Nguyên nhân kết hôn sớm ở việt nam

Một là, những vấn đề về sinh kế

Khoảng 72,3% người DTTS từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, đồng nghĩa địa bàn cư trú của họ chủ yếu là ở nông thôn.

Dường như có mối tương quan nhất định giữa tỷ lệ tảo hôn với tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên làm nông, lâm nghiệp cao ở một số DTTS. Ví dụ: dân tộc Mông, có tới tới 95% tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên làm nông, lâm nghiệp; tỷ lệ này đối dân tộc Xinh Mun là 98%, dân tộc Khơ Mú 91,7%, dân tộc Mảng 89%...

Đặc điểm chung trong sản xuất nông, lâm nghiệp ở vùng DTTS và miền núi là phụ thuộc vào tự nhiên, trong khi vùng này chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai như: lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, mưa đá vào mùa hè; rét đậm, rét hại, băng giá vào mùa đông… cộng với biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường khiến sản xuất nông, lâm nghiệp phần lớn phụ thuộc vào “ông trời”.

Chỉ có nguồn thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông, lâm nghiệp, lại bấp bênh nên nhu cầu lao động trong gia đình người DTTS thường rất lớn. Do vậy, thanh, thiếu niên sớm tham gia làm việc cùng cha mẹ để đảm bảo cuộc sống cũng là điều cần thiết và bình thường. Vấn đề trở nên tiêu cực khi cha mẹ thúc đẩy việc tảo hôn cho con với suy nghĩ có thêm nhân lực tham gia hỗ trợ, gánh vác việc nhà cho người lớn, hoặc tham gia các hoạt động kinh tế cho nhà chồng để đảm bảo sinh kế.

Sau khi tảo hôn, khoảng thời gian lao động của thanh, thiếu niên có thể lên tới 10 - 12 giờ đồng hồ/ngày khi các em vừa phải lao động sản xuất, vừa phải chăm lo cho bản thân, chồng, vợ, con, người già, người khuyết tật… trong gia đình. Lao động kéo dài nhiều giờ trong ngày khiến các em không còn thời gian học tập, vui chơi, giải trí, phát triển thể chất, tinh thần, mà đáng lẽ ra như trong điều kiện bình thường các em đáng được hưởng.

Chịu tác động của hoàn cảnh tự nhiên, gia đình, một số trường hợp bỏ học lấy vợ, lấy chồng do có suy nghĩ học tiếp cũng không xin được việc làm, kết hôn là “phương án tốt nhất” để được đảm bảo về mặt tài chính, nhất là với trẻ em gái.

Hai là, những vấn đề về gia đình và xã hội

Ngày nay, tuy không còn phổ biến tình trạng “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” nhưng tiếng nói của phụ huynh vẫn có ảnh hưởng lớn đến hôn nhân của con cái. Một nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường thực hiện năm 2017 với chủ đề “Kết hôn trẻ em tại một số cộng đồng DTTS ở Việt Nam: Phân tích trên góc độ nhân chủng học” cho thấy, trẻ em gái sợ mình phải sống cô đơn và ít cơ hội kết hôn khi tuổi đời tăng dần. Họ sợ trở thành “bà cô” hoặc “bị ế”. Kết hôn khiến họ cảm thấy yên tâm. Áp lực và các mối quan hệ xã hội có thể tác động tới quyết định kết hôn của một bé gái. Dưới áp lực danh dự và sự đảm bảo về mặt kinh tế, cha mẹ trẻ em thường đồng ý gả con.

Ở không ít nơi, còn tình trạng một số cặp thanh thiếu niên nếu bị gia đình hoặc chính quyền ngăn cản không cho lấy nhau là ăn lá ngón tự tử (nhiều nhất là trong đồng bào dân tộc Mông), gây khó khăn trong việc can thiệp ngăn chặn tảo hôn.

Ba là, những vấn đề về giáo dục

Mặc dù tỷ lệ trẻ em DTTS trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng không đi học đã giảm gần 2 lần, từ 26,4% năm 2009 xuống còn 15,5% năm 2019, nhưng tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường học của 53 DTTS hiện vẫn cao hơn gấp 2 lần tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường học của cả nước và cao hơn gần gấp 3 lần tỷ lệ này ở dân tộc Kinh.

Tỷ lệ trẻ em trai DTTS trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng không đi học cao hơn trẻ em gái, mức chênh lệch là 1,9% (16,4% so với 14,5%). Có 19/53 DTTS có tỷ lệ trên 20% trẻ em ngoài trường học.

Tỷ lệ trẻ em ngoài trường học ở cấp học càng cao càng tăng. Ở cấp tiểu học, trong 100 em có 2 em không đến trường; ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông (lứa tuổi dễ tảo hôn), con số tương ứng là 13 và 46 em. Tình trạng học sinh DTTS trong độ tuổi học trung học phổ thông không đến trường phổ biến ở hầu hết các DTTS, với 27/53 DTTS có tỷ lệ học sinh trong độ tuổi không đi học trung học phổ thông chiếm trên 50%. Việc trẻ em trong độ tuổi đi học nhưng không đi học là một nguyên nhân và hệ quả của tảo hôn. 

Bốn là, mang thai ở tuổi chưa thành niên

Ở lứa tuổi dậy thì, thanh thiếu niên có nhiều biến đổi về tâm sinh lý, bản năng yêu, tình dục bắt đầu trỗi dậy, xuất hiện nhu cầu tình dục với người khác giới.

Số liệu Điều tra quốc gia về sức khỏe tình dục và sinh sản của vị thành niên và thanh niên Việt Nam độ tuổi 10 - 24 cho thấy, ngày càng có nhiều thanh niên Việt Nam có quan hệ tình dục ở độ tuổi chưa thành niên: 7,8% người chưa thành niên ở độ tuổi 15 - 18 đã quan hệ tình dục lần đầu khi 15 tuổi; tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai thấp, chỉ có 41% nữ và 65% nam ở độ tuổi 15 - 24 sử dụng biện pháp tránh thai khi quan hệ tình dục.

Đa số các em gái mang thai ở tuổi vị thành niên khi được tư vấn đều cho rằng cha mẹ rất ngại, thậm chí lảng tránh khi con cái hỏi hoặc nhắc đến những vấn đề về sức khỏe sinh sản. Trong nhà trường cũng hạn chế đề cập đến giáo dục sức khỏe sinh sản; các câu lạc bộ sinh hoạt về chủ đề này cũng ít. Thành ra, các em không có nhiều cơ hội được tiếp cận những nguồn thông tin chính thống về sức khỏe sinh sản và tình dục.

Việc không được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ tư vấn và y tế liên quan đến sức khỏe tình dục và sinh sản, các biện pháp tránh thai, trong khi hiện nay, trẻ em dậy thì sớm, độc lập hơn trong cách nghĩ, cách làm, quan điểm đời sống cởi mở, cho rằng việc yêu đương, chung sống như vợ chồng khi chưa kết hôn là bình thường... đã góp phần làm gia tăng tỉ lệ mang thai sớm. Trong bối cảnh đó, tảo hôn được xem là giải pháp xử lý hậu quả mang thai ngoài ý muốn nhằm “bảo vệ danh dự” của người con gái và gia đình khỏi kỳ thị và chê bai của xã hội.

Năm là, ảnh hưởng của mạng internet và truyền thông xã hội.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường, sự ra đời của điện thoại di động và các công nghệ viễn thông đã thay đổi thói quen hẹn hò, cho phép người chưa thành niên “tìm vợ nhanh hơn” và làm gia tăng xu hướng mang thai trước hôn nhân - yếu tố dẫn đến tảo hôn.

Vấn đề đáng quan ngại là nhiều cha mẹ không giám sát và nắm bắt đầy đủ thông tin về những nguy cơ của mạng internet và truyền thông xã hội, không dạy trẻ cách sử dụng truyền thông xã hội một cách an toàn.

Năm 2020, 2021, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng sâu rộng đến toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Báo Lao Động phản ánh: tại một lớp của khối 9, Trường THCS Quảng Hòa (xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’Long, Đắk Nông), sau kỳ nghỉ dịch, có 5 em chưa đi học (2 học sinh nam, 3 học sinh nữ). Theo giáo viên chủ nhiệm lớp, qua nắm bắt thông tin từ học sinh trong lớp và các học sinh trong trường, nhà trường được biết cả 5 em này đã lập gia đình trong thời gian nghỉ phòng chống dịch. Thầy Đỗ Ngọc Khanh, Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Hòa lý giải, các em nghỉ học dài, lại đi chơi nhiều nên chỉ cần một vài hôm gặp gỡ là đã về ở cùng nhau.

Một phóng sự của Đài Phát thanh - Truyền hình Lào Cai cho hay, tháng 3/2020, Thào Thị S. và Giàng Seo S. (xã Quan Hồ Thẩn, huyện Si Ma Cai) về chung một mái nhà. S. khi đó mới học lớp 8, tròn 14 tuổi. S. hơn vợ 2 tuổi và đã nghỉ học. "Chúng em quen nhau trên facebook, về ở với nhau 2 tháng có bầu” - Thào Thị S. trải lòng.

6 tháng đầu năm 2020, huyện Si Ma Cai có 106 học sinh bỏ học tảo hôn, tăng gấp đôi so với năm 2019. Nguyên nhân chính là do học sinh được nghỉ học kéo dài. Không có sự quản lý của nhà trường, các em tự do sử dụng điện thoại, kết nối với nhau qua mạng xã hội, dễ nảy sinh tình cảm khác giới.

Chúng tôi chưa có con số thống kê về số học sinh bỏ học để tảo hôn trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19 nhưng qua vài dẫn chứng trên, có thể thấy, tình trạng tảo hôn do gia tăng sử dụng internet và mạng xã hội trong thời gian nghỉ chống dịch COVID-19 là có xảy ra trong thực tế cuộc sống.

Sáu là, pháp luật hôn nhân và gia đình chưa được thực thi đầy đủ hoặc không phát huy tác dụng

Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định: “Tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn: phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án: phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng”.

Mức xử phạt này, theo nhận xét của một lãnh đạo xã Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang là chưa đủ sức răn đe. Nhiều gia đình sẵn sàng chấp nhận bị phạt để tổ chức cưới tảo hôn cho con, nhất là trong trường hợp cô gái đã có thai. Hơn nữa, chế tài nộp tiền phạt rất khó thực hiện ở vùng DTTS. Các gia đình tổ chức cưới tảo hôn cho con đa số là hộ nghèo nên không có tiền nộp phạt. Chính quyền địa phương cũng khó mà cưỡng chế.

Các gia đình còn tìm đủ mọi cách “cưới chui”. Chỉ đến khi cặp vợ chồng tảo hôn sinh con mới đi làm đăng ký khai sinh, đặt UBND xã vào tình thế phải “hợp thức hóa” để bảo vệ quyền lợi cho đứa trẻ. Mặt khác, ở cơ sở, cán bộ xã nhiều khi là anh em họ hàng của đôi nam, nữ nên dù biết là vi phạm vẫn đành làm ngơ, tạo điều kiện cho tảo hôn tồn tại. Ở một số nơi, không chỉ những người dân mà cả gia đình cán bộ, đảng viên là lãnh đạo xã cũng để xảy ra tình trạng tảo hôn. Những phản ứng từ cộng đồng địa phương cũng rất yếu, hầu hết coi đây là việc riêng của từng gia đình, thậm chí cộng đồng không những không phản đối mà còn đồng tình ủng hộ. 

Bảy là, hạn chế của công tác tuyên truyền, vận động

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về chống tảo hôn ở vùng DTTS gặp nhiều hạn chế do rào cản về ngôn ngữ. Tại các bản vùng sâu, vùng xa, người dân ở độ tuổi từ 35 tuổi trở lên và phụ nữ không biết chữ, không biết tiếng phổ thông còn nhiều. Trình độ dân trí hạn chế, người dân chưa hiểu rõ hậu quả của tảo hôn, thiếu kinh phí triển khai… dẫn đến hiệu quả tuyên truyền, vận động chưa được như mong muốn./.

Mời đọc bài cuối: Cần thêm nhiều nỗ lực chống tảo hôn để nâng cao chất lượng dân số