Xin lễ là gì

[Nhân đọc bài viết của Lm Nhân Tài]

Lê Thiên

Bắt đầu Thứ Tư 22/9/04 xuất hiện trên Viet-Catholic News một loạt bài của Cha Giuse Nhân Tài [csjb] nhan đề “Chia Sẻ Công tác Mục Vụ Giáo Xứ Trong Thời Đại Nay.”

Loạt bài trên có sức hấp dẫn mãnh liệt đối với tôi và có lẽ với nhiều người Công giáo khác, bất luận là giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân. Đặc biệt, một đề tài trong loạt bài ấy khó có thể bỏ qua, đó là đề tài “Xin lễ và bổng lễ” mà chúng tôi xin mạn phép mượn làm nhan đề cho bài viết này.

Mở đầu bài viết, Cha Nhân Tài nhận định: “Đây là việc tế nhị dù rằng có quy định rõ ràng của Giáo Hội và của đấng bản quyền địa phương, nhưng giáo dân vẫn cảm thấy như có một cái gì đó ngăn họ đến với Thiên Chúa khi nói đến số tiền [bổng lễ] mà cha sở quy định cho giáo dân. Giáo dân hiểu rất rõ rằng không thể dùng tiền để mua thánh lễ, vì đó là phạm thánh và là gương mù để cho những người ghét Giáo Hội có cớ để nói xấu và chỉ trích Giáo Hội của mình.”

Trên Diễn Đàn Giáo Dân số 29, tháng 4/2004, cũng đã tỏ bày “Chuyện xin lễ [là]̀ chuyện khó nói” khi Tòa Soạn báo này nhận “rất nhiều thư từ của độc giả từ khắp nơi gửi về nêu lên những thắc mắc về chuyện Xin Lễ.” [DĐGD số 29, trang 86].

Biết “đây là việc tế nhị,” Cha Nhân Tài vẫn không ngần ngại nói ra sự thật: “Cũng vì chuyện xin lễ và bỗng lễ mà có nhiều giáo dân không đến nhà thờ.” Ngài nhận định: “Đối với họ việc xin lễ và bổng lễ là một cách giúp đỡ cho Giáo Hội và cha sở của mình sinh sống, không có gì phải nói, nhưng cái mà họ không mấy phấn khởi khi đi xin lễ nơi cha sở là vì cha sở có những quy định mà - đối với họ - giống như mua bán thánh lễ, làm mất đi ý nghĩa cao quý của việc xin lễ.”

Xin lễ và bổng lễ ở Việt Nam qua cái nhìn của Cha Nhân Tài

Cha Nhân Tài đơn cử một thí dụ điển hình về “trả giá xin lễ [hay mua lễ]” rất đáng thương tâm tại một giáo xứ ở Việt Nam như sau:

“Tại giáo xứ nọ, giáo dân hầu hết là nghèo khổ chưa ăn bữa trưa đã lo bữa tối, giáo dân phần đông làm nghề nuôi tôm, nhưng gặp lúc thất mùa vì mưa lụt, lại càng khổ hơn. Có giáo dân bòn mót được năm mươi ngàn đồng [VN] giữ lại hai chục ngàn để mua gạo cho gia đình, vị giáo dân này đến cha sở để xin lễ giổ giáp năm cho ba mình, cha sở từ chối không nhận tiền lễ ba mươi ngàn đồng, người giáo dân năn nỉ với ngài là nhà hết gạo rồi bán tháo bán đổ mẻ tôm mất mùa được năm chục ngàn, còn giữ lại hai chục ngàn để mua gạo cho gia đình, nhưng cha sở đã không động lòng thương xót đòi cho bằng được bỗng lễ năm chục ngàn, vị giáo dân nghèo khổ này đành phải về nhà đem nốt hai mươi ngàn đồng bạc để mua gạo ấy đến xin lễ giỗ cho ba của mình…”

Cha Nhân thương hại người giáo dân và chia sẻ tấm lòng cùng cảm nghĩ của giáo dân ấy: “Tôi được biết là người giáo dân hơn bốn mươi tuổi có hiếu với ba mình này đã rơm rớm nước mắt, vì thương ba và tủi cho cảnh nghèo của mình, và chắc chắn trong tâm họ sẽ nghĩ không tốt về cha sở của mình.”

Kế đó, ngài đưa ra một lời bình khá thẳng thắn tuy đượm chút chua chát:

“Không một ai nhẫn tâm trước cảnh khốn khó của người khác, huống chi là một linh mục của Chúa Giêsu, làm linh mục không bao giờ đói cả, mà nếu ngài có đói một ngày cũng không sao, hơn là cả gia đình giáo dân phải nhịn đói để xin lễ giỗ cho ba của mình. Tấm lòng của giáo hữu với cha sở thì quá lớn nhưng cha sở trên đây tính từng đồng và - nói theo tu đức - ngài đã không có tâm hồn thương xót người nghèo như là một người cha nhân từ và một mục tử chân chính của Chúa Kitô.”

Cha còn mạnh dạn cảnh giác: “Có một vài cha sở lại bày ra luật lệ của mình để chất gánh nặng lên vai giáo dân: các ngài ấn định lễ có hát và lễ không có hát với bổng lễ khác nhau, lễ nhiều tiền là làm ngay theo ý người xin, và lễ ít tiền thì bỏ vào cái hòm phía trước nhà thờ mỗi tuần cha sở mở ra một lần để làm lễ theo ý họ.”

Nhận xét về một số linh mục đã dùng những cách thức và lời lẽ không mấy tốt đẹp với giáo dân chỉ vì tiền bổng lễ, Cha viết:
 

“Có một vài cha sở trẻ rất là không tế nhị về điểm này : có vị thì lên tòa giảng nói khéo để giáo dân xin lễ, có vị nói thẳng lớn tiếng với giáo dân là không biết giữ đạo vì không biết xin lễ, lại có vị thì chỉ trích thẳng mặt với giáo dân có thân nhân ở nước ngoài là keo kiệt vì họ chỉ xin đúng số tiền quy định.v.v... nếu không tế nhị và nếu không có tâm hồn quảng đại thì chúng ta - các linh mục- sẽ là người gây chia rẽ  trong giáo xứ của mình về việc bổng lễ : người giàu và người nghèo, mà người phân biệt đối xử trước nhất chính là cha sở khi ngài quy định lễ hát, lễ không hát và lễ ít tiền trong giáo xứ của mình.”

Còn gì đau lòng và tủi nhục hơn thái độ phân biệt giàu nghèo của một vài linh mục mà Cha Nhân Tài phác họa như sau đây:

“Có giáo dân nói với tôi là cha sở của họ rất là phân biệt người nghèo người giàu, bởi vì thấy người lao động chân lấm tay bùn vào nhà xứ xin gặp cha sở thì ngài không có thái độ vồn vã chào hỏi, ghi sổ lễ xong là nói: tôi bận. Nhưng nếu có người giàu có trong giáo xứ vào gặp ngài thì ngài rất vồn vã, tự tay rót nước mời khách và ngồi trò chuyện rất lâu.v.v... Có lẽ cha sở có việc của ngài, và giáo dân nghèo có lẽ mặc cảm với cái nghèo của mình nên nghĩ ra như thế chăng? Tuy nhiên đây là một thực tế có thật mà giáo dân rỉ tai nhau nói như thế.”

Rồi cha Nhân Tài nhấn mạnh đến đạo lý đích thực của Chúa Giêsu “là ở chỗ biết yêu thương người thân cận như chính mình, giúp đỡ người nghèo đói là giúp đỡ cho Ngài,.” Theo Cha Nhân Tài, “điều này các linh mục hiểu rõ hơn bất cứ người nào trên mặt đất này, và sự giúp đỡ yêu thương này các linh mục rất có nhiều cơ hội để thực hiện, cụ thể là vui vẻ dâng lễ cho những giáo dân nghèo không có tiền làm bổng lễ để xin lễ cho người thân của mình.”

Cha xác định rằng ngài “nói như thế để cho các linh mục trẻ của chúng ta hiểu rằng, ở Việt Nam, nếu một năm các cha sở trẻ làm ‘miễn phí’ một vài lễ thì chắc chắn là không chết đói so với giáo dân của mình đem năm chục ngàn đến xin lễ mà trong nhà không có gì ăn.”

Để củng cố quan điểm của mình, Cha Nhân Tài trích dẫn Giáo luật điều 945 tiết 2 về bổng lễ: “Hết sức khuyên nhủ các linh mục hãy dâng lễ theo ý chỉ của các tín hữu, nhất là những người nghèo cả khi không có bổng lễ”.

Giáo Luật về bổng lễ còn một số điều khoản khác có lẽ nhiều người đã am tường, song nhắc lại đây không phải là thừa. Chẳng hạn, điều 947: “Trong vấn đề bổng lễ, phải xa tránh hoàn toàn mọi hình thức buôn bán hay thương mại.”  Và điều 948: “Phải áp dụng từng Thánh Lễ cho mỗi ý chỉ, cho dù bổng lễ đã nhận là bé nhỏ.”

Những phân tích của Linh mục Nhân Tài được rút ra từ kinh nghiệm bản thân và từ cái nhìn của Cha trong khung cảnh Việt Nam như Cha xác định.

Còn ở hải ngoại, cụ thể là trên đất Mỹ này, thì sao?

Chúng ta chưa quên, cách đây hơn nửa năm, vào ngày 21-01-04, VietCatholic News giới thiệu một văn kiện về Phụng vụ của Giáo phận Raleigh, tiểu bang North Carolina, có nhan đề là: “Nhận Bí Tích hay Mua Bán Bí Tích?” Văn kiện ấy được xem là quy chế phụng vụ mới [của Giáo phận Raleigh ] do Đức Ông Tim O’Connor, Giám đốc Phụng vụ Giáo phận Raleigh, công bố, nhằm “cấm các giáo xứ không được lấy tiền thù lao trong các lễ Hôn phối, Rửa tội và các nghi lễ an táng.”

Quy chế tuyên bố rõ ràng:

“Điều quan trọng đối với giáo phận là giáo dân phải biết là không có lệ phí đối với các Bí Tích.” Đồng thời quy chế cũng minh định: “Tiền lễ hoàn toàn được tự do dâng cúng bởi các gia đình hay các cặp hôn nhân, và tiền đó phải đưa vào ngân quỹ nhà thờ chứ không phải cho người cử hành.”

Văn kiện trên cũng viện dẫn Giáo luật [điều 848] làm cơ sở thuyết phục: “Khi ban các Bí Tích, thừa tác viên không được đòi thêm cái gì khác ngoài số tiền thù lao mà nhà chức trách có thẩm quyền đã ấn định; và phải thận trọng đừng để những người nghèo không được lãnh nhận Bí Tích vì lý do túng thiếu.”

Điều mà nhiều người Công giáo Việt Nam muốn biết là “mức tiền thù lao mà nhà chức trách có thẩm quyền đã ấn định” là bao nhiêu? Dường như ở  Mỹ mức quy định ở mỗi giáo phận mỗi khác, song có lẽ không nơi nào định quá 15-20 mỹ kim cho một bổng lễ. Các giáo xứ Mỹ đều có văn phòng tiếp dân và số điện thoại giao dịch, chúng ta có  thể tìm hiểu mức bổng lễ qua địa chỉ và số điện thoại của các văn phòng ấy hay có thể đến đó để xin lễ hoặc hỏi về các vấn đề giáo xứ mà chúng ta quan tâm.

Bây giờ chúng ta hãy nghe tâm tình của một linh mục Việt Nam ở Mỹ, Cha Nguyễn Hùng Đức, bày tỏ trong một bức thư gửi cho Tòa Soạn DĐGD ngày 10/03/04 như sau:

“Con hiện là một linh mục đang làm cha xứ hai xứ đạo của giáo dân địa phương ở tiểu bang Iowa. Cám ơn Chúa, cho đến nay, con chưa và mong sẽ không bao giờ mang tiếng là ông cha tham tiền. Địa phận của con đã thông báo là tiền xin lễ là 5 mỹ kim một lễ mà thôi. Giáo dân Mỹ rất sòng phẳng, mỗi lễ họ đưa 5 mỹ kim để linh mục làm lễ cho họ… Khi con dâng lễ trong một ngày Chúa Nhật cầu nguyện chung cho ba linh hồn mà con nhận 15 mỹ kim của ba gia đình thì con chỉ giữ lại 5 mỹ kim cho con, còn 10 mỹ kim con chuyển cho giáo xứ” [DĐGD số 29, trang 86].

Đáng quý biết bao, đáng trọng biết bao, đáng khâm phục và đáng yêu mến biết bao tâm tình, lời nói, tinh thần mục vụ và tư cách khiêm nhu chân thật của một linh mục người Việt đang lãnh đạo cùng một lúc tới hai giáo xứ Mỹ.

Riêng VietCatholic News khi đăng tải văn thư của Tòa Giám mục Raleigh đã đưa ra một nhận xét đáng cho giáo dân chúng ta suy ngẫm:

“Đây là dịp soi sáng một vấn đề rất tế nhị cho giáo dân, đặc biệt giáo dân Việt Nam hải ngoại… Nhiều người xin lễ bỏ tiền ‘xộp’ lắm khiến cho những người nghèo cày sâu cuốc bẫm không dám xin lễ nữa phải đi nhà thờ Mỹ để trốn…” 

    Ôi! Giáo dân tôi ơi! Lỗi tại tôi,

  lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng!l

Trở lại Trang Nhà:

Video liên quan

Chủ Đề