Vì sao hồ chí minh chọn đến pháp

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phong kiến, phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam liên tiếp nổ ra. Sau phong trào Cần Vương [1885-1896] của các sỹ phu yêu nước chống đế quốc thất bại, phong trào khởi nghĩa của nông dân Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo đã nổ ra; rồi phong trào có xu hướng tư sản cải lương của Phan Chu Trinh, xu hướng bạo động của Phan Bội Châu…Nhưng tất cả các phong trào yêu nước đó đều bị thất bại. Bởi vì như sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận xét: “Cụ Phan Chu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương…Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp. Điều đó rất nguy hiểm, chẳng khác gì đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau…Cụ Hoàng Hoa Thám còn thực tế hơn vì trực tiếp đấu tranh chống Pháp. Nhưng theo lời người ta kể thì cụ còn nặng cốt cách phong kiến.”

Năm 1905 Nguyễn Tất Thành được thân phụ cho đi học Trường Pháp- bản xứ mở tại Vinh, tỉnh lỵ của Nghệ An. Tại Trường Tiểu học Vinh, Nguyễn Tất Thành chú ý đến ba từ tiếng Pháp được sơn vào gỗ gắn phía trên bảng đen Tự do-Bình đẳng-Bác ái. Tìm hiểu những từ này, Nguyễn Tất Thành biết đó là khẩu hiệu nổi tiếng của Đại cách mạng Pháp năm 1789. Đây là điều hoàn toàn mới lạ đối với Nguyễn Tất Thành, nó rất khác với những điều mà anh được học trong sách vở, khác với cả những cảnh được mắt thấy tai nghe những người Pháp đối xử với đồng bào mình. Vì vậy, rất tự nhiên Nguyễn Tất Thành nảy ra ý muốn “tìm hiểu những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy.”

Bến cảng Sài Gòn nơi Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước [Ảnh: internet]

Những bậc sinh thành lúc đó đã khuyến khích để Nguyễn Tất Thành học tiếng Pháp. “Muốn đánh kẻ thù phải học tiếng kẻ thù để hiểu kẻ thù”. Được tiếp thu tư tưởng mới của các cuộc cách mạng đương thời, Nguyễn Tất Thành quyết chí đi ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Anh đã lựa chọn con đường đi sang Pháp. Như sau này Bác Hồ đã nói: Chỉ có dân ta mới cứu được ta. Muốn đánh Pháp thì phải hiểu lực lượng gốc rễ của Pháp và phải học cách tổ chức của những dân tộc mạnh hơn Pháp.

Hướng đi đã được chọn, Nguyễn Tất Thành tiếp tục tìm con đường đi đến Pháp. Anh đi dần về phương Nam. Theo cha vào Huế, Nguyễn Tất Thành cùng anh trai Nguyễn Sinh Khiêm vào học Trường Quốc học Huế, nơi tiếng Pháp chiếm phần lớn trong chương trình dạy. Các thầy giáo ở Trường Quốc học có cả người Việt Nam và người Pháp. Ở Trường Quốc học tuy vốn tiếng Pháp còn ít ỏi nhưng Nguyễn Tất Thành đã bắt đầu tiếp xúc với sách báo Pháp. Trong số thầy giáo dạy tại Trường Quốc học có thầy Lê Văn Miến, người đã học Trường Thuộc địa và Trường Mỹ thuật Pari. Thầy đã dành nhiều thời gian nói chuyện với học sinh những thành tựu về dân chủ và văn minh của phương Tây. Chính vì vậy, ý muốn sang phương Tây lớn dần lên trong tâm trí của Nguyễn Tất Thành. Anh tiếp tục học Trường Tiểu học Pháp- Việt Quy Nhơn khi theo cha vào Bình Định, rồi vào Phan Thiết. Đến đây tiền nong dành dụm được đã cạn, phải tìm cách vừa sinh sống, vừa dành tiền để đi tiếp. Nhờ mối quan hệ của thân phụ, Nguyễn Tất Thành được giới thiệu vào làm Trợ giáo môn Thể dục tại Trường Dục Thanh. Đối với anh, dạy học chỉ là tạm thời. Ngoài giờ lên lớp Nguyễn Tất Thành thường đọc sách và chính tại Phan Thiết anh đã có dịp tiếp cận với tư tưởng của J.J. Rutsô, Fr.Vônte, Ch.de Mông-tec-skiơ, những văn hào và triết gia Pháp đã khởi xướng các thuyết nhân quyền, dân quyền, tự do, bình đẳng, bác ái.

Tháng 2-1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành rời Phan Thiết vào Sài Gòn. Ở đây anh đã làm quen với những thanh niên cùng lứa tuổi đang làm thợ hoặc học nghề ở trường kỹ nghệ thực hành, làm quen với những hiệu giặt là ở gần cảng Nhà Rồng chuyên giặt quần áo cho các thủy thủ trên tàu của Pháp để xin việc làm trên tàu, tìm cách thực hiện những chuyến đi xa.

Tàu Latouche Treville, con tàu đã đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước từ Cảng Sài Gòn. Ảnh internet

Tháng 5-1911, trong các tàu nước ngoài cập bến cảng Sài Gòn có chiếc tàu lớn thuộc hãng Sácgiơ Rêuyni mang tên Amiran Latusơ Tơrêvin.

Ngày 3-6-1911, một thủy thủ của tàu dẫn Nguyễn Tất Thành, với tên mới là Văn Ba, lên tàu gặp Thuyền trưởng và được nhận làm phụ bếp trên tàu. Ngày 5-6-1911, tàu Amiran Latusơ Tơrêvin rời bến cảng Sài gòn đi Mácxây. Một bước ngoặt mới mở ra trong cuộc đời của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành.

Sau một tháng lênh đênh và ghé qua một số cảng trên đường đi, nhật ký hành trình của con tàu ghi rõ ngày 6-7-1911, tàu đến Mácxây, một thành phố cảng lớn nhất và cũng là một trung tâm công nghiệp lớn của nước Pháp.

Lần đầu tiên đến nước Pháp, Nguyễn Tất Thành lại thấy thêm những điều mới lạ. Anh thấy có nhiều người Pháp cũng nghèo như ở bên nước mình. Anh tự hỏi: “Tại sao người Pháp không “khai hóa” đồng bào của họ trước khi đi “khai hóa chúng ta?” Và anh cũng thấy có những người Pháp tốt và rất lịch sự, không như những người Pháp ở Việt Nam.

Lần đầu tiên đến nước Pháp, Nguyễn Tất Thành có dịp theo tàu hành trình tới Lơ Havơrơ, một hải cảng ở miền Bắc nước Pháp; đến Đoongkéc, một hải cảng của Pháp trên bờ biển Măngsơ.

Đến nước Pháp, Nguyễn Tất Thành có cơ hội để tìm hiểu nhiều hơn. Và để tận dụng cơ hội đó, anh đã viết đơn gửi Tổng thống Pháp xin vào học tại Trường Thuộc địa. Lá đơn đề ngày 15-9-1911. Trong đơn Nguyễn Tất Thành viết: “…Tôi rất ham học. Tôi muốn sẽ trở nên có ích cho nước Pháp đối với các đồng bào của tôi, đồng thời có thể giúp họ hưởng được những ân huệ của giáo dục... ”Cuối tháng 10-1911, sau khi nhận được lời từ chối từ Pari, Nguyễn Tất Thành rời Mác xây, thực hiện một chuyến đi dài cho đến cuối năm 1917 đầu năm 1918 anh mới trở lại nước Pháp  

Anh thanh niên Văn Ba trên tàu Latouche Treville

Như vậy, lần đầu tiên đến nước Pháp Nguyễn Tất Thành chỉ ở lại đó hơn 3 tháng. Chặng đường đầu này cho anh biết hành trình tìm con đường cứu nước sẽ còn dài. Những bài học đầu tiên khi tiếp xúc với những người Pháp không phải là những tên thực dân càng khiến anh phải tìm hiểu thêm. Anh muốn hiểu bản chất của những tên thực dân pháp, cũng như những giá trị văn hóa của nước Pháp và bằng cách nào đó để nói cho nhân dân Pháp và nhân dân các thuộc địa hiểu “nước Pháp chân chính, hiểu rõ bọn cá mập thực dân đã lợi dụng tên tuổi và danh dự của nước Pháp để gây nên những tội ác không thể tưởng tượng được”. Đồng thời, anh cũng muốn nhân dân việt Nam và nhân dân các thuộc địa “nhận rõ nước Pháp, nước Pháp tự do, bình đẳng, bác ái.” [Thư của Nguyễn Ái Quốc gửi các đồng chí cùng hoạt động ở Pháp năm 1923]. Sự bắt đầu đó như sau này chúng ta biết, đó là bước ngoặt về nhận thức trên con đường đi tới giải phóng của nhân dân Việt Nam.


TS Nguyễn Thị Tình

Sau mấy tháng dạy học ở Trường Dục Thanh, Nguyễn Tất Thành rời trường vào Sài Gòn để thực hiện hoài bão: Ra đi tìm đường cứu nước.

Để thực hiện hoài bão đó, ngày 5/6/1911, với cái tên Văn Ba ghi trên thẻ nhân viên của tàu Amiran Latutsơ Tơrêvin, Nguyễn Tất Thành từ Cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn [nay là thành phố Hồ Chí Minh] rời Tổ quốc sang Pháp.

Tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin [L’Admiral Latouche Trévill], nơi Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp khi rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước [6/1911]. Ảnh tư liệu

Gần 10 năm sau vào giữa và cuối năm 1920, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy, đã tìm được con đường cứu nước: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Và bằng con đường cứu nước [mà sau này ta gọi là con đường cách mạng] duy nhất đúng đắn ấy Tổ quốc ta đã giành lại độc lập, tự do, dân tộc ta đã đánh bại 2 đế quốc to, đất nước ta đã đổi mới để Việt Nam ta có được cơ đồ và vị thế như ngày nay.

Đảng ta, dân tộc ta đã, đang và mãi mãi kiên định con đường cách mạng duy nhất đúng đắn đó để đi tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Với những ý nghĩa đó, ngày 5/6/1911 thực sự là một ngày lịch sử mang dấu ấn mở đầu của nhiều ngày lịch sử trọng đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam, trong lịch sử cách mạng Việt Nam, trong thời đại Hồ Chí Minh.

* * *

Những năm đầu của thế kỷ XX không phải chỉ có một mình Nguyễn Tất Thành mà còn có một số những nhà yêu nước khác sang phương Tây [mà chủ yếu là sang Pháp] để tìm đường cứu nước. Họ cũng rất mẫn tiệp, thông minh. Họ cũng có đầy đủ hành trang từ tinh hoa văn hiến Việt Nam, tinh hoa văn hóa phương Đông.

Tuy vậy, chỉ có Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc sớm tìm thấy và tìm được con đường cứu nước - Con đường cách mạng mà lịch sử dân tộc Việt Nam đòi hỏi và phó thác.

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp, năm 1920. Ảnh tư liệu

Tại sao vậy?

Để tìm lời giải cho câu hỏi này, hẳn ngoài sự tương đồng giữa Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc với các nhà yêu nước cùng sang phương Tây tìm đường cứu nước, chúng ta phải xem xét thấu đáo những điều khác biệt trong cách đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc với các nhà yêu nước khác cùng thời.

Khác biệt thứ nhất: Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc suốt gần 10 năm hoàn toàn sống bằng lao động, với đủ mọi nghề kể cả những nghề cực nhọc nhất. Tự mình lao động để sống, sống để học hỏi, sống để tìm cho kỳ được “Cái cần thiết cho chúng ta”1. “Con đường giải phóng chúng ta”2. Trong một con người Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc có cùng 2 thân phận: người dân mất nước và người lao động bị áp bức. Điều này hẳn đem đến cho Nguyễn Tất Thành nhận thức sâu rộng hơn sự gắn bó mật thiết giữa yêu nước với thương dân, giữa giải phóng dân tộc với giải phóng người lao động.

Khác biệt thứ hai: Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc không chỉ sang Pháp, ở Pháp mà còn sang Anh, sang Mỹ và một số nước châu Âu. Còn đi đến nhiều nước khác ở châu Phi có cùng thân phận thuộc địa “được” văn minh phương Tây “khai hóa” như nước Việt Nam của mình. Hẳn nhờ đó, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã thấu hiểu sâu sắc, cặn kẽ về điều gọi là “Văn minh phương Tây”, về thân phận của dân tộc mình và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Vượt ra ngoài tầm nhìn quốc gia dân tộc, Người vươn lên tầm nhìn nhân loại.

Khác biệt thứ ba: Hoàn toàn không đứng ngoài để quan sát, tìm tòi và học hỏi, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc dấn thân vào trung tâm cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, vào trung tâm cuộc đấu tranh của phong trào công nhân ngay giữa lòng châu Âu tư bản chủ nghĩa. Nhờ đó, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc nhận ra mối quan hệ giữa con đường cứu nước của dân tộc Việt Nam với sự nghiệp giải phóng các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Đặc biệt, nhận ra mối quan hệ giữa đấu tranh giải phóng dân tộc với đấu tranh giải phóng giai cấp.

Nguyễn Ái Quốc [thứ 2 từ trái sang phải] với một số chiến sĩ cách mạng châu Phi trong thời gian hoạt động ở Liên Xô. Ảnh tư liệu

Nhận ra các mối quan hệ ấy, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc giác ngộ sâu sắc khẩu hiệu của Lê nin “Giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới đoàn kết lại”.

Và cũng từ đó, với Người, cuộc đấu tranh để giành lại độc lập cho dân tộc không thể “đứng một mình” mà nhất thiết phải là một bộ phận của cuộc đấu tranh của phong trào giải phóng dân tộc. Nhất thiết phải đặt công cuộc giải phóng dân tộc vào quỹ đạo của cách mạng vô sản thế giới.

Khác biệt thứ tư: Học từ và trong thực tiễn đấu tranh, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đặc biệt tự vượt lên để học lý luận từ các trước tác của các nhà lý luận, các nhà cách mạng mà nhân loại có từ thế kỷ XVIII, thế kỷ XIX, thế kỷ XX. Người không hề dị ứng với bất cứ học thuyết cách mạng nào, mà luôn tìm cho được những hạt nhân hợp lý từ các học thuyết để làm giàu tri thức lý luận của mình. Người kết hợp chặt chẽ và nhuần nhuyễn việc học trong sách với học trong thực tiễn đấu tranh.

Nhờ kiên tâm và kiên trì tìm tòi, học hỏi lý luận như vậy, nhờ phương pháp học hỏi khoa học như vậy, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã đến được với Chủ nghĩa Mác-Lê nin, đến được với học thuyết khoa học và cách mạng của thời đại. Chính đó là nền tảng lý luận để từ tầm nhìn truyền thống - dân tộc nâng lên tầm nhìn thời đại - quốc tế.

* * *

Vì sao, nhờ vào đâu, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc tìm thấy, tìm được con đường cứu nước - con đường cách mạng cho dân tộc ta còn có thể có nhiều cách lý giải khác. Xin được các nhà khoa học tiếp tục tìm tòi và lý giải.

Nguồn: Báo Nghệ An

Video liên quan

Chủ Đề