Bà đào thị hào vợ ông nguyễn văn an năm 2024

KTĐT - Đó là chị Trần Kim Oanh, công nhân Nhà máy Sợi Hà Nội (TCty cổ phần Dệt may Hà Nội (Hanosimex) - đơn vị Anh hùng Lao động). Chị còn là Uỷ viên BCH Tổng LĐLĐVN khoá X.

Thời bao cấp, ngành dệt may VN có các nữ Anh hùng Lao Động (AHLĐ) là Cù Thị Hậu và Trịnh Thị Toan và Đào Thị Hào, Nguyễn Thị Thạc. Từ đó đến nay là cả thời gian dài mới xuất hiện một nữ AHLĐ của ngành.

Đó là chị Trần Kim Oanh, công nhân Nhà máy Sợi Hà Nội (TCty cổ phần Dệt may Hà Nội (Hanosimex) - đơn vị Anh hùng Lao động). Chị còn là Uỷ viên BCH Tổng LĐLĐVN khoá X.

Tôi còn nhớ hình ảnh Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan như người chị cả thân thiết ôm đứa em gái vừa trở thành AHLĐ - chị Trần Kim Oanh.

Cùng với sự chúc mừng nhiệt thành của các đồng nghiệp đã khiến chị Oanh xúc động đến mức lúng túng trên sân khấu hội trường TCty Cổ phân Dệt may Hà Nội. Mặc chiếc áo dài tươi màu, nhưng chị vẫn đượm vẻ mộc mạc, giản dị của người công nhân.

Có lẽ hiếm khi chị Oanh được diện áo dài như thế, bởi 25 năm thành lập TCty cũng là ngần ấy năm chị gắn bó bên những cỗ máy sợi. Nhìn bên ngoài, chị có vẻt vô tư, nhưng cuộc sống của chị ngay từ thời thơ ấu khá nhọc nhằn. Chị kể:

- Quê gốc ở Ứng Hoà (Hà Tây cũ), sinh trưởng tại Hà Nội (năm 1965), tôi là con út trong một gia đình nông dân có 5 anh chị em. Mới hơn 2 tháng tuổi tôi đã mồ côi bố. Mẹ ở vậy tần tảo nuôi các con nhờ vào chăn nuôi, trồng rau. Thời bao cấp nhiều cái khổ lắm, với những gia đình nông dân thì bữa no, bữa đói là chuyện thường. Mới 10 tuổi, ngoài giờ học, tôi cũng đi bán rau như mẹ và các anh chị.

Hàng ngày, 3-4 giờ sáng, với đôi quang gánh được mẹ làm riêng cho con nít, tôi đi từ khu Minh Khai đến chợ Mơ, hoặc chợ Hôm, chợ Đồng Xuân. Bán rau đến 5-6 giờ sáng thì trở về nhà đi học luôn. Đến năm lớp 7, tôi đành bỏ học vì không thể vừa đi học vừa đi kiếm tiền, từ đó tôi đi bán rau đến năm 17 tuổi. Lúc ấy tôi bé tẹo chứ không mập như bây giờ.

Phải chăng chịu khổ quen rồi, chị mới vào làm công nhân Nhà máy sợi Hà Nội - cái nghề cũng rất vất vả đấy chứ, phải không chị?

- Có thể như vậy. Năm 1984 tôi vào Nhà máy Sợi Hà Nội học nghề trong năm rưỡi và thực tập tại Dệt 8/3. Là công nhân ngành dệt may thì phải chấp nhận đi ca kíp và làm việc trong môi trường nóng, bụi, độc hại. Nói thật, cứ nghĩ đi làm vào mùa đông là ngại lắm, nhất là ca đêm từ 9 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau mới về nhà.

Tuy điều kiện làm việc đã được đơn vị cải thiện tốt hơn truớc, song những khó khăn của toàn ngành hiện nay đòi hỏi công nhân phải biết tiết kiệm từ nguyên vật liệu đến sử dụng điện. Mùa hè thì nóng. Còn mùa đông, công nhân tắm nước lạnh là chuyện... thường.

Trong khi đó, thu nhập ở mức thấp. Đã có trường hợp công nhân bị ngất trong giờ làm việc vì quá mệt, căng thẳng. Còn tôi, chưa đến nỗi bị ngất, nhưng cũng nhiều phen hoa mắt, chóng mặt vì phải chạy "tua" nhiều (đi quanh hai bên máy quan sát phát hiện các nối đứt ở quả sợi (nếu có) để xử lý kịp thời).

Tác phong công nghiệp và thực hiện kỷ luật lao động để đảm bảo an toàn là đòi hỏi cần thiết với người lao động, nhưng không phải công nhân nào cũng thực hiện đuợc. Chị Oanh thì khác. Hàng ngày, dù vào ca nào, đi xe đạp hay đi bộ, chị đều đến xưởng sớm ít nhất 15 phút để chuẩn bị công việc.

Trong dây chuyền, chị chấp hành đúng quy trình công nghệ, quy tắc kỹ thuật và tích cực đi tua. Cũng như nhiều công nhân, chị phải đi bộ trên 10km trong một ca sản xuất với độ tập trung cao để phát hiện, xử lý kịp thời các mối sợi đứt hoặc tình trạng của máy. Có lúc mệt, chân không muốn bước, chị quảng cả dẹp để chạy tua cho nhanh. Thói quen được chị duy trì trong nhiều năm là trước khi đi ăn cơm chị đều kiểm tra và xử lý toàn bộ các máy.

Ăn xong, trở về ngay bên để xử lý các mối sợi bị đứt. Điều này đã giúp tổ của chị luôn đạt năng suất, chất lượng cao. Chị trở thành người duy nhất làm được việc mà chưa có công nhân nào làm được: Bắt quả sợi mà không cần phanh cọc.

Thông thường, công nhân dùng chân để phanh, nhưng chị dùng tay bắt quả sợi nên hiệu quả nhanh hơn ở chỗ nối được 18 ống sợi/1 phút, trong khi người khác chỉ nối 13-14 ống sợi. Tay nghề của chị ngày một cao qua các hội thi thợ giỏi và hiện là bậc 6/6 - bậc cao nhất của công nhân ngành sợi.

Lâu lắm rồi mới có một công nhân là nữ của ngành dệt may VN trở thành AHLĐ thời kỳ đổi mới. So với thời của AHLĐ Cù Thị Hậu, Trịnh Thị Toan, đào Thị Hào, Nguyễn Thị Thạc, chị có thấy sự khác biệt nào không?

- Trước hết, lòng yêu nghề đã giúp tôi cũng như các chị gắn bó tuổi trẻ của mình bên máy sợi, máy dệt. Yêu nghề chính là động lực để chúng tôi làm việc với trách nhiệm cao và phát huy sự sáng tạo. Là công nhân trực tiếp và Uỷ viên BCH Tổng LĐLĐVN khoá X, tôi hiểu rõ đời sống CNLĐ ngành dệt may còn nhiều khó khăn, cần được sự quan tâm của cả chuyên môn và các cấp CĐ.

Việc tôi chủ động nhận đứng tăng máy không có gì cao siêu, muốn có thu nhập cao hơn thì phải nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Từ định mức 4 máy/người (tính theo chỉ số sợi trung bình), tôi nhận đứng dần lên 6 máy, riêng với những loại sợi chỉ số cao, tôi có thể đứng 8 máy (gấp đôi số máy theo định mức quy định).

Do đó, tháng nào, quý nào tôi cũng đạt năng suất trên 140% so với kế hoạch, bình quân hàng năm về trước kế hoạch từ 1-3 tháng, chất lưọng thao tác tháng nào cũng đạt loại A.

Từ hồi còn bán rau, chị cũng chưa bao giờ dành dụm được chút "vốn liếng" cho riêng mình. Đi làm cũng vậy, 25 năm qua gắn bó bên những cố máy sợi, thu nhập của chị chỉ đủ sinh sống, không thể tích luỹ. Trong khi đó, chị còn là trụ cột chính nuôi dưỡng con của anh trai từ khi cháu mới 8 tháng tuổi và con của chị gái lúc 3,5 tuổi cho đến lúc các cháu đã trưởng thành.

44 tuổi, chị vẫn chưa tìm được "một nửa" của mình, nếu ai có trêu "ế rồi" chị cũng chẳng giận mà còn "hùa" theo họ. Hàng ngày, sau giờ tan ca chị lại trở về lo chuyện nội trợ và chăm lo cho các cháu. Có lẽ, chính sự vô tư đã tiếp thêm nghị lực cho chị trong công việc cũng như cuộc sống...

- Thời bao cấp khó thế mà chị Hậu, chị Toan đã trở thành AHLĐ, tôi phục các chị lắm. Nhưng hồi đó, các doanh nghiệp được Nhà nước bao cấp hoàn toàn, kể cả khi kinh doanh thua lỗ, nên CNLĐ không phải chịu nhiều sức ép như bây giờ. Đó là những điều kiện thuận lợi để người lao động phát huy khả năng sáng tạo cùng với sự quan tâm, giúp đỡ từ phía đơn vị.

Sang kinh tế thị trường không còn bao cấp nữa, các DN buộc phải tự sản, tự tiêu và thực hiện tiết kiệm triệt để. Quan trọng hơn, máy móc thiết bị ngày càng hiện đại , khó hơn trước đòi hỏi trình độ hiểu biết cũng như tay nghề của người thợ phải cao để làm ra những loại vải mẫu mã đẹp hơn, chất lượng hơn đáp ứng thị hiếu khách hàng (các loại vải thời bao cấp như phin thường, phin nõn, sa tanh, vải lãnh, vải láng... giờ khó bán hơn).

Hàng tháng đơn vị còn kiểm tra tay nghề công nhân, nếu không đạt sẽ bị hạ bậc thợ, bị tụt lương-thưởng... Công nhân phải chấp nhận sự nghiệt ngã của guồng quay đó, cố gắng duy trì việc làm và thu nhập là tốt rồi. Còn danh hiệu AHLĐ, với công nhân xa vời lắm. Như tôi, 25 năm cống hiến giờ mới đạt danh hiệu AHLĐ.

Như người chị cả lúc nào cũng tận tâm chỉ bảo, hướng dẫn lớp công nhân trẻ nâng cao tay nghề, truyền cho họ tình yêu nghề như mình bởi mong muốn nhà máy sẽ có nhiều công nhân trẻ tiêu biểu. Mỗi khi TCty tổ chức thi thợ giỏi, chị động viên mọi người cùng tham gia vì nghĩ đây là cơ hội tốt xác định khả năng của mình. Kết quả đợt thi nào chị cũng đoạt giải nhất.

Tại lễ kỷ niệm 25 năm thành lập TCty mới đây, Chủ tịch HĐQT-Tổng Giám đốc Hanosimex Nguyễn Khánh Sơn đánh giá thành tích của chị là "Sự nỗ lực không ngừng của người thợ yêu nghề, lao động nhiệt tình, sáng tạo và hiệu quả cao".

Ông Lê Quốc Ân - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may VN - nói rằng chị đã dành cả tuổi thanh xuân, mồ hôi bên những cỗ máy sợi, bên từng mét vải để cùng những đồng nghiệp của mình như CSTĐ toàn quốc Lê Đình Chương (Tổ trưởng tổ bảo toàn Nhà máy May 2) làm nên những điều kỳ diệu cho ngành dệt may VN.

Thông điệp của nữ AHLĐ gửi tới lớp công nhân trẻ nói chung và dệt may nói riêng là gì, thưa chị?

- Danh hiệu AHLĐ là phần thưởng cao quý, món quà cuộc sống ý nghĩa nhất với tôi. AÁp lực công việc sẽ lớn hơn, nhưng dù ở hoàn cảnh nào tôi cũng nỗ lực hết mình. Tôi nghĩ, có nhiều cách để chúng ta trưởng thành trong nghề nghiệp, nhưng điều quan trọng là cần làm việc bằng cái tâm và yêu nghề thực sự.

Chúc chị tiếp tục làm nên những kỳ tích mới và sớm tìm thấy "nửa còn lại" của mình.

Năm 1989 chị Trần Kim Oanh được kết nạp Đảng và liên tục đạt nhiều thành tích trong lao động sản xuất như: LĐ giỏi cấp TCty hàng năm, trong đó 17 năm là Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở; năm 2002, 2004, 2006 đạt CSTĐ cấp bộ" và năm 2000 là CSTĐ toàn quốc; 4 năm đạt Lao động giỏi, người tốt việc tốt cấp TP Hà Nội; 18 năm là thợ giỏi; danh hiệu Bàn tay Vàng ngành dệt may VN năm 1996; bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (1994); Huy chương "Tuổi trẻ sáng tạo" (1996); Huân chương Lao Động hạng Ba (1997); là một trong 9 gương mặt tiêu biểu trong cả nước được tuyên dương trong chương trình Vinh quang Việt Nam 2009. Tại ĐH Công đoàn VN lần thứ X, chị được bầu là Uỷ viên BCH Tổng LĐLĐVN...