Con tin vào tình yêu chúa trong tin mừng nào

Đoạn Phúc Âm này nằm trong bối cảnh lúc Đức Giêsu vừa chọn nhóm Mười Hai, và trình bày những gì Ngài chờ đợi nơi họ. Đó là yêu Ngài trên tất cả; vác thập giá mình theo Ngài; liều mạng sống vì Ngài.

  1. “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy…”.

Đây là lời mời gọi theo Chúa với lòng yêu mến Ngài trên hết, trên mọi sự, trên cả tình thâm ruột thịt. Có những khi ta không hẳn là từ chối Chúa, nhưng theo Ngài nửa vời, vì để cho tình cảm riêng tư xen vào, khiến ta không thực hiện được điều Chúa muốn. Có lẽ ta thấy sự hiện diện của mình quá quan trọng đối với những ai đó, đến nỗi quên đi sự hiện diện và quyền năng của Chúa trong đời họ. Nếu như ta dám dấn thân theo tiếng gọi, thì hãy phó thác tất cả cho lòng nhân từ của Chúa, vì tin rằng Ngài yêu những người thân yêu của chúng ta còn hơn chính chúng ta; rằng Ngài có kế hoạch tốt nhất cho họ. Đang khi đó vẫn có những trường hợp mà chúng ta đành bó tay, có yêu thương họ cỡ nào chăng nữa cũng chẳng làm gì hơn cho họ. Hãy để cho mọi sự diễn ra theo ý muốn của Chúa, dù tình cảnh trước mắt xem ra thật éo le, nhưng Chúa có cách của Chúa. Thật ra, mọi cái còn đang ở phía trước, và tất cả đều nằm trong sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa.

2.“Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy”.

Thập giá được đón nhận làm rơi xuống cái ảo tưởng, và cho thấy sự thật về chính mình; cho thấy mình là ai giữa những tạm bợ của cuộc đời này, và giúp mình nhận ra lẽ sống chân thật. Thập giá không chỉ là chấp nhận những gian nan thống khổ, mà còn gắn liền với hy sinh và giũ bỏ ý riêng để ý Chúa được hình thành. Mọi tránh né cũng như tìm cách che chắn cho mình khỏi những thập giá hằng ngày đều là cách thức muốn phủ nhận Đức Kitô. Tất cả những gì gọi là con đường tắt, cuối cùng chỉ là ngụy biện, trống rỗng và tự lừa dối mình. Bởi vì đích điểm của cuộc đời theo Chúa là đỉnh núi Canvê, nơi Chúa Cha đang chờ đợi ta như đã chờ đợi chính Con yêu dấu của Ngài. Sau thập giá mới là vinh quang ngàn đời mà Chúa muốn trao ban.

  1. “Ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được”.

Tin Mừng của Chúa Giêsu là một “Tin Mừng khổ lụy”, nghĩa là không chỉ có rao giảng, mà chủ yếu là thực thi, là làm chứng cho điều mình rao giảng, nghĩa là chết đi chính mình để Chân lý và Tình yêu được tỏ hiện. Nếu không như thế, thì Tin Mừng trở nên mơ hồ, thập giá trở thành đồ trang sức, và đạo lý cứu độ biến thành mớ lý thuyết suông.

Nhạc sĩ Văn Cao có những vần thơ nói về vấn đề sống-chết nghe như âm hưởng của Lời Chúa: “Giữa sự sống và sự chết, tôi chọn sự sống. Để bảo vệ sự sống, tôi chọn sự chết”. Sự sống là cái gì quý giá nhất trong đời mà ta phải nâng niu, bảo toàn. Thế nhưng cố tìm mọi cách để bám níu lấy sự sống tạm bợ này, thì chẳng khác nào ôm vào khoảng không để rồi rơi vào tuyệt vọng. Cái chết trong cuộc sống này chỉ là mất đi hình hài thể lý, nhưng sự sống linh thiêng vẫn còn nguyên. Chính thái độ tham sống sợ chết mới làm ta chết thật.

Trên đời này không có gì cao đẹp và ý nghĩa cho bằng người dám chết vì người mình yêu. Cái chết đáng ca tụng biết bao, khi nó là sự dâng hiến cuối cùng cho Đấng mà chúng ta suốt đời phụng sự với cả lòng yêu mến. Chúa Giêsu đã gọi giờ chết của Ngài là giờ được tôn vinh (x. Ga 12,23), vì đó là cái chết của sự tự nguyện, tự hiến, vì yêu mến Cha và yêu thương nhân loại. Sự tôn vinh của Chúa Giêsu cũng là sự tôn vinh con người trong ơn cứu chuộc, tôn vinh tất những ai đã bước theo Chúa trên con đường thập giá với tất cả tình yêu.

“Năm Đức Tin” vừa khai mạc. Hội thánh nhận thức tầm quan trọng và nền tảng của đức tin nên mời gọi mọi tín hữu suy niệm, học hỏi về đề tài “tin” trong năm nay (2012 – 2013). Có thể đặt ra nhiều câu hỏi xoay quanh đề tài lớn này. Chẳng hạn, tin là gì? Làm gì để tin? Tin vào ai? Tin vào điều gì? Làm gì để có niềm tin sống động? Sống thế nào là sống niềm tin? Làm thế nào để nuôi dưỡng niềm tin? Những giải pháp nào giúp vượt qua khủng hoảng niềm tin? v.v.. Nhiều lãnh vực khác nhau có thể trả lời những câu hỏi trên, chúng bổ túc và soi sáng cho nhau, nhằm giúp mọi người tìm hiểu đề tài bao trùm đời sống của Hội thánh: “TIN”.

Bài viết này trình bày đề tài “tin” trong lãnh vực Kinh Thánh và giới hạn trong Tin Mừng Gio-an. Cụ thể là Tin Mừng Gio-an nói gì về hành động “tin” và soi sáng thế nào cho những câu hỏi liên quan đến niềm tin trên đây? Nội dung bài viết sẽ tìm hiểu đề tài “tin” qua năm mục: (I) Quan sát số lần và nơi xuất hiện của động từ “pisteu,w” (tin); (II) Cách dùng động từ “tin”; (III) Ba cấp độ tin vào Đức Giê-su; (IV) Khủng hoảng niềm tin; (V) Làm gì để giữ vững niềm tin? Mong rằng Tin Mừng Gio-an có những đóng góp quan trọng và thiết thực vào việc học hỏi và sống đức tin trong thế giới hôm nay.

I. Động từ “pisteu,w” (tin) trong Tin Mừng Gio-an
Trong Tin Mừng Gio-an, động từ “pisteu,w” (tin) xuất hiện 99 lần. Tính từ “pisto,j” chỉ “người tin” xuất hiện 1 lần (20,27) và phủ định của tính từ này: “a;pistoj” (người không tin) xuất hiện 1 lần cũng ở 20,27. Đức Giê-su Phục Sinh nói với Tô-ma: “Đưa ngón tay của anh vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay của anh ra và đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng trở thành người không tin (a;pistoj), nhưng là người tin (pisto,j).”[1] Tin Mừng Gio-an không dùng danh từ “pi,stij” (lòng tin, đức tin) như trong các sách khác của Tân Ước. Với 99 lần xuất hiện trong Tin Mừng Gio-an, có thể nói “TIN” là đề tài quan trọng và tác giả nhấn mạnh đến “hành động tin”, bằng cách chỉ dùng động từ “pisteu,w” (tin) chứ không dùng danh từ “pi,stij” (lòng tin).

Động từ “pisteu,w” (tin) trong Tin Mừng Gio-an được phân bổ như thế nào? Nếu chia Tin Mừng này làm hai phần lớn: (1) Sách các dấu lạ (Ga 1–12) và (2) Sách Giờ tôn vinh (Ga 13–21) thì có hơn 3/4 lần động từ “tin” xuất hiện trong sách các dấu lạ. Cụ thể là ch. 1–12 xuất hiện 77 lần; ch. 13–21 xuất hiện 22 lần. Như thế, đề tài “tin” được triển khai chủ yếu trong phần đầu của sách Tin Mừng (ch. 1–12). Số lần xuất hiện của động từ “tin” tăng dần trong 12 chương đầu, và giảm dần trong phần thứ hai (ch. 13–21).

Nếu chia sách Tin Mừng Gio-an thành nhiều phần với độ dài khoảng 4 chương, sẽ thấy đỉnh cao số lần động từ “tin” xuất hiện ở ch. 9–12. Cụ thể các lần xuất hiện như sau: Ch 1–4: 22 lần; ch. 5–8: 26 lần; ch. 9–12: 29 lần; ch. 13–17: 15 lần; ch. 19–21: 7 lần. Các chương có động từ “tin” xuất hiện nhiều nhất là ch. 12: 10 lần; ch. 6;11: 9 lần; ch. 3: 8 lần; ch. 5;14: 7 lần; ch. 10,21: 6 lần. Có hai chương (ch. 13;19) động từ “tin” chỉ xuất hiện 1 lần, và có ba chương (ch. 15;18;21) không xuất hiện động từ “tin”. Liệt kê chi tiết 99 lần động từ “tin” trong Tin Mừng Gio-an sau đây cho thấy phân bổ tổng quát động từ “tin”:

Ch 1–12: 77 lần Ch 1–4: 22 lần 1,7.12.50; 2,11.22.23.24; 3,12a.12b.15.16.18a.18b.18c.36; 4,21.39.41.42.48.50.53; Ch. 5–8: 26 lần 5,24.38.44.46a.46b.47a.47b; 6,29.30.35.36.40.47.64a.64b.69; 7,5.31.38.39.48; 8,24.30.31.45.46; Ch. 9–12: 29 lần 9,18.35.36.38; 10,25.26.37.38a.38b.42; 11,15.25.26a.26b.27.40.42.45.48; 12,11.36.37.38.39.42.44a.44b.46.47; Ch. 13–21: 22 lần Ch. 13–17: 15 lần 13,19; 14,1a.1b.10.11a.11b.12.29; 16,9.27.30.31; 17,8.20.21; Ch. 19–21: 7 lần 19,35; 20,8.25.29a.29b.31a.31b.

Trong lời tựa sách Tin Mừng (1,1-18) đề tài “tin” đã được nói đến cách long trọng và rõ ràng. Gio-an Tẩy Giả làm chứng về Đức Giê-su là “để mọi người tin nhờ ông ấy” (1,7). Người tin được định nghĩa ở 1,12-13: “12 Những ai đã đón nhận Người (Logos), Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. Họ là những người tin vào danh của Người. 13 Họ được sinh ra không bởi khí huyết, cũng không bởi ước muốn của người phàm, cũng không bởi ước muốn của đàn ông, nhưng bởi Thiên Chúa.” Trong phần sứ vụ công khai của Đức Giê-su (ch. 1–12), người thuật chuyện triển khai đề tài “tin” qua giáo huấn và mặc khải của Đức Giê-su cho đám đông, cho các môn đệ và cho những kẻ chống đối Người (những người Pha-ri-sêu và những người Do Thái). Sang phần diễn từ từ biệt (ch. 13–17), Đức Giê-su nói về lòng tin của các môn đệ. Đến cuối sách Tin Mừng, đề tài “tin” được nhắc lại trong kết luận thứ nhất, như là mục đích của Tin Mừng: “30 Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác trước mặt các môn đệ (của Người); chúng không được ghi chép trong sách này. 31 Còn những điều đã được ghi chép là để anh em tin rằng: Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa; và nhờ tin, anh em có sự sống trong danh của Người” (20,30-31). Như thế, đề tài “tin” xuyên suốt sách Tin Mừng và mục đích những gì được viết ra là “để anh em tin” và “nhờ tin anh em có sự sống” (20,31), vậy đề tài “tin” trong Tin Mừng Gio-an là quan trọng nhưng được sử dụng như thế nào?

II. Cách dùng động từ “pisteu,w” (tin)
Cách dùng 99 lần động từ “tin” xuất hiện trong Tin Mừng Gio-an được chia làm ba loại chính: (1) Tin vào ai? (2) Tin vào điều gì? (3) “Tin” (không có bổ túc từ).
1. Tin vào ai?
Về đối tượng của hành động “tin”, Tin Mừng Gio-an nói đến (a) Tin vào Đức Giê-su; (b) Tin vào Thiên Chúa, (c) Tin vào Môsê, tin vào dân chúng.
  1. Tin vào Đức Giê-su

Phần lớn số lần động từ “tin” xuất hiện trong Tin Mừng Gio-an nói về việc “tin” hay “không tin” vào Đức Giê-su. Có hai cách dùng tiếng Hy Lạp để diễn tả ý tưởng “tin vào ai”: (1) Động từ pisteu,w (tin) + giới từ eivj (vào) + đại từ hay danh từ ở đối cách (accusative). (2) Động từ pisteu,w (tin) + đại từ hay danh từ ở tặng cách (dative).

(1) Trong lối diễn tả (pisteu,w + eivj), có bốn cách diễn tả về hành động tin vào Đức Giê-su.

(a) Cách nói khẳng định “tin vào Đức Giê-su” xuất hiện 20 lần (2,11; 3,15.16; 3,18a.36; 4,39; 6,29.35.40; 7,31.48; 8,30; 9,36; 10,42; 11,45.48; 12,11.42; 14,1a; 17,20). Cách nói phủ định: “Không tin vào Đức Giê-su” xuất hiện 4 lần (7,5; 12,37.44; 16,9).

(b) Cách thứ hai nói gián tiếp về Đức Giê-su, xuất hiện 2 lần: “Tin vào Con Người” (9,35); “tin vào ánh sáng” (12,36).

(c) Trong cách thứ ba, động từ “tin” được chia ở “lối động tính từ (participle) + giới từ eivj (vào)”: “Người tin vào Đức Giê-su” xuất hiện 7 lần (7,38.39; 11,25.26a; 12,44.46; 14,12).

(d) Cách thứ tư dùng kiểu nói: “Tin vào danh Đức Giê-su”, hay “tin vào danh Con Một Thiên Chúa”, xuất hiện 3 lần ở 1,12; 2,23; 3,18c.

Tóm lại, kiểu diễn tả: “Tin vào (pisteu,w eivj) Đức Giê-su” xuất hiện 33 lần và “tin vào (pisteu,w eivj) danh Đức Giê-su” xuất hiện 3 lần.

(2) Cách dùng “động từ pisteu,w + đại từ hay danh từ ở tặng cách (dative)” xuất hiện ít hơn cách dùng “pisteu,w eivj”. Kiểu nói khẳng định: “Tin vào Đức Giê-su” (pisteu,w + tặng cách) xuất hiện 4 lần (4,21; 5,46b; 6,30; 8,31) và kiểu nói phủ định: “Không tin vào Đức Giê-su” (pisteu,w + tặng cách) xuất hiện 6 lần (5,38; 8,45; 8,45.46; 10,37.38a). Như thế, cả hai lối diễn tả: khẳng định và phủ định, trong cách dùng “pisteu,w + tặng cách”, xuất hiện 10 lần trong Tin Mừng Gio-an.

Với hai cách dùng “pisteu,w eivj” và “pisteu,w + tặng cách”, động từ “tin” (pisteu,w) được dùng tất cả 46 lần trong Tin Mừng Gio-an để trình bày đề tài “tin hay không tin” vào Đức Giê-su.
b) Tin vào Thiên Chúa
Đề tài “tin vào Thiên Chúa” chỉ được nói đến 2 lần trong Tin Mừng Gio-an với hai cách dùng: “pisteu,w eivj” (14,1b) và “pisteu,w + tặng cách” (5,24). Lần thứ nhất ở 5,24, Đức Giê-su nói với những người Do Thái: “Ai nghe lời Tôi và tin vào Đấng đã sai Tôi (pisteu,wn tw/| pe,myanti, me), thì có sự sống đời đời” (5,24). Trong câu này, Đức Giê-su gọi Thiên Chúa là “Đấng đã sai Tôi”. Lần thứ hai ở 14,1b, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Anh em hãy tin vào Thiên Chúa (pisteu,ete eivj to.n qeo.n) và hãy tin vào Thầy” (14,1b).

Tuy đề tài “tin vào Thiên Chúa” chỉ xuất hiện 2 lần nhưng có tầm quan trọng đặc biệt. Trước hết, Đức Giê-su đồng hoá “Đấng đã sai Đức Giê-su” với “Thiên Chúa”. Tin vào Thiên Chúa (14,1a) cũng là tin vào Đấng đã sai Đức Giê-su đến thế gian (5,24). Kế đến, trong cả hai lần (5,24 và 14,1a) niềm tin vào Thiên Chúa nối kết chặt chẽ với “nghe lời Đức Giê-su” (5,24) và “tin vào Đức Giê-su” (14,1b). Điều này quan trọng vì cho phép phân biệt “môn đệ của Đức Giê-su” với “những kẻ chống đối Đức Giê-su” (những người Do Thái và những người Pha-ri-sêu). Họ cũng tin vào Thiên Chúa và cho rằng Thiên Chúa là Cha của họ. Khi tranh luận với Đức Giê-su, những người Do Thái nói rằng: “Chúng tôi không phải là con đẻ hoang. Chúng tôi chỉ có một Cha là Thiên Chúa” (8,41). Nhưng thực ra họ không có Thiên Chúa là Cha của họ, vì Đức Giê-su trả lời họ: “Nếu Thiên Chúa là Cha các ông, các ông đã yêu mến Tôi, vì chính Tôi phát xuất và đến từ nơi Thiên Chúa. Tôi không tự mình mà đến, nhưng chính Đấng ấy đã sai Tôi” (8,42).

Điều làm cho các môn đệ của Đức Giê-su khác với những người Do Thái là niềm tin của các môn đệ vào Thiên Chúa là Đấng đã sai Đức Giê-su đến thế gian. Đồng thời niềm tin này không thể tách khỏi “tin vào Đức Giê-su” (14,1b) và “nghe lời của Người” (5,24). Những người Do Thái và những người Pha-ri-sêu không tin vào Đức Giê-su, họ tự hào mình là “môn đệ của Mô-sê” và la mắng anh mù được chữa lành bằng cách cho anh ta là “môn đệ của Đức Giê-su” (x. 9,28-29). Thực vậy, người thuật chuyện kể về cuộc đối chất giữa những kẻ chống đối Đức Giê-su và anh mù được chữa lành ở 9,28-29: “28 Họ mắng anh ta và nói: ‘Anh, anh là môn đệ của Ông ấy; còn chúng tôi, chúng tôi là môn đệ của Mô-sê. 29 Chúng tôi biết rằng Thiên Chúa đã nói với Mô-sê; nhưng người này, chúng tôi không biết Ông ta từ đâu đến’.”

  1. Tin vào Môsê, tin vào dân chúng

Trong Tin Mừng Gio-an, có 1 lần Đức Giê-su nói đến “tin vào Môsê” (pisteu,w + tặng cách) ở 5,46a. Đức Giê-su nói với những người Do Thái: “Vì nếu các ông tin Mô-sê (eiv ga.r evpisteu,ete mwu?sei), các ông cũng tin Tôi, vì ông ấy đã viết về Tôi” (5,46).

Cũng với cách dùng “pisteu,w + tặng cách”, Ga 2,24 cho biết Đức Giê-su không tin vào dân chúng. Người thuật chuyện kể ở 2,23-24: “23 Trong lúc Người (Đức Giê-su) ở Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ Vượt Qua, nhiều kẻ đã tin vào danh của Người khi thấy các dấu lạ mà Người đã làm. 24 Nhưng Đức Giê-su, chính Người không tin họ (auvto.j de. VIhsou/j ouvk evpi,steuen auvto.n auvtoi/j), vì Người biết tất cả…”

Tóm lại, đề tài “tin vào ai” được trình bày trong Tin Mừng Gio-an như sau: “Tin vào Đức Giê-su” (46 lần) “tin vào Thiên Chúa” (2 lần: 14,1b.5,24); “tin vào Mô-sê” (1 lần: 5,46); “Đức Giê-su không tin dân chúng” (1 lần: 2,24).

2. Tin vào điều gì?
“Tin vào Đức Giê-su” và “tin vào điều gì” là hai nội dung chính của mặc khải trong Tin Mừng Gio-an. Trả lời câu hỏi “Tin vào điều gì?” sẽ nhận ra nội dung niềm tin của các môn đệ theo thần học Tin Mừng Gio-an. Nội dung niềm tin này được trình bày với hai công thức: (1) “pisteu,w o[ti…” (tin rằng:…) và (2) “pisteu,w + tặng cách (dative)”. Trong Tin Mừng Gio-an, có 2 lần cách dùng “pisteu,w + tặng cách” không liên quan đến việc tin vào Đức

Giê-su.

  1. Nội dung niềm tin của các môn đệ

Tin Mừng Gio-an dùng kiểu diễn tả: “pisteu,w o[ti…” (tin rằng:…) để trình bày nội dung niềm tin. Tin vào Đức Giê-su là đón nhận Người, là bước vào tương quan với Người, để từ đó tin vào lời Người mặc khải về Chúa Cha và về chính Người. Tin Mừng Gio-an dùng 11 lần công thức “pisteu,w o[ti…” (tin rằng:…) để trình bày năm nội dung niềm tin:

(1) Tin rằng Đức Giê-su là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian (2 lần: 11,27; 20,31a). (2) Tin rằng Chúa Cha đã sai Đức Giê-su (3 lần: 11,41; 17,8.21). (3) Tin rằng Đức Giê-su LÀ, với công thức “Ta Là (evgw, eivmi)” (2 lần: 8,24; 13,19). (4) Tin rằng Đức Giê-su từ Thiên Chúa mà đến (2 lần: 16,27.30). (5) Tin rằng Đức Giê-su ở trong Cha và Cha trong Đức Giê-su (2 lần: 14,10.11).

Ba nội dung niềm tin khác được diễn tả qua công thức “pisteu,w + tặng cách (dative)” với đối tượng không phải là con người.[2] Cách dùng này xuất hiện 5 lần và liên quan đến 3 nội dung niềm tin: (6) Tin vào Kinh Thánh, xuất hiện 1 lần ở 2,22a. (7) Tin vào lời Đức Giê-su, xuất hiện 3 lần, trong đó ở 2,22b và 4,50 dùng danh từ Hy Lạp “logos” (lời); ở 5,47b dùng danh từ “rêma” cũng có nghĩa là “lời”. (8) Tin vào các việc Đức Giê-su làm, xuất hiện 1 lần ở 10,38b.

Riêng ở 11,26b, người thuật chuyện dùng kiểu diễn tả: “pisteu,w + đối cách (accusative)”, chỉ xuất hiện 1 lần trong Tin Mừng Gio-an, để trình bày nội dung niềm tin quan trọng. Có thể xem mặc khải của Đức Giê-su ở 11,25-26 là nội dung thứ 9 của đức tin trong Tin Mừng Gio-an. Trong hoàn cảnh La-da-rô em của Mác-ta và Ma-ria đã chết bốn ngày, Đức Giê-su đến Bê-ta-ni-a gặp Mác-ta và nói với chị:

(9) “25 Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, dù đã chết cũng sẽ được sống, 26 và tất cả những ai sống và tin vào Thầy, muôn đời sẽ không chết. Chị có tin điều đó không?” (11,25-26).

Câu Đức Giê-su hỏi Mác-ta: “Chị có tin điều đó không? (pisteu,eij tou/toÈ)” dùng động từ “pisteu,w + đối cách” diễn tả nội dung mặc khải quan trọng ở 11,15-16a. Đây là câu trả lời của Đức Giê-su liên quan đến “sự chết” và “sự sống” của Đức Giê-su, của La-da-rô và của người tin qua mọi thời đại.[3]

  1. Động từ “tin” dùng theo nghĩa khác

Trong Tin Mừng Gio-an, xuất hiện 2 lần cách dùng “pisteu,w + tặng cách” không liên quan đến niềm tin vào Đức Giê-su:

(1) Đức Giê-su kết tội những người Do Thái là họ đã không tin vào những điều Môsê viết (5,47a). (2) Người thuật chuyện trích dẫn ngôn sứ I-sai-a ở Ga 12,38: “Ai đã tin lời rao giảng của chúng con?”

Sứ vụ của Đức Giê-su được tóm kết qua lời trích dẫn ngôn sứ I-sai-a ở Ga 12,37-38: “37 Người (Đức Giê-su) đã làm quá nhiều dấu lạ trước mặt họ, mà họ không tin vào Người, 38 để lời ngôn sứ I-sai-a được nên trọn như đã nói: ‘Lạy Đức Chúa, ai đã tin lời rao giảng của chúng con? Và cánh tay của Đức Chúa đã được tỏ cho ai?’” Trong câu: “Ai đã tin lời rao giảng của chúng con? (ti,j evpi,steusen th/| avkoh/| h`mw/nÈ)” sử dụng công thức “pisteu,w + tặng cách”.

Tóm lại, với ba cách dùng: “pisteu,w o[ti…”, “pisteu,w + tặng cách” và “pisteu,w + đối cách”, nội dung niềm tin của các môn đệ được trình bày qua 9 đề tài trên đây và xuất hiện 17 lần, cùng với 2 lần cách dùng “pisteu,w + tặng cách” không nói đến niềm tin vào Đức Giê-su (5,47a; 12,38).

3. “Tin” (pisteu,w) không có bổ túc từ
Tin Mừng Gio-an dùng 30 lần động từ “tin” (pisteu,w) không có bổ túc từ và được chia làm hai nhóm: Khẳng định (“tin”, 19 lần) và phủ định (“không tin”, 11 lần).

(a) Động từ “tin” trong câu khẳng định và không có bổ túc từ, xuất hiện 16 lần trong Tin Mừng Gio-an: 1,7.50; 3,12b; 4,41.42.53; 6,69; 9,38; 11,15.40; 14,29; 16,31; 19,35; 20,8.29a.31b. Bản văn còn dùng lối động tính từ (participle): “Người tin” (o` pisteu,wn), xuất hiện 3 lần ở 3,18b; 6,47; 20,29b.

(b) Động từ “tin” ở thể phủ định “không tin”, không có bổ túc từ xuất hiện 10 lần: 3,12a; 4,48; 5,44; 6,36.64a; 9,18; 10,25.26; 12,39; 20,25. Động từ “tin” ở lối động tính từ: “Người không tin” chỉ xuất hiện 1 lần ở 6,64b.

Khi người thuật chuyện dùng động từ “tin” không có bổ túc từ thường bao hàm nhiều khía cạnh của niềm tin (tin vào ai và tin vào điều gì). Chẳng hạn, khi Si-môn Phê-rô và người môn đệ khác, người Đức Giê-su thương mến, đi ra mộ Đức Giê-su, vào ngày thứ nhất trong tuần (20,1-7), họ không thấy Đức Giê-su trong mộ, họ chỉ “6b thấy những băng vải còn để đó, 7 và khăn che đầu của Người không để với những băng vải, nhưng cuốn lại để riêng ra một nơi” (20,6b-7). Người thuật chuyện viết về người môn đệ Đức Giê-su thương mến: “Ông ấy đã thấy và đã tin” (20,8b).

Như thế, trước khi Đức Giê-su Phục Sinh hiện ra với các môn đệ vào tối ngày hôm đó (20,19-23), người môn đệ Đức Giê-su thương mến là người đầu tiên đã tin vào Đức Giê-su Phục Sinh. Cách thức “thấy” và “tin” của người môn đệ này được đề cao trong trình thuật, đó là “thấy thực sự” và “tin thực sự”. Điều đáng chú ý là người môn đệ này “đã thấy” và “đã tin” khi “không thấy Đức Giê-su”, ông chỉ thấy ngôi mộ trống, thấy khăn che đầu và những băng vải. Ý tưởng “không thấy Đức Giê-su mà tin” sẽ là lời chúc phúc của Đức Giê-su ở cuối sách Tin Mừng Gio-an. Đức Giê-su nói với Tô-ma: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin? Phúc cho những người không thấy mà là những người tin” (20,29).

Hai động từ “thấy” và “tin” ở 20,8 không có bổ túc từ cho phép liên tưởng đến nhiều khía cạnh của hành động “thấy” và “tin”.[4] Những điều người môn đệ này thấy, không chỉ là thấy những băng vải, mà ông còn thấy ngôi mộ trống rỗng, thấy Đức Giê-su không còn đó. Xa hơn, gợi đến những gì môn đệ này đã thấy khi đứng dưới chân thập giá. Động từ “tin” ở 20,8 không có túc từ còn cho phép hiểu: Người môn đệ này không chỉ tin Đức Giê-su đã sống lại mà còn tin vào những lời Đức Giê-su đã nói, tin Đức Giê-su là Đấng Chúa Cha sai đến, tin Đức Giê-su là Đấng ban sự sống đời đời như Người đã nói. Tin ở cấp độ cao nhất là tin Đức Giê-su là “Chúa” và là “Thiên Chúa” như lời Tô-ma tuyên xưng trước Đấng Phục Sinh: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (20,28). “Thấy” và “tin” theo nghĩa tuyệt đối, không có túc từ, cho thấy người môn đệ Đức Giê-su yêu mến đã hiểu ý nghĩa biến cố Thương Khó – Phục Sinh.

Đây là hành động “thấy” và “tin” không theo nghĩa bình thường mà theo nghĩa thần học như Đức Giê-su đã nói ở 6,40: “Đây là ý muốn của Cha Tôi: Tất cả những ai THẤY người Con và TIN vào Người thì có sự sống đời đời.” Tuy nhiên, giữa việc “thấy bằng mắt” (thấy thể lý) và “tin” có một khoảng cách lớn lao. Bởi lẽ ngôi mộ trống và những băng vải không phải là bằng chứng hiển nhiên về việc Đức Giê-su Phục Sinh. Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến chỉ thấy “dấu chỉ”, chứ không thấy Đức Giê-su sống lại. Kết thúc Tin Mừng, cũng là kết thúc sứ vụ của Đức Giê-su ở trần gian, chính Đức Giê-su đã chúc phúc cho ai “không thấy mà tin”. Lời Đức Giê-su nói với Tô-ma, cũng là lời Người chúc phúc cho các môn đệ qua mọi thời đại: “Phúc cho những người không thấy mà là những người tin” (20,29).

Tóm lại, 99 lần động từ “tin” xuất hiện trong Tin Mừng Gio-an được phân bổ như sau: 50 lần nói về “Tin vào ai”; 19 lần đề cập đến “Tin vào điều gì”, và 30 lần động từ “tin” (pisteu,w) không có bổ túc từ.

III. Ba cấp độ tin vào Đức Giê-su
Đề tài “tin” trong Tin Mừng Gio-an chia làm ba cấp độ: (1) “Không thực sự tin vào Đức Giê-su”, (2) “Chưa thực sự tin vào Đức Giê-su” và (3) “Thực sự tin vào Đức Giê-su”.
1. Không thực sự tin vào Đức Giê-su (8,31)
Người thuật chuyện nói đến lòng tin của những người Do Thái ở 8,31-32: “31 Vậy, Đức Giê-su nói với những người Do Thái đã tin Người (tou.j pepisteuko,taj auvtw): ‘Nếu các ông ở lại trong lời của Tôi các ông thực sự là môn đệ của Tôi, 32 các ông sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giải phóng các ông.’” Lòng tin của những người Do Thái ở 8,31 có phải là lòng tin thực sự vào Đức Giê-su hay không? Nội dung trình thuật 8,31-59 sẽ trả lời câu hỏi này.

Nối tiếp đoạn văn 8,21-30 là đoạn văn 8,31-59. Trong đoạn văn 8,21-30 Đức Giê-su tranh luận với “những người Do Thái” (8,22) về sứ vụ của Người và về tương quan giữa Người với Chúa Cha. Đoạn văn tiếp theo (8,31-59) mở đầu bằng việc “Đức Giê-su nói với những người Do Thái đã tin Người” (8,31a), tuy nhiên nội dung đoạn văn 8,31-59 cho thấy tranh luận giữa Đức Giê-su và những người Do Thái ngày càng gay gắt cho đến hết ch. 8 (8,59).

Bối cảnh văn chương của hai đoạn văn 8,1-30 và 8,31-59 cho phép kết luận: Lòng tin của những người Do Thái ở 8,31 không phải là lòng tin đích thực vào Đức Giê-su. Họ đã không thực sự tin, vì họ đã không hiểu và không đón nhận giáo huấn của Đức Giê-su. Hơn nữa, họ đã phản ứng chống lại Đức Giê-su càng lúc càng dữ dội đến nỗi họ có ý định tìm giết Đức Giê-su (8,37.40). Sự kết án qua lại giữa Đức Giê-su và những người Do Thái rất nặng nề. Đức Giê-su nói với những người Do Thái: “Các ông thuộc về quỷ là cha các ông, và các ông muốn làm những ước muốn của cha các ông” (8,44a). Còn những người Do Thái, họ kết tội Đức Giê-su: “Ông là người Sa-ma-ri và là người bị quỷ ám” (8,48). Cuối đoạn văn họ đã ném đá Người. Trình thuật mở đầu bằng “những người Do Thái đã tin vào Đức Giê-su” (8,31) nhưng lại kết thúc: “Họ liền lượm đá để ném Người. Nhưng Đức Giê-su ẩn mình và đi ra khỏi Đền Thờ” (8,59).

Thái độ không đón nhận và thù nghịch với Đức Giê-su trong đoạn văn 8,31-59, không thể dung hoà được với lòng tin vào Người. Ngay từ đầu đoạn văn Đức Giê-su mời gọi những người Do Thái: “31b Nếu các ông ở lại trong lời của Tôi các ông thực sự là môn đệ của Tôi, 32 các ông sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giải phóng các ông” (8,31b-32). Nhưng nội dung đoạn văn cho thấy họ “không thực sự là môn đệ của Đức Giê-su” vì họ đã không “ở lại trong lời của Người”, nghĩa là họ đã không lắng nghe và đón nhận mặc khải của Đức Giê-su. Như thế, lòng tin của những người Do Thái ở 8,31 không phải là lòng tin đích thực. Cấp độ thứ hai của lòng tin theo nghĩa: “Chưa thực sự tin vào Đức Giê-su” thể hiện nơi đám đông dân chúng ở 2,23-25.

2. Chưa thực sự tin vào Đức Giê-su (2,23-25)
Người thuật chuyện tóm kết hoạt động của Đức Giê-su ở 2,23-25: “23 Trong lúc Người ở Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ Vượt Qua, nhiều kẻ đã tin vào danh của Người khi thấy các dấu lạ mà Người đã làm. 24 Nhưng Đức Giê-su, chính Người không tin họ, vì Người biết tất cả, 25 và Người không cần có ai làm chứng về con người, vì chính Người biết có gì nơi con người.”

Có sự nối kết giữa “thấy các dấu lạ” và “tin vào Đức Giê-su” trong câu 2,23. Người thuật chuyện dùng 2 lần động từ “tin” (pisteu,w) ở 2,23-24 với sự tương phản mạnh mẽ: Lần thứ nhất xuất hiện ở 2,23 cho biết nhiều người đã tin vào Đức Giê-su khi thấy những dấu lạ Người làm (2,23). Lần thứ hai xuất hiện ở 2,24 cho biết chính Đức Giê-su đã không tin vào niềm tin của họ (2,24). Như thế lòng tin của nhiều người trong trường hợp này chưa phải là “tin thực sự”. Đây là trường hợp “tin nhờ thấy dấu lạ”, nhưng lòng tin ấy chưa thoả đáng, cần được nuôi dưỡng và phát triển để đạt tới lòng tin đích thực.

3. Thực sự tin vào Đức Giê-su
Thế nào là thực sự tin vào Đức Giê-su, đề tài quan trọng này được Tin Mừng diễn tả nhiều cách và có thể xếp thành ba loại: (a) Tin đích thực nhờ dấu lạ; (b) Tin đích thực nhờ lời Đức Giê-su và (c) Tin đích thực nhờ lời các môn đệ.
  1. Tin đích thực nhờ dấu lạ

Sau khi thực hiện dấu lạ đầu tiên: Nước lã hoá thành rượu ngon (2,1-11), người thuật chuyện kết thúc câu chuyện: “Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na, miền Ga-li-lê, Người đã tỏ vinh quang của Người, và các môn đệ của Người đã tin vào Người (evpi,steusan eivj auvto.n oi` maqhtai. auvtou/)” (2,11). Người thuật chuyện cho biết dấu lạ nước hoá thành rượu là cách thức Đức Giê-su bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã nhận ra điều đó và tin vào Người. Tuy trình bày ngắn gọn nhưng đây là lòng tin đích thực vào Đức Giê-su.

Dấu lạ đầu tiên ở Ca-na (2,1-21) gợi đến dấu lạ thứ hai ở Ca-na: Đức Giê-su chữa lành con của một quan chức nhà vua (4,46-54). Người thuật chuyện kết thúc dấu lạ thứ hai này như sau: “Ông ấy và cả nhà của ông đã tin” (4,53). Đây là cách dùng động từ “tin” không có bổ túc từ, nên hàm ẩn cả hai ý: “Tin vào Đức Giê-su” và “tin vào lời của Người”. Thực vậy, dấu lạ thứ hai tại Ca-na cũng đề cao việc “tin vào lời Đức Giê-su”. Khi viên quan chức nhà vua xin Đức Giê-su đến Ca-phác-na-um để chữa lành đứa con trai bị bệnh sắp chết (4,46-47), Đức Giê-su nói với ông ấy: “Nếu các ông không thấy dấu lạ, điềm thiêng, chắc chắn các ông không tin” (4,48). Viên quan chức nhà vua nói với Người: “Thưa Ngài, xin Ngài hãy xuống trước khi con tôi chết” (4,49). Đức Giê-su nói với ông ấy: “Ông hãy đi về, con ông sống” (4,50a). Người thuật chuyện cho biết: “Người này tin vào lời Đức Giê-su nói với mình và đi về” (4,50b). Như thế, dấu lạ chữa lành được thực hiện là nhờ viên quan chức đã “tin vào lời Đức Giê-su” (5,50b). Phần ở giữa hai dấu lạ tại Cana (2,1-12; 4,46-54) là trình thuật Đức Giê-su gặp gỡ người phụ nữ Sa-ma-ri (4,1-43). Trình thuật này mô tả loại thứ hai của niềm tin đích thực: Tin nhờ lời Đức Giê-su.

  1. Tin đích thực nhờ lời Đức Giê-su

Cuộc gặp gỡ và trao đổi giữa Đức Giê-su và người phụ nữ Sa-ma-ri bên bờ giếng Gia-cóp (4,7-9) về nước sự sống (4,10-15) và về cách thức thờ phượng Chúa Cha (4,20-24) kết thúc bằng niềm tin của những người Sa-ma-ri (4,39-42). Đây là trình thuật điển hình về “tin nhờ lời Đức Giê-su”. Thực vậy, sau khi nghe lời Đức Giê-su mặc khải, người thuật chuyện kể về người phụ nữ Sa-ma-ri: “28 Vậy người phụ nữ để lại vò nước của mình đi vào thành và nói với mọi người: 29 ‘Hãy đến và xem một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm, Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao?’” (4,28-29). Chính người phụ nữ Sa-ma-ri dẫn dân thành Xy-kha đến gặp Đức Giê-su và sau đó người thuật chuyện cho biết: “Trong thành đó, nhiều người Sa-ma-ri đã tin vào Người, nhờ lời người phụ nữ làm chứng rằng: ‘Ông ấy nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm’” (4,39). Đây là trường hợp nhiều người tin nhờ lời chứng của người khác, cụ thể là nhờ lời chứng của người phụ nữ Sa-ma-ri. Chị ấy giữ vai trò sứ giả (báo cho biết) là chứng nhân (làm chứng về Đức Giê-su). Câu chuyện còn đi xa hơn khi kết thúc ở 4,40-42: “40 Vậy khi những người Sa-ma-ri đến với Người, Họ xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. 41 và nhiều người hơn nữa đã tin, nhờ lời của Người. 42 Họ nói với người phụ nữ rằng: ‘Không còn phải vì lời của chị mà chúng tôi tin. Vì chính chúng tôi đã nghe và đã biết rằng Người thật là Đấng cứu độ thế gian.’” Nhờ lời người phụ nữ, “NHIỀU NGƯỜI đã tin vào Đức Giê-su” (4,39), và sau khi Đức Giê-su ở lại với những người Sa-ma-ri hai ngày, “NHIỀU NGƯỜI HƠN NỮA đã tin” (4,41), nhờ chính lời của Đức Giê-su. Như thế, người tin đã nhiều hơn trước đây và là “tin nhờ lời Đức Giê-su”. Điều gây chú ý là Đức Giê-su không làm dấu lạ nào ở Sa-ma-ri, Người chỉ nói chuyện, trao đổi và ở lại với họ. Đây là trình thuật điển hình về “tin vào Đức Giê-su” nhờ “lời người khác” và nhờ “lời Đức Giê-su”.

  1. Tin đích thực nhờ lời các môn đệ

Cuối sứ vụ công khai, trước khi đi về với Cha qua biến cố Thương Khó – Phục Sinh, Đức Giê-su ngỏ lời với Cha của Người trước sự hiện diện của các môn đệ như sau: “Như Cha đã sai Con đến thế gian, Con cũng sai họ đến thế gian” (17,18). Qua lời này Đức Giê-su gián tiếp trao cho các môn đệ sứ vụ, họ sẽ nối tiếp sứ vụ của Đức Giê-su. Các môn đệ được Đức Giê-su sai đi rao giảng và làm chứng về Người trong thế gian. Sau đó Người đã can thiệp với Cha của Người cho những ai tin vào Người nhờ lời các môn đệ. Đức Giê-su nói với Cha: “20 Con không chỉ can thiệp cho những người này, nhưng còn cho những người tin vào Con nhờ lời của họ, 21 để tất cả nên một, lạy Cha, như Cha trong Con và Con trong Cha để họ cũng ở trong Chúng Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (17,20-21).

Tóm lại, Tin Mừng Gio-an mở đầu bằng “tin vào Đức Giê-su nhờ dấu lạ” (2,1-12), sau đó là “tin vào Đức Giê-su nhờ lời của Người” (4,1-43). Tin Mừng kết thúc bằng “tin vào Đức Giê-su nhờ lời của các môn đệ rao giảng” (17,20). Giai đoạn thứ nhất là “tin nhờ thấy dấu lạ” và “nhờ nghe lời Đức Giê-su rao giảng”. Giai đoạn thứ hai là “tin nhờ lời rao giảng và lời chứng của các môn đệ”. Đây là giai đoạn sau khi Đức Giê-su đã được tôn vinh bên Cha, giai đoạn các môn đệ “không thấy Đức Giê-su mà vẫn tin vào Người” (x. 20,29). Như thế, đề tài “tin” trong Tin Mừng Gio-an luôn hướng về tương lai. Độc giả qua mọi thời đại được mời gọi tin vào Đức Giê-su nhờ lời chứng thuật lại trong sách Tin Mừng. Người thuật chuyện ngỏ lời với độc giả về mục đích của sách trong phần kết luận ở 20,30-31: “30 Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác trước mặt các môn đệ (của Người); chúng không được ghi chép trong sách này. 31 Còn những điều đã được ghi chép là để anh em tin rằng: Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa; và nhờ tin, anh em có sự sống trong danh của Người.”

“Tin vào Đức Giê-su” là một hành trình suốt cả cuộc đời và người môn đệ sống niềm tin ấy trong mọi hoàn cảnh. Tin Mừng Gio-an cho thấy không dễ dàng sống tư cách người môn đệ và làm chứng cho niềm tin. Trong Tin Mừng Gio-an, các môn đệ đã rơi vào tình trạng khủng hoảng niềm tin.

IV. Khủng hoảng niềm tin
Có nhiều yếu tố trong Tin Mừng Gio-an làm lộ ra tình trạng khủng hoảng niềm tin nơi các môn đệ. Ngay từ ch. 6, sau diễn từ bánh sự sống (6,25-59), nhiều người trong số các môn đệ đã thốt lên rằng: “Lời này chướng tai quá! Ai có thể nghe nổi?” (6,60). Và đã xảy ra điều đáng tiếc: “Từ lúc đó, nhiều môn đệ của Người bỏ đi và không còn đi với Người nữa” (6,66). Các môn đệ này đã tin vào Đức Giê-su và được gọi là “môn đệ”, nhưng họ lại không chịu nổi những lời Đức Giê-su mặc khải về nguồn gốc và căn tính của Người. Nguồn gốc nghịch lý, vì Đức Giê-su vừa là con ông Giu-se (6,42) vừa là Đấng từ trời xuống (6,38). Huyền nhiệm và nghịch lý trong căn tính vì Đức Giê-su sẽ chết trên thập giá để ban sự sống đời đời. Nghịch lý này diễn tả qua kiểu nói: “Ăn thịt và uống máu”. Đức Giê-su khẳng định: “Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi, thì có sự sống đời đời, và Tôi sẽ làm cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (6,54). Như thế, chỉ những ai hiệp thông với Đức Giê-su trong biến cố Thương Khó – Phục Sinh của Người mới có thể đón nhận sự sống đời đời.[5]

Trong trình thuật Ga 13–17, xuất hiện nhiều yếu tố khủng hoảng trong cộng đoàn các môn đệ vào thời Đức Giê-su cũng như vào cuối thế kỷ I, lúc sách Tin Mừng được viết ra. Các yếu tố khủng hoảng như: Các môn đệ xao xuyến, sợ hãi, không biết, không hiểu lời Đức Giê-su; Phê-rô chối Thầy, Giu-đa nộp Thầy, những yếu tố này cho thấy các môn đệ đang bị khủng hoảng trầm trọng. Khủng hoảng vì “Đức Giê-su sắp đi về với Cha” (13,1), gợi đến khủng khoảng vì Đức Giê-su vắng mặt khi cộng đoàn gặp khó khăn thử thách. Cộng đoàn cảm thấy bị bỏ rơi vì Đức Giê-su không lên tiếng. Cộng đoàn như sống trong tình trạng “mồ côi” (14,18). Khủng hoảng còn đến từ bên ngoài cộng đoàn, khi các môn đệ bị “thế gian thù ghét và bách hại” (15,18–16,4a). Những khó khăn trên dẫn đến nguy cơ vấp ngã, mất niềm tin hay chối bỏ đức tin.

Trước những khó khăn xảy đến vì “tin vào Đức Giê-su” như trên, chính Đức Giê-su đã an ủi và khích lệ các môn đệ giữ vững niềm tin. Người nói: “Thầy nói với anh em từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin rằng: Thầy Là (evgw, eivmi)” (13,19); “Lòng anh em đừng xao xuyến, hãy tin vào Thiên Chúa và hãy tin vào Thầy” (14,1). Đức Giê-su báo trước sự thử thách và bách hại (15,18–16,4a) để các môn đệ đừng vấp ngã. Người nói với các ông: “Những điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em không bị vấp ngã” (16,1). Lời cuối cùng Đức Giê-su nói với các môn đệ trong ch. 13–17 là lời khích lệ lớn lao cho người tin qua mọi thời đại. Diễn từ thứ hai (ch. 15–16) kết thúc với lời Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Những điều này, Thầy nói với anh em để trong Thầy, anh em có sự bình an. Trong thế gian, anh em có sự khốn khó, nhưng anh em hãy can đảm, chính Thầy đã thắng thế gian” (16,33). Đây là lời Đức Giê-su nói với các môn đệ trước khi bước vào cuộc Thương Khó, nhưng cũng là lời của Đấng Phục Sinh khích lệ cộng đoàn cuối thế kỷ I, và qua đó an ủi người tin qua mọi thời đang gặp khốn khó. Không chỉ có những lời khích lệ và mời gọi giữ vững niềm tin, Đức Giê-su còn ban tặng các môn đệ những giải pháp cụ thể để vượt qua thử thách.

V. Làm gì để giữ vững niềm tin?
Tin Mừng Gio-an cung cấp cho độc giả nhiều giải pháp cụ thể giúp vững mạnh lòng tin và vượt qua mọi thử thách. Phần sau sẽ bàn đến ba đề tài quan trọng: 1) “Ở lại trong nhau” (Đức Giê-su – môn đệ); 2) Sự ở lại của Chúa Cha, Đức Giê-su, Đấng Pa-rác-lê; 3) Bình an và niềm vui Đức Giê-su ban tặng; 4) Hoạt động của Đấng Pa-rác-lê[6] nơi các môn đệ.
1. “Ở lại trong nhau” (Đức Giê-su – môn đệ)
Lời mời gọi “ở lại trong nhau” (Đức Giê-su – môn đệ) được Đức Giê-su nói đến nhiều lần. “Ở lại trong nhau” theo thần học Tin Mừng Gio-an là bước vào tương quan với nhau một cách chủ động và từ cả hai phía. “Đức Giê-su ở trong các môn đệ” và “các môn đệ ở trong Đức Giê-su.” Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 14,20: “Trong ngày đó, anh em sẽ biết rằng: Thầy trong Cha Thầy, anh em trong Thầy và Thầy trong anh em.” Ở lại trong nhau là điều kiện để tồn tại và sinh hoa trái (x. 15,1-8). Đức Giê-su mời gọi các môn đệ: “Anh em hãy ở lại trong Thầy, như Thầy trong anh em. Như cành nho không thể sinh hoa trái tự nó nếu không ở lại trong cây nho, anh em cũng không, nếu anh em không ở lại trong Thầy” (15,4).
2. Sự ở lại của Chúa Cha, Đức Giê-su, Đấng Pa-rác-lê
Lời hứa về sự ở lại của Chúa Cha, Đức Giê-su và Đấng Pa-rác-lê nơi các môn đệ được trình bày trong đoạn văn 14,15-24. Ba đấng sẽ đến và ở lại nơi các môn đệ với điều kiện các môn đệ “yêu mến Đức Giê-su” và “giữ các điều răn của Người”. Đức Giê-su nói với các môn đệ ở 14,15-16: “15 Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy; 16 và chính Thầy sẽ can thiệp với Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Pa-rác-lê khác để Người ở với anh em mãi mãi.” Đến 14,23, Đức Giê-su mặc khải cho các môn đệ biết: “Ai yêu mến Thầy sẽ giữ lời của Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Tôi sẽ đến với người ấy và sẽ làm chỗ ở nơi người ấy” (14,23). Sự ở lại của Ba Đấng nơi các môn đệ là nguồn khích lệ và an ủi lớn lao cho các môn đệ trong hoàn cảnh khó khăn.
3. Bình an và niềm vui Đức Giê-su ban tặng
Đức Giê-su hứa ban bình an và niềm vui của Người cho các môn đệ. Đề tài “niềm vui” và “bình an” trong ch. 14–17 mang đậm nét Ki-tô học. Đó là “bình an của Đức Giê-su” và “niềm vui của Đức Giê-su” chứ không phải của thế gian. Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Không như thế gian ban mà chính Thầy ban cho anh em. Lòng anh em đừng xao xuyến, đừng sợ hãi” (14,27). Đức Giê-su mong muốn niềm vui của Người trở thành niềm vui của các môn đệ, khi Người nói với họ: “Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để niềm vui của Thầy ở trong anh em và niềm vui của anh em được trọn vẹn” (15,11). Đó là niềm vui trọn vẹn, bền bỉ vì không ai lấy mất được niềm vui này nơi các môn đệ. Đức Giê-su nói với các môn đệ trước biến cố Thương Khó: “Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ lại thấy anh em, và lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy khỏi anh em được” (16,22). Lời cuối cùng Đức Giê-su nói với các môn đệ trong ch. 13–17 là lời ban bình an và khích lệ: “Những điều này, Thầy nói với anh em để trong Thầy, anh em có sự bình an. Trong thế gian, anh em có sự khốn khó, nhưng anh em hãy can đảm, chính Thầy đã thắng thế gian” (16,33). Như thế, có niềm vui và bình an Đức Giê-su ban tặng sẽ giúp các môn đệ vượt qua thử thách. Họ không còn xao xuyến và sợ hãi nữa (14,1.27) cho dù phải gian khổ vì thuộc về Đức Giê-su.

Đề tài “niềm vui” và “bình an” trong ch. 14–17 có thể hiểu theo “chiều ngang” và theo “chiều dọc”. Cách hiểu theo chiều ngang phù hợp với bối cảnh lịch sử thời Đức Giê-su. Các môn đệ buồn rầu, sợ hãi, xao xuyến khi Đức Giê-su bước vào cuộc Thương Khó. Nhưng Đức Giê-su hứa ban niềm vui trong tương lai, khi Thầy trò gặp lại nhau sau biến cố Phục Sinh. Hiểu niềm vui và bình an theo chiều ngang đề cao biến cố nền tảng của niềm tin: Biến cố Thương Khó và Phục Sinh của Đức Giê-su. Biến cố này có khả năng đem lại bình an và niềm vui đích thực cho các môn đệ. Tuy nhiên, sau biến cố Phục Sinh cộng đoàn các môn đệ vẫn gặp thử thách và bách hại. Cách hiểu theo chiều dọc giúp các môn đệ sống và giữ vững niềm tin.

Thực vậy, cách hiểu theo chiều dọc về đề tài “niềm vui” và “bình an” được áp dụng cho cộng đoàn các môn đệ vào cuối thế kỷ I và cho người tin qua mọi thời đại. Trong Ga 14–17, Đức Giê-su không chỉ hứa ban niềm vui và bình an “trong tương lai” (sau biến cố Phục Sinh), nmà còn ban cho các môn đệ niềm vui và bình an của Người “trong hiện tại” (trong lúc các môn đệ đang xao xuyến và sợ hãi). Điều này rất quan trọng đối với cộng đoàn Gio-an vào cuối thế kỷ I, vì cộng đoàn này đang bị thế gian thù ghét và bách hại. Hiểu “niềm vui” và “bình an” theo chiều dọc là hiểu theo chiều từ trên xuống. “Bình an” và “niềm vui” của Đức Giê-su là ơn ban từ trên, nghĩa là nhờ “bình an” và “niềm vui” từ trên ban xuống mà các môn đệ có thể đón nhận hoàn cảnh đang sống và vượt qua thử thách trong hiện tại. Bình an và niềm vui của Đức Giê-su là những thực tại được ban từ trên cao, từ nơi Thiên Chúa. Cách hiểu theo chiều dọc này giúp các môn đệ sống trọn vẹn hai thực tại đối lập: “Niềm vui và nỗi buồn”, “khủng hoảng và bình an”. Nhưng các thực tại này được nhìn trên hai bình diện khác nhau: “Nỗi buồn” và “khủng hoảng” là thực tại thuộc về hạ giới (thế gian này); “niềm vui” và “bình an” của Đức Giê-su là thực tại thuộc về thượng giới (thế giới của Thiên Chúa).

Đọc và hiểu bản văn theo “chiều ngang” và “chiều dọc” như trên là một trong những nét độc đáo của thần học Tin Mừng Gio-an. Cách đọc này quan trọng vì vừa cho phép đề cao biến cố Thương Khó – Phục Sinh, vừa cho phép hiện tại hóa không ngừng hoàn cảnh sống của các môn đệ. Đức Giê-su còn mặc khải một giải pháp quan trọng khác, đó là vai trò và hoạt động của Đấng Pa-rác-lê.

4. Hoạt động của Đấng Pa-rác-lê nơi các môn đệ
Vai trò và hoạt động của Đấng Pa-rác-lê nơi các môn đệ là đề tài quan trọng trong ch. 14–16. Sau khi Đức Giê-su đi về với Cha của Người, Đấng Pa-rác-lê được gửi tới các môn đệ với điều kiện là các môn đệ “yêu mến Đức Giê-su” và “giữ các điều răn của Người” (14,15). Hoạt động phong phú của Đấng Pa-rác-lê nơi các môn đệ có thể quy về ba lãnh vực (1) Ở với và hướng dẫn các môn đệ; (2) Giảng dạy và làm cho các môn đệ biết; (3) Làm chứng “trước” và “trong” các môn đệ.[7]

(1) Trước hết, Đấng Pa-rác-lê sẽ “ở với” các môn đệ, “ở giữa” cộng đoàn và “ở trong” từng môn đệ mãi mãi (14,16-17). Đấng Pa-rác-lê ở lại, đồng hành với các môn đệ và dẫn họ “đi trong sự thật toàn vẹn” (16,12). Bất cứ ai “yêu mến Đức Giê-su và giữ các điều răn của Người” thì đã được Đấng Pa-rác-lê là Thần Khí sự thật, ở lại mãi mãi với mình rồi. Vì thế, theo thần học Tin Mừng Gio-an, người môn đệ không cần phải xin “Đấng Pa-rác-lê – Thần Khí sự thật” đến với mình nữa. Thiết nghĩ điều ước nguyện là xin cho mình ý thức sự hiện diện và sự hướng dẫn của Thánh Thần ở nơi mình.

(2) Đấng Pa-rác-lê sẽ “dạy các môn đệ” tất cả những gì Đức Giê-su đã nói, và “làm cho các môn đệ nhớ lại” mọi giáo huấn của Đức Giê-su (14,26). Đấng Pa-rác-lê sẽ lấy những gì của Đức Giê-su mà loan báo cho các môn đệ (16,13-15). Đối với thế gian thù ghét, Đấng Pa-rác-lê sẽ cho các môn đệ biết sự thật về thế gian và số phận của thủ lãnh thế gian. Thế gian có tội vì đã không tin vào Đức Giê-su và thủ lãnh của thế gian đã bị xét xử rồi (16,8-11). Đấng Pa-rác-lê sẽ làm cho các môn đệ biết sự thật về Đức Giê-su và ý nghĩa của biến cố Thương Khó. Trên bình diện lịch sử, Đức Giê-su đã bị giết chết trên thập giá, nhưng trên bình diện mặc khải, đó là biến cố Đức Giê-su đi về với Cha của Người, đó là Giờ Người được tôn vinh và là Giờ Người tôn vinh Chúa Cha (13,31-32; 17,1).

(3) Đấng Pa-rác-lê còn giữ vai trò quan trọng là “làm chứng về Đức Giê-su” “trước” và “trong” các môn đệ. “Làm chứng trước các môn đệ”, vì Đấng Pa-rác-lê giúp các môn đệ hiểu biết và xác tín về sứ vụ và nguồn gốc của Đức Giê-su. Đấng Pa-rác-lê “làm chứng trong các môn đệ”, khi các môn đệ làm chứng về Đức Giê-su trước thế gian. Trong trường hợp này, Đấng Pa-rác-lê sẽ hướng dẫn, soi sáng từ bên trong, để các môn đệ can đảm làm chứng về Đức Giê-su trong mọi hoàn cảnh sống.

Nếu các môn đệ đón nhận những hoạt động phong phú của Đấng Pa-rác-lê được trình bày trong Tin Mừng Gio-an thì niềm tin của họ sẽ càng ngày càng được củng cố và vững mạnh. Nhờ đó các môn đệ có thể sống lòng tin trong niềm vui và bình an, cho dù còn phải đối diện với nhiều thách đố.

Kết luận
Phân tích trên cho thấy tầm quan trọng của động từ “tin” trong Tin Mừng Gio-an. “Tin” là một trong những từ xuất hiện nhiều nhất trong sách Tin Mừng này (99 lần). Đặc biệt Tin Mừng mở đầu bằng định nghĩa thế nào là “tin” (1,11-13) trong lời tựa sách Tin Mừng (1,1-18). Tiếp theo nội dung Tin Mừng cho biết thế nào là “không tin”, thế nào là “không thực sự” hay “chưa thực sự” tin vào Đức Giê-su, thế nào là “thực sự tin” và “tin” thì được lãnh nhận điều gì… Cuối cùng, Tin Mừng Gio-an kết thúc bằng lời mời gọi độc giả tin rằng: “Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa; và nhờ tin, anh em có sự sống trong danh của Người” (20,31). Như thế, có thể gọi Tin Mừng Gio-an là “Tin Mừng của niềm tin”.

“TIN” là đề tài quan trọng, nhưng tin như thế nào? Tin vào ai? Và tin vào điều gì? Để “tin” con người cần mở lòng đón nhận giáo huấn của Thiên Chúa (6,45), cần được sinh ra bởi trên (3,3.7), đón nhận Đức Giê-su và bước vào tương quan lòng mến với Người. Tin vào ai? Tin Mừng mời gọi Tin vào Đức Giê-su như là Đấng từ trời xuống để ban sự sống đời đời cho người tin, Người là Đấng Chúa Cha sai đến thế gian để cứu thế gian khỏi sự hư mất (3,16-17). Tin vào Đức Giê-su cũng là tin vào Thiên Chúa là Cha của Đức Giê-su. Nội dung của niềm tin là gì? Tin Mừng Gio-an trình bày nội dung niềm tin qua công thức: “tin rằng:…” Với 9 nội dung niềm tin như đã trình bày, Tin Mừng Gio-an cho biết cách “sống”, “thực hành” và “tuyên xưng” niềm tin. Thiết nghĩ, điều quan trọng hơn cả của hành động “tin” là bước vào tương quan tình yêu, cách mới mẻ và sống động, với Đức Giê-su, với Chúa Cha và với anh chị em mình. Đó là niềm tin có khả năng đem lại “sức sống” và “sự sống” đích thực cho con người. Nhờ tin, người môn đệ được lãnh nhận sự sống đời đời ngay bây giờ, ngay đời này và sự sống ấy sẽ nên trọn vẹn trong đời sau.

Người tin xác tín rằng: Tin vào Đức Giê-su thì có sự sống đời đời, nhưng hành trình làm môn đệ trong thế gian này vẫn còn nhiều thử thách cam go. Có trường hợp người tin phải hy sinh cả mạng sống mình để bảo toàn “tình yêu”, “lòng trung tín” và “sự sống đích thực” mà Đức Giê-su đã ban tặng. Vậy phải làm gì khi bị khủng hoảng niềm tin? Tin Mừng Gio-an đưa ra nhiều giải pháp để các môn đệ có thể giữ vững niềm tin. Cụ thể là Đức Giê-su mời gọi các môn đệ gắn kết với Người qua việc “ở lại trong Người” và để “Người ở lại trong mình.” Tương quan với Đức Giê-su dựa trên “biết”, “tin” và “yêu” này tạo nên sức mạnh tâm linh giúp các môn đệ đứng vững trong thử thách. Đức Giê-su còn hứa sự ở lại của Ba Đấng nơi người tin. Chúa Cha, Đức Giê-su và Đấng Pa-rác-lê hiện diện và ở lại nơi những ai yêu mến và giữ các điều răn của Đức Giê-su. Đây là khích lệ lớn lao khi người môn đệ cảm thấy mình như bị bỏ rơi. Dù còn nhiều gian lao khốn khó trong thế gian, người tin đã có niềm vui và bình an của Đức Giê-su ban tặng. Quà tặng niềm vui và bình an không làm biến mất những khó khăn thử thách nhưng giúp người tin đón nhận và sống trọn vẹn thực tế cuộc sống; bởi vì niềm vui và bình an của Đức Giê-su ban tặng đã trở thành niềm vui và bình an của chính mình. Một trong những điểm độc đáo của Tin Mừng Gio-an là vai trò và hoạt động của Đấng Pa-rác-lê nơi các môn đệ. Những hoạt động phong phú đa dạng của Đấng Pa-rác-lê sẽ giúp các môn đệ giữ vững niềm tin, không vấp ngã trước mọi thử thách và can đảm làm chứng về Đức Giê-su.

Với cách trình bày chi tiết liên quan đến nhiều khía cạnh của đề tài “tin”, Tin Mừng Gio-an đã góp phần quan trọng cho độc giả qua mọi thời đại. Những ai muốn nếm hưởng sự sống đích thực nhờ “tin vào Đức Giê-su” có thể tìm đến Tin Mừng Gio-an. Những ai muốn sống niềm tin cách sống động, muốn củng cố niềm tin đã có, hay muốn vượt qua khủng hoảng niềm tin… đều có thể tìm thấy những câu trả lời cụ thể và thiết thực trong Tin Mừng Gio-an./.

Giuse Lê MinhThông, O.P.
  1. Bản văn Gio-an, TIN MỪNG và BA THƯ, Hy Lạp – Việt, Nxb. Tôn Giáo, 2011, 340 tr.
  2. ##### ĐẤNG PA-RÁC-LÊ – Thần Khí sự thật – trong Tin Mừng thứ tư, Nxb. Tôn Giáo, 2010, 376 tr.
  3. ##### KHỦNG HOẢNG VÀ GIẢI PHÁP cho các môn đệ trong Tin Mừng thứ tư, Nxb. Tôn Giáo, 2010, 316 tr.
  4. ##### Phân tích thuật chuyện và cấu trúc áp dụng vào Tin Mừng thứ tư, Nxb. Phương Đông, 2010, 228 tr.
________

[1] Tất cả trích dẫn bản văn Tin Mừng Gio-an lấy trong Giu-se LÊ MINH THÔNG, Bản văn Gio-an, TIN MỪNG và BA THƯ, Hy Lạp – Việt, Nxb. Tôn Giáo, 2011. [2] Công thức “pisteu,w + tặng cách (dative)” với đối tượng là con người đã trình bày ở trên. [3] Xem phân tích đoạn văn Ga 11, 11,1-54 về “chết” và “sống” trong Giu-se LÊ MINH THÔNG, Phân tích thuật chuyện và cấu trúc áp dụng vào Tin Mừng thứ tư, 2010, tr. 147-185. [4] Xem bài viết Ga 20,1-9: “Ông đã thấy và đã tin” (20,8). Ai thấy? Thấy gì? Tin gì?” tại http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com. [5] Xem phân tích đoạn văn Ga 6,1-71 trong Giu-se LÊ MINH THÔNG, Phân tích thuật chuyện và cấu trúc áp dụng vào Tin Mừng thứ tư, 2010, tr. 110-146. [6] Đấng Pa-rác-lê, tiếng Hy Lạp: para,klhtoj, là Thánh Thần, Thần Khí sự thật, xem giải thích tại sao lại gọi là “Đấng Pa-rác-lê” trong Giu-se LÊ MINH THÔNG, ĐẤNG PA-RÁC-LÊ – Thần Khí sự thật – trong Tin Mừng thứ tư, 2010, tr. 73-80. [7] Xem phân tích chi tiết về hoạt động của Đấng Pa-rác-lê trong Giu-se LÊ MINH THÔNG, ĐẤNG PA-RÁC-LÊ – Thần Khí sự thật – trong Tin Mừng thứ tư, 2010, tr. 153-330.