Di sản tư liệu thế giới là gì

Bà Dianne Mary Macaskill - Chủ tịch UBQG Chương trình Ký ức thế giới [MOW] New Zealand, Phó Chủ tịch MOW Châu Á - Thái Bình Dương:

Di sản tư liệu là câu chuyện lịch sử chân thực nhất

Cập nhật lúc 09:03, Thứ Năm, 27/11/2014 [GMT+7]

Hội thảo “Nâng cao hình ảnh quốc gia qua Di sản tư liệu được UNESCO công nhận” vừa được Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức tại Đà Lạt. Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với bà Dianne Mary Macaskill về những cơ hội và thách thức cho Việt Nam trong việc sử dụng Di sản tư liệu được UNESCO công nhận để nâng cao hình ảnh quốc gia.

PV: Xin bà cho biết vài nét về Chương trình MOW của UNESCO và Việt Nam?

Bà Dianne Mary Macaskill: 

Chương trình Ký ức thế giới [Memoy Of the World - MOW] của UNESCO là một trong 3 chương trình di sản của UNESCO, ra đời năm 1992 với mục đích bảo tồn các di sản tư liệu của nhân loại cho thế hệ tương lai; đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với việc bảo vệ và tiếp cận các di sản tư liệu thế giới. Những tài liệu Di sản được công nhận đầu tiên vào năm 1997, với 3 cấp độ: quốc gia, khu vực và quốc tế. Mục tiêu của việc công nhận các di sản tư liệu nhằm thay đổi cách đánh giá, bảo quản, sử dụng tài liệu có trong thư viện, lưu trữ và bảo tàng ở mỗi quốc gia, chính phủ, cộng đồng. Đến cuối năm 2013 đã có 84 Di sản tư liệu được đề nghị và đã có 56 Di sản được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới.

Việt Nam tham gia MOW từ năm 2006. Đến nay, Việt Nam đã có 4 tư liệu được công nhận là Di sản tư liệu thuộc MOW của UNESCO. Đó là “Mộc bản triều Nguyễn” [2009] hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV [Đà Lạt], “82 Bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê - Mạc” [2011] tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám [Hà Nội], “Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm” [2012, Bắc Giang] và “Châu bản triều Nguyễn” [2014] được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I [Hà Nội].

PV: Bà đánh giá như thế nào về cơ hội và thách thức của Việt Nam trong việc sử dụng Di sản tư liệu để nâng cao hình ảnh quốc gia?

Bà Dianne Mary Macaskill:

Việt Nam đang có rất nhiều di sản tư liệu quý. Đây là những bằng chứng về những gì đã xảy ra trong quá khứ. Từ đó có thể thấy sự đổi thay của Việt Nam thông qua di sản tư liệu. Nói một cách khác, các di sản tư liệu chính là những câu chuyện lịch sử chân thực nhất. Khi các di sản tư liệu được dịch sang tiếng nước ngoài để bạn bè thế giới được biết và tham khảo chính là cách để quảng bá hình ảnh của Việt nam bằng lịch sử dân tộc. Nhưng, không phải di sản tư liệu nào cũng dễ chuyển ngữ, cho nên, cần phải có những phương pháp phù hợp và tiến bộ để tư liệu di sản được quảng bá tốt hơn nữa tới bạn bè thế giới. Ví dụ, hiện nay, du khách tham quan di sản tư liệu dùng điện thoại để chụp ảnh và chia sẻ những thông tin về di sản tư liệu tới bạn bè… Nhưng, những người làm công tác di sản cần nghĩ đến phương pháp lâu dài, bền vững và mang lại hiệu quả cao hơn, như: liên kết các chuỗi di tích để quảng bá hình ảnh quốc gia thông qua các hình thức thu hút du khách, thu hút giới nghiên cứu và truyền thông, dịch giả và giảng viên…

Khác với các di sản vật thể, di sản tư liệu phải được bảo tồn trong điều kiện khác biệt và không dễ thực hiện, vì chúng được thể hiện trên những vật liệu khác nhau, như trên giấy, trên đá, trên gỗ… Với mỗi loại vật liệu cần có công tác bảo tồn, điều kiện bảo tồn khác nhau… để lưu giữ và phát huy giá trị của di sản tư liệu. Hiện nay, thông qua việc số hóa, các di sản tư liệu có thể được lưu giữ lâu hơn và giới thiệu rộng rãi hơn tới nhiều đối tượng trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Nhưng, để số hóa được di sản tư liệu, chúng ta cần phải có nguồn lực, cần những con người có kỹ năng, có kiến thức trong việc thực hiện số hóa. Còn để làm tốt hơn công tác phát huy và bảo tồn di sản, thì nước nào có di sản tư liệu cũng đều phải đối mặt chứ không riêng Việt Nam. Cần có mạng lưới liên kết đến các quốc gia có di sản tư liệu để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm công tác bảo tồn, phát huy và truyền lại những kinh nghiệm này cho các thế hệ làm công tác bảo tồn, cũng như truyền lại niềm đam mê học hỏi, tìm hiểu về di sản tư liệu và niềm tự hào có những di sản tư liệu ấy cho con cháu chúng ta… để di sản tư liệu trở thành tài sản quý giá và được yêu mến, trân trọng thực sự… Chương trình Ký ức thế giới chính là sự hỗ trợ đắc lực để Việt Nam bảo tồn và phát huy giá trị của di sản tư liệu và quảng bá di sản tư liệu Việt Nam ra thế giới…

Di sản tư liệu Mộc bản được bảo quản ở Đà Lạt

PV: Qua thực tiễn ở New Zealand bà có thể chia sẻ các kinh nghiệm Việt Nam nên thực hiện trong việc sử dụng Di sản tư liệu để nâng cao hình ảnh quốc gia ra sao?

Bà Dianne Mary Macaskill:

Ở New Zealand, MOW được quản lý bởi một tổ chức từ thiện, có pháp nhân riêng biệt, được Ủy ban Quốc gia UNESCO New Zealand hỗ trợ. Chúng tôi tìm kiếm những di sản tư liệu có ý nghĩa quan trọng về sự hình thành dân tộc và lịch sử dân tộc, như tư liệu về người Maori: có tổ tiên là những thổ dân sống ở miền Đông Polynesia, xuất hiện ở New Zealand khoảng thế kỷ thứ X. Trải qua nhiều thế kỷ bị cô lập, những cư dân Polynesia này đã phát triển một nền văn hóa Maori độc đáo, với một ngôn ngữ riêng [nay là một trong 3 ngôn ngữ chính của New Zealand], một kho thần thoại phong phú, các nghề thủ công và nghệ thuật trình diễn đặc sắc... Tư liệu về cuộc sống và sự nghiệp văn học của Charles Orwell Brasch - nhà thơ, nhà biên tập văn học và nghệ thuật... Tư liệu lưu trữ về đại công dân New Zealand - Edmund Hillary Archive - nhà leo núi, nhà thám hiểm và nhà từ thiện; ông và người bạn Sherpa trở thành người đầu tiên chinh phục đỉnh Everest vào tháng 5/1953 và được vinh danh là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất của thế kỷ XX… 

Ngoài ra, di sản tư liệu ở New Zealand là những câu chuyện quốc tế, với 11 di sản tư liệu về nhân quyền và 7 di sản tư liệu về y học cổ truyền được công nhận, như: Tư liệu lưu trữ về tội ác diệt chủng ở Campuchia, tư liệu về kiến nghị quyền bỏ phiếu của phụ nữ… Chúng tôi đánh giá cao và tập trung vào sự cần thiết và đảm bảo của việc bảo quản di sản tư liệu và tiếp cận tư liệu. Chúng tôi cũng khuyến khích việc công nhận di sản tư liệu ở cấp khu vực và quốc tế đối với những tư liệu nổi bật của New Zealand…

Ở New Zealand, di sản tư liệu mang lại lợi ích tích cực và to lớn cho những cơ quan, tổ chức được lưu trữ và bảo quản di sản ấy. Đó là được nâng cao danh tiếng bởi những mối quan tâm ngày càng tăng của giới nghiên cứu và giảng dạy ở những lĩnh vực liên quan đến di sản; ngoài ra, còn thu hút được nguồn tài trợ cho nghiên cứu và số hóa những tài liệu đang bị đe dọa, đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều độc giả dễ dàng tiếp cận với tư liệu hơn… Đó chính là quảng bá và nâng cao hình ảnh đất nước qua di sản tư liệu. 

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

LÊ HOA [thực hiện]

,

Ngày 30/5/2018, Hội nghị Toàn thể lần thứ 8 Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO diễn ra tại Hàn Quốc, đã nhất trí ghi danh hồ sơ “Hoàng Hoa sứ trình đồ” của Việt Nam vào danh sách các di sản tư liệu của Chương trình. Đây cũng là di sản tư liệu thứ 7 của Việt Nam được phong di sản tư liệu và di sản ký ức thế giới. Nhưng dù được phong danh, di sản tư liệu ở Việt Nam vẫn chưa thật sự “sống” và được chú trọng quan tâm tham gia cuộc sống.

Khi thông tin “Hoàng Hoa sứ trình đồ” thuộc dòng họ Nguyễn Huy [Trường Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh], được phong danh di sản Ký ức Châu Á- Thái Bình Dương, thêm chấm thứ 7 trên bản đồ di sản tư liệu thế giới ở Việt Nam, cũng là khi nhìn lại những di sản tư liệu của Việt Nam lâu nay dù được “đánh thức” nhưng chưa hoàn toàn tham gia vào cuộc sống, được phổ biến sâu rộng hay sử dụng như tư liệu để tham chiếu nhiều vần đề của lịch sử, địa lý, văn hóa, xã hội, ngoại giao… hiện tại.

Một trang trong Hoàng Hoa sứ trình đồ.

Di sản tư liệu là bảo vật quốc gia

Di sản tư liệu là thuật ngữ được sử dụng bởi Chương trình Ký ức thế giới do UNESCO khởi xướng từ năm 1992 nhằm chỉ những tư liệu, tài liệu có giá trị đặc biệt và có tầm ảnh hưởng rộng lớn trên thế giới. Di sản tư liệu còn được xem là những bảo vật, tài sản quan trọng của quốc gia mà qua đó có thể hiểu được về lịch sử, văn hóa, kinh tế- chính trị và các lĩnh vực xã hội của cả nước hay từng vùng, miền, dân tộc, ngành nghề, dòng họ...

Cách đây mấy năm, khái niệm này trở nên tương đối quen thuộc ở Việt Nam kể từ khi Mộc bản triều Nguyễn trở thành di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận năm 2009. Tiếp đó, 82 Bia đá ghi chép các khoa thi tiến sĩ triều Lê- Mạc ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám, Hà Nội năm 2011. Rồi Mộc bản kinh Phật thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang năm 2012.

Bốn năm sau, tiếp Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế năm 2016, Mộc bản trường Phúc Giang thuộc dòng họ Nguyễn Huy, Can Lộc, Hà Tĩnh năm 2016, Châu bản triều Nguyễn năm 2017, và năm 2018, cuốn sách “Hoàng Hoa sứ trình đồ” cũng thuộc về dòng họ Nguyễn Huy, được vinh danh bởi các giá trị mang tính biểu trưng của tư liệu thế giới.

Đây đều là những di sản được coi là quốc bảo có giá trị nổi bật với nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, tính duy nhất không thể thay thế và sức ảnh hưởng sâu rộng.

Bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc tử giám.

“Mộc bản triều Nguyễn”, những bản khắc gỗ chữ Hán- Nôm đang được bảo quản tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia IV [tỉnh Lâm Đồng], là một trong những di sản tư liệu đồ sộ và còn được lưu giữ ở nước ta qua nhiều thế kỷ.

Theo hồ sơ của Cục Di sản, Bộ VH-TT&DL, 34.555 bản khắc Mộc bản triều Nguyễn đã lưu lại những tác phẩm chính văn, chính sử do triều Nguyễn biên soạn, các sách kinh điển và sách lịch sử…, phản ánh mọi mặt của xã hội Việt Nam dưới triều Nguyễn về lịch sử, địa lý, chính trị - xã hội, quân sự, pháp chế, tôn giáo- tư tưởng- triết học, ngôn ngữ- văn tự, văn hóa, giáo dục

82 “Bia đá tiến sĩ ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám”, Hà Nội là nguồn tư liệu phong phú phản ánh giai đoạn lịch sử hơn 300 năm dưới triều Lê- Mạc [1442-1779], cho thấy tư tưởng trị quốc dựa vào nhân tài. Câu “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám trở thành “kim chỉ nam” trong việc giáo dục nhân tài cho đất nước ở mọi thời đại.

“Mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm”, hiện nay còn lưu giữ 34 đầu sách với gần 3.000 bản khắc trên gỗ, mỗi bản có hai mặt, mỗi mặt 2 trang sách [âm bản] khoảng 2.000 chữ Nôm, chữ Hán, chữ Phạn, được các vị sư tổ Thiền phái Trúc Lâm ở chùa Vĩnh Nghiêm cho khắc tạc từ những năm giữa thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX.

Đây là nguồn tư liệu quý giá cho việc nghiên cứu sự phát triển của ngôn ngữ Việt nói chung, của chữ Nôm nói riêng trong lịch sử, chứa đựng những giá trị có trong kinh, sách, các văn bản về giới luật nhà Phật và một số trước tác về thơ, phú, nhật ký của các vị cao tăng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử riêng có ở Việt Nam.

“Châu bản triều Nguyễn” là khối tài liệu hành chính duy nhất còn lưu giữ được của vương triều phong kiến cuối cùng ở Việt Nam, với 776 tập Châu bản của 11 đời vua, gồm 8.500 văn bản tương đương hơn 200 nghìn tờ, ghi lại nhiều thông tin phong phú phản ánh toàn bộ lịch sử, đời sống kinh tế- xã hội, con người Việt Nam thế kỷ 19, nửa đầu thế kỷ 20.

“Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” thể hiện trên nhiều chất liệu khác nhau như gỗ, đá, đồng, pháp  lam, khảm sành sứ, sơn son thếp vàng… Đây là di sản tư liệu thể hiện tư tưởng của các vị vua triều Nguyễn về lịch sử, độc lập dân tộc, văn hóa, quan niệm trị quốc, dân sinh… Một loại hình nghệ thuật trang trí đặc biệt và tư liệu độc đáo riêng có tại cố đô Huế, với gần 3.000 họa tiết trang trí ở đây chưa thấy xuất hiện ở những nơi khác trên thế giới.

“Mộc bản Trường Lưu” hay còn gọi Mộc bản trường học Phúc Giang, gồm hơn 2.000 bản gỗ thị lâu năm, khắc chữ Hán ngược tinh xảo, với nhiều dạng chữ như: lệ thư, thảo thư, giản tự, cổ tự… để in sách phục vụ việc giáo dục, khoa cử chọn nhân tài cho quốc gia cuối thời Hậu Lê.

Mộc bản còn lưu giữ bút tích, ấn triện, gia huy và những dấu tích khẳng định bản quyền gắn với 5 danh nhân văn hóa: Nguyễn Huy Tựu [1690- 1750], Nguyễn Huy Oánh [1713-1789], Nguyễn Huy Cự [1717-1775], Nguyễn Huy Quýnh [1734-1785] và Nguyễn Huy Tự [1743-1790]. Đây là khối mộc bản duy nhất, cổ nhất về giáo dục của một dòng họ còn lưu giữ được ở Việt Nam, hiện đang được bảo quản tại tư gia dòng họ Nguyễn Huy ở Hà Tĩnh.

Mộc bản triều Nguyễn.

Và di sản thứ bảy “Hoàng Hoa sứ trình đồ”

Cuốn sách có chiều dài 30cm, rộng 20cm, dày 2cm, in bằng bản mộc trên giấy dó, được vẽ bằng 3 loại màu với kết cấu gồm 7 phần:

1. “Hoàng hoa dịch lộ đồ thuyết”- Thuyết minh về bản đồ đường đi và trạm dịch trên đường đi sứ, có chép [biên tập, hiệu chỉnh năm Ất Dậu- 1765]; 2. “Lưỡng kinh trình lộ ca”- Bài ca về hành trình từ Nam Kinh đến Bắc Kinh; 3. “Sứ trình bị khảo”- Khảo luận đầy đủ về hành trình đi sứ; 4. “Quốc tự thần kinh tiến hành lục lộ’’- Đường bộ từ kinh đô lên đường; 5. Đồ bản: Từ trấn Nam Quan đến Bắc Kinh [có chú thích rõ ràng với hơn 100 trang trên tổng số 120 trang]; 6. “Bắc sứ thủy lộ trình lý số”- Chiều dài đường thủy đi sứ phương Bắc, có ghi “Nối tiếp, biên tập năm Ất Dậu”- Đây là phần do Nguyễn Huy Oánh có nhiều đóng góp, vì sách đã ghi rõ là ông “biên tập”, “nối tiếp”; 7. Kinh thành [Bắc Kinh], ghi chép về thành Bắc Kinh, Trung Quốc.

“Hoàng Hoa sứ trình đồ” nhằm cung cấp tư liệu, hướng dẫn tiện lợi cho bản thân sứ bộ Nguyễn Huy Oánh và các sứ bộ sau. Cuốn sách thể hiện tài năng của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh trên tất cả các lĩnh vực lịch sử, địa lý, chính trị, ngoại giao và thơ ca.

Trong đó, phần “Lưỡng kinh trình lộ ca” tuy không phải là phần chính của sách nhưng lại đậm dấu ấn cá nhân, gồm 26 câu thơ thất ngôn chữ Hán, viết khái quát về chặng mà sứ bộ đã đi qua, thể hiện nhãn quan chính trị, tài năng thơ ca, sự tinh tế, nhạy bén trong cảm nhận về thiên nhiên, con người và thời cuộc của tác giả.

Một trang trong Hoàng hoa sứ trình đồ.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, “Hoàng Hoa sứ trình đồ” là một công trình quan trọng, có thể nói là một trong những cuốn “sứ trình đồ” sớm nhất hiện còn, mở đầu cho hàng loạt cuốn “sứ trình đồ” sau này như: “Hoàng hoa đồ phả” [Ngô Thì Nhậm, đời Tây Sơn], “Sứ trình quát yếu biên” [Lý Văn Phức, năm 1841], “Như Thanh đồ” [Phạm Văn Trữ, năm 1882], “Yên sứ trình đồ” [Nguyễn Khắc Hoạt, năm 1876]...

Thám hoa Nguyễn Huy Oánh [1713-1789] thuộc thế hệ thứ 10 của dòng họ Nguyễn Huy ở làng Trường Lưu [nay thuộc xã Trường Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh]. Ông làm quan dưới triều Lê- Trịnh và trải qua nhiều chức vụ quan trọng. Ông là nhà hoạt động chính trị, văn hóa, giáo dục nổi tiếng, có nhiều đóng góp cho ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Hoa thế kỷ 18.

Năm 1764, ông được chọn làm Chánh sứ cho chuyến đi Yên Kinh [tức Bắc Kinh] vào năm 1766-1767. Ông đã có nhiều trước tác liên quan đến hành trình đi sứ, trong đó “Hoàng Hoa sứ trình đồ” là di sản tư liệu đầy ắp thông tin về chuyến đi sứ Trung Hoa của các sứ thần Việt Nam năm 1766-1767, vì sách chưa được khắc in nên chưa được nhiều người biết tới. Cháu năm đời của ông là Nguyễn Huy Triển [1852-1909], đã cất công tìm kiếm, sau 20 năm, Nguyễn Huy Triển đã tìm được bản gốc và tự tay sao chép lại.

Thám hoa Nguyễn Huy Oánh cũng để lại 40 tập sách về văn học, lịch sử, địa lý, y học… nổi bật là các tập: “Phụng sứ yên kinh tổng ca”, “Tiêu tương bát vịnh”; “Thạc Đình di cảo”, “Quốc sử toản yếu”, “Bắc dư tập lãm”, “Sơ học chỉ nam”, “Tính lý toản yếu”, “Dược tính ca quát”,  “Huấn nữ tử ca”… đều là các tác phẩm có giá trị truyền đời.

 “Hoàng Hoa sứ trình đồ” là sự ghi nhận một tư liệu lịch sử nói về quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương thế kỷ thứ 18, đóng góp vào việc duy trì nền hòa bình giữa các dân tộc trong khu vực và thế giới.

Trang sách Tính lý toản yếu đại toàn.

Làm sao cho di sản tư liệu “sống” trong đời sống hiện tại?

Tính đến nay, vẫn chưa có một nghiên cứu, khảo sát hay thống kê thật sự đầy đủ, chính xác về số lượng các tư liệu quý của Việt Nam. Tuy nhiên, có thể khẳng định, do nước ta trải qua nhiều giai đoạn binh biến lịch sử với chiến tranh, loạn lạc cho nên nhiều khối tư liệu có giá trị đã bị thất lạc.

Một lượng lớn di sản tư liệu đang được lưu giữ ở các dòng tộc, gia đình và tại không ít di tích đình, đền, chùa,... và phần lớn các di sản tư liệu quý đang được các cơ quan lưu trữ của Nhà nước bảo quản.

Để quảng bá di sản tư liệu thế giới ở Việt Nam đến với công chúng Việt một cách rộng rãi, để di sản tư liệu “sống”, tham gia vào các hoạt động của quốc gia, hiện tại mới chỉ nằm trong khuôn khổ các cuộc triển lãm một số tư liệu luân phiên ở các địa phương, nhưng vẫn chưa tạo được ảnh hưởng sâu rộng.

Khó khăn trước mắt là di sản gốc qua thời gian không còn nguyên vẹn hoặc rất khó di chuyển trong điều kiện vật chất và chế độ bảo quản ở Việt Nam. Khó khăn tiếp theo, di sản tư liệu so với công chúng hiện tại đa phần rất khó hiểu bời không đọc được chữ [Hán- Nôm- Phạn], không hiểu biết ý nghĩa văn bản tư liệu, nên cũng khó hấp dẫn.

Khó khăn thứ ba là cách triển lãm di sản tư liệu của ta cũng còn khá đơn điệu, chỉ như một cuộc trưng bày tư liệu, ít có những hoạt động hỗ trợ để tăng thêm hiểu biết hay tương tác với hiện vật, giảm đi nhiều sức hấp dẫn.

Ngay cà việc sử dụng di sản tư liệu trong công tác ngoại giao về vấn đề chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, cũng chưa được tận dụng triệt để. Từ việc tuyên truyền ra bên ngoài đến việc tham chiếu các tư liệu hiện tại để phân định rõ ràng.

Thiết nghĩ trong thời gian tới, để khai thác kho tàng di sản tư liệu thế giới ở Việt Nam, cũng như cho di sản “sống” thật, “sống” mạnh khỏe, tham gia rộng rãi vào đời sống xã hội, cũng như công tác ngoại giao, rất cần sự chung tay của mọi người, không chỉ về phía Nhà nước.

Ví dụ trong việc bảo quản di sản, với những đặc thù chất liệu đặc biệt, cần những nhà khoa học tham gia để có nhũng phương án bảo vệ di sản tránh mục nát hư hỏng. Hay rất cần các nhà khoa học công nghệ, có thể số hóa di sản để lưu trữ cho muôn đời sau.

Trước mắt, nên có sự chọn lọc, phân loại di sản tư liệu, dịch ra chữ Việt, và các ngôn ngữ quốc tế, kèm theo những chú giải chi tiết về ý nghĩa và nội dung tư liệu, in ấn theo nhiều định dạng từ sách đến đĩa, phim, ảnh…, phát hành rộng rãi, theo lối truyền thống và cả trên mạng Internet.

Từ đó, giúp công chúng nắm bắt được nhiều thông tin hơn và hiểu rõ hơn về những di sản tư liệu do cha ông ta để lại, cũng như phát huy giá trị sử dụng trong các vấn đề chính trị- xã hội, luật pháp, công tác ngoại giao…/.

Video liên quan

Chủ Đề