhưng cũng đừng quên rằng thế giới bạn đang sống vẫn còn thiếu sót.

-----

Tác giả: Connie Stemmle

Link bài gốc: Blaming Others: 6 Reasons Why People Play the Blame Game

Dịch giả: Võ Hồ Ngọc Dung - ToMo - Learn Something New

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Võ Hồ Ngọc Dung - Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày!

(***) Trở thành Cộng tác viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: