Lối sống của con người là gì

Trong tiếng Anh, “Lối sống” được diễn đạt chủ yếu theo hai cách: “Way[s] of Life” và Way[s] of Living”. Ngoài ra khái niệm này còn được diễn đạt theo một số cách nói thông dụng như: “Life style” hoặc “Life form”.

Định nghĩa lối sống theo quan điểm của một số nhà khoa học trên thế giới
Đumốp Z. và đồng sự của ông cho rằng, “Lối sống trước hết là những điều kiện, trong đó, con người tự tái sản xuất về mặt sinh học cũng như về mặt xã hội. Đó là toàn bộ những hình thức hành vi hàng ngày, ổn định và điển hình của con người” [dẫn theo Báo cáo khoa học đề tài cấp Bộ 2001, tr. 9].

Đôbơrianôp: “Lối sống là sinh hoạt cá nhân, chủ quan hóa của hệ thống những quan hệ xã hội, của toàn bộ tổng thể những điều kiện sống, thể hiện trong hoạt động của con người” [V. Đobơrianop, 1985, Xã hội học Mac-Lenin, NXB Thông tin lý luận, Hà Nội, 1985, tr. 213]
Sôrôkhôva: “Lối sống là toàn bộ những hình thức hoạt động sinh sống tiêu biểu, là phương thức hoạt động đã được xác định” [Theo Nguyễn Ánh Hồng, 2005, tr. 12]

Định nghĩa của Daxêpin: “Lối sống là tập hợp những hình thức hoạt động của con người trong một thể thống nhất với môi trường hoạt động của xã hội và cá nhân”. Tác giả này còn nêu 5 dạng hoạt động của lối sống là: hoạt động cải tạo, hoạt động định hướng, hoạt động giao tiếp và hoạt động nghệ thuật [Theo Nguyễn Ánh Hồng, 2005, tr. 13],

Định nghĩa lối sống theo quan điểm của một số nhà khoa học Việt Nam
Theo từ điển xã hội học, khái niệm lối sống bao gồm những mối liên hệ và quan hệ đa dạng giữa con người với nhau trong một xã hội nhất định, những điều kiện thực hiện chúng thông qua những đặc điểm điển hình về hoạt động sống của các giai cấp, các tập đoàn xã hội và các thành viên trong xã hội.

Tác giả đưa ra định nghĩa này cho rằng lối sống là sự tổng hợp những quan hệ kinh tế, văn hóa, tư tưởng, đạo đức vv… Vì vậy, khi xác định lối sống, điều hết sức quan trọng là tìm hiểu xem cá nhân cho rằng nhu cầu nào quan trọng với họ và phương thức thỏa mãn chúng như thế nào. Sự lựa chọn ấy cho thấy rõ vị trí của nhu cầu chi phối, ổn định trong cơ cấu nhu cầu, cho thấy rõ phương hướng phát triển chính những năng lực, mục đích, yêu cầu, qua đó cho thấy rõ nội dung thực tế của lối sống, tức là cái mà con người muốn nhìn thấy ở đó ý nghĩa tồn tại của mình.

Theo Trần Văn Bình và cộng sự: “Lối sống là một phạm trù xã hội học, khái quát toàn bộ hoạt động sống của các dân tộc, các giai cấp, các nhóm xã hội, các cá nhân trong những điều kiện của một hình thái kinh tế xã hội nhất định và biểu hiện trên các lĩnh vực đời sống trong lao động và hưởng thụ, trong quan hệ giữa người với người, trong tinh thần và văn hóa” [Trần Văn Bình, 1997].
Lối sống theo các định nghĩa này được tiếp cận từ góc độ xã hội học. Nó được xem xét như là một phương diện thể hiện các đặc điểm điển hình của các nhóm xã hội và mối quan hệ giữa chúng. Các nhà khoa học theo xu hướng này chú ý nhiều đến hình thức thể hiện lối sống và các yếu tố khách quan chi phối nó, ít quan tâm đến mối quan hệ hữu quan giữa lối sống và các yếu tố chủ quan.
Định nghĩa của nhóm tác giả Trần Kiều, Vũ Trọng Rỹ, Hà Nhật Thăng và Lưu Thu Thủy: “Lối sống là những cách suy nghĩ, kỹ năng ứng xử [cách nghĩ, nếp sinh hoạt, thói quen, phong cách học tập, làm việc, giao tiếp ứng xử…] tạo nên cái riêng của cá nhân hay một nhóm người nào đó [Trần Kiều, Vũ Trọng Rỹ, Hà Nhật Thăng và Lưu Thu Thủy, Thái Duy Tuyên, Phạm Trần Nghiệp, 2001].

Định nghĩa này chưa khái quát được nội hàm của lối sống, một yếu tố rất quan trọng, gắn liền với mọi phương diện của cuộc sống con người, vừa thể hiện đặc điểm của một cá nhân hoặc một nhóm xã hội, vừa thể hiện đặc điểm hoàn cảnh sống khách quan của họ.
Theo Nguyễn Trần Bạt: “Lối sống là một thói quen có định hướng, có chất lượng lý tưởng. Lối sống là phương cách thể hiện tổng hợp tất cả các cấu trúc, nền văn hóa, đặc trưng văn hóa của một con người hay một cộng đồng” [Nguyễn Trần Bạt, Lối sống. www.chungta.com]. Tác giả này có đưa ra các thành phần cấu trúc của lối sống bao gồm: Cách thức lao động, làm ăn, kinh doanh…; Các phong tục tập quán; Cách thức giao tiếp, ứng xử với nhau; Quan niệm về đạo đức và nhân cách.

Phạm Hồng Tung cho rằng: “Lối sống của con người là các chiều cạnh chủ quan của văn hóa, là quá trình hiện thực hóa các giá trị văn hóa thông qua hoạt động sống của con người. Lối sống bao gồm tất cả những hoạt động sống và phương thức tiến hành các hoạt động được một bộ phận lớn hoặc toàn thể nhóm hay cộng đồng người chấp nhận và thực hành trong một khoảng thời gian tưong đối ổn định, đặt trong mối tương quan biện chứng của các điều kiện sống hiện hữu và trong các mối liên hệ lịch sử của chúng” [Phạm Hồng Tung, 2007].
Các định nghĩa về lối sống trên đây được các tác giả tiếp cận từ góc độ văn hóa học. Lối sống gắn liền với các đặc điểm văn hóa của cộng đồng và các giá trị văn hóa của cá nhân.

Theo Lê Đức Phúc: “Lối sống là khái niệm dùng để chỉ toàn bộ những hình thức hoạt động mang tính ổn định, đặc trưng cho cá nhân hay nhóm. Những hình thức này được quy định bởi trình độ nhận thức về lẽ sống cũng như điều kiện thỏa mãn những nhu cầu liên quan đến giá trị văn hóa [Lê Đức Phúc, 2006].

Từ góc độ tâm lý học, đây là một định nghĩa về lối sống tương đối hoàn hảo, nó vừa đề cập đến hình thức, tính chất của các hoạt động sống, vừa đề cập đến các yếu tố chủ quan và khách quan chi phối các hoạt động đó của cá nhân hoặc nhóm.
Trên cơ sở các định nghĩa trên, nhóm nghiên cứu đề tài: đạo đức, lối sống của thanh niên hiện nay [của Viện Tâm lý học] xác định: lối sống của thanh niên là khái niệm để chỉ cách thức sống của nhóm xã hội này. Nó được thể hiện qua cách suy nghĩ và cách thực hiện các hoạt động sống có tính chất tương đối ổn định. Lối sống được quy định bởi các yếu tố chủ quan như: đặc điểm đạo đức, trình độ học vấn, giới tính, đặc điểm tâm-sinh lý lứa tuổi… và các yếu tố khách quan như: đặc điểm môi trường sống, môi trường làm việc, và các điều kiện kinh tế- xã hội khác.

N.T. Hoa
 

Chủ Đề