Hướng dẫn câu cá ngát sông

Đó là ông Nguyễn Văn Chấn [thường gọi là Năm Câu], là một trong những người kỳ cựu nhất trong nghề câu cá ở Đồng bằng châu thổ Cửu Long.

Vua của các loài cá đồng bằng

Được sự hướng dẫn của anh Nguyễn Văn Lành [cháu ruột của ông Chấn], chúng tôi tìm về xóm câu Gạch Cái - ấp Tân Thới, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách [tỉnh Bến Tre] để gặp ông Năm Câu - một ngư dân lão luyện trong nghề săn cá ngát - để tìm hiểu về loài cá đặc sản ở miền Tây.

Theo lời ông Năm, xóm câu Gạch Cái này đã có hơn nửa thế kỷ nay, từ lúc chỉ lác đác vài hộ sinh sống. Ông Năm nói, ông mới “gác kiếm” vài năm nay sau khi đã truyền nghề lại cho con cháu, nhưng ký ức về nghề chài lưới và những ngày tháng đầu đi săn cá ngát vẫn còn mãi trong tâm trí.

15 tuổi ông đã theo cha lặn lội trên sông, được một năm ông đã một mình một xuồng ngược xuôi trên sông Tiền: “Ban đầu, tôi chài lưới như người ta thôi, vùng vẫy ở sông, xung quanh toàn là cồn. Một lần lặn xuống gỡ lưới, tình cờ bắt gặp hang cá ngát. Không biết làm sao bắt, tôi bèn đem chài lưới phủ bên trên, chọc cây vào hang rượt đuổi, nhưng chúng phóng ra theo các ngách. Tiếc quá, tôi đưa tay chộp không ngờ đụng ngạnh cá, đau nhức đến phát sốt mấy ngày”.

Qua cơn nguy kịch, ông đâm ra để ý đến cá ngát và quyết tâm bắt cho bằng được. Ông Năm chuẩn bị nhiều “vũ khí” để đối phó với cá ngát. Đó là những cái vợt lưới miệng tròn, có đường kính 0,5m, dài 1,2 - 1,5m. Ông Năm nói: “Con cá ngát rất khôn, chúng đào một hang để ở, nhưng có 2 hoặc 3 ngách để tránh kẻ thù, mỗi khi có động, nó thập thò trước cửa ngách rồi phóng ra như tên bắn để tẩu thoát”.

Qua hơn 1 tháng tìm hiểu đặc tính kẻ thù, ông lặn tìm được hang liền nhẹ nhàng dùng vợt lưới bịt các miệng hang, ngách. Rồi dùng cây đâm lia lịa vào các ngách phía trên, hai chân động loạn xạ vào miệng ngách. Vậy là cá ngát ở trong hang hoảng loạn vọt chạy và nhảy luôn vào vợt. Con cá đầu tiên ông bắt được khoảng 1kg. Từ những dụng cụ đơn giản ấy, với tài lặn tìm hang cá ngát trên những dòng sông rộng mênh mông, một mình một xuồng trải qua hơn nửa thế kỷ, trọn đời ông Năm gắn bó với cái nghề mà chưa mấy ai “bắt chước” được.

Năm 1975, ông Năm chuyển về Năm Căn [Cà Mau] sinh sống và tiếp tục cái nghề bắt cá ngát nước mặn. Nhưng ở Năm Căn nước mặn ông không thể lặn như vùng nước ngọt được nên chuyển sang bắt cá ngát bằng giềng câu.

Ông giải thích: “Dụng cụ làm giềng câu rất đơn giản, chỉ cần một cuộn chỉ dây milon cỡ 24 để làm dây cái và cuộn chỉ milon cỡ 16 dùng để làm dây nhợ đôm lưỡi câu. Giềng câu dài hay ngắn và số lượng lưỡi câu ít hay nhiều tùy ở người làm, nhưng thông thường khoảng 1.500m với 80 lưỡi câu. Làm giềng câu không phải ai cũng làm được, vì nó rất dễ bị rối dây lại, nhưng cũng rất đơn giản nếu ai có sự đam mê và tinh ý”.

Mồi câu cá ngát đơn giản chỉ là ốc lác. Khi đã chuẩn bị xong dụng cụ, người câu đợi con nước nhửng lớn thì dùng cây tre dài làm trụ để cột một đầu của giềng câu lại rồi thả giềng câu. Câu bằng giềng không chỉ riêng cá ngát mà còn rất nhiều loại cá khác bị mắc lưới như cá sửu, cá cóc, cá bông lau... Qua 12 tiếng, người câu có thể kéo lưới lên.

“Trong thời gian đợi cuốn lưới, mình phải tranh thủ tìm những đoạn sông cho là có nhiều cá để chuẩn bị cho chuyến câu tiếp theo. Thấy tui tối ngày lủi thủi trên sông nên bà con thường gọi tui là Năm Câu” - ông bộc bạch.

Sinh nghề tử nghiệp

Hơn 50 năm vật lộn với nghề, ông đã “săn” về hàng trăm tấn cá ngát bán cho các nhà hàng, quán ăn ở các tỉnh miền Tây và TPHCM và loài cá này cũng đã để lại cho ông Năm những vết sẹo nhớ đời.

Anh Lành khoe mình vừa câu được con cá ngát.

Kể về chiến tích của mình, ông Năm khoe: “Nhiều hôm tôi bắt được gần 50kg cá ngát. Tôi nhớ rất rõ cái ngày mà tôi bắt được con cá nặng 30kg, vòng thân cỡ 3 tấc, bán con cá mua được cả chỉ vàng”. Theo kinh nghiệm ông Năm, bãi cá ngát thường nằm sau một bờ đất sâu hoắm mà phía dưới là bãi bùn chạy dài, sâu chừng 6-8m. Con cá ngát sống ở nước mặn miệng lớn nhưng đầu dẹp, da vàng. Còn con cá ngát sống ở nước ngọt, mình trơn bóng, da đen mun, đầu tròn hơn cá nước mặn.

Hiện nay giá cá ngát rất cao, từ 110.000-150.000 đồng/kg, tùy cá lớn nhỏ. Nhà không đất vườn, nhờ săn cá ngát ông nuôi 11 đứa con khôn lớn. Hiện các con của ông đã có gia đình. Chỉ có cháu ruột của ông là anh Nguyễn Văn Lành [17 tuổi] đã theo ông bắt cá ngát trên sông và nhiều lần lao đao vì gai cá ngát.

Ông Năm chìa đôi bàn tay đầy vết thẹo cắt, đâm cho tôi xem rồi bảo: “Bị cá ngát đâm đấy. Đâm nhiều riết mà tôi quên đau luôn, mỗi lần nhìn nó là tôi nhớ thời oanh liệt trên sông của mình”. Sờ vào bàn tay ông, tôi chợt rùng mình khi tưởng tượng mỗi lần bị đâm, ông phải nằm đến mấy ngày. Để cho ngạnh cá ngát đâm không còn gây cảm giác đau thì ông đã trải qua những cơn đau nhức tới tận cùng, nỗi đau ấy giờ biến thành những cục chai sạn trên bàn tay. Đúng là “sinh nghề tử nghiệp”, để bắt loài cá ngát thơm ngon có giá trị này, người ta có khi đánh đổi cả sinh mạng của mình.

“Năm tháng bồng bềnh theo con nước mưu sinh từ nguồn thủy sản do thiên nhiên hào phóng ban tặng, tôi đã tạo ra dụng cụ bắt cá từ thô sơ đến hiện đại. Cá thiên nhiên cũng đã đến hồi cạn kiệt. Một đời tung hoành sông nước cũng đến lúc nhường lại cho lớp trẻ” - ông Năm chia sẻ. Do số cá ngát trên sông ngày càng khan hiếm, cộng thêm với chính sách ngăn cấm đánh bắt của Nhà nước, nhiều người thế hệ ông Năm đã lên bờ tìm kế sinh nhai khác. Nhưng lão ngư Năm Câu vẫn nhớ về những ngày săn cá ngát ngày xưa.

Theo Lý Kiều

Lao Động

Mùa giăng câu cá ngát

Mùa lũ, bất chấp những khúc sông sâu, nước chảy xiết, nhiều người dân nghèo vẫn mưu sinh bằng nghề câu cá ngát...

“Ngư phủ” xứ cù lao

Sóng vỗ oàm oạp, xuồng câu chòng chành, anh Nguyễn Văn Tài [sáu Tài, sinh năm 1969, xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên] cố ghì chặt tay lái máy đuôi tôm để lách qua dòng nước xoáy. Đến đoạn sông sâu, sáu Tài nói át tiếng máy: “Nơi này nước chảy xoáy, cá ngát khoét hang ở nhiều lắm...”. Lâu nay, chỉ nghe giăng câu, giăng lưới cá bông lau và nhiều các loại cá khác, chứ ít ai nghĩ rằng sẽ giăng câu cá ngát. Vậy mà, ở xứ cù lao này, nhiều ngư dân đã sống với nghề câu cá ngát hơn 40 năm.

Trưa tháng mười! Nước dưới kênh đỏ ngầu phù sa, “ngư phủ” sáu Tài soạn lại luồng câu, rồi móc mồi để chuẩn bị cho chuyến ra sông. Hơn 20 năm sống bằng nghề “bà cậu” cũng ngần ấy thời gian sáu Tài đã gắn bó với cái nghề hạ bạc này và anh là tay “sát cá” khét tiếng trong giới giăng câu.

Móc mồi giăng câu cá ngát

Muốn câu dính cá ngát, đòi hỏi “ngư ông” phải hiểu rõ khúc sông nào có “kình ngư” trú ẩn. Theo kinh nghiệm của sáu Tài, cá ngát là loài tinh khôn, ăn tạp, thích sống những nơi sâu, nước xoáy và có nhiều gốc cây, hang đá hoặc rọ đá. Để tránh cào điện, xuyệt điện, cá ngát còn khoét hang sâu trú ẩn.

“Cá ngát khoét hang sâu đến 2-3m dưới vực sông sâu. Thậm chí, chúng còn khoét hang sâu tại những bụi tre bị sạt lở nên khó bắt lắm! Ngư dân tụi tôi ví von, cá ngát sống như loài chuột trên cạn vậy” - sáu Tài chia sẻ.

Theo sáu Tài, muốn câu giỏi đòi hỏi ngư phủ phải thật rành nghề và “tinh thông” ở các khúc sông. “Khúc sông Hậu đoạn từ bến phà Trà Ôn đến cồn Phó Ba có vô số hố sâu, nước chảy xiết nên cá ngát trú ẩn nhiều. Ngoài ra, cá ngát thường chọn những nơi nào cào điện không càn quét được mới trú ngụ. Đặc biệt, tại khu vực bờ kè công viên Nguyễn Du, có rất nhiều cá ngát sinh sống do bên dưới đáy sông có rọ đá. Còn khu vực bến phà Trà Ôn thì độ sâu từ 20 đến 25m nước nên cá khoét hang ở cũng nhiều” – sáu Tài cho biết.

Canh theo con nước

Theo sáu Tài và nhiều ngư dân khác ở Mỹ Hòa Hưng và cồn Phó Ba, vạn chài thường “rà” dính rất nhiều cá hô, cá sửu, cá lăng loại lớn nhưng cá ngát thì ít dính. “Đến mùa nước giựt, dân nghèo đem chài đến khúc sông này rà hoài vẫn không dính. Có lần, những tay thợ lặn khét tiếng liều một phen dùng chài “chụp” ngay gốc tre nằm giữa sông, rồi dùng ống hơi chọt vào để bắt cá ngát. Lần đó, chỉ có một gốc tre mà họ bắt được cả chục ký cá ngát…” - sáu Tài quả quyết.

Nhiều năm nay, cứ tờ mờ sáng là cả gia đình sáu Tài lục đục chuẩn bị ngư cụ ra sông giăng câu cá ngát. Chiếc xuồng năm quăng rẽ nước đưa chúng tôi theo cùng để tận mắt xem sáu Tài và bà con ngư dân giăng câu cá ngát.

Luồng câu của sáu Tài dài hơn 1.500m bủa tại khu vực bờ kè Nguyễn Du dài đến bến phà Ô Môi chờ cá cắn câu. Sáu Tài cho hay, giăng câu cá ngát không phải chuyện đơn giản như giăng các loại cá khác. Điều đầu tiên là phải chọn món mồi nào để dụ được cá ngát.

“Loài cá này ăn tạp, nhưng cũng kén mồi lắm! Thông thường, cá ngát thích nhất là mồi ốc bươu vàng, tép, tôm nhưng phải còn tươi. Khi đánh hơi được món mồi, cá ngát từ dưới hang chui lên đớp ngay. Nhớ những năm về trước, có ngày tôi còn câu dính được con cá ngát nặng hơn 5kg. Nhiều lúc, đang bủa phía trước thì phía sau đã giật dây, biết chắc là cá cắn câu. Còn bây giờ giăng cả ngày chỉ dính được vài con…”- sáu Tài nói như trách.

Dính cá ngát to

Đang bủa câu, thấy nhiều chiếc cào điện càn lướt trên sông, sáu Tài và năm Hết, mười Thông tặc lưỡi: “Khoảng chục năm trước, cá mắm nhiều vô kể. Thậm chí, cá lớn lên ngớp lụp ụp, nhìn thấy mà ham. Nhiều đêm giăng trúng mánh, xuồng chở “khẳm đừ” về chợ cân cho bạn hàng. Còn nay, cào điện, xuyệt điện, thậm chí có người còn đánh cá bằng cách rải thuốc nên cá trong tự nhiên giảm đến mức báo động.

Những con cá ngát được mệnh danh là loài “thủy quái” cứng đầu, vậy mà khi cào điện lướt ngang thì chúng cũng ngoi lên khỏi hang. Cá lớn, cá bé đều bị cào điện tận diệt”.

Xóm cù lao có hơn chục hộ chuyên giăng câu cá ngát. Dù đã bám nghề này rất lâu, nhưng nguồn cá ngày một cạn kiệt nên có hộ đã bỏ nghề tìm việc khác để làm. Tiếc nuối cái thời cá mắm đầy sông, nhiều hộ giăng câu cá ngát thở dài: “Muốn có một nghề nào đó để đổi đời. Chứ mỗi ngày giăng giỏi lắm cũng chỉ dính vài ba kg, bỏ sở hụi kiếm ngót nghét hơn một trăm ngàn đồng, nhưng bữa trúng bữa thất, không theo lâu dài được đâu!”.

Cá ngát [tựa cá trê] sống ở những khúc sông sâu. Ngày trước, loài cá này nhiều đến mức người ta chẳng thèm ăn, nhưng hiện nay đã trở thành món đặc sản tại các quán ăn, nhà hàng, với giá từ 70.000 đến 120.000 đồng/kg. Nhờ vậy, nhiều ngư dân cố bám nghề để mưu sinh.

Theo LƯU MỸ [An Giang Online]

Video liên quan

Chủ Đề