Xử phạt dân sự là gì

Mục lục bài viết

  • 1. Trách nhiệm dân sự là gì?
  • 2. Khi nào phải chịu trách nhiệm dân sự?
  • 3. Trường hợp nào thì không phải chịu trách nhiệm dân sự?
  • 4. Trách nhiệm do không thực hiện hiện nghĩa vụ giao vật
  • 5. Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền

1. Trách nhiệm dân sự là gì?

Nghĩa vụ là việc mà bên có nghĩa vụ phải chuyển giao tài sản, thực hiện hoặc không thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của bên có quyền. Khi nghĩa vụ không thực hiện thì bên vi phạm nghĩa vụ sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự. Bộ luật dân sự 2015 không đưa ra định nghĩa về trách nhiệm dân sự nhưng về mặt khoa học pháp lý có thể hiểu trách nhiệm dân sự là hậu quả bất lợi mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật nói chung và vi phạm nghĩa vụ nói riêng.

2. Khi nào phải chịu trách nhiệm dân sự?

Theo khoản 1 Điều 351 Bộ luật dân sự 2015 thì:

Bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền.

Vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ.

Như vậy, trách nhiệm dân sự chỉ đặt ra khi bên có nghĩa vụ vi phạm nghĩa vụ.

>> Xem thêm: Sự kiện bất khả kháng là gì ? Tìm hiểu về khái niệm "sự kiện bất khả kháng"

Việc các bên không thực hiện đúng nghĩa vụ về chủ thể, thời hạn, địa điểm, đối tượng, phương thức, nội dung... đều bị coi là vi phạm nghĩa vụ và phải chịu trách nhiệm dân sự. Trách nhiệm dân sự có thể là trách nhiệm tiếp tục phải thực hiện nghĩa vụ hoặc trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

3. Trường hợp nào thì không phải chịu trách nhiệm dân sự?

Khoản 2, 3 Điều 351 Bộ luật dân sự 2015:

...

2. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

3. Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền.

Như vậy có hai trường người có nghĩa vụ có thể không chịu trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ:

+ Thứ nhất là trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng.

+ Thứ hai là trường hợp nghĩa vụ không thực hiện được hoàn toàn do lỗi của bên có quyền.

Trên thực tế, có nhiều trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện được nghĩa vụ không phải do lỗi của họ mà có thể do một sự kiện khách quan mà họ không thể lường trước và không thể kiểm soát được. Trong trường hợp này, khoản 2 Điều 351 Bộ luật dân sự 2015 dự liệu trường hợp loại trừ trách nhiệm dân sự mặc dù nghĩa vụ không được thực hiện đúng đó là trường hợp bất khả kháng.

Bất khả kháng theo quy định tại Điều 156 Bộ luật dân sự năm 2015 là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Ví dụ: về sự kiện bất khả kháng như động đất, núi lửa, lũ lụt, sóng thần, chiến tranh...

>> Xem thêm: Phân loại thẩm quyền dân sự của tòa án nhân dân các cấp

Tuy nhiên, tôn trọng nguyên tắc tự do ý chí, tự thỏa thuận và định đoạt của các bên khi tham gia vào quan hệ dân sự và để bảo đảm lợi ích của các bên trong những trường hợp đặc biệt thì điều luật ghi nhận bên không thực hiện nghĩa vụ trong trường hợp bất khả kháng vẫn phải chịu trách nhiệm dân sự nếu các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Ví dụ: A nhận vận chuyển hàng cho B từ địa điểm X đến địa điểm Y. Thông thường, nếu do bão lớn A không thể thực hiện được việc vận chuyển đúng thời hạn thì A sẽ không phải chịu trách nhiệm dân sự. Tuy nhiên, nếu A và B có thỏa thuận A phải bồi thường thiệt hại cho B nếu không vận chuyển đúng thời hạn trong mọi trường họp kể cả trường hợp do sự kiện bất khả kháng thì trong trường hợp này A vẫn phải bồi thường thiệt hại cho B theo thỏa thuận.

Ngoài ra, bên có nghĩa vụ cũng được loại trừ khỏi trách nhiệm dân sự nếu việc không thực hiện được nghĩa vụ là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền. Xuất phát từ lẽ công bằng, nguyên nhân của việc nghĩa vụ không được thực hiện lại là do bên có quyền gây ra thì bên có quyền phải gánh chịu rủi ro, thiệt hại là hoàn toàn hợp lý.

Ví dụ: A nhận gia công sản phẩm cho B, nguyên vật liệu và mẫu sản phẩm do B cung cấp. Tuy nhiên, bên B đã giao nguyên vật liệu và mẫu chậm làm cho bên A không thể gia công được sản phẩm đúng thời hạn như thỏa thuận ban đầu. Trong trường hợp này A không phải chịu trách nhiệm do lỗi thuộc về bên B.

4. Trách nhiệm do không thực hiện hiện nghĩa vụ giao vật

Điều 279 Bộ luật dân sự 2015 có quy đinh về thực hiện nghĩa vụ giao vật như sau:

1. Bên có nghĩa vụ giao vật phải bảo quản, giữ gìn vật cho đến khi giao.

2. Khi vật phải giao là vật đặc định thì bên có nghĩa vụ phải giao đúng vật đó và đúng tình trạng như đã cam kết; nếu là vật cùng loại thì phải giao đúng số lượng và chất lượng như đã thỏa thuận, nếu không có thỏa thuận về chất lượng thì phải giao vật đó với chất lượng trung bình; nếu là vật đồng bộ thì phải giao đồng bộ.

3. Bên có nghĩa vụ phải chịu mọi chi phí về việc giao vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Như vậy, nếu bên có nghĩa vụ giao vật vi phạm quy định trên thì được coi là không thực hiện đúng nghĩa vụ và phải chịu trách nhiệm dân sự.

Vật là đối tượng phổ biến trong quan hệ nghĩa vụ. Trên thực tế, việc vi phạm nghĩa vụ giao vật thường xuyên xảy ra và mang lại những thiệt hại không nhỏ cho bên có quyền. Điều 356 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về trách nhiệm của bên có nghĩa vụ giao vật nhưng vi phạm nghĩa vụ như sau:

>> Xem thêm: Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân là gì? Pháp nhân có phải chịu trách nhiệm dân sự không?

Điều 356. Trách nhiệm do không thực hiện nghĩa vụ giao vật

1. Trường hợp nghĩa vụ giao vật đặc định không được thực hiện thì bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm phải giao đúng vật đó; nếu vật không còn hoặc bị hư hỏng thì phải thanh toán giá trị của vật.

2. Trường hợp nghĩa vụ giao vật cùng loại không được thực hiện thì bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm phải giao vật cùng loại khác; nếu không có vật cùng loại khác thay thế thì phải thanh toán giá trị của vật.

3. Trường hợp việc vi phạm nghĩa vụ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà gây thiệt hại cho bên bị vi phạm thì bên vi phạm phải bồi thường thiệt hại.

Thứ nhất là đối với vật đặc định: Vật đặc định là vật phân biệt được với vật khác bằng những đặc điểm riêng về ký hiệu, hình dáng, màu sắc, chất liệu, đặc tính, vị trí. Do đó, khi giao vật thì bên có nghĩa vụ chỉ được coi là thực hiện đúng nghĩa vụ khi giao đúng vật đó. Trường hợp nghĩa vụ giao vật đặc định không được thực hiện thì bên có nghĩa vụ bị coi là vi phạm nghĩa vụ và phải chịu trách nhiệm dân sự. Trách nhiệm dân sự ở đây có thể là:

- Tiếp tục thực hiện nghĩa vụ nếu vật đặc định vẫn còn và bên có quyền yêu cầu hoặc

- Trách nhiệm thanh toán giá trị của vật nếu vật không còn hoặc bị hư hỏng. Giá trị của vật sẽ được tính theo thỏa thuận của các bên hoặc do cơ quan có thẩm quyền xác định theo giá thị trường tại thời điểm giải quyết tranh chấp.

Thứ hai là đối với vật cùng loại: Vật cùng loại là vật có cùng hình dáng, tính chất, tính năng sử dụng và xác định được bằng những đơn vị đo lường. Những vật cùng loại có thể thay thể cho nhau nên khi chuyển giao vật cùng loại các bên chủ yếu quan tâm đến chất lượng, số lượng, chủng loại vật.

Ngoài trách nhiệm tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm thanh toán giá trị của vật, Bộ luật dân sự năm 2015 còn quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ giao vật. Thực chất, trách nhiệm thanh toán giá trị của vật cũng chính là trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, bồi thường thiệt hại rộng hơn vì ngoài thiệt hại là giá trị của tài sản do vật bị mất mát, hư hỏng thì thiệt hại còn bao gồm những tổn thất khác như các chi phí hợp lý bỏ ra để khắc phục thiệt hại, các tổn thất do không sử dụng, khai thác được tài sản... Đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì bên bị vi phạm phải chứng minh được các thiệt hại thực tế xảy ra và chứng minh được nguyên nhân của thiệt hại là do việc không thực hiện nghĩa vụ giao vật gây ra.

5. Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền

Tại Điều 280 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về trách nhiệm của người có nghĩa vụ giao tiền như sau:

Điều 280. Thực hiện nghĩa vụ trả tiền

1. Nghĩa vụ trả tiền phải được thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn, đúng địa điểm và phương thức đã thỏa thuận.

2. Nghĩa vụ trả tiền bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

>> Xem thêm: Trách nhiệm dân sự là gì? Quy định của pháp luật hiện hành về trách nhiệm dân sự? Trách nhiệm do không thực hiện nghĩa vụ giao vật là gì? Các trường hợp không phải chịu trách nhiệm dân sự

Như vậy, việc trả tiền không đúng thời gian, địa điểm, trả tiền không đầy đủ và không đúng phương thức đã thỏa thuận... có thể được coi là đã vi phạm nghĩa vụ trả tiền.

Khi vi phạm nghĩa vụ trả tiền thì bên có nghĩa vụ sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự theo Điều 357 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 357. Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền

1. Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.

2. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này.

Theo đó, trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Như vậy, ngoài việc phải trả khoản tiền thuộc về nghĩa vụ chính như khoản tiền vay, tiền thanh toán do mua hàng hoá, trả tiền dịch vụ, thuê tài sản... thì bên chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền còn phải trả một khoản lãi tính trên giá trị của khoản tiên chậm trả đó. Khoản lãi này bản chất là trách nhiệm bồi thường những tổn thất do việc chậm trả gây ra và được tính dựa trên mức lãi suất chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.

Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên. Tuy nhiên, để việc áp dụng pháp luật được thống nhất và hạn chế tình trạng lạm dụng, bóc lột lẫn nhau, đảm bảo ổn định nền kinh tế, kiểm soát sự lạm phát của thị trường... điều luật quy định lãi suất do các bên thỏa thuận không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật dân sự 2015. Cụ thể, lãi suất do các bên thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

Trong trường hợp các bên thỏa thuận lãi suất vượt quá mức lãi suất được quy định 20%/năm thì không phải toàn bộ nội dung thỏa thuận bị vô hiệu mà phần vượt quá sẽ không có hiệu lực.Tức là trong trường hợp này, việc tính lãi suất chậm trả sẽ bằng mức cao nhất do pháp luật quy định chứ không theo mức lãi suất do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì lãi suất chậm trả được tính theo khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 tức là “lãi suất được xác định bằng 50% lãi suất giới hạn tức là không quá 10%/năm của khoản tiền chậm trả trừ trường hợp luật lịên quan có quy định khác.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua Email : Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

Trân trọng./.

Video liên quan

Chủ Đề