Hai từ trong kết cấu mây đen chỉ mối quan hệ


                                                                                 

1. Đặt vấn đề 1.1.  Nguyên nhân - kết quả là một cặp phạm trù trong phép biện chứng duy vật và là một trong những nội dung của nguyên lí về mối liên hệ phổ biến dùng để chỉ mối quan hệ giữa một nguyên nhân với một kết quả được suy ra từ chính nguyên nhân đó. Tuy nhiên, quan hệ nguyên nhân - kết quả (quan hệ nguyên nhân) trong triết học không đồng nhất với quan hệ nguyên nhân trong ngôn ngữ. Bởi lẽ, trong triết học quan hệ này chỉ biểu thị mối liên hệ vốn có của chính bản thân sự vật, hiện tượng mà không phụ thuộc vào ý thức của con người; còn quan hệ nguyên nhân trong ngôn ngữ không chỉ biểu đạt quan hệ của bản thân sự vật, tồn tại trong thực tế khách quan mà còn biểu thị quan hệ tồn tại trong ý thức, trong tư duy của con người.  1.2. Nói đến câu ghép là nói đến kiểu cấu tạo phức hợp của nó (gồm hai hoặc hơn hai mệnh đề không bao nhau) và nói về những mối quan hệ ngữ nghĩa giữa các mệnh đề trong câu, trong đó có quan hệ nguyên nhân. Điều này đã được ngữ pháp truyền thống và cả ngữ pháp chức năng đề cập tới trong những công trình nghiên cứu về cú pháp, tuy nhiên dưới dạng khái quát, có tính chất “mở đường” cho các hướng nghiên cứu về sau. Bài viết này vận dụng kết quả nghiên cứu lí thuyết về câu ghép trên bình diện nghĩa để tìm hiểu một số kiểu quan hệ ngữ nghĩa giữa các mệnh đề trong câu ghép tiếng Việt.

2. Khái niệm câu ghép nguyên nhân

Trong tiếng Việt, khi phân loại câu ghép, phần đông các nhà Việt ngữ học đều căn cứ trên hai phương diện:  -  Thứ nhất, trên phương diện ngữ pháp, câu ghép được phân loại dựa trên quan hệ ngữ pháp khái quát và các phương tiện hình thức có chức năng nối kết mệnh đề.  -  Thứ hai, trên phương diện ngữ nghĩa, câu ghép được phân loại dựa trên các kiểu quan hệ nghĩa tồn tại giữa các mệnh đề trong từng kiểu câu ghép cụ thể.  Theo đó, xét trên phương diện ngữ pháp, câu ghép nguyên nhân thuộc kiểu câu ghép chính phụ, vì có các mệnh đề không bình đẳng nhau về quan hệ ngữ pháp, phân biệt được mệnh đề chính và mệnh đề phụ. Thông thường, mệnh đề phụ đứng trước, được dẫn nhập bằng quan hệ từ phụ thuộc và mệnh đề chính đứng sau, có thể có hoặc không có quan hệ từ tương ứng ở đầu. Xét trên phương diện ngữ nghĩa, giữa các mệnh đề có quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau theo kiểu: một mệnh đề chỉ nguyên nhân (A) và một mệnh đề chỉ hệ quả (B) nảy sinh từ nguyên nhân đó. Ví dụ:

(1) chúng ta có ý thức sâu sắc đối với tiếng nói của dân ta, cho nên từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, chúng ta đã làm những việc rất có ý nghĩa và đem lại những kết quả to lớn.

                                        (Phạm Văn Đồng, Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt)

Câu ghép trên có hai mệnh đề, quan hệ giữa hai mệnh đề là quan hệ nhân - quả: mệnh đề đi trước là mệnh đề phụ diễn đạt nguyên nhân, có quan hệ từ vì đứng đầu, mệnh đề đi sau là mệnh đề chính, mệnh đề này được dẫn nhập bằng quan hệ từ cho nên diễn đạt ý nghĩa hệ quả được suy ra từ nguyên nhân của mệnh đề đứng trước.

 Mô hình của kiểu câu ghép này được khái quát như sau:

qht [mệnh đề nguyên nhân] → qht [mệnh đề hệ quả]

 
Như vậy, “câu ghép nguyên nhân là câu ghép chính phụ mà ở đầu mệnh đề phụ có chứa quan hệ từ diễn đạt quan hệ nguyên nhân như vì, do, tại, bởi, nhờ,… mệnh đề này cũng được gọi là mệnh đề nguyên nhân. Trong câu ghép nguyên nhân, ở mệnh đề chính có thể xuất hiện (không bắt buộc) các từ (cho) nên, mà diễn đạt hệ quả, khi mệnh đề chính đứng sau, mệnh đề chính được gọi là mệnh đề hệ quả”. [1, tr221]     

3. Các kiểu quan hệ nguyên nhân trong câu ghép tiếng Việt


Xuất phát từ ngữ liệu đã được khảo sát, chúng tôi cho rằng việc xác định quan hệ nguyên nhân giữa các mệnh đề trong câu ghép tiếng Việt có thể căn cứ trên các phương diện chủ yếu sau đây:

  • Theo sự hiện diện của các phương tiện liên kết
  • Theo trật tự nhân - quả giữa các mệnh đề
  • Theo tính chất khách quan - chủ quan
  • Theo mức độ phức hợp của kiểu quan hệ

3.1. Quan hệ nguyên nhân xét theo sự hiện diện của các phương tiện liên kết
Có thể nói quan hệ nguyên nhân xuất hiện khi và chỉ khi sự vật, hiện tượng được phản ánh trong nội dung của ít nhất là hai mệnh đề trong câu ghép có quan hệ lôgich với nhau theo kiểu mệnh đề này là điều kiện cần và đủ để trở thành nguyên nhân hay hệ quả của mệnh đề kia. Khi đó, các quan hệ từ hay cặp quan hệ từ vì, bởi vì, tại vì,... nên, cho nên, vì thế, vì vậy, sở dĩ... là vì... đóng vai trò là các phương tiện ngôn ngữ căn bản diễn đạt quan hệ nguyên nhân một cách ổn định và rõ ràng nhất, tạo nên sự trùng khớp về quan hệ ngữ pháp và quan hệ nghĩa. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, lệ thuộc vào mục đích giao tiếp, vào tình huống sử dụng câu và không kém quan trọng là ý định diễn đạt của người nói, quan hệ nguyên nhân không được biểu đạt một cách tường minh mà chỉ thể hiện thông qua sự liên kết về ý nghĩa giữa các sự việc trong mỗi mệnh đề, đòi hỏi người nghe phải áp dụng thao tác suy luận dựa trên những tri thức nền sẵn có để xác định. Vì vậy, chúng tôi sẽ căn cứ vào sự hiện diện hay không của các phương tiện liên kết để chia quan hệ nguyên nhân thành hai loại: quan hệ nguyên nhân hiển minh và quan hệ nguyên nhân không hiển minh.

3.1.1. Quan hệ nguyên nhân hiển minh


Đây là kiểu quan hệ mà giữa các mệnh đề trong câu ghép có sự hiện diện của các phương tiện từ vựng đánh dấu kiểu quan hệ: đó là các quan hệ từ hay các cặp quan hệ từ chuyên dụng xuất hiện ở đầu mỗi mệnh đề hoặc một trong hai mệnh đề như: (bởi/ tại) vì... (cho) nên, bởi chưng... cho nên, sở dĩ... là vì, nhờ... mà, do... nên... Sự hiện diện của các yếu tố này ngoài chức năng nối kết các mệnh đề, chúng còn được xem như là dấu hiệu quan trọng để nhận biết kiểu quan hệ, đồng thời cũng là cơ sở phân biệt quan hệ này với các kiểu quan hệ khác như: quan hệ điều kiện, quan hệ mục đích, quan hệ thời gian... Ví dụ:
(2) Cõ lẽ do vì được sinh ra tại Việt Nam nên vóc dáng cô mảnh dẻ, tóc đen mắt huyền, giọng nói êm ái, tư chất dịu hiền.                                          (Bảo Ninh, Tiếng vĩ cầm của quân xâm lăng)

(3) Sở dĩ tôi nhớ lại chuyện cũ, là vì độ này bên tai tôi, ai ai cũng còn nói đến Tết.                                   (Nguyễn Công Hoan, Quan tham nửa giờ)


(4) Tình yêu với một người con gái lãng mạn như tôi thường mang màu sắc đẹp đẽ lung linh của bọt xà phòng nên khi nó đi cũng mơ hồ nguyên nhân y lúc đến.                                          (Lê Nguyên Ngữ, Về một bàn tay)

(5) Vọp đặt tên cho con như vậy cả năm đều là con gái và cũng hợp với cái tên của mình.                                 (Mai Tiến Nghị, Mùa cua rận)


Trong các ví dụ trên, các quan hệ từ (được in đậm) mặc dù không có ý nghĩa từ vựng nhưng chúng lại có vai trò đặc biệt quan trọng về ngữ pháp. Sự hiện diện của chúng ở trong câu là dấu hiệu rõ ràng nhất để quan hệ nguyên nhân được thiết lập. Ngoài ra, mỗi quan hệ từ khi ở vị trí đầu mệnh đề nguyên nhân hay hệ quả sẽ quy định sự tồn tại hay không của quan hệ từ tương ứng với nó trong mệnh đề còn lại. Chẳng hạn, quan hệ từ nên (ví dụ 2, 4) đứng đầu mệnh đề hệ quả sẽ quy định vị trí đứng trước là mệnh đề nguyên nhân, tạo ra kiểu quan hệ nguyên nhân - hệ quả còn sự có mặt của từ sở dĩ (ví dụ 3) ở đầu mệnh đề hệ quả lại quy định vị trí đứng sau nó là mệnh đề nguyên nhân, tạo ra kiểu quan hệ sự việc - nguyên nhân. Trong trường hợp nếu mệnh đề hệ quả đứng trước không có quan hệ từ dẫn nhập thì mệnh đề nguyên nhân đứng sau phải có quan hệ từ đứng đầu được xem như một nguyên tắc bắt buộc (ví dụ 5).

3.1.2. Quan hệ nguyên nhân không hiển minh

Đây là kiểu quan hệ mà giữa các mệnh đề không được biểu hiện trực tiếp bằng các quan hệ từ mà được ngầm hiểu theo những phương thức suy luận thông qua nội dung ý nghĩa được nêu ở mỗi mệnh đề. Theo quan sát của chúng tôi, kiểu quan hệ này có thể được trình bày bằng một trong hai cách sau đây:   -  Theo trật tự trước sau của các sự việc: mọi sự việc khi có quan hệ nguyên nhân đều diễn ra theo thời gian: nguyên nhân là cái sinh ra kết quả, cho nên, nguyên nhân bao giờ cũng có trước kết quả, còn kết quả bao giờ cũng xuất hiện sau. Do đó, trật tự trước sau của các mệnh đề cũng được diễn ra theo chiều nguyên nhân (A) → hệ quả (B). Ví dụ:

(6) Tôi lỡ tay đánh vỡ một cái chén, bà ấy đánh tôi đau quá.

                                                                (Thạch Lam, Đứa con)

(7) Cái bếp lửa cũng bị gió ném tung ra khắp bãi cát, những tàn lửa đỏ rực bay quẩn lên chung quanh chỗ tôi và ông lão ngồi.

                                                          (Nguyễn Minh Châu, Chiếc thuyền ngoài xa) Ở ba ví dụ trên, ta thấy các sự việc không chỉ có quan hệ nhân quả mà đồng thời còn có quan hệ thời gian: sự việc trình bày ở mệnh đề trước xảy ra trước và là nguyên nhân trực tiếp của sự việc nêu ở mệnh đề đi sau. Trong trường hợp này, trật tự hai mệnh đề do yếu tố thời gian quy định nên không thể thay đổi. Chẳng hạn, không thể nói: +  Bà ấy đánh tôi đau quá, tôi lỡ tay đánh vỡ một cái chén. (-) +  Những tàn lửa đỏ rực bay quẩn lên chung quanh chỗ tôi và ông lão ngồi, cái bếp lửa cũng bị gió ném tung ra khắp bãi cát. (-)

(Ghi chú: nếu thay đổi trật tự như trên, bắt buộc phải sử dụng quan hệ từ “vì” ở đầu mệnh đề diễn đạt quan hệ nguyên nhân).

  -  Theo điểm nhìn, sự tri nhận của người viết: trong những trường hợp này, do người viết muốn nhấn mạnh tới ý nghĩa nguyên nhân của sự việc nên đã để mệnh đề chỉ nguyên nhân đứng sau, theo chiều hệ quả (B) → nguyên nhân (A). Theo chúng tôi, điều này xảy ra khi câu ghép chỉ có một hệ quả nhưng được suy ra từ nhiều nguyên nhân khác nhau . Ví dụ:

(8) Vào hồi nửa đêm, chúng tôi sực thức dậy, gió thổi ào ào trong các lá cây và đập mạnh vào các tàu lá chuối; từng luồng chớp loáng qua cửa sổ.

                                                          (Thạch Lam, Tiếng chim kêu)

(9) Con không thể rời bỏ được má con ông ạ, con thương má con, vả lại ba con cũng thuận để con ở lại với má con, ba con bảo: còn má ở lại không nên đi hết.

                                       (Nguyễn Minh Châu, Mùa trái cóc ở miền Nam)

Mỗi câu ghép trên đều có ba mệnh đề. Nếu xét theo quan hệ ngữ pháp thì ba mệnh đề này có quan hệ bình đẳng với nhau vì chúng không có các quan hệ từ phụ thuộc biểu thị, còn nếu xét theo quan hệ lôgich ngữ nghĩa thì quan hệ giữa ba mệnh đề này vẫn là quan hệ phụ thuộc, trong đó, mệnh đề đứng trước chỉ hệ quả (phần được in đậm), hai mệnh đề đi sau là những mệnh đề nêu nguyên nhân. Cơ sở để nhận biết quan hệ nguyên nhân ở đây là căn cứ vào tính lôgich của các sự việc. Chẳng hạn, ở ví dụ (8), âm thanh của gió (mệnh đề 2), ánh sáng của những luồng chớp (mệnh đề 3) là nguyên nhân dẫn đến việc tỉnh giấc của “chúng tôi” (mệnh đề 1). Đây là quan hệ nhân quả mang tính khách quan vì nó diễn đạt sự việc xảy ra trong phạm vi của “thế giới hiện thực”. Ở ví dụ (9), quyết định không thể rời bỏ mẹ của nhân vật “con” (mệnh đề 1) là hệ quả xuất phát từ hai nguyên nhân được nêu ở mệnh đề 2, 3, đó là lòng thương má và sự ủng hộ của người ba. Quan hệ nhân quả này mang tính chủ quan nhiều hơn vì nó diễn đạt sự việc xảy ra trong “thế giới tinh thần” của con người, tuy nhiên, nó vẫn được chấp nhận dựa trên “lẽ thường” về tình mẫu tử.

3.2. Quan hệ nguyên nhân xét theo trật tự nhân - quả giữa các mệnh đề


Nội dung mối quan hệ giữa các mệnh đề trong câu ghép nguyên nhân có mối quan hệ chặt chẽ với phép suy lí logic, vì vậy, mệnh đề phụ chỉ nguyên nhân đứng trước, mệnh đề chính chỉ hệ quả đứng sau là trật tự điển hình; nhưng về phương diện sử dụng thì hai trật tự này đều bình đẳng với nhau, sử dụng trật tự nào là do hoàn cảnh sử dụng và mục đích thông báo của người nói (phụ thuộc vào cấu trúc thông báo của câu). Căn cứ vào đó có thể chia kiểu quan hệ này thành hai loại: trật tự thuận và trật tự đảo ngược.

3.2.1. Quan hệ nguyên nhân có trật tự nhân trước, quả sau

Đây là trật tự thuận lôgic vì nó phản ánh đúng trình tự diễn biến theo thời gian của các sự việc. Bởi vì các sự việc khi có quan hệ nhân quả thường diễn biến theo trật tự thời gian: nguyên nhân là yếu tố xuất hiện trước còn kết quả xuất hiện sau. Mặt khác, việc thể hiện trật tự nhân trước, quả sau còn là cách đơn giản nhất để tổ chức phát ngôn thuận tiện và giản dị, phù hợp với quy luật logic của sự tiếp nhận. Ví dụ:

(10) Mặt trăng mới chênh chếch bắt đầu lên, nên trời đất còn tối mù mịt.

                                                               (Vũ Trọng Phụng, Giông tố)

(11) Bởi thày u tôi mắc nợ nên tôi mới phải chịu khổ thế này.

                                                                     (Thạch Lam, Đứa con) Trong các ví dụ trên, mệnh đề nguyên nhân đứng trước, mệnh đề hệ quả (phần được in đậm) đứng sau. Xét theo thứ tự xuất hiện của các sự việc có thể nhận thấy sự việc được nêu ở mệnh đề nguyên nhân xuất hiện trước và trở thành yếu tố làm nảy sinh sự việc ở mệnh đề hệ quả xảy ra sau đó. Ngoài ra, xét về phương diện thông tin, cũng có thể thấy ở đây người nói đã chọn nguyên nhân làm xuất phát điểm cho sự nhận định của mình và để phần có giá trị thông báo thực sự ra sau. Như vậy, trong sự so sánh với mệnh đề đứng trước thì mệnh đề đứng sau được xem là có chức năng thông báo quan trọng hơn.       

3.2.2. Quan hệ nguyên nhân có trật tự trật tự quả trước, nhân sau


Như đã nói, trong câu ghép nguyên nhân, trật tự nhân - quả (nhân trước, quả sau) được coi như là một trật tự ưu tiên. Song, đó không phải là một quy tắc bắt buộc: tùy theo cách đánh giá của người nói, cách thể hiện nội dung thông tin mà trật tự này có thể đảo ngược, khi đó mệnh đề biểu thị quan hệ nguyên nhân sẽ đứng sau, tạo ra kiểu quan hệ quả - nhân (sự việc - nguyên nhân). Về điều này, giáo sư Hoàng Trọng Phiến đã khẳng định: “Việc đặt vị trí nhân - quả hay quả - nhân không chỉ tuân thủ theo trật tự lôgic của quá trình nhận thức mà còn phụ thuộc vào ý định chủ quan của người nói muốn nhấn mạnh đến nhân hay quả, đến hiện tượng hay kết luận”. [6, tr274] Ví dụ:
(12) Cái tráp nặng nó giật râu ông đánh nhói (…) Ông vội vàng nâng lấy tráp và nâng bằng cả hai tay, vì nó nặng quá.                                                            (Nguyễn Công Hoan, Nạn râu)

(13) Những đêm sáng trăng, mùa hạ, cả phố bắc chõng ngồi ngoài đường vì trong nhà nào cũng nóng như một cái lò và hàng vạn con muỗi vo ve.

                                                               (Thạch Lam, Nhà mẹ Lê)

Có thể nhận thấy ở ví dụ (12), ông vội vàng nâng lấy tráp và nâng bằng cả hai tay là mệnh đề chính chỉ hệ quả, biểu thị một thông tin đã biết, được suy ra từ ngữ cảnh nhờ phát ngôn đi trước được bố trí đứng trước, còn mệnh đề phụ chỉ nguyên nhân vì nó nặng quá được đặt ở sau. Với việc thể hiện trật tự như vậy, người nói để cho sức mạnh thông báo của câu rơi vào mệnh đề phụ chỉ nguyên nhân. Điều này, vừa dễ dàng tạo ra sự liên kết đối với phát ngôn đi trước, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho sự triển khai từ tin cũ sang tin mới, đồng thời làm cho thông tin mới đứng sau được nổi bật hơn, gây sự chú ý cho người đọc. Ví dụ (13), với việc để mệnh đề hệ quả những đêm sáng trăng, mùa hạ, cả phố bắc chõng ngồi ngoài đường đứng trước, mệnh đề nguyên nhân vì trong nhà nào cũng nóng như một cái lò và hàng vạn con muỗi vo ve đứng sau, người nói đã tạo được điểm nhấn cho nội dung được truyền đạt. Lúc này, mệnh đề nguyên nhân, ngoài việc mang tiêu điểm thông báo cho cả câu, nó còn có tác dụng giải thích cho sự việc được nêu ở mệnh đề hệ quả.

3.3. Quan hệ nguyên nhân xét theo tính chất khách quan - chủ quan


Các mệnh đề trong câu ghép nguyên nhân có thể biểu đạt quan hệ nhân quả của thế giới hiện thực, tồn tại khách quan, cũng có thể biểu đạt quan hệ nhân quả tồn tại trong thế giới tinh thần của con người. Theo phương diện này, quan hệ nguyên nhân sẽ được chia thành: quan hệ nguyên nhân phản ánh hiện thực khách quan và quan hệ nguyên nhân phản ánh nhận thức, tư duy con người.  Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng sự phân chia này cũng chỉ mang tính tương đối. Bởi lẽ, dù là nguyên nhân tồn tại khách quan nhưng khi được phản ánh vào trong câu thì phần nhiều nó đã mang màu sắc chủ quan của người nói, do phụ thuộc vào điểm nhìn, sự tri nhận, phụ thuộc vào nhiệm vụ và vai trò thông báo trong những hoàn cảnh nhất định. Hay dù là nguyên nhân thuộc về sự suy luận của người nói thì bắt buộc nguyên nhân đó vẫn phải được xây dựng dựa trên những tri thức nền, đó là những hiểu biết hay những gì mà người nói đã trải nghiệm trong cuộc sống được đúc kết lại và phản ánh bằng sự suy luận của chính anh ta.

3.3.1. Quan hệ nguyên nhân phản ánh thế giới hiện thực khách quan

Chủ nghĩa duy vật biện chứng đã khẳng định: không có sự vật, hiện tượng nào trong thế giới vật chất lại không có nguyên nhân. Tính nguyên nhân, trước hết là bản chất của thực tiễn, nó không phụ thuộc vào ý thức con người, tuy nhiên, nó được con người tri giác và phản ánh vào ngôn ngữ. Mối liên hệ này chỉ ra sự tác động lẫn nhau giữa hai mặt, trong đó nguyên nhân là mặt chỉ ra sự tác động giữa các mặt trong một sự vật hoặc giữa các sự vật với nhau, gây ra một biến đổi nhất định nào đó với kết quả - là mặt chỉ những biến đổi xuất hiện do sự tác động của chính những nguyên nhân đó đem lại. Có thể cho rằng, quan hệ này phần nào xuất phát từ quan hệ kế tiếp, sự vật này xuất hiện sau sự vật kia, sự vật này tồn tại hay biến đổi là do sự chi phối hay tác động của sự vật kia. Chúng tồn tại trong thực tế mà người nói khi nhận thức và phản ánh vào ngôn ngữ thì dễ dàng được người nghe chấp nhận như một lẽ tất yếu. Ví dụ:

(14) Vì đường trơn nên tôi bị ngã.


(15) Cái quạt điện đang quay, nên tờ giấy bay veo.   (Nam Cao, Nước mắt)
(16) Mua muối khó quá cho nên ở Phìn - sa có người không biết ăn muối bao giờ.                                                       (Tô Hoài, Miền tây) Đây là những câu ghép diễn đạt quan hệ nguyên nhân diễn ra trong thực tế, trong đó mệnh đề đi trước nêu nguyên nhân, mệnh đề đi sau chỉ hệ quả - hệ quả này khẳng định tính tất yếu do nguyên nhân sinh ra. 

3.3.2. Quan hệ nguyên nhân phản ánh thế giới tinh thần của con người

Quan hệ này thể hiện ở chỗ: nó không tồn tại hiển nhiên, mang tính tất yếu của các sự vật, hiện tượng trong thực tế khách quan mà tồn tại trong lĩnh vực tinh thần, thuộc về nhận thức, tư duy của con người. Nói cách khác, nó là quan hệ nhân - quả giữa các hành động tâm lí, hay cũng có thể có gốc từ hiện thực khách quan nhưng được con người nhận thức theo cách riêng của mình, cho nên nó thiên về suy lí, suy luận và gần với quan hệ lập luận. Theo đó, mệnh đề nguyên nhân được xem xét trong tương quan với một luận cứ và mệnh đề hệ quả có thể coi là một kết luận. Như vậy, mỗi câu ghép có quan hệ nguyên nhân diễn tả theo mạch suy luận của người nói sẽ được hiểu như một lập luận gồm tối thiểu là một luận cứ và một kết luận. Từ đó, có thể thấy, sự khác nhau giữa quan hệ nguyên nhân phản ánh quá trình nhận thức, tư duy con người và quan hệ nguyên nhân phản ánh hiện thực khách quan là: nếu như quan hệ nguyên nhân khách quan phản ánh mối liên hệ nhân - quả giữa các sự vật xảy ra trong “thế giới hiện thực”, mang tính khách quan, thì quan hệ nguyên nhân phản ánh quá trình nhận thức, tư duy chủ yếu phản ánh mối quan hệ nhân - quả thuộc “thế giới tinh thần” của người nói nên mang đậm dấu ấn chủ quan. Ví dụ:

(17) ông không là Mịch, nên ông không thể hiểu sự xót xa của Mịch được.

                                                            (Vũ Trọng Phụng, Giông tố)

(18) Anh không dám gọi người ấy là quan lớn nữa, anh cho là người ở cái nhà này phải sang trọng, gớm ghê hơn ông quan lớn mà anh tưởng tượng trong óc anh.                                               (Nguyễn Công Hoan, Mua lợn)


Ở ví dụ (17), mệnh đề nguyên nhân ông không là Mịch biểu thị một ý nghĩa hàm ẩn được suy ra là: ông không phải trải qua những đau khổ, bất hạnh như Mịch. Và điều này trở thành nguyên nhân dẫn đến việc ông không thể hiểu được sự xót xa của cô ấy. Lúc này, quan hệ giữa hai mệnh đề đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra: cái đi trước - mệnh đề nguyên nhân là yếu tố đủ để kéo theo cái đi sau - mệnh đề hệ quả. Ở ví dụ (18), việc anh cho là người ở cái nhà này phải sang trọng, gớm ghê hơn ông quan lớn mà anh tưởng tượng trong óc anh nhưng thực tế lại trái ngược với những gì anh ta tưởng tưởng, vì thế nó trở thành nguyên nhân khiến anh không dám gọi người ấy là quan lớn nữa. Quan hệ giữa hai mệnh đề của câu ghép này diễn ra theo chiều hệ quả → nguyên nhân. Những sự việc được thể hiện ở hai mệnh đề trong mỗi ví dụ trên, thực tế có thể có gốc từ hiện thực khách quan nhưng thông qua sự suy luận, qua cách đánh giá của người nói và quan trọng là người nói đã tìm ra được mối liên hệ nhân quả giữa chúng nên nó thuộc về nhận thức, về tư duy chứ không còn thuộc về hiện thực khách quan.  

3.4. Quan hệ nguyên nhân xét theo mức độ phức hợp của kiểu quan hệ


Nguyên nhân sinh ra kết quả khá phức tạp, do nó còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện và hoàn cảnh khác nhau. Một nguyên nhân có thể chỉ làm nảy sinh một kết quả tương ứng, nhưng cũng có thể làm nảy sinh nhiều kết quả khác nhau. Ngược lại, một kết quả có thể suy ra từ một nguyên nhân, cũng có thể suy ra từ nhiều nguyên nhân. Do đó, theo độ phức tạp, có thể chia câu ghép nguyên nhân thành hai kiểu: quan hệ nguyên nhân đơn và quan hệ nguyên nhân phức hợp.

3.4.1. Quan hệ nguyên nhân đơn


Đây là kiểu quan hệ mà mỗi câu ghép chỉ gồm có hai mệnh đề, trong đó, một mệnh đề chỉ nguyên nhân và một mệnh đề chỉ hệ quả. Trật tự của hai mệnh đề có thể là: nguyên nhân → hệ quả hoặc hệ quả → nguyên nhân, tùy thuộc vào vai trò và nhiệm vụ thông báo trong những hoàn cảnh giao tiếp nhất định. Giữa hai mệnh đề có thể có hoặc không xuất hiện các từ vì, do, bởi, tại, bởi vì, cho nên, mà... Trường hợp không sử dụng các từ diễn đạt kiểu quan hệ trên thì tính thời gian: trật tự A (nguyên nhân) kéo theo B (kết quả) là cố định. Ví dụ:
(19) Tại anh đã học trường thuốc nên thơ của anh cũng có mùi khoa học chứ gì?                                                       (Vũ Trọng Phụng, Số đỏ)
(20) Đối với ông Nghị, con là chỗ đầy tớ, con sợ lắm.                                                             (Nguyễn Công Hoan, Tinh thần thể dục)

Đây là những câu ghép có quan hệ nguyên nhân đơn: mệnh đề nguyên nhân và mệnh đề hệ quả có sự tương ứng 1 - 1 (sự việc nêu ở mệnh đề đứng trước là nguyên nhân dẫn đến hệ quả tương ứng ở mệnh đề đứng sau), tuy rằng hai ví dụ này có sự phân biệt giữa một bên là quan hệ hiển lộ: được diễn đạt ra bằng cặp quan hệ từ tại… nên (ví dụ 19) với một bên là quan hệ hàm ẩn: diễn đạt thông qua sự suy lí logic - sự việc nêu ở mệnh đề đi trước là điều kiện cần và đủ để trở thành nguyên nhân làm nảy sinh sự việc nêu ở mệnh đề đi sau (ví dụ 20).

3.4.2. Quan hệ nguyên nhân phức hợp

Đây là kiểu câu ghép phản ánh mối quan hệ nguyên nhân theo kiểu: một nguyên nhân dẫn đến nhiều hệ quả hoặc ngược lại nhiều hệ quả được suy ra từ một nguyên nhân… Điều này vừa phản ánh tính chất phức hợp về mối quan hệ nguyên nhân của các sự việc, vừa phản ánh mối quan hệ phức tạp, nhiều chiều trong nhận thức, tư duy của con người. Sự phức tạp này, khi được thể hiện trong câu ghép, bắt buộc phải diễn đạt bằng nhiều mệnh đề. Giữa các mệnh đề có thể xuất hiện các quan hệ từ đánh dấu kiểu quan hệ hoặc có thể không. Trong quá trình khảo sát ngữ liệu, chúng tôi thấy xuất hiện một số kiểu quan hệ nguyên nhân phức hợp sau đây:   -  Một nguyên nhân dẫn đến nhiều hệ quả. Ví dụ:

(21) Tiếng “cho” là một tiếng chưa có ai hân hạnh được nghe phát ra ở miệng của Nghị Lại, vì vậy, khi nói đến nó, ông dằn rõ to, và cũng vì vậy, cả bốn con mắt của vợ chồng Pha nhìn lại ông, như nhìn một cái kì quan vậy.

                                                      (Nguyễn Công Hoan, Bước đường cùng)

Ví dụ trên có ba mệnh đề, giữa các mệnh đề có quan hệ nhân - quả với nhau, trong đó mệnh đề đứng trước nêu nguyên nhân, còn hai mệnh đề đi sau chỉ hệ quả được nảy sinh từ nguyên nhân đó. Theo cách đánh giá của người nói thì vì trước đây Nghị Lại chưa bao giờ nói ra tiếng cho với một ai, cho nên bây giờ nói đến nó, ông dằn rõ to đến nỗi cả bốn con mắt của vợ chồng Pha nhìn lại ông, như nhìn một cái kì quan. Quán ngữ “vì vậy” được dùng ở đây như là tín hiệu ngôn ngữ đánh dấu các mệnh đề, đồng thời giữ vai trò trong việc chỉ ra hệ quả trong mối quan hệ với nguyên nhân được nêu ở mệnh đề trước. Trong hai mệnh đề chỉ hệ quả đi sau thì mệnh đề hệ quả thứ hai mang thông tin quan trọng hơn, nó được đánh dấu bằng phụ từ tình thái mang ý nghĩa nhấn mạnh “cũng” (cũng vì vậy). Cả ba sự việc được thể hiện ở ba mệnh đề trong câu ghép này, mặc dù đều xảy ra trong hiện thực, nhưng nó không phản ánh quan hệ lôgich nhân - quả mang tính tất yếu mà được diễn đạt thông qua sự quan sát, tri nhận mang tính chủ quan của người nói.

 -  Một hệ quả được suy ra từ nhiều nguyên nhân. Ví dụ:

(22) Cái chết của cha tôi quá đột ngột, chẳng ai rõ nguyên nhân nên mặc sức người nào người nấy thêu dệt tùy theo trí tưởng tượng của mình. 

                                                                   (Lê Minh Nhựt, Nọc rắn)

(23) Vậy mà chỉ một lần bầu trời vần vũ đi qua, nó miết xuống như khoét vào nền đất, đàn gà mỏng manh ấy tung lên như cát bụi.
                                                           (Nam Ninh, Chuyện không viết trong báo cáo)


Đây là những câu ghép có ba mệnh đề, trong đó hai mệnh đề đứng trước được xem như là những nguyên nhân tác động làm xuất hiện hệ quả được nêu ở mệnh đề sau cùng. Ở (22), quan hệ nhân - quả được đánh dấu thông qua quan hệ từ “nên” ở đầu mệnh đề thứ ba - mệnh đề hệ quả. Còn ở (23), mối quan hệ nhân quả được gắn với trật tự thời gian, cụ thể hai sự việc: bầu trời vần vũ đi qua (mệnh đề 1) và nó miết xuống như khoét vào nền đất (mệnh đề 2) được xem như hai nguyên nhân diễn ra đồng thời khiến cho sự việc xảy ra sau đó trở thành hệ quả đàn gà mỏng manh ấy tung lên như cát bụi (mệnh đề 3)   -  Nguyên nhân thứ nhất dẫn đến hệ quả thứ nhất, hệ quả thứ nhất là nguyên nhân nảy sinh hệ quả thứ hai. Ví dụ:

(24) Hiện nay, vì chúng ta không để ý đến những việc khá quan trọng này, cho nên ở nhiều ngành, người ta “nhập” rất nhiều chữ mới, một cách vô tội vạ, người thường nghe chẳng hiểu gì.

                                                       (Phạm Văn Đồng, Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt)                                              

(25) Ngày ấy, chưa có lệnh cấm lối quảng cáo các bài trong tờ báo bằng mồm, cho nên trẻ con rao ầm ĩ, khách qua đường ai nghe thấy cũng bỏ ra hai xu để mua.

                                                  (Nguyễn Công Hoan, Ông chủ báo chẳng bằng lòng)

Chúng tôi gọi đây là câu ghép diễn đạt quan hệ nguyên nhân móc xích: sự việc ở mệnh đề thứ nhất là nguyên nhân nảy sinh sự việc chỉ hệ quả ở mệnh đề thứ hai, sự việc ở mệnh đề thứ hai tiếp tục trở thành nguyên nhân làm xuất hiện sự việc chỉ hệ quả ở mệnh đề thứ ba. Theo chúng tôi, những câu ghép thuộc kiểu này vừa phản ánh quan hệ nguyên nhân, vừa phản ánh quan hệ thời gian. Vì vậy, trình tự sắp xếp các mệnh đề đặc biệt quan trọng bởi nó xác định sự việc nào xảy ra trước, sự việc nào xảy ra sau, đồng thời sự việc nào trở thành nguyên nhân của sự việc nào. Chẳng hạn, ở ví dụ (24), thì việc chúng ta không để ý…quan trọng này ở mệnh đề thứ nhất phải xảy ra trước và là nguyên nhân tác động đến sự việc chỉ hệ quả ở nhiều ngành, người ta “nhập”… vô tội vạ ở mệnh đề thứ hai và vì người ta…vô tội vạ nên dẫn tới hệ quả xảy ra kế tiếp nêu ở mệnh đề thứ ba người…chẳng hiểu gì; ví dụ (25) nguyên nhân nêu ở mệnh đề đầu tiên chưa có lệnh cấm…bằng mồm sinh ra hệ quả nêu ở mệnh đề thứ hai trẻ con…ầm ĩ và chính hệ quả này lại trở thành nguyên nhân được nêu ở mệnh đề thứ ba khách qua đường…mua.

4. Kết luận

4.1. Câu ghép nguyên nhân là một kiểu câu được sử dụng khá phổ biến trong văn bản nghệ thuật và cả trong giao tiếp hàng ngày. Nó là phương tiện diễn đạt những sự vật, sự việc, hiện tượng… trong thế giới hiện thực và thế giới tinh thần của con người được đặt ra trong những mối quan hệ nhân quả với nhau. Các mối quan hệ này lại là cơ sở để tạo nên các mệnh đề của câu ghép khi chúng được hiện thực hóa bằng các yếu tố ngôn ngữ cụ thể. Càng khảo sát và tìm hiểu quan hệ nguyên nhân giữa các mệnh đề trong câu ghép tiếng Việt thì những mối quan hệ nghĩa phức tạp nhưng không kém phần độc đáo được ẩn sau lớp ngôn từ bề mặt của các phát ngôn càng được hé mở, càng thấy được sự tinh tế trong cách diễn đạt của người Việt. 4.2. Việc tìm ra những kiểu quan hệ nguyên nhân mà chúng tôi trình bày trên đây sẽ là cơ sở bước đầu giúp chúng tôi tìm hiểu các kiểu quan hệ nghĩa tiếp theo trong câu ghép tiếng Việt.  

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Diệp Quang Ban (2009), Ngữ pháp Việt Nam, Nxb GDVN.
  2. Đỗ Hữu Châu (2001), Đại cương ngôn ngữ học, tập 2, Nxb GD.
  3. Nguyễn Đức Dân (1998), Ngữ dụng học, tập 1, Nxb GD.
  4. Nguyễn Khánh Hà (2009), Câu điều kiện tiếng Việt, nhìn từ góc độ ngôn ngữ học tri nhận, Nxb KHXH.
  5. Đỗ Thị Kim Liên (1993), Cấu trúc - ngữ nghĩa và các phương tiện liên kết của câu ghép không liên từ trong tiếng Việt, LATS Ngữ văn, ĐHTH HN.
  6. Hoàng Trọng Phiến (2008), Ngữ pháp tiếng Việt (Câu), Nxb ĐHQG HN.
  7. Bùi Minh Toán, Nguyễn Thị Lương (2007), Giáo trình ngữ pháp tiếng Việt, Nxb ĐHSP.
  8. Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia (2003), Ngữ pháp tiếng Việt, Nxb KHXH.
  9. Triết học Mác - Lênin, tập 1 (1995), Nxb GD.

 Từ khóa: nghiên cứu, thành lập, cộng hòa, vấn đề, giao tiếp, sử dụng, ngôn ngữ, hiện tượng, phương tiện, trở thành, tư duy, phức hợp, nguyên nhân, kết quả, phạm trù, biện chứng, duy vật, nội dung, liên hệ, phổ biến, quan hệ

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập4
  • Hôm nay133
  • Tháng hiện tại18,196
  • Tổng lượt truy cập11,599,997