Chỉ thị ai ở đâu ở yên đó tphcm

TPHCM đến nay đã trải qua gần 3 tháng gồng mình chống đại dịch COVID-19. Chưa bao giờ, TPHCM đối mặt với nhiều thách thức, áp lực như thời gian vừa qua. Những Chỉ thị giãn cách xã hội nối tiếp nhau kéo dài từ Chỉ thị 15, Chỉ thị 10, Chỉ thị 16, tăng cường, siết chặt, “ai ở đâu ở yên đó”… Chỉ có người dân sống ở tâm dịch TPHCM mới thực sự cảm nhận được những nốt lặng và bộn bề những lo âu kéo dài trong những ngày vừa qua. Bên cạnh đó là sự quyết tâm, nỗ lực, đồng lòng của cả hệ thống từ chính quyền đến người dân nhằm khống chế và đẩy lùi đại dịch một cách sớm nhất.

Đây không phải lần đầu tiên TPHCM tiến hành giãn cách xã hội nhưng có lẽ là lần lâu nhất, và những Chỉ thị cứ nối tiếp nhau với hàng loạt biện pháp tăng cường, siết chặt. Thành phố vốn dĩ nhộn nhịp và phồn hoa bậc nhất đất nước đang trong những ngày yên bình một cách “buồn bã” chưa từng có. Chưa bao giờ người dân TPHCM lại mong được nhìn thấy những dòng người cuồn cuộn đi làm, kẹt xe vào giờ cao điểm đến thế, vì chỉ có như vậy, họ - những người dân TPHCM mới đang thực sự “sống”.

Trong những ngày TPHCM lao đao và khó khăn như thế, cả nước đang dành trọn sự ưu tiên cho mảnh đất này. Chính phủ, Bộ Y tế, tất cả những lực lượng y bác sĩ, quân nhân bộ đội từ khắp mọi nơi trên Tổ quốc đều đang đổ dồn về ứng cứu cho TPHCM, từng liều vaccine sau khi đáp máy bay xuống Việt Nam đều được ưu tiên cho TPHCM để nơi này sớm vượt qua được dịch bệnh.

Tuy nhiên, sau nhiều lần thay đổi giãn cách với các biện pháp siết chặt thì số ca nhiễm của TPHCM vẫn chưa “xuống dốc”. Từ 15.8.2021 đến 15.9.2021, TPHCM thực hiện giãn cách xã hội triệt để, về cơ bản sẽ ngăn chặn được lây nhiễm từ nhà này sang nhà khác, quận này sang quận khác, song không ngăn chặn được tiếp tục lây nhiễm trong gia đình, nếu trong nhà có 1 F0 chưa được phát hiện.

Kể từ sau ngày 15.8, khi TPHCM tiếp tục kéo dài giãn cách thì con số thống kê Cổng thông tin COVID-19 TPHCM công bố về số ca nhiễm mới trong cộng đồng liên tục tăng vọt. Số ca lây nhiễm ngoài cộng đồng sau khi vượt ca nhiễm trong các khu cách ly tập trung, đang tiếp tục tăng với tốc độ cao.

Để ngăn chặn số ca lây nhiễm mới ngoài cộng đồng và số ca trong khu vực phong tỏa, ngày 23.8 TPHCM đã quyết định “Ai ở đâu, ở yên đó”, thành phố đã nỗ lực thực hiện các biện pháp an sinh xã hội tại chỗ với các túi cứu trợ lương thực, thực phẩm và túi thuốc y tế để người dân có thể yên tâm “ở yên” không phải ra ngoài, hạn chế được sự lây nhiễm dịch bệnh.

Bên cạnh đó, giải pháp xét nghiệm bằng test nhanh và xét nghiệm khẳng định lại bằng PCR đang trở thành phương án then chốt nhằm phát hiện nguồn lây, bóc tách F0 khỏi cộng đồng, có biện pháp hỗ trợ sớm, tránh lây lan nhanh trên diện rộng.

Trong thời gian này, Thành phố cũng đã tìm cách vẽ “bản đồ chống dịch” với các đơn vị “vùng nguy cơ” tương ứng các đơn vị địa lý cơ sở là tổ dân phố/tổ nhân dân, gọi là các “vùng xanh” [vùng an toàn], “vùng vàng” [nguy cơ trung bình], “vùng cam” [nguy cơ cao], và “vùng đỏ” [nguy cơ rất cao].

TPHCM đã triển khai lấy mẫu xét nghiệm toàn thành phố trong thời gian thực hiện biện pháp tăng cường giãn cách xã hội từ 0h ngày 23.8. Kể từ thời điểm đó, số lượng F0 trong cộng đồng và đặc biệt trong các khu vực vùng đỏ, vùng cam liên tục tăng.

Các vùng xanh, vùng cận xanh và vùng vàng đến hết ngày 30.8 phải hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm đợt 1. Đợt thứ hai, hoàn thành trước ngày 6.9 để phân loại lại các vùng nguy cơ.

Các vùng đỏ, vùng cam, đến hết ngày 1.9 phải hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm đợt 2, kết hợp việc triển khai, hướng dẫn rộng rãi để tăng tỉ lệ người dân tham gia tự lấy mẫu [test nhanh mẫu đơn]. Thành phố tiến hành đánh giá lại vùng nguy cơ sau khi kết thúc các đợt xét nghiệm vào ngày 6.9.

Tại TPHCM, trong những ngày giãn cách xã hội, các quyết sách chống dịch được chuyển trọng tâm từ xét nghiệm sang điều trị. Cho đến nay, số bệnh viện dã chiến và bệnh viện hồi sức COVID-19 tại TPHCM đã được thiết lập với tốc độ chưa từng có trong lịch sử.

Ngày 16.8, TPHCM đã điều chỉnh giảm còn 3 tầng điều trị F0 thay vì 5 tầng như trước. Từ đó, TPHCM có thể tập trung nguồn lực, đáp ứng điều trị bệnh nhân nặng, hạn chế số tử vong.

Cụ thể, tầng 1 là những F0 không có triệu chứng hoặc nhẹ, không bệnh nền hoặc bệnh nền ổn định, có thể điều trị tại nhà hoặc khu cách ly tập trung của quận, huyện, TP Thủ Đức. Ngành y tế sẽ triển khai các gói chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà, kết hợp với các điều kiện đảm bảo an sinh.

Tầng 2 tiếp nhận và thu dung các trường hợp cấp cứu, điều trị F0 có triệu chứng từ nhẹ, trung bình đến nặng, có hoặc không kèm bệnh nền. Nơi tiếp nhận là bệnh viện dã chiến hoặc cơ sở điều trị COVID-19 đã chuyển đổi công năng; hoặc bệnh viện bình thường nhưng đã triển khai bệnh viện tách đôi.

Tầng 3 chuyên hồi sức chuyên sâu cho F0 nặng, nguy kịch tại các bệnh viện tuyến cuối của thành phố và Bộ Y tế.

Quyết định “giảm tầng” này của TPHCM đã được đánh giá là đúng hướng để có thể tập trung vào điều trị và cứu sống kịp thời những bệnh nhân COVID-19 nặng.

Số lượng ca F0 được xuất viện tại tâm dịch lớn nhất cả nước đã và đang liên tục tăng. Thống kê từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM [HCDC] cho thấy tổng số ca xuất viện từ 1.1.2021 đến nay là 104.844 bệnh nhân.

Thành phố cũng đã tổ chức hơn 400 Trạm Y tế lưu động phối hợp với đội ngũ lực lượng quân y của Học viện quân y để chăm sóc, theo dõi sức khoẻ F0 khi điều trị, chăm sóc tại nhà.

Khi xét nghiệm test nhanh và phát hiện F0, các Trạm y tế lưu động sẽ nắm bắt thông tin nhanh và xử lý kịp thời, góp phần giảm tải cho bệnh viện. Trạm y tế lưu động sẽ không chỉ tới thăm khám, kiểm tra các chỉ số bệnh như huyết áp, nhiệt độ, SpO2... mà còn phát thuốc điều trị cho F0. Và mới đây nhất, đã triển khai chương trình điều trị thuốc Molnipiravir có kiểm soát dành cho bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ thông qua hệ thống Trạm y tế lưu động và Trung tâm y tế phường.

Đặc biệt, TPHCM sẽ vận hành các “Trạm SpO2 và thở oxy” tại các tổ dân phố, khu phố để hỗ trợ cho người F0 thở oxy trong khi chờ các tổ phản ứng nhanh tới hỗ trợ sơ cấp cứu và chuyển viện kịp thời. Sáng kiến này rất quan trọng, bởi trước đó ngành y tế ghi nhận có những trường hợp bệnh nhân khó thở, chuyển biến nặng nhanh, không có oxy kịp thời trong quá trình chờ chuyển viện nên tử vong tại nhà.

Những gì TPHCM đã và đang triển khai ở tầng 1 với độ bao phủ rộng và dày hơn đều hướng về một mục tiêu duy nhất là phủ lấp những lỗ hổng trong hệ thống chăm sóc F0.

Qua nhiều đợt tiêm chủng quy mô lớn kể từ tháng 6 đến nay, trong những ngày giãn cách xã hội được siết chặt, TPHCM đã tận dụng thời gian “vàng” để nỗ lực đẩy nhanh chiến lược tiêm vaccine. TPHCM đã triển khai tiêm 4 loại vaccine hiện có tại Việt Nam bao gồm Pfizer, Astrazeneca, Moderna và Sinopharm.

Tuy nhiên, TPHCM bùng phát dịch trong bối cảnh nguồn vaccine trong nước và trên thế giới đều khan hiếm. Dù được Chính phủ ưu tiên, thậm chí là dồn vaccine vào giai đoạn dịch bùng phát dữ dội, nhưng nguồn cung vaccine là thách thức lớn.

Để đạt được con số này, những ngày qua TPHCM đã triển khai hàng hoạt những đổi mới, sáng tạo trong việc tiêm chủng vaccine ở các quận, huyện và TP. Thủ Đức như tiêm chủng vào buổi tối, vào tận các hẻm nhỏ để tiêm vaccine cho người dân trong “vùng đỏ”, tiêm vaccine cho người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại TPHCM, tiêm vaccine cho đối tượng shipper, tiêm vaccine cho những người vô gia cư… Với sự cố gắng phân loại để không bỏ sót các đối tượng đặc biệt, yếu thế trên địa bàn, hiện TPHCM cũng là 1 trong 10 tỉnh có tiến độ tiêm chủng nhanh nhất cả nước.

Kể từ sau 23.8, khi TPHCM tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội, lực lượng quân đội đã được tăng cường để hỗ trợ chống dịch COVID-19. Người dân "ai ở yên đấy", không ra ngoài mua lương thực thực phẩm, chỉ có một số đối tượng nhất định được tham gia giao thông, cũng là lúc những chiến sĩ có mặt trên khắp mọi nẻo đường của TP, sát cánh cùng lực lượng tuyến đầu và nhân dân. Cụ thể, đã có gần 3.000 chiến sĩ từ Học viện Quân y; sư đoàn 5, Quân khu 7… được tăng cường điều phối vào thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch cho thành phố.

Lực lượng quân đội, công an chuyên trách một số nhiệm vụ cụ thể như chủ trì lo lương thực, thực phẩm cho dân, canh chốt giao thông, hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân F0 ở tận nhà, tiêm vaccine… Với tinh thần mạnh mẽ không sợ dịch bệnh và để “ai ở đâu ở yên đó”, các chiến sĩ bộ đội, quân y đang vừa giảm được sự quá tải của đội ngũ tuyến đầu, vừa có thể khiến người dân yên tâm và tin tưởng hơn khi ở nhà.

Sự chuyển hướng và thích nghi với tình hình dịch hiện nay của TPHCM là cần thiết và đúng đắn thích ứng với tình hình dịch bệnh. Và hơn hết góp phần giảm tải cho tuyến điều trị vốn đã gồng gánh quá nhiều áp lực.

LĐO | 01/09/2021 | 06:30

Video liên quan

Chủ Đề