Thực trạng của bệnh vô cảm

16:00 22/10/2022

Giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực trong học đường là một thực tế đang diễn ra. Thờ ơ thậm chí cỗ vũ bạo lực chính là biểu hiện của căn bệnh vô cảm đang tràn lan trong giới trẻ. Bệnh vô cảm không khó nhận ra, nhưng làm sao để chữa thì không hề đơn giản.

Tối qua (21/10), trên mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh 1 học sinh nam mặc đồng phục thể dục liên tục bị một bạn nam khác lên gối, đánh đấm vào đầu và mặt… Sự việc được xác định xảy ra tại sự việc xảy ra ngay tại hành lang lớp học, trường THCS Rạng Đông, phường 12, quận Bình Thạnh, TP.HCM.

Việc học sinh dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn trong nhà trường hiện nay không còn là trường hợp hy hữu nếu không muốn nói nó đã trở thành “việc thường ngày ở huyện”.

Tuy nhiên, có một điểm chung dễ nhận thấy khi quan sát hình ảnh trong tất cả các clip ghi lại cảnh đánh nhau, đó là ngoài những nhân vật chính thì bên cạnh bao giờ cũng là một lực lượng không ít bạn vây quanh đứng xem với thái độ bàng quan, không ai vào can ngăn, thậm chí tươi cười hớn hở, vỗ tay, reo hò cổ vũ, dùng điện thoại để quay video.

Thực trạng của bệnh vô cảm
Clip ghi lại cảnh đánh nhau của học sinh trường THCS Rạng Đông, nhiều học sinh đứng xung quanh hò reo, cổ vũ.  Ảnh: cắt từ clip

Đặc biệt trong clip ghi lại cảnh đánh nhau của học sinh trường THCS Rạng Đông tối qua, người xem còn nghe thấy ngoài tiếng hò reo, vỗ tay còn có tiếng nhiều học sinh nói: “đánh đi, đây đâu có camera đâu”, “đấm mạnh đi, đấm mạnh vào”, “đẩy vô, đánh hụt kìa”… 

Sự thờ ơ vô cảm được gọi là một căn bệnh, mặc dù trong y văn không hề có bệnh vô cảm cho thấy nó đang thao túng và ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến nhân cách, lối sống của con người. Đó là căn bệnh của cách hành xử mà “triệu chứng” của nó bao gồm sự trơ lì cảm xúc, dửng dưng, thờ ơ với những hiện tượng đời sống xung quanh, không thể hiện sự vui mừng, phấn khích hay động lòng trước hạnh phúc hay nỗi đau của người khác; không rung động  trước cái đẹp; không ủng hộ cái tốt; không phẫn nộ, không lên án, không chống lại cái xấu, cái ác...

Ngoài xã hội, minh chứng cho sự vô cảm phổ biến là sự lạnh lùng đáng sợ của một người khi chứng kiến những hoàn cảnh thương tâm. Là hình ảnh dòng người lẳng lặng đưa ánh nhìn thờ ơ rồi lướt qua hoặc dừng lại khoanh tay đứng nhìn hay lấy điện thoại ra ghi hình mà không có động thái cứu giúp nạn nhân khi đối mặt với những tình huống như gặp người bị thương trên đường, tai nạn giao thông, cháy nhà…  hay thản nhiên coi như không nhìn thấy một người bị kẻ gian móc túi trên xe buýt, một kẻ ăn mày lăn lóc bên vỉa hè, hay một cụ già đang rét buốt dưới cơn mưa mặc dù việc đó xảy ra trước mắt.

Trong gia đình, thái độ vô cảm biểu hiện ở sự vô trách nhiệm với cha mẹ anh chị em hoặc người thân. Không đoái hoài đến sự vất vả cực nhọc của bố mẹ, không phụ giúp, đỡ đần, không thăm hỏi, động viên…

Cá biệt còn có một số người vô cảm ngay với bản thân mình, thắng không vui bại không buồn, ngay khi bị trách phạt cũng không hề thất vọng.

Sự vô cảm khiến con người mất đi sự liên kết với người thân, bạn bè, xã hội và cuộc sống vì họ không có nhu cầu được chia sẻ. 

Công bằng mà nói, thực tế, cũng có nhiều người không dám giúp đỡ người gặp nạn vì lo sợ bị lừa đảo hoặc bị vạ lây, họ không còn lòng tin vào điều tốt. Cũng có khi đơn giản vì họ đang bận công việc gì đó. Tuy nhiên, nếu không phải là người vô cảm, trái tim bạn sẽ mách bảo bạn nên làm gì trong từng trường hợp cụ thể.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô cảm theo các chuyên gia là rất đa dạng:

Về phía gia đình, do cách giáo dục của bố mẹ: hoặc quá bao bọc, chiều chuộng và đáp ứng mọi yêu cầu của con một cách vô điều kiện, hoặc không quan tâm, không định hướng bồi dưỡng tính cách tương thân tương ái, yêu thương, đồng cảm và chia sẻ với mọi người xung quanh khiến con trở nên ích kỷ, gây ra sự vô cảm, thờ ơ, lãnh đạm trước những nghịch cảnh và nỗi đau của người khác.

Về phía xã hội, sự phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ thông tin, vào các nền tảng mạng xã hội đã khiến cho giới trẻ học theo lối sống của một số nhân vật có ảnh hưởng, những cảnh bạo lực từ đấm đá chém giết man rợ, đầy rẫy trong các trò chơi điện tử, thói quen bó hẹp giao tiếp cũng khiến các bạn bỏ quên những giá trị đạo đức truyền thống, dẫn tới sự thờ ơ lãnh đạm với cuộc sống thực tế.  

Thực trạng của bệnh vô cảm
Sự lạnh lùng khi chứng kiến người bị tai nạn là biểu hiện của bệnh vô cảm. Ảnh: cắt từ clip

 Ngoài ra, mặt trái của nền kinh tế thị trường, lối sống hưởng thụ cũng tác động không ít đến tâm lý xã hội, đến lối sống vô cảm trong một bộ phận người Việt.

Bệnh vô cảm không khó nhận ra, nhưng làm sao để chữa thì không hề đơn giản.  Trước khi chờ đợi môi trường xã hội trang bị một sức đề kháng tốt bằng những yếu tố tích cực khôi phục lại lòng tin, nâng cao các giá trị tinh thần thì cuộc chiến chống bệnh vô cảm cần được triển khai trong từng cá nhân, từng gia đình, bằng các hành vi ứng xử mẫu mực của ông bà, cha mẹ, thầy cô, người lớn tuổi.

Khắc tinh của bệnh vô cảm là những chuẩn mực giá trị đạo đức căn bản của một con người: Sự nhân ái, lòng trắc ẩn, khoan dung, biết lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ, quan tâm và có trách nhiệm với gia đình, với cộng đồng.   

Thực trạng bệnh vô cảm là gì?

Vô cảm là trạng thái cảm xúc đặc trưng bởi sự thờ ơ, lãnh đạm, không quan tâm đến những sự việc, vấn đề xảy ra xung quanh – đặc biệt những sự việc gây ra tổn thương về thể chất và tinh thần cho con người, động vật.

Bệnh vô cảm có tác hại như thế nào?

- Đối với từng cá nhân, từng người: lối sống vô cảm làm tàn phá tâm hồn, làm trái tim con người trở nên chai sạn và dễ dẫn đến tội ác. - Đối với gia đình, xã hội: vô cảm làm suy thoái đạo đức của một cá nhân hay của một tập thể, đẩy đất nước đến tụt hậu, có thể làm nguy hại đến tính mạng con người và vận mệnh dân tộc.

Nguyên nhân của bệnh vô cảm là gì?

Nguyên nhân của sự vô cảm. Cảm xúc vui, buồn, sợ hãi, đau khổ, đồng cảm là thứ sinh ra hầu hết mỗi con người đều có. Tuy nhiên qua thời gian, sự tác động của môi trường, lối sống, tính cách có thể yếu tố khiến những trạng thái cảm xúc này dần “nguội lạnh”.

Vô cảm của giới trẻ là gì?

Hiện nay có rất nhiều bạn trẻ đang sống vô cảm, không quan tâm tới những chuyện diễn ra xung quanh mình. Họ không hề mảy may trước những cảnh tượng bất bình, đau khổ, cũng như không biết chiêm ngưỡng, tán thưởng những điều mang lại cho mình những cảm xúc tích cực.