Game tăng vốn là gì

Thời báo kinh doanh - 21/03/2022 9:19:58 SA


Trái ngược với sự rầm rộ về các phương án tăng vốn khủng, nhiều công ty chứng khoán lại tỏ ra thận trọng với kế hoạch kinh doanh năm 2022 trước những dự báo thị trường khó bùng nổ như năm 2021. Đồng thời, giới đầu tư háo hức chờ đợi cổ phiếu chứng khoán “phiêu” nhờ “game” tăng vốn. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, cổ phiếu chứng khoán vẫn liên tục đi ngang, thậm chí còn giảm so với đầu năm 2022.

Mới đây, công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC, mã: VDS) dự kiến trình cổ đông kế hoạch kinh doanh thận trọng với lợi nhuận sau thuế (LNST) 403,2 tỷ đồng, giảm 5,5% so với kế hoạch lãi khủng năm 2021.

Tăng vốn khủng, kế hoạch kinh doanh “dè dặt”

Bên cạnh đó, VDSC cũng trình phương án dự kiến sẽ phát hành thêm 104,9 triệu cổ phiếu qua đó tăng vốn điều lệ gấp đôi lên 2.100 tỷ đồng. Trong đó, phát hành 36,8 triệu cổ phiếu để trả cổ tức (tỷ lệ 100:35); phát hành 10,5 triệu cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (tỷ lệ 10:1). Nguồn vốn thực hiện trích từ nguồn LNST chưa phân phối, thặng dư vốn cổ phần và các quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu tại thời điểm 31/12/2021.

Game tăng vốn là gì

Nhận định kênh chứng khoán năm 2022 vẫn hấp dẫn, VNSC lên kế hoạch tăng vốn lên 2.100 tỷ đồng nhưng đặt lợi nhuận năm 2022 giảm 5,5% so với năm 2021. 

Bên cạnh đó, VDSC cũng lên kế hoạch chào bán cho cổ đông hiện hữu 52,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1 và phát hành ESOP hơn 5 triệu cổ phiếu (tương ứng 4,8% lượng cổ phiếu lưu hành) cùng với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Số vốn thu được từ đợt phát hành sẽ được sử dụng để bổ sung vốn kinh doanh cho hoạt động bảo lãnh phát hành, hoạt động đầu tư và hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ/ứng trước.

Trước đó, VDSC đạt kỷ lục lợi nhuận, vượt 200% kế hoạch năm 2021. Nhận định năm 2022, VDSC cho rằng có nhiều yếu tố thuận lợi như kinh tế phục hồi, các gói hỗ trợ kích thích tăng trưởng, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết chủ lực được kỳ vọng tăng trưởng tích cực.

Ngoài ra, mặt bằng lãi suất tiết kiệm thấp dẫn đến kỳ vọng nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư sẽ tiếp tục chuyển hướng sang kênh đầu tư chứng khoán.

Trong khi đó, chứng khoán Thành Công (TCI) chỉ đặt mục tiêu LNST nhích 2,3% lên 222 tỷ đồng dù dự kiến doanh thu tăng 37% so với cùng kỳ lên 435 tỷ đồng. Trong năm nay, CTCK này dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ gấp 1,7 lần lên hơn 1.700 tỷ đồng thông qua trả cổ tức, chào bán cho cổ đông hiện hữu và ESOP.

Khá khẩm hơn, chứng khoán SmartInvest (AAS) muốn tăng vốn từ 800 tỷ lên 5.000 tỷ đồng nhưng “chỉ dám” kỳ vọng tổng doanh thu hoạt động đạt 1.200 tỷ đồng, tăng 25% so với năm trước. LNST mục tiêu đạt 480 tỷ, tăng 27% so với cùng kỳ.

Tương tự, chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cũng có kế hoạch tăng vốn gấp đôi lên hơn 6.500 tỷ đồng. Mặc dù chưa có số liệu cụ thể về kế hoạch kinh doanh năm 2022, song SHS thông tin, ban điều hành công ty đã họp để đưa ra những dự kiến về kế hoạch hoạt động kinh doanh năm 2022 với mục tiêu doanh thu và lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng với tỷ lệ tối thiểu là 20%.

Chứng khoán Phú Hưng (PHS) thậm chí còn e dè trong cả kế hoạch tăng vốn điều lệ và các chỉ tiêu kinh doanh chính. PHS dự kiến sẽ tăng vốn thêm 500 tỷ đồng lên mức 1.900 tỷ đồng. So với kết quả năm trước, tổng doanh thu kỳ vọng đạt trên 604 tỷ đồng (+19%) và LNST dự kiến 160,5 tỷ đồng (+14%).

Có thể thấy năm 2021, các công ty chứng khoán (CTCK) đã có 1 năm kinh doanh bùng nổ với với lợi nhuận tăng bằng lần và vượt xa kế hoạch đề ra và các CTCK nêu trên cũng không ngoài danh sách.

Mặc dù thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2022 được đánh giá vẫn còn nhiều thuận lợi song nhiều dự báo cho thấy TTCK khó có thể “điên” như năm ngoái. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch kinh doanh của các CTCK. Trên nền cơ sở so sánh đã cao hơn rất nhiều, kết quả kinh doanh của các CTCK này khó bứt phá mạnh là điều dễ hiểu.

Bên cạnh đó, dư nợ cho vay margin tăng trưởng đều đặn theo quý nhưng tốc độ tăng trưởng đang có dấu hiệu chững lại trong quý IV/2021. Hoạt động tự doanh vốn dĩ là mảng mang lại lợi nhuận lớn nhất cho các CTCK cũng được đánh giá sẽ khó khăn hơn trong năm 2022 do chứng khoán không còn quá “dễ ăn” như năm 2021.

“Game” tăng vốn mất tác dụng?

Trái ngược với những CTCK nêu trên, nhiều CTCK vẫn đặt kế hoạch kinh doanh đầy “tham vọng” cùng các phương án tăng vốn khủng, khiến nhiều nhà đầu tư mong chờ sự bùng nổ của cổ phiếu chứng khoán nhờ “game” tăng vốn như năm 2021.

Nổi bật trong số đó là VPBank Securities khi tự tin đưa ra kế hoạch tăng vốn gấp 33 lần từ gần 269 tỷ đồng lên mức 8.920 tỷ đồng để nhảy vào top 3 CTCK có vốn điều lệ lớn nhất. Đồng thời, CTCK này đặt mục tiêu kinh doanh năm 2022 “giật mình” với doanh thu 1.509 tỷ đồng và LNST 632 tỷ đồng, lần lượt gấp 131 lần và 105 lần so với thực hiện năm 2021.

Không chịu kém cạnh, chứng khoán Tiên Phong (ORS) cũng mạnh dạn đặt kế hoạch năm 2022 bứt phá với doanh thu 1.981 tỷ đồng (+46%) và LNTT 500 tỷ đồng (+85%). Theo kế hoạch, CTCK này dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ thêm 3.000 tỷ đồng lên mức 5.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, 2 cái tên dẫn đầu trong cuộc đua tăng vốn là Chứng khoán SSI (SSI) và VNDirect (VND) khi đều sẽ có vốn điều lệ trên 10.000 tỷ đồng nhưng tạm thời chưa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2022.

Nếu như năm 2021, thị trường chứng khoán (TTCK) chứng kiến sự "thăng hoa" của cổ phiếu chứng khoán nhờ "game" tăng vốn thì tới hiện tại, trong khi kế hoạch tăng vốn rầm rộ từ đầu năm 2022, nhưng trên TTCK, cổ phiếu chứng khoán lại khá "ảm đạm" từ đầu năm và chưa tạo được con sóng nào thực sự đáng kể, bất chấp cả những cổ phiếu của các CTCK có kế hoạch tăng vốn khủng nhất và có mục tiêu lợi nhuận đáng nể. 

Các cổ phiếu như SSI, VND, SHS (Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội), HCM (Chứng khoán TP Hồ Chí Minh), VCI (Chứng khoán Bản Việt), FTS (Chứng khoán FPT), ORS, BSI (Chứng khoán BSC), PHS (Chứng khoán Phú Hưng), AAS (Chứng khoán SmartInvest)... đều chỉ đi ngang, thậm chí còn giảm khá mạnh so với thời điểm đầu năm 2022.

Một chuyên gia phân tích lý giải, không chỉ yếu tố thị trường chung chưa thực sự thuận lợi thì việc mặt bằng định giá cao là một trong những rào cản đối với cổ phiếu chứng khoán, đặc biệt trong bối cảnh khó có thể kỳ vọng vào một sự bùng nổ của thị trường chung như năm ngoái. Ngoài ra, dòng tiền chưa đủ dồi dào để hấp thụ hết lượng cổ phiếu phát hành thêm "ồ ạt" trong năm 2021 cũng có thể là nguyên nhân khiến nhóm chứng khoán chưa vào sóng.

Trong báo cáo triển vọng TTCK năm 2022, SSI Research cũng thừa nhận, năm 2022 có thể là một năm không còn quá dễ dàng và đưa quan điểm trung lập, không khuyến nghị mua hay bán với cổ phiếu nhóm chứng khoán.

Tuy nhiên, về dài hạn, Bộ Tài chính hướng tới việc phát triển TTCK để cung cấp vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp. Mục tiêu gần nhất cho năm 2025 là vốn hóa TTCK đạt 85% GDP. Do đó, việc tăng vốn của các CTCK không chỉ đáp ứng về nhu cầu vốn trong ngắn hạn mà còn mang tầm nhìn dài hạn.

Theo ước tính của chứng khoán KIS, thanh khoản bình quân ngày trong quý I/2022 duy trì ở mức 22.000 – 23.000 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, hoạt động môi giới và cho vay margin vẫn đóng vai trò chủ đạo trong kết quả doanh thu và lợi nhuận.

“Dự báo kết quả kinh doanh trong quý I/2022 của các CTCK sẽ được đảm bảo tích cực”, chuyên gia chứng khoán KIS nhận định.

Các tin liên quan