Câu hỏi một năm về quê bao nhiêu lần năm 2024

Tôi đọc thấy trong ánh mắt nội tôi nỗi buồn nào đó. Hằng năm hai bà cháu vẫn gặp nhau đều đặn hai lần. Một lần khi sắp Tết và một lần khi qua mùa nhãn. Trước Tết nội mang lên ít đòn bánh tét và cũng một câu cũ rích:

- Má thằng Tấn lấy cúng ông bà.

Rồi bà hướng về tôi, cười. Nụ cười đó chỉ có bà cháu tôi hiểu. Mấy đòn bánh tét bà gói cho riêng tôi. Có món nào tôi thích mà bà không biết. Tôi ở với bà từ khi mới sanh cho đến tuổi đi học mới theo ba má tôi lên Sài gòn. Giữa hai bà cháu đã có nhiều mối dây gắn bó.

Sau mùa nhãn, nội lại lên nhà ba má tôi chơi năm ba bữa nửa tháng. Lần nào nội cũng mang một ít tiền lên cho mẹ tôi. Không lấy, không được:

- Bây sao khó nói quá, tao già rồi để tiền làm chi?

Món tiền nội cho chắc không lớn vì vườn nhãn của nội chỉ có sáu cây. Nhiều lần tôi thấy má tôi len lén chùi nước mắt. Nội cho má tôi nhiều hơn món tiền nội gói trong mấy lớp khăn. Rồi lần nào nội cũng giấu không cho người nào trong gia đình tôi biết, giúi vào tay tôi một ít tiền:

- Con cầm lấy mua sách.

Cái thông lệ này nội làm cho đến năm 75, khi Cộng sản chiếm miền Nam được vài tháng thì nội qua đời. Mẹ tôi viết cho tôi lá thư đầu tiên kể từ ngày tôi vượt biên, báo tin vừa mãn tang nội.

Không biết tôi nằm ở đâu trong quãng đời của nội, nhưng thời gian tôi sống với nội đã theo tôi có lẽ đến hết cuộc đời. Hằng năm tôi vẫn về thăm nội những kỳ hè, ở chơi cho đến khi gần tựu trường mới lên Sài gòn. Về sau này khi tôi bắt đầu lớn, vùng quê nội không còn an ninh, lòng tôi gắn chặt với quê nhà nhưng tôi không dám về đó nữa. Tôi sợ có một tối nào đó, mấy tên du kích đến dẫn tôi đi biệt.

Tôi có hai đứa em gái. Tụi nó có theo tôi về nghỉ hè hai, ba lần rồi không về nữa. Quê nội không có gì hấp dẫn đối với chúng. Quê nội quá cằn cỗi. Kiến Hòa là xứ dừa, nhưng quận Mỏ Cày, con đường Lộ Giữa nhà của nội thì không có hàng dừa nào. Ngoài thứ cát nóng bỏng những buổi trưa mùa hạ mà đất chỉ có thể lên những líp khoai mì, chung quanh nhà chỉ có vài cây vú sữa, những lũy tre già hay những hàng so đũa bao bọc. Chúng vẫn không thể nào hiểu tại sao tôi lại thích quê nhà đến thế. Chúng lại càng không thể hiểu khi thấy anh chúng về đây chỉ để trưa trưa nằm vắt vẻo trên cành nhãn nhìn những con chim sẻ nhảy lóc xóc trên sân nhà tìm mồi, chỉ để giúp nội lên mấy líp đất trồng khoai, hay theo anh Tám con cô Hai đi vét giếng lộ thiên sau nhà, hoặc chỉ để ra những thửa ruộng trước nhà nội thả diều; một đôi khi theo ông Bảy đi rập cu và đêm đêm ngồi đọc mấy bộ truyện Tàu cho nội nghe.

Có nhiều lần nội và tôi đi chùa. Trên con đường đê nối lộ giữa và lộ đá, thỉnh thoảng nội nhắc: "Hồi nhỏ con vẫn thường lẫm đẫm chạy theo nội trong những lần ông bà đi chùa". Nội chỉ tôi chỗ này ông nội phải bồng tôi lên, chỗ kia ông nội cho tôi lên vai. Tôi không thể nào hình dung lúc đó tôi ra làm sao. Nhưng tôi biết nội thích hình ảnh này lắm, nội cứ nhắc đi nhắc lại mỗi khi có dịp. Có lẽ qua đó, hình ảnh ông nội tôi đậm nét.

Ngôi chùa không lớn lắm, nhưng đẹp cổ kính nằm trên đoạn đường lộ đá từ chợ Mỏ Cày lên Thơm. Chùa nằm khuất sâu vào phía trong con đường. Muốn vào chùa phải đi ngang một đoạn đường đất cát trắng mịn. Hai bên đường trồng những bụi bông bụp và những hàng cau cao vút. Ngày xưa tôi thích nhất là lúc thơ thẩn bên hông chùa, ngồi tựa bên gốc dừa nhìn hòn giả sơn nhỏ trên đặt tượng Phật, phía dưới đàn cá lội tung tăng. Phía sau chùa nhìn ra cánh đồng lúa và bầu trời xanh với một hàng dừa. Tôi yêu cái không khí yên tịnh, trầm mặc ấy.

Những buổi chiều trời chạng vạng, mặt trời vừa khuất sau hàng cây bên kia sông phía sau nhà nội, không khí như ngưng đọng lại, chỉ còn nghe tiếng chim muông bay về tổ kêu xào xạc trên cây dầu. Đó là một gốc cổ thụ đứng sừng sững trước đình. Cây có từ bao giờ không ai biết. Còn ngôi đình bỏ hoang không thấy ai lui tới, không khí có chút gì ma quái, rùng rợn. Thường thường tôi chỉ dám đến gần đình khi đi coi đá banh với cha tôi. Sân banh nằm cạnh hông đình, cách nhà nội hai cánh ruộng sâu.

Làm sao tôi hiểu được có ngày tôi chỉ còn có thể đứng bên này hàng rào kẽm gai nhìn sang bên kia. Bên kia là đoạn đường lên Thơm, nơi mà tôi thường theo cha tôi đi thăm bà con hay đi câu cá. Nơi tôi và thằng Khánh con chú Ba Quít đạp xe đạp ra gần tới cửa sông Cổ Chiên. Nơi có thiếm Sáu, người bạn thân của má tôi nơi quê hương chồng. Nơi có anh Tám Phát hiền hòa chưa biết chiều chiều đi rải truyền đơn chống chính phủ. Nơi yên nghỉ của ông nội tôi. Nơi tôi phụ cha tôi xây ngôi mộ thật đẹp cho ông nội. Những lần sau này còn về đó tôi chỉ biết dõi mắt nhìn mộ ông nội nằm khuất sau hàng kẽm gai dầy.

Năm sắp thi tú tài là lần cuối cùng tôi về quê nhà. Về võn vẹn có một ngày. Một chuyến đi không tính trước. Tôi còn nhớ, hôm đó là lễ Phật Đản. Ba tôi chỉ hỏi tôi một câu lấy lệ vì ông biết trước câu trả lời thường là từ chối của tôi:

- Về thăm nội không con?

Nhưng lần này tôi làm ông ngạc nhiên, tôi gật đầu mau lẹ. Mẹ tôi cản mãi, bà sợ. Về sau này tôi cũng không hiểu tại sao tôi về thăm nội lần đó. Có lẽ vì hy vọng Cộng sản ngưng bắn trong ngày Phật Đản như chúng đã hứa. Có lẽ vì câu hỏi hàng năm của nội. Có lẽ vì những câu trách khéo của cha tôi. Cũng có thể là tất cả những lý do trên.

Trên chuyến xe đò Á Đông: Sài gòn - Kiến Hòa chạy ngang quê mẹ, tôi thấy cậu Toàn, cậu Dũng đang lui cui ngoài sân. Nhà bà ngoại tôi nằm gần bắc Mỹ Tho. Hai cha con tôi chỉ đi ngang, không ghé lại. Quê ngoại giàu có, nhưng nghèo kỷ niệm trong tôi. Qua sông Hàm Luông, dòng sông nhỏ ngăn châu thành tỉnh Bến Tre và quận Mỏ Cày, cha tôi ghé vào quán chén anh chén tôi với mấy chú bà con. Tôi lên xe lam của chú Năm Sang về xã Đa Phước Hội. Từ bắc Hàm Luông về quận Mỏ Cày khoảng 10 cây số đường xe. Đoạn đường ngắn nhưng đầy bất trắc. Chiếc xe lam chạy xiên qua xiên lại trên con đường loang lổ dấu đạn bom. Ngang qua Xép, những căn nhà còn cháy dở. Chiến tranh còn quanh quẩn đâu đó. Con rạch nhỏ nằm dưới cầu Xép ngày xưa hai cha con tôi từng đi câu. Đường vắng ngắt, chỉ có một anh lính nghĩa quân lật bảng bên đỏ bên trắng cho xe qua lại cầu.

Sau hàng xương rồng, dưới ánh nắng chang chang, mồ hôi mồ kê chảy dài trên gò má nhăn nheo, nội đón tôi bằng nụ cười rạng rỡ, giọng nội lạc đi:

- Mèn ơi, Tấn đó hả con?

Tôi có thằng bạn thân, hai đứa ngồi với nhau nhiều năm ở trường trung học Hồ Ngọc Cẩn. Quê nội của tôi là quê ngoại của nó. Hai đứa cùng vào quân đội một lúc. Ra trường tôi về Không quân, nó chọn tiểu khu Kiến Hòa, để được về quê ngoại. Không biết nụ cười của ngoại nó, khi nó đặt chân lên thềm nhà có bằng nụ cười của nội tôi không! Nhưng ba tháng sau khi về tiểu đoàn Bạch Hổ, nó tử trận.

Không hiểu cha tôi có bao nhiêu ước vọng trong đời ông, nhưng hai ước vọng ông đặt vào tôi đều không thành. Uớc vọng thứ nhất của ông cũng là niềm ao ước một đời của tôi, ông muốn tôi học y khoa. Năm mùa hè đỏ lửa, xong chứng chỉ dự bị, mới thập thò trước ngưỡng cửa y khoa, tôi bị động viên vào quân đội. Sang bên này tôi được cấp học bổng trở lại đại học, với điều kiện: học ngành gì cũng được, ngoại trừ y khoa, ngành này đã thặng dư. Tốt nghiệp bậc cuối cùng đại học, kiếm được việc làm xong, tôi hăm hở viết thư về quê nhà báo tin vui. Tôi chỉ nhận một lá thư ngắn của mẹ chúc mừng. Mẹ tôi rất ít viết thư. Mười mấy năm qua, đứa em gái út thay gia đình viết cho tôi. Trái lại, khi hay tin tôi sắp lấy vợ, ba tôi viết một lá thư thật dài, dặn dò mọi điều, chỉ dẫn mọi thứ: „làm gì thì làm, đừng quên tập tục quê nhà nghe con“.

Lý do gì ông muốn tôi học y khoa, ông không nói. Còn tôi, tôi có một ước ao: khi đất nước không còn bóng quân thù, tôi về quê nội mở phòng mạch, chăm sóc bà con láng giềng nghèo ở quê nhà. Ước vọng thứ hai của ông, tôi còn nhớ ba tôi đã nói với tôi, khi ông xây mộ ông nội: "Mai kia, ba sẽ để bà nội nằm đây, cạnh ông nội. Nếu sau này ba mất đi, nếu có thể được, con rán mang ba về quê nhà cho ba nằm cạnh ông bà nội".

Nội mất tại quê nhà, cha tôi đã để ông bà nội tôi nằm cạnh nhau. Mới đây, nhận được thư nhà, má tôi cho hay: ba tôi đã qua đời. Hài cốt ông được hỏa thiêu và để vào chùa.

Cả hai ước vọng của cha, đều là ước vọng của chính tôi. Cả hai, tôi đều không làm nổi. Hình như trong đời tôi, tôi không thực hiện được những điều tôi mong muốn. Đường Sài gòn - Mỏ Cày, về Lộ Giữa gần như vậy mà hài cốt cha còn về không tới, còn tôi biết đến bao giờ! Hàng kẽm gai ngày xưa chỉ che khuất mộ ông nội, ngày nay đã rào trọn quê hương tôi.

Chủ Đề