Tại sao bố mẹ đánh con

Cách đây vài ngày, tôi và một người bạn cùng đưa con đi ăn tối. Con trai của chị ấy năm nay 2 tuổi.

Khi ăn, cậu bé nghịch ngợm tương cà rồi vẩy khắp nơi, văng lên cả chiếc váy trắng của mẹ. Thấy như vậy, chị bạn này tức giận, hét lớn rồi đánh vài cái vào mông của thằng bé.

Có một điều khiến tôi bất ngờ, đó là cậu bé vừa khóc vừa dang tay đòi mẹ ôm. Tất nhiên, người mẹ lúc này đang bực bội nên chẳng còn tâm trạng nào để ôm con trai mình.

Lúc đó, tôi chợt nghĩ, tại sao người mẹ đánh đau như vậy mà cậu bé vẫn muốn ôm mẹ mình?

Ảnh minh họa.

Sau này, khi tìm hiểu nguyên nhân, tôi mới chợt nhận ra rằng, bởi khi trẻ còn nhỏ, thế giới của chúng chỉ biết mỗi mẹ, không có ai khác có thể dựa vào cả.

Dù mẹ có làm gì đi chăng nữa, chúng vẫn tìm kiếm sự an toàn và tình thương từ họ. Bố mẹ càng mắng mỏ, con cái càng muốn cầu cứu và khao khát sự bao bọc hơn.

Một đứa trẻ khi con nhỏ cũng giống như chú vịt con mới sinh, nó chỉ biết theo mẹ một cách vô thức. Con người cũng vậy, thế nên trẻ nhỏ bám theo mẹ cũng là điều dễ hiểu.

Nếu con cái nghịch ngợm bị mẹ đánh, có thể mất vài phút sau đó trẻ sẽ đến và xin lỗi mẹ.

Thế nhưng, nếu trẻ đánh lại mẹ, có lẽ một số người mẹ sẽ không quan tâm tới con mình trong thời gian lâu hơn.

Có thể nói rằng, giữa bố mẹ và con cái tồn tại một mối quan hệ không công bằng. Chính vì khi con cái còn nhỏ, chúng yêu thương bố mẹ một cách vô điều kiện nên một số bố mẹ coi nhẹ việc mình la mắng, đánh đập, làm tổn thương con cái.

Trẻ bị tổn thương nặng sau khi bị bố mẹ đánh mắng

Khi bố mẹ càng tỏ ra tức giận, con cái càng sợ hãi và càng muốn bám vào bố mẹ hơn. Ngay cả khi trẻ khóc lóc, đau đớn, chúng vẫn muốn đuổi theo, van xin mẹ đừng giận, đừng bỏ rơi chúng.

Trước năm 3 tuổi là giai đoạn trẻ luôn cảm thấy bất an và phụ thuộc vào bố mẹ nhiều nhất. Khi trẻ còn nhỏ, mọi việc chúng cần dựa dẫm vào bố mẹ.

Vì thế, ngay cả khi bố mẹ giận con cái, chúng vẫn sẽ yêu thương vì không còn ai khác để tin tưởng dựa vào.

Sự phụ thuộc của con cái chỉ tồn tại trong vài năm đầu đời. Những lần bị bố mẹ đánh đập, la mắng sẽ dần trở thành một phần trong ký ức của trẻ.

Khi con cái còn nhỏ, đó cũng là lúc chúng tích lũy tình cảm, tình yêu thương của bố mẹ chính là nền tảng vững chắc trong cuộc đời của một đứa trẻ.

Nếu sau mỗi lần bị đánh mắng như vậy, bố mẹ không an ủi, xoa dịu con cái, trái tim chúng sẽ dần dần khép lại.

Sau này khi lớn lên, chúng sẽ trở thành một người thiếu thốn tình cảm, lúc nào cũng cảm thấy cô đơn, khó giao tiếp với người khác.

Bố mẹ đừng để lại những tổn thương tâm lý không thể xóa nhòa trong ký ức con cái

Có một người đàn ông đã ngoài 30 tuổi nhưng thường xuyên rơi vào trạng thái trầm cảm và muốn tự tử.

Khi tìm hiểu nguyên nhân, người ta phát hiện ra nó liên quan tới một vấn đề nhỏ trong thời thơ ấu.

Người này kể lại rằng, lúc nhỏ từng bị một người thầy đánh tới mức chảy cả máu mũi.

Thế nhưng, khi về nhà kể lại với bố mẹ, họ nói rằng anh đã làm sai việc gì đó nên mới bị đánh như vậy, giáo viên tại sao không đánh người khác mà lại đánh anh.

Ảnh minh họa.

Sau đó, anh không còn nói chuyện gì nhiều với bố mẹ của mình nữa. Anh nghĩ rằng, việc mình bị đánh chẳng quan trọng gì với bố mẹ, họ lại trách móc thêm.

Thế nhưng dù vậy, mỗi khi khó khăn, người đầu tiên anh nghĩ vẫn là bố mẹ mình.

Có một lần nữa, khi đang học trong lớp thì anh bị một bạn học phía sau trêu chọc. 2 bên gây gổ với nhau, còn động tay động chân. Khi cô giáo tới, anh nói mình không làm gì sai, không muốn xin lỗi.

Sau đó, cô giáo yêu cầu anh mời phụ huynh. Anh vẫn nghĩ mẹ mình sẽ bênh vực hoặc đứng về lẽ phải, thế nhưng khi đến trường bà lại tin lời cô giáo, cho rằng anh là người gây ra sự việc.

Có lẽ nhiều người đã trải qua trường hợp như vậy khi họ còn đi học. Khi một học sinh gây bất hòa trong lớp và bị mời phụ huynh, bố mẹ thường nghĩ rằng lỗi là do con mình.

Tuy nhiên, điều khiến một đứa trẻ thực sự buồn không phải ai đúng ai sai mà chính là cách cư xử của bố mẹ.

Khi hơn 30 tuổi, cái bóng và nỗi ám ảnh tuổi thơ vẫn cứ đeo bám anh cho tới lúc lập gia đình, sinh con và ly hôn, rồi tới ngày quyết định tự tử.

Tối hôm đó, anh gọi điện về cho mẹ mình, nhờ bà chăm sóc đứa cháu sau khi anh qua đời.

Cuộc gọi này giống như một cuộc gọi từ biệt nhưng nó thực sự là một cuộc gọi cầu cứu.

Anh vẫn tiếp tục gọi vài cuộc như thế nữa. Biết mẹ hờ hững nhưng vẫn cầu cứu. Biết rằng mẹ sẽ cúp máy nhưng vẫn tiếp tục gọi.

Đàn ông dù 30 tuổi, đã có gia đình và có con nhưng vẫn luôn muốn được bố mẹ mình yêu thương và công nhận.

Đánh trẻ chỉ để trút cơn tức giận của bố mẹ, không phải là cách giáo dục con cái

Trong những năm tháng đầu đời của một đứa trẻ, tính cách chúng vẫn chưa hình thành, vì vậy bố mẹ càng cần phải tránh làm tổn thương tâm lý con cái.

Nếu mỗi khi con cái nghịch phá, bạn muốn quát mắng hay đánh, hãy xem trẻ như chính bạn lúc thuở nhỏ. Đứa trẻ đó không phải ai khác mà chính là phiên bản thu nhỏ của bố mẹ.

Bạn có ký ức nào trong thời thơ ấu và mãi cho đến khi trưởng thành vẫn không thể nào quên không?

Một đứa trẻ hoàn toàn không có sức phản kháng lại bố mẹ mình, chúng yếu ớt và chỉ biết chịu đựng sự đau đớn bố mẹ gây ra.

Một người mẹ khi sinh con ra đều trải qua một quá trình đau đớn. Thế nhưng khi con cái lớn dần, họ lại lặp lại cái vòng luẩn quẩn: tức giận – trút giận – hối hận – tức giận – hối hận lần nữa…

Nếu bạn đã từng như vậy và nhìn thấy khoảnh khắc đứa con của mình vừa khóc, vừa chạy theo mẹ, van xin mẹ đừng bỏ rơi chúng, hình ảnh tội nghiệp đó có lẽ sẽ khiến cho bạn thay đổi suy nghĩ.

Khi trẻ con không nghe lời, thay vì kiên nhẫn dùng lời lẽ để phân tích cho chúng hiểu điều gì đúng điều gì sai thì có nhiều phụ huynh lại ra tay đánh con. Nhưng sau những lần động tay đó là nỗi ân hận, thậm chí có người còn hại đến sức khỏe của con mà không hề hay biết. Vì vậy, khi quá tức giận khi con không nghe lời, các bậc phụ huynh nên nhớ rằng: “Đôi bàn tay của cha mẹ là để ôm con, che chở cho con chứ không phải để đánh chúng”. Trên thực tế, càng đánh trẻ con chúng càng không nghe lời. Cho đến bây giờ, rất nhiều cha mẹ không biết được, trẻ con ở trong 3 độ tuổi mà chúng ta không được động thủ. Đó chính là:

- Trẻ con dưới 3 tuổi

Đây là độ tuổi quan trọng nhất mà cha mẹ không được “động thủ”. Bởi vì trong giai đoạn này, mọi thái độ và sinh hoạt của trẻ con đều là nhu cầu sinh lý. Chủ yếu là ăn, ngủ, phản xạ có điều kiện, và hoàn toàn vô thức. Nếu trừng phạt trẻ trong giai đoạn này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển sinh lý của chúng, thậm chí sức khỏe của chúng cũng bị đe dọa. Trẻ con vốn nhút nhát và cần phát triển một cách toàn diện hơn. Nếu cha mẹ sử dụng bạo lực để giáo dục chúng, những đứa trẻ ấy sẽ ám ảnh, lo lắng và hoảng sợ. Chúng sẽ không dám tin tưởng và gẫn gũi cha mẹ, sau đó là hình thành tính cách tách biệt và ảnh hưởng trầm trọng đến tâm lý.

Đối với những đứa trẻ gây rối một cách vô cớ, cha mẹ không cần giải thích quá nhiều. Phải cho chúng biết khóc không có tác dụng. Đồng thời cha mẹ có thể thể hiện cảm xúc giận dữ để ngăn chặn sự gây rối của chúng, chúng nhìn thấy được sẽ lập tức dừng ngay hành động của mình.

Trẻ con sau 6 tuổi luôn nhớ những gì cha mẹ làm với mình [Ảnh: Internet]

– Trẻ con sau 6 tuổi

Trẻ con sau 6 tuổi đã bắt đầu hiểu được mọi lý lẽ. Song song đó, chúng bắt đầu hình thành lòng tự tôn một cách sâu sắc. Khi cha mẹ la mắng, chúng đều nhìn thấu được, thậm chí là ghi nhớ trong lòng.

Giáo sư tâm lý đại học Harvard đã thử nghiệm với trẻ em. Họ đã phát hiện, trí tưởng tượng của đứa trẻ 1 tuổi vô cùng phong phú, sự sáng tạo của chúng chiếm đến 96% so với người lớn. Đến 7 tuổi thì ngược lại, đến 10 tuổi thì sự tưởng tượng của chúng chỉ còn lại 4% so với ban đầu. Nguyên nhân là trong quá trình trưởng thành của một đứa trẻ, trung bình chúng phải chịu 20.000 lần tổn thương. Sự tổn thương này đến từ các bậc cha mẹ, cho nên sự la mắng của cha mẹ sẽ khiến chúng rụt rè, nhút nhát, nghiêm trọng hơn là tách biệt với thế giới bên ngoài, thậm chí là tâm thần. Chúng bắt đầu sợ tất cả mọi thứ, sự hiếu kì và sự tưởng tượng cũng từ đó giảm dần.

Với những đưa trẻ trên 6 tuổi, cha mẹ nên dùng phương pháp giáo dục mềm mỏng hơn. Và đặt niềm tin rằng, nếu chúng ta cố gắng giải thích chúng sẽ hiểu chuyện. Cha mẹ nên học cách lắng nghe chúng, cố gắng hiểu được nội tâm của chúng. Rất nhiều phụ huynh áp đặt con cái sống theo cuộc sống mà mình mong muốn, nhưng không hề hay biết đó chỉ là mình muốn, còn khi chúng không muốn, thì điều đó với chúng là đau khổ.

Cha mẹ cần học cách tiếp cận chúng, nói chuyện với chúng như những người bạn. Khi gặp phải khó khăn gì, hay chúng làm sai chuyện gì nên thương lượng, trao đổi, tìm phương pháp giải quyết. Khi cha mẹ tức giận, tốt nhất đừng dạy con. Bởi vì khi tức giận sẽ mất đi lý trí, hãy đợi bình tĩnh rồi nói cho trẻ hiểu, chúng sai ở đâu, thì khi đó chúng sẽ tiếp thu tốt hơn.

– Trẻ con ở độ tuổi dậy thì, đang lớn

Những đứa trẻ ở độ tuổi vị thành niên luôn nổi loạn một cách mãnh liệt. Vì chúng chưa hình dung được mình đang lớn và vẫn còn hoài niệm về lúc còn bé. Tâm lý của những đứa trẻ tuổi này khá bất ổn, có đứa thì nghĩ mình đã thực sự trưởng thành nhưng hành động vẫn chỉ là một đứa trẻ, rất dễ kháng cự. Khi bị cha mẹ la mắng, chúng nhanh chóng phản ứng lại chứ không e sợ như lúc còn bé. Trong giai đoạn này cha mẹ cần chuẩn bị tâm lý và cân bằng cảm xúc khi đối diện với chúng. Đừng quá khắt khe cũng như hãy xem chúng là một người lớn thực thụ. Việc xâm phạm vào đời tư của chúng là một trong những điều tối kỵ sẽ khiến chúng phản ứng mạnh mẽ. Chỉ có tôn trọng và thấu hiểu chúng, bạn mới có thể trao đổi, tìm hiểu chúng.

Cha mẹ nên nhớ một điều: Dạy dỗ một đứa trẻ không phải chuyện một sớm một chiều, cũng không phải ngày 2 ngày 3 mà chúng nên người. Đây là một quá trình khá dài và gian nan, bậc làm cha làm mẹ cần kiên trì, nhẫn nại. Đối với mỗi lứa tuổi, cha mẹ cần học hỏi và cố gắng trau dồi những phương pháp giáo dục thích hợp mới có thể dạy chúng nên người./.

Video liên quan

Chủ Đề