It ra trường nên làm cho cty như thế nào năm 2024

Thỉnh thoảng, sau một thời gian, mình lại gặp lại những câu hỏi như trên. Nhưng câu hỏi ấy khá vui thay lại chẳng phải từ những sinh viên sắp ra trường. Có lẽ vì mình cũng không có nhiều mối quan hệ học đường đến mức ra trường vẫn còn giữ liên hệ, để có thể chia sẻ kinh nghiệm cho hậu bối. Mà những câu hỏi ấy lại đến từ những người bạn đã đi làm được một thời gian và một số tiền bối của mình. Có lẽ họ ai ai cũng từng thắc mắc hay rút ra những kinh nghiệm cho mình sau một khoảng thời gian trải nghiệm. Và bản thân mình cũng vậy. Mình nghĩ là viết một bài viết nhỏ chia sẻ một ít trải nghiệm đã qua sẽ giúp cho các bạn sinh viên sắp ra trường, sắp có dự định đi làm hay những người đã từng đi làm nhưng vẫn còn thắc mắc tương tự có được định hướng chính xác hơn trong ngành lập trình.

Thời điểm mình viết bài này là năm 2021. Sống trong đại dịch Covid-19, giãn cách 3 tháng, mọi người dần cảm thấy công nghệ lúc này đã trở thành một thứ không thể thiếu trong cuộc sống. Không chỉ là công cụ kết nối mọi người trong quãng thời gian xa cách, công nghệ còn giúp chúng ta giải quyết nhiều vấn đề như hộ chiếu vaccine, chia sẻ thông tin về dịch bệnh, thực hiện nhiều giải pháp liên quan đến phòng dịch, khi mà sự giãn cách của các cơ quan là cần thiết. Mà vốn dĩ, những năm gần đây, ngành CNTT cũng đang dần trở thành một ngành hot của xã hội. Người người khuyên chọn ngành này, nhà nhà nói về CNTT. Có lẽ rồi đây công nghệ cũng sẽ trở thành một trong những ngành trọng điểm của Việt Nam, bên cạnh những ngành dịch vụ: kinh tế tài chính, du lịch, những năm trước đó.

Có lẽ có ít ngành kỳ lạ như ngành công nghệ thông tin. Thế giới càng phát triển 1, ngành CNTT cũng càng phát triển 10 qua một nền tảng phẳng lì chưa từng thấy. Giới lập trình viên lúc nào cũng share đi share lại một câu nói, rằng đã chọn ngành này là phải học cả đời. Chỉ một năm ngừng học. Kiến thức của bạn chẳng khác gì một sinh viên mới ra trường. Đó là một câu nói đùa kinh điển trong ngành. Mọi người thực sự muốn nhấn mạnh với bản thân những người trong ngành rằng những kiến thức mới, những ngôn ngữ lập trình, những techstack, những công cụ phục vụ cho việc lập trình được sinh ra mỗi ngày. Nếu bạn không cố gắng chạy giữa thế giới đang chạy đua như vũ bão, bạn sẽ tự mình thụt lùi, và mất hút đằng sau làn khói bụi.

Càng ngày việc lập trình càng dần tự động hoá chính nó, tạo ra những công cụ khiến cho giới lập trình viên bớt quan tâm đến nền tảng, tập trung vào xây dựng ứng dụng càng nhanh càng tốt. Ứng dụng là chìa khoá để các công ty thi thố với nhau, đẩy mạnh những giá trị họ có thể tạo ra cho xã hội. Chưa bao giờ thế giới phẳng hơn thế này. Khoảng cách địa lý không còn là một giới hạn như trước đây nữa. Nền tảng công nghệ thông tin cũng càng ngày càng phổ cập sớm trên ghế nhà trường. Không thiếu những người trẻ bây giờ đã tự đứng dậy dựng nên những startup công nghệ của nước nhà. Những công nghệ lâu năm dần trở nên già cỗi, và sẵn sàng bị đào thải bất kỳ lúc nào. Và những con người đã đi làm lâu năm cũng đang dần bị thay thế bởi những người trẻ tuổi tài cao. Nhưng mà nói như vậy liệu có đủ để đánh giá về ngành này?

Đi làm lâu thì bạn có gì?

Vậy có thật là một sinh viên mới ra trường có thể so sánh được với một lập trình viên đã đi làm vài năm trong nghề? Điều đó phải xét về cách khía cạnh.

Thứ nhất, là về kinh nghiệm làm việc. Các kiến thức về công nghệ đổi mới qua từng năm, đó là điều bất biến. Nhưng những kiến thức nền tảng. Phải rồi, chính là thứ mà các bạn thường chán ghét, và suy nghĩ tại sao chúng lại tồn tại và được rao giảng trong quãng thời gian còn ngồi trên ghế giảng đường đó. Có bao giờ các bạn thắc mắc rằng tại sao chúng ít khi được cập nhật đến vậy? Chúng ta vào đại học là để sẵn sàng cho con đường đời. Để chuẩn bị cho sự nghiệp vinh dự và kiếm thật nhiều thu nhập. Tại sao trường học không dạy cho các bạn để có thể làm việc ngay, để chuẩn bị tinh thần và kỹ năng sẵn sàng va chạm với những người đã đi làm khác. Đó chính là lý do. Những kiến thức được dạy trong trường có phần hàn lâm, nhưng nó là nền tảng không thể thiếu để phát triển sự nghiệp. Giả sử có bao nhiêu tech stack, những kiến thức công nghệ được tạo ra mỗi ngày, những framework mới mẻ hào nhoáng. Thẫm sâu bên trong chúng vẫn là các kiến thức về toán học, logic học, kiến trúc máy tính, mạng máy tính, etc… Suốt bao thập kỷ, những kiến thức về mạch điện, logic,… vẫn không thể bị thay thế hay loại bỏ được. Nên chúng ta phải trân trọng chúng thật nhiều.

Tôi lại kể cho các cậu nghe một câu chuyện ngụ ngôn chế lại. Một chú ếch bị giam dưới một cái giếng. Từ một con nòng nọc, chú ta được bố mẹ nuôi sống, mớm mồi. Vào những lúc rãnh rỗi, bố mẹ lại phải chỉ dạy cậu ta làm sao để nhảy nhót, làm sao để tránh thoát khỏi ánh mắt của lũ săn mồi. Nhưng vốn bản tính tự cao tự đại, xem trời chỉ bằng miệng giếng, cậu ta vốn không thể vào tai. Rồi một ngày nọ, khi cậu được bố mẹ dẫn ra khỏi giếng. Chứng kiến bầu trời rộng lớn, cậu lại bị một con chim bay phặp đến và ăn mất. Những kiến thức mà cậu chê cười vì vốn không có chỗ dùng lúc này trông lại thật hữu ích làm sao. Con người chúng ta cũng giống như vậy. Chúng ta được những người đi trước truyền lại kinh nghiệm, mà có khi chẳng biết phải làm gì với chúng. Có những người sẽ có tài năng và sức lực để cải thiện những kiến thức đó. Có thể bạn không phải những người đó, nhưng được trang bị chúng trước khi bị thả vào môi trường khắc nghiệt hơn, vốn đã là một điều tốt đẹp rồi.

Khi bắt đầu va chạm vào ngành nghề. Bạn sẽ phải sử dụng những khối gạch nền tảng ấy, xây nên toà lâu đài của chính bản thân. Kiến thức có nhiều thật, nhưng chúng vẫn có nhữnng điểm chung, những lý lẽ ẩn sâu chưa được khai phá. Mỗi người sẽ tự học được nó theo những cách khác nhau, mà không ai có thể chỉ dạy bạn được. Ví dụ như cùng được bố mẹ dạy cho nhảy, nhưng đó là kinh nghiệm truyền đời của họ nhà ếch. Sau này sẽ có ếch học được khả năng nhảy cao, lại có ếch có thể nhảy xa, lại có ếch có thể đi bộ. Lại có những chú ếch chỉ biết nhảy những bước nhảy bình thường, loanh quanh miệng giếng.

Đó cũng là một trong những lý do khiến cho chúng ta sẽ rẽ trên nhiều hướng khác nhau khi thời gian dần trôi. Rồi sẽ có một sốngười có khả năng nhanh nhạy nắm bắt được kiến thức đó nhanh chóng. Cho dù thời thế có thay đổi, kiến thức có đổi thay thì lý lẽ đó cũng vẫn không hề mảy may suy chuyển. Ví dụ như cách sử dụng các class sao cho phù hợp, cách thiết kế DB, cách đặt mọi thứ lên bàn cân khi suy xét về vấn đề công nghệ. Chúng không hề có một công thức thống nhất mà phụ thuộc vào việc bạn có thể dự đoán mọi thứ như thế nào và sẵn sàng để đối mặt với chúng. Không có những va chạm từ những dự án thực tế, bạn hoàn toàn không có cơ hội để lĩnh hội được chúng.

Thứ hai, là về kinh nghiệm cuộc sống, kinh nghiệm giao tiếp và khả năng làm việc nhóm. Một vị tiền bối đã từng nói với tôi. Khi em làm trong ngành này càng lâu, em sẽ thấy rằng việc chúng ta xử lý những vấn đề về con người đôi khi còn tốn thời gian và công sức hơn hẳn các vấn đề của hệ thống. Chúng ta xây dựng hệ thống CNTT là để phục vụ con người. Con người vốn là những sinh vật xã hội. Chúng ta không thể nào một mạnh hoàn thành hết tất cả mọi thứ trong một công việc. Mà phải có sự phối hợp của nhiều người với nhau. Chúng ta sẽ sát cánh bên cạnh nhiều người khác, sẵn sàng để xây dựng nên một ứng dụng tốt để phục vụ lợi ích của càng nhiều người khác hơn. Rồi chúng ta sẽ được xã hội trả công lại.

Trong đội ngũ ấy, mỗi người sẽ đảm nhiệm một vai trò, một công việc trong một quy trình làm việc khép kín. Và quy trình làm việc sinh ra để cả bộ máy có thể làm việc với nhau một cách hoàn hảo. Càng ngày chúng ta càng phải khai phá ra nhiều quy trình làm việc như Kanban, Scrum,… tất cả chỉ để cho công việc trở nên trơn tru nhất để mang lại một sản phẩm chất lượng. Càng làm lâu, làm ở nhiều công ty, tiếp xúc với nhiều con người, bạn sẽ hiểu hơn về cách mà thế giới này vận hành. Từ đó mà chúng ta phải chọn cho mình một quan điểm, một nền tảng tư duy xã hội và một bản lĩnh để đương đầu với công việc với con người để xây dựng team tốt hơn và hoàn thành nhiều sản phẩm hơn. Từ một nhân vật trong team, nếu biết tự phấn đấu phát triển xã hội, học thêm các kỹ năng quản lý nhân sự, bạn sẽ càng làm việc tốt hơn và cống hiến nhiều hơn cho xã hội, và sẽ được đền đáp xứng đáng.

Cuối cùng là những mối quan hệ. Thông qua việc làm việc nhóm, chúng ta sẽ phải sống trong không khí nhóm và làm quen với tất cả thành viên. Có những người sau này sẽ trở thành những mối liên hệ khắng khít của bạn. Chí ít chúng ta có cùng chí hướng, cùng ngôn ngữ chuyên ngành. Những con người bạn gặp lại nằm ở nhiều gia đình nhỏ, và họ đều mang theo những câu chuyện, những mối liên hệ khác. Nếu biết phát triển, bạn sẽ gặt hái được nhiều mối quan hệ đáng giá. Không chỉ là những mối quan hệ trong ngành nghề của chúng ta.

Ngành CNTT luôn tồn tại một thách thức cố hữu và cũng là một cơ hội. Đó chính là bản thân ngành sinh ra là để phục vụ cho các ngành nghề khác, làm tăng hiệu quả sản xuất. Làm các hệ thống hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, tự bạn phải quen thuộc với quy trình làm việc và cách vận hành bộ máy sản xuất ấy. Làm việc ở một công ty thương mai điện tử, tự bạn phải có kiến thức về ngành thương mại điện tử để thiết kế ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu sử dụng riêng. Làm việc cho hệ thống y tế, hệ thống truyền tải media cũng có những yêu cầu và những kiến thức riêng trong ngành mà bạn phải nắm. Đó cũng là cơ hội quý giá để chúng ta làm quen với những con người ở những ngành nghề khác. Đa số những kỹ sư CNTT sau một thời gian làm việc đều có khả năng tìm thêm một mảng nghề tay trái để phát triển.

Môi trường làm việc ở các công ty công nghệ

Quãng thời gian lao động trong ngành CNTT, chính là quãng thời gian để chúng ta tích luỹ những khía cạnh nói trên. Việc chúng ta chọn công ty, đặc biệt là những công ty khởi đầu thì đều nên suy xét đến chúng, vì đó là điều làm nổi bật lên bạn và những bạn đồng nghiệp sau một thời gian làm việc, và đảm bảo mình không thụt lùi so với đàn em. Tôi đã làm qua ở một công ty startup nhà giàu, và một công ty làm product tự thân có tiếng. Và bạn bè tôi thì trải dài từ ở lại làm nghiên cứu sinh đến làm việc ở các ty top như Aduin, Facebook, … đến các công ty startup. Sau đây là những thông tin và nhận định của tôi khi xét về vấn đề phát triển bản thân, và cả vấn đề tài chính.

Ngành phần mềm trên thế giới và Việt Nam thường sẽ có hai xu hướng chính là làm outsourcing và làm product. Làm product tức là chúng ta sẽ phát triển sản phẩm phần mềm cho các công ty sở hữu sản phẩm. Ví dụ như công ty buôn bán sản phẩm cần làm một hệ thống ERP nội bộ để phục vụ việc phát triển kinh doanh. Ở các công ty này, đội ngũ dev hay IT thường sẽ được xem như các nhân viên khác. Cũng có các công ty lấy công nghệ làm nền tảng như làm thương mại điện tử, hay làm các dịch vụ nền tảng SAAS để cho các công ty khác sử dụng. Ở các công ty đấy thì các lập trình viên sẽ là đội ngũ nòng cốt tạo ra giá trị nên sẽ có ưu đãi nhiều hơn. Làm outsourcing, hay nói cách khác là gia công phần mềm, là team sẽ đi lấy yêu cầu từ các khách hàng là các công ty khác để gia công, code nên sản phẩm cuối rồi trả lại cho bên khách hàng chứ không sở hữu sản phẩm. Ở các công ty này, lập trình viên vẫn chiếm vai trò nòng cốt.

Bàn luận về các công ty, thì sẽ có các công ty đã thành danh lâu trên thị trường, kêu gọi vốn đầu tư và đang ở giai đoạn bảo dưỡng sản phẩm. Các công ty này thường sẽ tập trung vào việc phát triển tính năng trên các sản phẩm có sẵn, đồng thời cải thiện và bảo trì các sản phẩm sẵn có, ít hứng thú vào việc phát triển các thành phần hoàn toàn mới. Bên cạnh đó, các công ty ấy vẫn có thể quyết định đổi hướng sang một mảng khác hẳn, bắt đầu tuyển team, và lúc này chúng ta sẽ gọi những công ty đó là các startup nhà giàu. Ở các dự án như vậy, mọi thứ được xây dựng từ đầu, nhưng điều kiện tài chính thì đã có sẵn, và quy trình làm việc cũng được thừa hưởng từ công ty mẹ. Một bộ phận khác là các startup nhỏ lẻ, xây dựng các ứng dụng cạnh tranh với nguồn vốn nhỏ hơn. Các công ty này đa phần là tự lập, ít có quy trình làm việc chuẩn và tình hình tài chính thấp.

Làm product hay làm outsourcing?

Làm việc ở một công ty product, bạn sẽ là người phải gắn bó lâu dài với sản phẩm, với từng khía cạnh của nó. Giả dụ bạn làm cho một công ty thương mại điện tử, thì bạn phải hiểu cách vận hành đơn hàng, cách thao tác với kho, hoặc các kiến thức hậu mãi, kế toán, tuỳ bộ phận. Trong khi đó, làm việc ở một công ty outsource, bạn sẽ ít gắn bó với sản phẩm, thường sẽ làm theo đúng yêu cầu đã thống nhất qua tài liệu của các bên. Nhưng bạn sẽ được tiếp xúc với nhiều sản phẩm nhỏ lẻ.

Làm ở công ty lớn hay startup?

Làm việc cho một công ty lớn sẽ giúp bạn có kỹ năng mềm tốt, làm việc với team nhiều thành viên, quy trình được chuẩn hoá lâu dài. Công việc sẽ ít áp lực hơn do team thường đông hơn, đồng thời đãi ngộ tốt. Đồng thời quy trình tuyển khắc khe hơn sẽ giúp nội bộ công ty có nhiều thành viên giỏi. Trong khi đó, làm việc ở các startup đòi hỏi bạn phải tự mình làm nhiều thứ, công việc sẽ áp lực, do team ít thành viên. Quy trình sẽ bị cắt giảm nhiều, nhiều sự hỗn loạn để đẩy nhanh quá trình hoàn thiện sản phẩm. Đãi ngộ tuỳ thuộc vào điều kiện công ty. Nếu công ty khá giả như các startup nhà giàu, bạn sẽ được hưởng đãi ngộ ổn và ngược lại. Đồng thời ở các startup nhà giàu, trình độ của các đồng nghiệp khác cũng thường sẽ cao hơn các startup nhỏ lẻ.

Con đường sự nghiệp trong ngành lập trình

Thông qua những thông tin nêu trên chắc bạn cũng hiểu được một người muốn tiến xa trong sự nghiệp thì phải cần những gì, những thứ đó có thể lấy được thông qua môi trường như thế nào. Con đường sự nghiệp là một quá trình tích luỹ. Không có ai tự nhiên sinh ra, vào trường học và ra trường thì có sẵn trong người đủ tích luỹ để trở thành một người hoàn hảo, một người có thể đảm đương nhiều trách nhiệm, cả về công việc, lẫn về lãnh đạo mọi người khác. Đồng thời cũng không một ai khi sinh ra đã có tất cả, cho dù gia đình có sẵn tài sản thì bản thân người đó cũng không có tư sản gì. Chúng ta về cơ bản đều là bình đẳng. Chúng ta đều phải đi qua một quá trình tích luỹ để đến được thành công. Quá trình tích luỹ tiền bạc cũng tương tự như kiến thức. Nếu bạn để cho bản thân buông thả việc phát triển thì càng về cuối con đường, tích luỹ sẽ càng giảm. Ngược lại thì mọi thứ sẽ càng tốt đẹp hơn. Con đường bạn đi được càng dài thì tích luỹ sẽ càng trả cho bạn những thứ xứng đáng hơn.

Tôi viết bài này khá dài, để nói với bạn rằng không ai có thể giúp ai làm thay sự lựa chọn của họ. Ở góc độ là một cá nhân nhỏ bé, tôi chỉ cố phân tích những được mất lợi hại, từ góc nhìn một người đi làm đã lâu giúp cho các bạn sinh viên mới ra trường, các bạn fresher tham khảo. Giả như bạn cần tài chính để trang trải cuộc sống, bạn không định làm công việc này quá lâu, làm việc ở một công ty product lớn có thể là một sự lựa chọn tốt cho bạn, tiến độ phát triển bản thân vừa đủ, tài chính ổn, không quá mạo hiểm. Giả như bạn muốn nhanh chóng cải thiện trình độ, tiến bước lên con đường cao hơn, thách thức bản thân, … một startup có lẽ không quá tệ trong giai đoạn đầu.

Tất nhiên là mỗi giai đoạn cuộc sống, thì con người chúng ta cũng thay đổi, sẽ có những mục tiêu khác nhau. Cho dù vậy, bạn cũng có thể theo những phân tích trên để chọn cho phù hợp. Ví dụ như giai đoạn này, bạn cần kiến thức, giai đoạn sau, bạn cảm giác đã đủ, bạn cần tiền. Chỉ có sự thay đổi là không bao giờ thay đổi. Hãy lựa chọn và tin vào bản thân.

Đã từng có một người anh khi phỏng vấn tôi đã hỏi tôi rằng: tại sao khi em mới ra trường, em không chọn đi làm ở những công ty lớn? Những người bạn của tôi cũng thường ước ao rằng nếu được lựa chọn, họ sẽ chọn làm việc ở những công ty lớn. Sau một thời gian học hỏi những quy trình làm việc tốt, những kiến thức hàng đầu. Họ sẽ dễ thăng tiến hơn trong công việc ở những công ty khác, dễ dàng lên làm leader, hay những vị trí cao hơn.

So sánh tích luỹ của A và B, ta sẽ dùng tích phân cuộc đời, chứ không bằng độ cao thu nhập ở một thời điểm

Thật ra mọi chuyện không đơn giản đến như thế. Thứ nhất, điều quan trọng đầu tiên phải kể đến là bạn phải có khả năng lựa chọn. Tất nhiên là bạn phải có sự lựa chọn thì câu chuyện cân nhắc mới có ý nghĩa. Lúc này những tích luỹ từ ghế nhà trường của bạn sẽ chứng minh năng lực của bạn. Thứ hai là cân nhắc khả năng phát triển của bạn, tôi lại thấy rằng việc chọn những những công ty còn nhỏ cũng không phải là vấn đề tệ. Vì ở những công ty đấy, tôi đã được phải làm mọi thứ từ A-Z, chạy đôn chạy đáo, cố gắng xử lý mọi việc, và học được nhiều thứ. Quy trình làm việc được mọi người đóng góp. Và tôi có thể trải nghiệm những vấn đề và học cách giải quyết từ những thứ nhỏ nhất. Trong khi một số người bạn làm ở những công ty lớn sẽ có ít cơ hội được đóng góp hay va chạm nhiều hơn, thường chỉ có những khối công việc nhỏ lẻ, và cố định. Cho dù bạn có sao chép được thành phẩm, những chiêu thức, bạn cũng không có khả năng sáng tạo ra lại kiến thức. Và điều cuối cùng, tôi đã nhắc lại nhiều lần, cuộc sống là dài hạn. Bạn không dừng lại con đường ở tuổi đôi mươi. Quá trình bạn tích luỹ và đi được càng dài, bạn càng có nhiều cơ hội bức phá hơn những con người vừa thấm mệt đã nghỉ ngơi giữa đường. Sau một thời gian thì thu nhập của bạn sẽ tăng dần, còn những người vừa đi đã muốn dừng thì mãi đi ngang vô cùng .

Về chuyện deal lương? thăng chức? Bao giờ nhảy việc?

Thu nhập là một vấn đề nhạy cảm. Tôi không thể nào cho bạn biết là sức lao động của bạn đáng giá bao nhiêu. Chỉ có bản thân bạn mới biết điều ấy. Thu nhập cao là điều ai cũng mong muốn. Dẫu vậy, chúng ta nên biết cân bằng sự tích luỹ tài chính và tích luỹ đầu tư bản thân. Có đôi khi bạn nên chấp nhận lương thấp để đánh đổi lấy một môi trường làm việc ổn định, hay một môi trường làm việc áp lực để trau dồi bản thân. Có đôi khi bạn lại cần chấp nhận thu mình làm việc như một cái máy hoặc chấp nhận làm việc trong áp lực để đổi lấy thu nhập cao. Điều quan trọng nhất vẫn là bạn biết mình đáng giá bao nhiêu, mình xứng đáng được hưởng gì, mà bạn có chấp nhận đánh đổi gì đó ngay lúc này không? Nếu thật sự là bạn không sẵn sàng đánh đổi. Hãy tự tin deal lương, yêu cầu thăng chức vì lúc này bạn đã biết được giá trị của bản thân. Nhảy việc có làm xấu CV không? Chắc chắn là có. Nhưng liệu CV có quan trọng đến vậy sau tất cả những gì bạn xứng đáng. Đôi lúc kết thúc sớm khi không phù hợp cũng là cách tốt nhất cho tất cả.