Vai trò của nhà nước trong quản lý thị trường và giá cả

(LLCT) - Nhà nước và thị trường có mối quan hệ gắn bó khăng khít và biện chứng tương hỗ nhau. Nền kinh tế sẽ vận hành hiệu quả nếu mối quan hệ của hai thành tố này được xác lập đúng đắn, phù hợp. Ngược lại, giải quyết và xử lý không tốt mối quan hệ này sẽ dẫn tới tình trạng phát triển lệch lạc, thậm chí nó lại là rào cản của nhau. Bài viết phân tích mối quan hệ nhà nước và thị trường ở Việt Nam và các định hướng để hoàn thiện mối quan hệ nhà nước và thị trường ở nước ta trong thời gian tới.

Vai trò của nhà nước trong quản lý thị trường và giá cả

Từ khóa: mối quan hệ nhà nước - thị trường.

1. Mối quan hệ nhà nước - thị trường

Nhà nước và thị trường là hai thành tố của một nền kinh tế. Mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường có thể được tiếp cận từ nhiều góc nhìn khác nhau. Có thể khái quát mấy luận điểm cơ bản sau đây:

Một là, tiếp cận dưới giác độ quan hệ quản lý. Nhà nước đóng vai trò là chủ thể quản lý, thị trường là đối tượng quản lý của nhà nước. Trong mối quan hệ này, nhà nước đứng trên thị trường, thực hiện chức năng quản lý hoạt động của các chủ thể trên thị trường. Thị trường thực hiện các chức năng huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực theo các quy luật thị trường, trên cơ sở tuân thủ khung khổ pháp lý, các quy định của nhà nước. Nhà nước có vai trò rất quan trọng trong quản lý nền kinh tế thị trường, nhưng không có nghĩa là nhà nước làm tất cả và nhà nước cũng không thể tự làm tất cả. Chức năng chính của nhà nước là tạo các điều kiện, môi trường thuận lợi cho các chủ thể kinh tế hoạt động; khuyến khích các doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất, kinh doanh; định hướng; kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các chủ thể kinh tế; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế...

Hai là, tiếp cận dưới giác độ quan hệ giữa các khu vực trong nền kinh tế. Nhà nước và thị trường là hai khu vực của nền kinh tế. Trong mối quan hệ này, nhà nước và thị trường có quan hệ ngang vai. Theo đó, thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ, sử dụng nguồn lực. Nhà nước có vai trò bổ sung cho thị trường trong huy động, phân bổ, sử dụng nguồn lực. Trong nhiều trường hợp, thị trường gặp những thất bại. Thị trường tự nó không giải quyết được mọi vấn đề của nền kinh tế. Trong mối quan hệ này, nhà nước sẽ huy động, phân bổ và  đầu tư nguồn lực vào các lĩnh vực mà thị trường không làm được hoặc không muốn làm hoặc làm không có hiệu quả.

Ba là, tiếp cận dưới giác độ xã hội. Về cơ bản, thị trường có khả năng huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực. Nói cách khác, thông qua thị trường và cơ chế vận hành của thị trường, nguồn lực trong nền kinh tế sẽ được huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nhất. Thị trường có vai trò quyết định đối với việc phân phối các nguồn lực kinh tế vào các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế. Nguồn lực được huy động và phân bổ vào các lĩnh vực kinh tế hoạt động hiệu quả sẽ mang lại lợi nhuận. Phân phối thu nhập theo cơ chế thị trường, dựa trên mức đóng góp của các chủ thể vào hoạt động kinh tế. Nếu để thị trường tự điều tiết, các nhóm yếu thế trong xã hội có nhiều khả năng không đảm bảo được thu nhập và cuộc sống do nhóm này bị thiệt thòi về khả năng tiếp cận nguồn lực, cơ hội học tập, việc làm. Trong mối quan hệ này, nhà nước sử dụng quyền lực của mình để can thiệp vào việc huy động, phân bổ, sử dụng nguồn lực theo một số mục tiêu mà nhà nước mong muốn.

Dù tiếp cận dưới giác độ nào, nhà nước và thị trường đều có tác động qua lại, ảnh hưởng, tương tác với nhau, phụ thuộc vào nhau và mối quan hệ này quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội ở các quốc gia. Mối quan hệ giữa nhà nước với thị trường là quan hệ biện chứng, mỗi bước phát triển của thị trường là điều kiện để nâng cao hiệu quả quản lý của nhà nước, ngược lại, hiệu quả quản lý của nhà nước có tác động đến hiệu quả hoạt động của thị trường. Nhà nước thực hiện  tốt vai trò bổ sung, hỗ trợ cho thị trường phát triển thì nền kinh tế vận hành hiệu quả, góp phần thực hiện các mục tiêu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ở Việt Nam, mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường có nhiều thay đổi, biến chuyển theo từng giai đoạn phát triển của đất nước nhất là trong gần 35 năm đổi mới vừa qua. Trong những năm tới, giải quyết tốt mối quan hệ này là một trong những nhân tố quan trọng mang tính quyết định góp phần vào sự phát triển của đất nước trong bối cảnh mới.

2. Những thành công trong giải quyết mối quan hệ nhà nước - thị trường ở Việt Nam trong thời gian qua

Thứ nhất, Nhà nước đã từng bước phát huy vai trò của chủ thể quản lý nhà nước đối với thị trường; góp phần định hướng, xây dựng và hoàn thiện pháp luật, thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh.

Với vai trò là chủ thể quản lý nền kinh tế, nhà nước đã từng bước tạo lập được thể chế kinh tế thuận lợi cho thị trường hoạt động. Nhà nước đã ban hành và từng bước hoàn thiện các văn bản pháp luật tạo môi trường pháp lý ngày càng đầy đủ, đồng bộ tạo nền tảng cơ bản, phù hợp cho hoạt động của thị trường và đáp ứng được ở mức độ nhất định yêu cầu, đòi hỏi của sự phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Pháp luật kinh tế đã tạo ra khung khổ chung điều chỉnh hoạt động của các loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế, đảm bảo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hệ thống pháp luật đã hình thành cơ sở pháp lý cần thiết để tổ chức, vận hành, quản lý nền kinh tế thị trường với hệ thống các quy phạm pháp luật về sở hữu, về quyền tự do kinh doanh, về cạnh tranh và chống độc quyền, về các loại thị trường, về bình đẳng giữa các doanh nghiệp,... Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017; Luật Cạnh tranh năm 2018; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Nghị quyết về Thí điểm xử lý nợ xấu, Luật Đầu tư năm 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2014 áp dụng chung cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế... là minh chứng cho điều đó.

Chính phủ ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh như quyết Nghị quyết 139/NQ-CP ngày 9-11-2018 của Chính phủ ban hành chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; Thủ tướng Chính phủ ban hành các Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 5-3-2018, Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 6-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Chỉ thị số 20/CT-TTg về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 4-2-2016 phê duyệt kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 - 2020. Việc xây dựng các Nghị định về điều kiện kinh doanh đã được hoàn thành. Trong đó, một số điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, thiếu rõ ràng đã được cắt bỏ, rút ngắn yêu cầu về thời gian, giảm các yêu cầu về số lượng, cắt bỏ và đơn giản hóa điều kiện kinh doanh về địa điểm và cơ sở vật chất...

Đồ thị 1 cho thấy, chỉ số thuận lợi trong kinh doanh của Việt Nam từ năm 2011 đến 2018 có những thay đổi nhất định. Xếp hạng của Việt Nam tăng 19 bậc kể từ năm 2011 đến nay. Điều này thể hiện những đổi mới trong thể chế kinh tế của Việt Nam theo hướng tạo điều kiện tốt hơn cho hoạt động kinh doanh. Năm 2018, Việt Nam được xếp hạng 69 trên 190 nước về mức độ thuận lợi trong kinh doanh với điểm số bình quân đạt được của 10 tiêu chí là 68,36 điểm.

Các chỉ số thành phần thể hiện mức độ thuận lợi trong kinh doanh ở Việt Nam được thể hiện ở Đồ thị 2. Từ Đồ thị 2, có thể thấy rằng, giai đoạn 2011 đến 2016, các quy định về bảo vệ nhà đầu tư, tiếp cận điện năng, quy định về cấp phép xây dựng, thủ tục phá sản đã hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động của doanh nghiệp. Từ 2017 - 2018, các chỉ số quy định về khởi sự kinh doanh, quy định về tiếp cận điện năng, thực hiện hợp đồng có nhiều cải thiện đáng kể. Quy định về bảo vệ nhà đầu tư tăng từ hạng 166 năm 2011 xuống 87 vào năm 2016, tiếp cận điện năng xếp hạng 135 tăng lên 96 vào năm 2016, tăng lên 64 năm 2017 và tăng mạnh lên thứ 27 năm  2018. Quy định về cấp phép xây dựng được tăng từ hạng 67 năm 2011 lên 24 vào năm 2016, lên tiếp 21 vào năm 2018.

Thứ hai, thị trường ngày càng đóng vai trò chủ yếu, quyết định trong huy động, sử dụng nguồn lực của quốc gia.

Đến nay, tất cả các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế nhà nước, khu vực tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đều được tự do kinh doanh trong các lĩnh vực pháp luật không cấm. Số doanh nghiệp được thành lập mới, tham gia vào thị trường gia tăng theo các năm. Theo Tổng cục thống kê, năm 2016 số lượng doanh nghiệp tăng gấp 5 lần so với 2010, trong đó các doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ trọng hơn 90%, doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ trọng ngày càng giảm từ 3,83% năm 2010 xuống còn 0,52% năm 2016(1). Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 31-12-2018, cả nước có 714.755 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 9,2% so với cùng thời điểm năm 2017. Điều này cho thấy, xu hướng nhà nước rút dần khỏi các hoạt động kinh doanh đã rất rõ ràng. Quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước khỏi các lĩnh vực khu vực tư nhân trong nền kinh tế có thể đảm nhiệm được đang được thúc đẩy, triển khai tương đối mạnh mẽ, quyết liệt. Lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp nhà nước ngày càng thu hẹp, tập trung vào những lĩnh vực thật sự then chốt, thiết yếu mà khu vực tư nhân chưa thể đầu tư hoặc không có khả năng tham gia.

 Để đánh giá về vai trò và hiệu quả của thị trường, có thể sử dụng chỉ số về tự do kinh tế được đo lường bởi các khía cạnh sau: (1) Quy định của pháp luật về quyền tài sản; (2) Mức độ can thiệp của chính phủ; (3) Tự do kinh doanh; (4) tự do lao động; (5) tự do tiền tệ; (6) tự do thương mại; (7) tự do đầu tư; (8) tự do tài chính. Điểm các chỉ số này dao động từ 0 đến 100, 100 đại diện cho tự do đạt mức tối đa, 0 điểm hàm ý không có tự do trong nền kinh tế. Năm 2019, chỉ số tự do kinh tế của Việt Nam đạt 55 điểm, gần gấp hai lần năm 1997 với 35 điểm, chứng tỏ thị trường, với tư cách là chủ thể trong thể chế kinh tế thị trường hoạt động ngày càng hiệu quả.

Thứ ba, Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong phân bổ nguồn lực cho các nhóm yếu thế, phân phối lại nguồn lực để đảm bảo an sinh xã hội.

Để đảm bảo công bằng xã hội, nhà nước ban hành các chính sách để điều tiết, phân phối lại thu nhập giữa các tầng lớp dân cư trong xã hội, điều tiết đầu tư giữa các vùng miền. Đồng thời nhà nước sử dụng ngân sách để hỗ trợ cho các nhóm đối tượng ưu tiên thông qua hỗ trợ tài chính để tiếp cận giáo dục, chăm sóc y tế, trợ cấp đảm bảo mức sống tối thiểu cho một số nhóm yếu thế trong xã hội.

Đồ thị 4 cho thấy, giá trị chi từ ngân sách Trung ương cho thực hiện một số chính sách an sinh xã hội ở nước ta giai đoạn 2012 -2018. Trong đó, ngoại trừ khoản chi trả bảo hiểm xã hội cho người về hưu trước năm 1995 có giá trị lớn nhất, với trị giá 311.438 tỷ đồng, chi thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, trợ giúp xã hội, giảm nghèo, hỗ trợ vay vốn, trợ cấp học bổng là các khoản chi có giá trị khá lớn. Trong đó, chi cho bảo hiểm y tế nhận được sự hỗ trợ rất lớn của Nhà nước

Như vậy, Đồ thị 5 cho thấy, ngân sách nhà nước hỗ trợ toàn bộ và hỗ trợ một phần cho trên 60% số người tham gia bảo hiểm y tế. Nhờ các chính sách tích cực, Việt Nam đạt được nhiều kết quả quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội.

Đồ thị 6 cho thấy số dân tham gia bảo hiểm y tế ngày càng tăng. Năm 2012 có 59.310 nghìn người tham gia (tương đương 66,81% dân số) thì đến năm 2019 đã tăng lên 83.514 nghìn người, chiếm 88,5% dân số.

3. Những hạn chế trong giải quyết mối quan hệ nhà nước - thị trường

Thứ nhất, với vai trò chủ thể quản lý nền kinh tế, nhà nước chậm hoàn thiện hệ thống thể chế, chưa hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển của các thị trường. Hệ thống pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn. Chỉ số thuận lợi kinh doanh của Việt Nam tuy đã được cải thiện, tuy nhiên chỉ đạt vị trí thứ 5 trên 10 nước trong ASEAN; cách khá xa so với các nước có vị trí dẫn đầu trong khu vực ASEAN (Singapore thứ 2; Malaysia thứ  3). Điều này chứng tỏ, nền kinh tế Việt Nam có sức cạnh tranh khá thấp. Một số điểm nghẽn đối với chỉ số thuận lợi trong kinh doanh ở Việt Nam: quy định về thuế, giải quyết phá sản, quy định về khởi sự kinh doanh, đây là những điểm mấu chốt nhà nước cần  tập trung hoàn thiện trong thời gian tới để hỗ trợ cho thị trường. Thủ tục hải quan và quản lý, kiểm tra chuyên ngành tuy đã có những bước cải thiện nhưng còn chậm, làm cho thứ bậc của Việt Nam bị giảm. Thực tế cho thấy, rào cản trong quản lý chuyên ngành, nhất là thủ tục kiểm dịch động vật, kiểm tra chất lượng là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới kéo dài thời gian thông quan.

Xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam đứng thứ 69/190 quốc gia, giảm 1 bậc so với năm 2018 và xếp thứ 5 trong các nước ASEAN (sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei), xếp thứ 8/25 quốc gia khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Xếp hạng một số chỉ tiêu thành phần của môi trường kinh doanh giảm hoặc còn đứng ở vị trí thấp so với nhiều nước. Chẳng hạn, thành lập doanh nghiệp đứng thứ 104/190 quốc gia với 8 thủ ục và mất 17 ngày để hoàn tất thủ tục. Trong khi, Singapore và Hồng Kông chỉ có 2 thủ tục; Brunei và Đài Loan có 3 thủ tục; Trung Quốc có 4 thủ tục; Thái Lan có 5 thủ tục. Singapore và Hồng Kông mất 1,5 ngày; Thái Lan mất 4,5 ngày; Brunei 5 ngày; Trung Quốc mất 8,6 ngày. Nộp thuế đứng thứ 131/190 quốc gia với 10 lần nộp/năm và thời gian mất 498 giờ/năm. Trong khi, Hồng Kông 3 lần; Singapore và Brunei 5 lần; Trung Quốc 7 lần. Hồng Kông mất 34,5 giờ; Brunei mất 52,5 giờ; Singapore mất 64 giờ; Trung Quốc mất 142 giờ; Malaysia mất 188 giờ; Philippines 181 giờ.

 Thứ hai, việc phân bổ lại nguồn lực từ ngân sách nhà nước để bổ sung  cho thị trường còn nhiều hạn chế.

Việt Nam chưa hình thành được các tiêu chí cụ thể trong việc xác định tính ưu tiên trong chi tiêu công. Đầu tư của nhà nước vẫn còn tập trung nhiều vào các ngành mà khu vực tư nhân có khả năng và sẵn sàng đầu tư. Cùng với cơ chế khuyến khích thu hút đầu tư tư nhân còn chưa có sự đột phá mạnh, trong chừng mực nào đó, có thể cho rằng đầu tư của nhà nước đang chèn lấn đầu tư tư nhân trong nhiều lĩnh vực. Tỷ trọng đầu tư của khu vực nhà nước trong tổng mức đầu tư toàn xã hội tuy có giảm so với trước song vẫn còn ở mức cao. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2018, vốn đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước vẫn chiếm trên dưới 30% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Điều đó đã hạn chế khả năng của ngân sách nhà nước mở rộng để thực hiện các nhiệm vụ chi khác có tính chiến lược và cần phải ưu tiên thực hiện hơn như chi cho đầu tư phát triển con người, chi cho giáo dục, y tế, cải cách tiền lương. Đầu tư của nhà nước vào các ngành công nghệ cao, các ngành có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại còn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Khu vực doanh nghiệp nhà nước được ưu tiên sử dụng rất nhiều nguồn lực quốc gia, hoạt động độc quyền trong nhiều lĩnh vực quan trọng và cốt yếu của nền kinh tế. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của khu vực này lại không tương xứng với những nguồn lực được ưu tiên đó. Trong khi đó, doanh nghiệp nhà nước lại thực hiện cạnh tranh với doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân trên nhiều lĩnh vực sản xuất mà khu vực tư nhân có thể làm hiệu quả.

Thứ ba, chi ngân sách cho an sinh xã hội từ ngân sách Trung ương chiếm tỷ trọng nhỏ trong GDP và trong tổng chi ngân sách nhà nước. Giai đoạn 2012 - 2018, tỷ lệ chi cho an sinh xã hội chiếm 2,44% GDP và 8,66% tổng chi ngân sách nhà nước.

Định mức chi thực hiện các chính sách còn rất thấp chưa đủ để đảm bảo mức sống tối thiểu cho người dân. Trong khi số địa phương tự chủ được ngân sách còn thấp, ngoại trừ một số ít địa phương có khả năng cân đối ngân sách, chi cho an sinh xã hội từ ngân sách địa phương nói chung chắc chắn là khá nhỏ bé. Ngoài ra, hiệu quả sử dụng nguồn lực cho đảm bảo an sinh xã hội còn thấp do nguồn lực nhỏ mà phải đầu tư dàn trải cho nhiều chương trình, chính sách. Hoạt động quản lý, giám sát quá trình phân bổ và sử dụng nguồn lực còn khá lỏng lẻo dẫn đến tình trạng thất thoát, lãng phí, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả thực thi chính sách.

Thứ tư, mức độ đạt được chỉ tiêu an sinh xã hội quan trọng khá khiêm tốn. Điều này được thể hiện ở số liệu thống kê dưới đây.

Thứ năm, mặc dù bất bình đẳng đã được cải thiện nhưng còn phức tạp, thể hiện ở bất bình đẳng kinh tế, bất bình đẳng giữa các dân tộc, giới, từ bất bình đẳng về tiếng nói và cơ hội; bất bình đẳng về giáo dục và y tế.  Bất bình đẳng kinh tế ở Việt Nam tăng ở mọi thước đo. Số liệu OXFAM cho thấy bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam tăng trong hai thập kỷ qua. Đặc biệt, giới siêu giàu chiếm một khối lượng tài sản lớn trong cả nước. Năm 2014, 210 người siêu giàu (có trên 30 triệu USD) ở Việt Nam có tổng tài sản khoảng 20 tỷ USD, tương đương 12% GDP cả nước, hay 1/2 GDP của thành phố Hồ Chí Minh(2). Năm 2010, thu nhập  bình quân của 20% hộ giàu nhất cao gấp 9,2 lần nhóm  nghèo nhất và đã tăng lên 9,8% vào năm 2016. Năm 2016 thu nhập bình quân của nhóm dân tộc thiểu số là 1,7 triệu đồng/người/tháng, chỉ bằng 51,4% thu nhập của người Kinh, Hoa. Năm 2018, hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 50% số hộ nghèo. Bất bình đẳng rõ rệt trong giáo dục và y tế vẫn tồn tại, phản ánh thực trạng nguồn lực công phân bố không đủ và không đều, giảm khả năng tiếp cận các dịch vụ giáo dục và y tế của các nhóm nghèo và bị lề hóa, đặc biệt các nhóm dân tộc thiểu số, phụ nữ, và trẻ em.

4. Giải pháp giải quyết mối quan hệ nhà nước - thị trường ở Việt Nam trong thời gian tới

Thứ nhất, phát huy vai trò của nhà nước với tư cách là chủ thể quản lý thông qua hoàn thiện khung khổ pháp luật và môi trường kinh tế thuận lợi cho hoạt động của các chủ thể trên thị trường

Trước hết, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đầy đủ, đồng bộ, giảm mâu thuẫn trong các quy định. Đổi mới quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo dân chủ trong quá trình xây dựng pháp luật theo hướng tăng cường tham dự của đối tượng chịu tác động của chính sách như các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp. Nâng cao trách nhiệm giải trình của bộ máy nhà nước, không để các nhóm lợi ích có điều kiện tồn tại và chi phối. Trong dài hạn, đổi mới hệ thống pháp luật kinh tế theo hướng hạn chế luật khung, mà quy định chi tiết, dễ hiểu, dễ áp dụng và thực hiện.

Việc hoàn thiện khung pháp luật, cơ chế, chính sách cũng cần hướng tới thực hiện đồng bộ các giải pháp để vận hành thông suốt, hiệu quả các loại thị trường. Theo đó, cần tập trung hoàn thiện thể chế phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ theo hướng hiện đại; cơ cấu lại thị trường tài chính, bảo đảm lành mạnh hóa, ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô; hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để thị trường bất động sản vận hành thông suốt và phù hợp quy luật cung-cầu...

Đảm bảo việc thực thi pháp luật phải thật kiên quyết và nghiêm minh, cả trên phương diện chấp hành pháp luật và kiểm tra, kiểm soát, xử lý sai phạm, bảo vệ pháp luật, nâng cao văn hóa pháp luật của mỗi tổ chức và của từng người dân.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực từ ngân sách nhà nước góp phần hỗ trợ thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững

Nâng cao chất lượng hoạt động, xác định mục tiêu ưu tiên đầu tư. Cụ thể là, để chi tiêu theo đúng mục tiêu ưu tiên, cần xây dựng hệ thống các tiêu chí xác định thứ tự ưu tiên đầu tư. Trên cơ sở đó thực hiện phân loại các nhiệm vụ chi theo thứ tự ưu tiên trong giới hạn nguồn lực để bảo đảm có đủ nguồn kinh phí thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Trước khi ra quyết định phân bổ ngân sách cần xây dựng cơ chế, nguyên tắc đánh giá tác động của các chương trình chi tiêu công, các dự án sử dụng vốn nhà nước đối với các mục tiêu đã được xác lập. Xây dựng quy trình phê duyệt, thẩm định, lấy ý kiến đóng góp để đảm bảo rằng các chương trình chi tiêu, các dự án đầu tư đạt được hiệu quả kinh tế, xã hội cao nhất sẽ được lựa chọn.

Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá hiệu quả chi tiêu ngân sách. Yêu cầu đánh giá hiệu quả quan trọng song cần rà soát, đánh giá lại các yêu cầu cứng về đảm bảo tỷ lệ. Quy trình, kỹ thuật sử dụng để đánh giá hiệu quả tất cả các chính sách liên quan đến chi tiêu từ ngân sách nhà nước phải được ban hành và áp dụng thống nhất. Kết quả đánh giá cần được thẩm định độc lập, khách quan. Đánh giá kỹ các dự án đầu tư công. Công khai các phân tích lợi ích chi phí đối với các dự án đầu tư công.

Chuyển đổi cách thức lập ngân sách theo phương pháp truyền thống dựa theo khoản mục sang lập kế hoạch ngân sách dựa vào kết quả đầu ra, trong khuôn khổ chi tiêu trung hạn, coi kế hoạch chi tiêu công là một bộ phận trong kế hoạch ngân sách trung hạn. Phân bổ nguồn lực theo kết quả đầu ra. Đánh giá thực chất kết quả hoạt động của công chức gắn với vị trí công tác. Giải pháp này sẽ tăng cường mối liên hệ, gắn kết giữa kết quả chi tiêu công và các quyết định ngân sách. Đảm bảo chi tiêu công được giới hạn trong khả năng nguồn lực và thống nhất với các ưu tiên chính sách, qua đó, đảm bảo việc phân bổ nguồn lực hàng năm định hướng vào các mục tiêu kinh tế - xã hội trung và dài hạn, tăng cường tính tiên đoán, chủ động, tính hệ thống trong phân bổ nguồn lực.

Thứ ba, phát huy vai trò trung tâm của nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề an sinh xã hội

Thiết kế mô hình an sinh xã hội bao phủ rộng tới các đối tượng trong xã hội, đáp ứng nhu cầu an sinh cho xã hội cho người dân theo từng mức, từng cấp độ tăng dần. Mô hình an sinh xã hội thiết kế thành các trụ đỡ, các sàn an sinh xã hội, lưới an sinh xã hội nhiều tầng nấc đảm bảo bảo vệ cho mọi đối tượng, đảm bảo không ai bị bỏ lại, bị rơi ra ngoài các tầng lưới bảo vệ của hệ thống an sinh.

Mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội để ngày càng nhiều người dân được đảm bảo an sinh xã hội, hướng tới bao phủ toàn dân. Trước hết, mô hình an sinh xã hội phải hướng tới đảm bảo mọi người dân đều có BHYT, được chăm sóc sức khỏe. Nâng cao tỷ lệ tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp. Mở rộng áp dụng hưu trí xã hội cho người già theo lộ trình.

Điều chỉnh lại cơ chế phân bổ ngân sách cho đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt cho công tác bảo trợ xã hội và hệ thống y tế và giáo dục công; điều này góp phần giảm các mức chi phí tự túc, tăng sự tiếp cận y tế cho các tầng lớp trong xã hội hay áp dụng hình thức chia sẻ chi phí như dạng thuế lũy thoái với nhóm nghèo nhất. Tăng phân bổ ngân sách cho dịch vụ công ở vùng sâu, xa, nghèo, và cho các nhóm yếu thế, các nhóm chưa được lưới an sinh bao phủ.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận số 12-2019

(1) Tổng cục Thống kê (2018): Niên giám Thống kê 2017, Nxb Thống kê.

(2) OXFAM (2017): Báo cáo nghiên cứu chính sách: Thu hẹp khoảng cách cùng giảm bất bình đẳng ở Việt Nam, Nxb Lao động và Xã hội, https://oxfamilibrary.openrepository.com.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019, Nxb Thống kê, 2019.

2. Ban Kinh tế Trung ương, Báo cáo hai năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Hà Nội, 2019.

3. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Báo cáo tóm tắt Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020, Hà Nội, 2019.

4. Hoàng Văn Minh và Nguyễn Thị Phương (2015), Chi tiêu cho y tế từ tiền túi của hộ gia đình Việt Nam 1992-2014.

5. London, 2016, Nâng cao khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ ở Việt Nam - Giáo dục, y tế và phấn đấu vì một xã hội thịnh vượng và công bằng.

6. OXFAM (2017), Báo cáo nghiên cứu chính sách: Thu hẹp khoảng cách cùng giảm bất bình đẳng ở Việt Nam, Nxb Lao động và Xã hội.

7. UNDP (2015), Tăng trưởng vì mọi người, Báo cáo phát triển con người Việt Nam 2015 về tăng trưởng bao trùm, Nxb Khoa học xã hội

8. Terry Miller, Anthony B.Kim, James M.Roberts (2019), 2019 Index of economic freedom, The Heritage Foundation.

9. Tổng cục thống kê (2018), Niên giám thống kê 2017, Nxb Thống kê.

PGS, TS Đinh Thị Nga

Viện Kinh tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ThS Nguyễn Thị Hoa

Bộ Công Thương