Cẳng chân là gì

Cẳng chân là một trong những vùng chịu trọng lực nhiều nhất cơ thể. Để đảm nhận được chức năng đó, cẳng chân có cấu tạo rất chắc chắn về cơ, xương và khớp. Trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu về xương chày – một trong hai xương cẳng chân.

1. Vị trí 

  • Xương chày nằm ở phía trước trong của cẳng chân và là xương có kích thước lớn. Nó có vai trò rất quan trọng trong hoạt động của toàn bộ chi dưới. Xương này có nhiệm vụ điều hòa những hoạt động ở khớp gối và khớp cổ chân. Đồng thời, nó cũng chịu lực tì nén chính của cơ thể, cho phép di chuyển một cách linh hoạt.
  • Xương chày ở đầu trên tiếp khớp với xương đùi, bên dưới khớp với các xương cổ chân.
  • Xương chày của người Việt dài khoảng 33,6 cm, rất dẹt ngang. Ngoài ra, do thói quen ngồi xổm hay vắt chân, nó bị cong nhiều ra sau ở đầu trên.
  • Nếu đặt xương thẳng đứng:
    • Đầu nhỏ xuống dưới.
    • Mấu của đầu nhỏ vào trong.
    • Bờ sắc, rõ ra phía trước.
Cẳng chân là gì
Xương cẳng chân

2. Cấu tạo của xương chày

Thân

Xương chày hơi cong hình chữ S, nửa trên hơi cong ra ngoài còn dưới hơi cong vào trong. Thân xương hình lăng trụ tam giác trên to, dưới nhỏ lại dần. Đến 1/3 dưới cẳng chân thì chuyển thành hình lăng trụ tròn. Vì vậy, đây là điểm yếu dễ bị gãy xương.

Các mặt

  • Mặt trong phẳng, nằm sát ngay dưới da.
  • Phía mặt ngoài lõm. Khi tới đầu dưới, mặt ngoài vòng ra trước thành mặt trước.
  • Mặt sau có đường cơ dép bám vào.

Các bờ

  • Bờ trước nằm ngay sát dưới da. Do đó, nó rất dễ bị chấn thương nếu va chạm mạnh.
  • Bờ gian cốt mỏng, đối diện với xương mác.
  • Bờ trong thường không rõ ràng lắm.

Mô tả cấu trúc và liên quan

  • Đầu gần là một khối xương to do lồi cầu trong và lồi cầu ngoài tạo nên. Mặt trên của mỗi lồi cầu lõm thành mặt khớp trên tiếp khớp với một lồi cầu xương đùi. Trên mặt sau – dưới lồi cầu ngoài có mặt khớp mác tiếp khớp với chỏm xương mác. Các mặt khớp trên của hai lồi cầu được ngăn cách nhau bằng vùng gian lồi cầu. Vùng này bao gồm lồi gian lồi cầu nằm giữa các diện gian lồi cầu trước và sau.
  • Thân xương có lồi củ chày nằm ở trước, dưới và giữa hai lồi cầu. Phần trên của mặt sau thân có một đường gờ chạy chếch xuống dưới và vào trong đường cơ dép.
  • Đầu xa nhỏ hơn đầu gần, có mặt khớp dưới hướng xuống dưới tiếp khớp với xương sên và khuyết mác hướng ra ngoài tiếp khớp với đầu dưới xương mác. Đầu dưới kéo dài xuống thành một mỏm ở trong xương sên tạo nên mắt cá trong.
Cẳng chân là gì
Cận cảnh xương chày
Xương chày và xương mác liên kết với nhau như sau:

Đầu trên hai xương nối với nhau bằng khớp chày – mác trên. Đây là một khớp hoạt dịch thuộc loại khớp phẳng. Trong đó, mặt khớp chỏm mác mặt trong tiếp khớp với mặt khớp mác của lồi cầu ngoài xương chày. Khớp này được giữ vững bởi các dây chằng chỏm mác sau và trước.

Bờ gian cốt của hai thân xương được nối với nhau bằng màng gian cốt cẳng chân. Đầu dưới của hai xương liên kết với nhau bằng khớp sợi chày – mác. Mô sợi liên kết mặt trong mắt cá ngoài (đầu dưới xương mác) với khuyết mác của đầu dưới xương chày.

Tiếp khớp với xương đùi

Mâm chày là phần xương đầu trên xương chày. Mặt xương này khớp với lồi cầu của xương đùi để tạo nên khớp gối. Diện khớp này rất linh hoạt, giúp cử động khớp gối được nhẹ nhàng trong các sinh hoạt bình thường hằng ngày như gập gối khi ngồi, duỗi gối khi đi. Mâm chày có cấu tạo xốp với bề mặt sụn. Vị trí cụ thể của mâm chày là tiếp khớp với lồi cầu trong và lồi cầu ngoài tùy thuộc vào mâm chày trong và mâm chày ngoài. Cấu tạo phía giữa các mâm chày gồm các gai mâm chày. Gai này có tác dụng giống như điểm bám cho các loại dây chằng khác nhau tại đây (Dây chằng chéo trước và dây chằng chéo sau).

Cẳng chân là gì
Cấu tạo khớp gối
Khớp mắt cá
  • Phần trong đầu dưới xương thấp tạo thành mắt cá trong, nằm ngay dưới da. Mặt ngoài mắt cá trong có diện khớp mắt cá tiếp xúc với diện mắt cá trong của ròng rọc xương sên. Diện khớp mắt cá thẳng góc với diện khớp dưới ở đầu xương chày. Diện khớp dưới tiếp khớp với diện trên của ròng rọc xương sên.
  • Mặt ngoài đầu dưới hình tam giác có khuyết mác. Đây là nơi xương chày tiếp xúc với đầu dưới xương mác.

Mạch máu

Mạch máu nuôi dưỡng xương chày gồm 3 nguồn mạch là :

Cẳng chân là gì

  • Động mạch nuôi xương. Đi vào lỗ nuôi xương ở mặt sau chỗ nối 13 giữa và 1/3 trên xương chày.
  • Động mạch đầu hành xương và động mạch màng xương có nguồn gốc từ các động mạch cơ.

Mạch máu nuôi xương chày rất nghèo và càng về phía dưới thì ít có sự nối thông. Vì thế, gãy xương chày rất khó liền, nhất là đoạn dưới cẳng chân.

3. Chức năng của xương chày

  • Chịu lực trực tiếp từ toàn bộ trọng lượng cơ thể. Cấu tạo đặc biệt của nó cùng các diện khớp giúp vị thế chân thẳng. Từ đó giúp tư thế và dáng đi của cơ thể thẳng.
  • Tạo nên khớp gối và khớp mắt cá giúp cơ thể hoạt động linh hoạt.
Cẳng chân là gì
Bộ phận này giúp chúng ta có dáng đi thẳng

4. Gãy xương chày

Xương chày là một trong những vùng xương thường bị gãy nhất trong cơ thể. Tùy theo mức độ của chấn thương mà các triệu chứng của gãy xương chày có thể biểu hiện từ bầm tím đến đau dữ dội ở cẳng chân.

>> Tìm hiểu thêm: Gãy xương: Dấu hiệu nhận biết và cách xử trí sao cho hợp lý?

Phân loại gãy xương chày

Để phân loại và chẩn đoán loại chấn thương, bác sĩ sẽ thực hiện khám lâm sàng và đề nghị một số xét nghiệm để kiểm tra tình trạng gãy xương chày.

Gãy đầu trên xương chày
  • Vỡ hoặc gãy đầu trên xương chày thường là hậu quả của tai nạn té ngã từ trên cao hoặc tai nạn giao thông. Các mô mềm có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng vào thời điểm gãy xương. Đó có thể là các phần quan trọng như dây chằng, da, cơ, dây thần kinh, mạch máu… Do vậy, bác sĩ sẽ kiểm tra và đánh giá mọi dấu hiệu tổn thương mô mềm. Điều này ảnh hưởng nhiều tới kế hoạch xử lý phần gãy xương.
Gãy đầu dưới xương chày (Gãy pilon)
  • Gãy đầu dưới xương chày là một chấn thương nghiêm trọng với đường gãy đi vào diện khớp cổ chân. Loại gãy này thường xảy ra sau khi chân chịu lực va đập mạnh. Ví dụ như rơi từ độ cao xuống hoặc tai nạn giao thông.
  • Gãy đầu dưới xương chày thường gây sưng đau kèm theo sưng tấy lớn, đau đớn rõ rệt, gây sưng cổ chân và biến dạng cấu trúc cổ chân. Một số trường hợp gãy Pilon kèm theo các mảnh xương vỡ chồi qua da (gãy xương hở) thì cần điều trị nhanh chóng bằng phẫu thuật để giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Nguyên nhân

Những nguyên nhân thường gặp nhất gây gãy xương chày là:

Cẳng chân là gì

  • Do té ngã từ độ cao lớn hoặc rơi xuống bề mặt cứng. Thường xảy ra với người già, người đi không vững và các vận động viên.
  • Thực hiện các chuyển động xoắn như xoay vòng. Thường xảy ra do các môn thể thao như trượt băng, trượt tuyết, đối kháng.
  • Do va chạm mạnh. Nguyên nhân do tai nạn xe máy, ô tô có thể dẫn đến chấn thương gãy xương chày nghiêm trọng nhất.
  • Tình trạng sức khỏe ở người bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến gãy xương chày. Ví dụ như bệnh tiểu đường tuýp 2 và bệnh lý về xương có từ trước như viêm xương khớp.
Cẳng chân là gì
Té ngã có thể dẫn đến chấn thương xương chày

Dấu hiệu gãy xương chày

Các triệu chứng điển hình như:

  • Cảm giác đau dữ dội ở phần dưới cẳng chân.
  • Tê hoặc ngứa ran ở chân.
  • Bên chân bị thương không có khả năng chịu lực.
  • Bị biến dạng vùng bị thương (cẳng chân, đầu gối, mắt cá chân, ống chân…).
  • Sưng tấy, bầm tím ở xung quanh vùng bị chấn thương.
  • Thấy xương chồi ra khỏi chỗ rách da (gãy xương hở).
  • Các vận động uốn cong và xung quanh đầu gối bị hạn chế.
  • Hạn chế các vận động uốn cong và xung quanh đầu gối.

Nếu nó bị đứt gãy thì xương mác cũng thường bị ảnh hưởng.

Các biện pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán gãy xương chày, bác sĩ sẽ hỏi về tình trạng sức khỏe đồng thời quan sát các dấu hiệu điển hình như:

  • Các biến dạng, dị dạng dễ nhận thấy.
  • Tình trạng da (rách hay lành).
  • Mức độ xương nhô ra ngoài (nếu có).
  • Đánh giá độ sưng và bầm tím.
  • Cảm giác bất ổn, đau.
  • Đánh giá sức mạnh cơ bắp.

Thực hiện xét nghiệm X quang, chụp CT để xác nhận chẩn đoán gãy xương. Các xét nghiệm hình ảnh còn giúp khảo sát khớp gối, khớp mắt cá chân có bị ảnh hưởng bởi gãy xương chày hay không.

Các biện pháp điều trị

Trên thực tế, thời gian phục hồi gãy xương chày tùy thuộc vào mức độ gãy xương. Bộ phận này rất lâu lành, có thể cần từ 4 đến 6 tháng. Để điều trị gãy xương chày, có thể bác sĩ sẽ cân nhắc phương pháp điều trị nội khoa bao gồm:

  • Bó bột.
  • Cố định và hạn chế chức năng cơ chân nhưng vẫn cho phép một số cử động.
  • Vật lý trị liệu.
  • Tập luyện tại nhà.
  • Dùng nạng.

>> Phương pháp điều trị bằng bó bột vẫn chiếm một phần lớn trong gãy xương. Đọc thêm: Bó bột sau gãy xương: Những điều cần biết.

Trong một số trường hợp điều trị nội khoa không có tác dụng hoặc chấn thương quá phức tạp như gãy xương hở, gãy vụn hoặc xương chân yếu… bác sĩ có thể đề xuất bệnh nhân thực hiện phẫu thuật. Các kỹ thuật sau có thể được sử dụng để điều trị gãy xương chày:

  • Cố định xương chày bị gãy tại chỗ bằng ốc vít, thanh hoặc tấm thép.
  • Cố định bên ngoài, kết nối ốc vít hoặc các đinh chốt xương gãy bằng một thanh kim loại bên ngoài để giữ chân định vị.
  • Kết hợp vật lý trị liệu, tập luyện chức năng tại nhà và dùng thêm thuốc giảm đau.
Cẳng chân là gì
Dùng ốc vít để cố định chân

Sống chung với thương tổn

Giai đoạn hồi phục bắt đầu ngay sau khi điều trị phẫu thuật hay không phẫu thuật. Trong giai đoạn này, bệnh nhân phải tuân theo những lời khuyên của bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình. Đây là điều đặc biệt quan trọng vì bệnh nhân cần phải hiểu rõ các hướng dẫn của bác sĩ phẫu thuật về việc chịu lực, vận động khớp gối và sử dụng những thiết bị cố định ngoài (băng bột hay nẹp cố định). Bác sĩ cũng sẽ trao đổi về những tác động có thể có trong sinh hoạt hằng ngày, cuộc sống, công việc, trách nhiệm với gia đình và các hoạt động giải trí.

Xương chày là xương lớn vùng cẳng chân chịu lực chủ yếu của cơ thể. Do áp lực lớn và gần sát da nên bộ phận này thường hay gặp chấn thương. Hiểu biết về cấu tạo, chức năng giúp chúng ta chủ động trong việc phòng chống và điều trị tổn thương xương chày cũng như khớp gối và cổ chân.

Bác sĩ Lương Sỹ Bắc