Quá trình chuyển hóa lipid trong cơ thể năm 2024

Chuyển hóa lipid (chuyển hóa mỡ) là quá trình cực kỳ quan trọng và phức tạp trong cơ thể, cần phải được vận hành một cách liên tục để đảm bảo cơ thể hoạt động bình thường. Vậy, chuyển hóa lipid là gì? Quá trình chuyển hoá mỡ trong cơ thể bắt đầu và kết thúc ra sao? Hãy cùng Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome khám phá ngay trong bài viết sau.

Quá trình chuyển hóa lipid trong cơ thể năm 2024

Cơ thể tiêu hóa, hấp thụ, lưu trữ và chuyển hóa lipid ra sao?

Lipid, hay còn gọi là chất béo, là một tập hợp nhiều hợp chất hữu cơ khác nhau, bao gồm dầu / mỡ (oil), sáp (waxes), triglyceride (chất béo trung tính), phospholipid và sterol…

Trong cơ thể, lipid đóng nhiều vai trò không thể thiếu đối với sức khỏe con người. Trong thực phẩm, lipid giúp cung cấp năng lượng, mang lại cảm giác ngon miệng và hỗ trợ cơ thể hấp thụ các vitamin tan trong chất béo (A, D, E, K).

Chuyển hóa lipid là gì?

Chuyển hóa lipid (lipid metabolism) là quá trình bao gồm nhiều phản ứng sinh học phức tạp, trong đó các chất béo đến từ thực phẩm được tiêu hóa, hấp thụ, vận chuyển, lưu trữ, tổng hợp, phân giải và sử dụng trong cơ thể.

Chuyển hóa lipid diễn ra chủ yếu trong gan nhưng cũng có thể xảy ra ở các mô khác như mô mỡ và cơ bắp.

Các loại lipid tham gia vào quá trình chuyển hóa lipid

Các tất cả 11 loại lipid khác nhau tham gia vào quá trình chuyển hóa lipid trong cơ thể, bao gồm:

1. Các lipid tham gia cấu tạo màng tế bào

  • Phospholipids: Là thành phần chính tạo nên lớp “hàng rào” bảo vệ cho tế bào (màng tế bào), xuất hiện ở khắp nơi trong cơ thể;
  • Sphingolipids: Đây là loại lipid chủ yếu tìm thấy trong màng tế bào của hệ thần kinh, đóng vai trò là chất truyền tin thứ cấp cho các yếu tố tăng trưởng, yếu tố biệt hóa, protein truyền tín hiệu tế bào (cytokine) và các chất chủ vận;
  • Glycolipids: Chúng giúp ổn định màng tế bào và thúc đẩy khả năng nhận biết giữa các tế bào;
  • Glycerophospholipids: Là lipid quan trọng trong mô thần kinh não, giúp mang lại sự ổn định, tính lưu động và tính thấm cho màng tế bào.

2. Các lipid khác

  • Cholesterol: Là tiền chất chính của các loại hormone khác nhau trong cơ thể như progesterone và testosterone. Chức năng chính của cholesterol là giúp xây dựng mô mới, sửa chữa tổn thương cho mô hiện có, kiểm soát tính lưu động của màng tế bào, giúp gan tạo mật và hỗ trợ sản xuất vitamin D;
  • Steroid: Là các phân tử tín hiệu giúp tế bào giao tiếp với nhau, có vai trò hỗ trợ tăng trưởng, phát triển, phân biệt giới tính và sinh sản;
  • Triacylglycerol hay triglyceride (chất béo trung tính): Là nguồn dự trữ năng lượng chính trong cơ thể;
  • Axit béo: Được dùng để tạo năng lượng và là tiền chất cho việc tổng hợp cholesterol và màng tế bào;
  • Muối mật: Được tiết ra từ gan, giúp tiêu hóa chất béo trong ruột non;
  • Eicosanoids: Là các hợp chất được tổng hợp từ axit béo tự do, tham gia vào việc truyền tín hiệu giữa các tế bào;
  • Thể ketone: Được tạo ra từ axit béo trong gan và cung cấp năng lượng khi bạn nhịn đói hoặc ăn ít.

Quá trình chuyển hóa lipid trong cơ thể năm 2024

Phospholipid là thành phần chính cho màng tế bào

Quá trình chuyển hóa lipid diễn ra thế nào?

Quá trình chuyển hóa lipid trong cơ thể bao gồm một loạt các bước từ tiêu hóa, hấp thụ cho đến lưu trữ và phân giải. Dưới đây là một cái nhìn tổng quan và dễ hiểu về diễn biến trong mỗi quá trình:

1. Tiêu hóa lipid (lipid digestion)

Tiêu hóa chất béo là quá trình phân giải lipid trong thực phẩm thành các phần nhỏ hơn như monoglyceride nhờ vào sự giúp đỡ của enzyme lipase.

Quá trình này bắt đầu ngay ở khoang miệng với enzyme lipase trong nước bọt. Sau đó, khi chất béo di chuyển xuống dạ dày, chúng tiếp tục được phân giải với sự hỗ trợ của lipase dạ dày và các kích thích nhu động tại đây.

Lưu ý, quá trình tiêu hóa lipid tại khoang miệng và dạ dày không thể phân giải được cholesterol và các axit béo chuỗi dài.

Do đó, phần lớn việc chuyển hoá mỡ trong cơ thể sẽ diễn ra tại ruột non, nơi các enzyme từ tuyến tụy và dịch mật giúp phân giải chất béo trung tính (triglyceride) thành axit béo tự do và glycerol để các tế bào ruột có thể hấp thụ.

Sau khi được phân giải, axit béo tự do cùng monoglyceride và cholesterol sẽ được “đóng gói” lại cùng với nhau, trong một cấu trúc gọi là “micelle” để lớp biểu mô ruột có thể dễ dàng hấp thụ.

2. Hấp thụ lipid (lipid absorption)

Bước thứ hai trong quá trình chuyển hóa lipid là hấp thụ chất béo, diễn ra chủ yếu tại dạ dày và ruột. Cụ thể:

  • Tại dạ dày: Axit béo chuỗi ngắn có thể được hấp thụ ngay tại dạ dày, nhưng phần lớn chất béo được hấp thụ ở ruột non.
  • Tại ruột non:
    • Sau khi các cấu trúc micelle đã đi vào tế bào ruột, chúng giải phóng ra axit béo tự do và monoglyceride để cơ thể tái tổ hợp lại thành chất béo trung tính (triglyceride).
    • Tiếp theo, vẫn trong tế bào ruột, triglyceride và cholesterol tiếp tục được “đóng gói” vào chylomicron – cấu trúc protein lớn có khả năng chứa nhiều loại lipid khác nhau, sẵn sàng để vận chuyển lipid qua hệ tuần hoàn đến tế bào mỡ và các mô khác trong cơ thể.

Quá trình chuyển hóa lipid trong cơ thể năm 2024

Minh họa cấu trúc chylomicron chứa nhiều cholesterol và triglyceride được tổng hợp tại ruột non

3. Vận chuyển lipid (lipid transportation)

Vì chất béo và cholesterol không thể hòa tan được trong nước, nên chúng cần được vận chuyển trong máu bởi các protein đặc biệt gọi là lipoprotein. Một số lipoprotein được tạo ra ở gan, nhưng không phải tất cả lipoprotein đều xuất phát từ cơ quan này.

Có nhiều loại lipoprotein khác nhau. Mỗi loại chuyên “vận chuyển” một loại chất béo khác nhau và được đặt tên dựa trên mật độ protein của chúng. Ví dụ:

  • VLDL (lipoprotein mật độ rất thấp): Chứa chủ yếu (50 – 70%) là triglyceride, 10 – 25% là cholesterol và ít hơn 10% là axit béo tự do;
  • LDL (lipoprotein mật độ thấp): Chứa chủ yếu (45%) là cholesterol, 20% là phospholipid và 10% là triglyceride;
  • HDL (lipoprotein mật độ cao): Chứa chủ yếu (30%) là phospholipid, 15% là cholesterol và 5% là triglyceride.

Quá trình chuyển hóa lipid trong cơ thể năm 2024

Minh họa tỷ trọng của thành phần lipid chứa trong từng loại lipoprotein

4. Lưu trữ lipid (lipid storage)

Trong quá trình chuyển hóa lipid, cơ thể lưu trữ chất béo bằng cách chuyển đổi chúng thành triglyceride (TG) và giữ TG trong tế bào mỡ. Cụ thể như sau:

  • Đầu tiên, axit béo được chuyển hóa thành acyl-CoA, sau đó kết hợp với glycerol để tạo thành triglyceride.
  • Các triglyceride này sau đó được lưu trữ trong các tế bào mỡ, nơi chúng được giữ để dự trữ cho nhu cầu năng lượng của cơ thể trong tương lai.
  • Khi cơ thể cần năng lượng, các triglyceride này sẽ được phân giải thành axit béo và glycerol để sử dụng.

Trung bình ở một người trưởng thành trẻ và gầy, lượng chất béo trung tính được lưu trữ trong mô mỡ có thể đạt từ 10 – 20 kg.

5. Dị hóa lipid (lipid catabolism)

Dị hóa lipid, hay còn gọi là phân giải chất béo (lypolysis), là quá trình mà cơ thể phá vỡ các lipid (chủ yếu là triglyceride) thành các thành phần nhỏ hơn để tế bào sử dụng làm năng lượng. Quá trình này diễn ra như sau:

  • Đầu tiên, triglyceride trong các tế bào mỡ được phân tách thành glycerol và axit béo.
  • Sau đó, axit béo này được chuyển đến ty thể, nơi chúng bị “cắt nhỏ” thông qua một loạt các phản ứng hóa học trong một quá trình gọi là beta-oxidation.
  • Quá trình này biến axit béo thành acetyl-CoA, một phân tử có thể thâm nhập vào chu trình Krebs (còn được gọi là chu trình axit citric) để sản sinh ra ATP – phân tử chứa năng lượng mà cơ thể sử dụng cho hầu hết các hoạt động sống.

Qua đó, dị hóa lipid giúp cơ thể chuyển hóa chất béo dự trữ thành năng lượng có thể sử dụng. Điều này đặc biệt cần thiết khi lượng glucose trong cơ thể hạ thấp hoặc khi bạn trải qua quá trình tập luyện kéo dài.

Quá trình chuyển hóa lipid trong cơ thể năm 2024

Phân giải axit béo ra nhiều thành phần cơ bản là bước đầu tiên trong quá trình dị hóa lipid

6. Tổng hợp lipid (lipid biosynthesis)

Tổng hợp lipid trong cơ thể (lipid biosynthesis) là quá trình tạo ra các lipid khác nhau như lipid màng tế bào, triglyceride, axit béo tự do và cholesterol từ các nguyên liệu cơ bản. Dưới đây là cách quá trình này diễn ra một cách dễ hiểu và ngắn gọn:

  • Lipid màng: Các lipid màng, bao gồm chủ yếu là phospholipid và sphingolipid, được tổng hợp trong mạng lưới nội chất thông qua 3 bước:
    • Bước 1: Tổng glycerol hoặc sphingosine;
    • Bước 2: Kết hợp glycerol hoặc sphingosine với axit béo tự do để tạo thành axit phosphatidic;
    • Bước 3: Gắn thêm các đầu “ưa nước” vào axit phosphatidic để tạo nên lớp lipid kép (vừa có đầu ưa nước, vừa có đầu ưa dầu) – thành phần cơ bản của màng tế bào, giúp duy trì cấu trúc và chức năng của tế bào.
  • Triglyceride: Quá trình tạo ra triglyceride cũng bắt đầu từ axit phosphatidic. Lúc này, enzyme phosphatidic acid phosphotase giúp biến đổi axit phosphatidic thành diacylglyceride. Sau đó, diacylglyceride được chuyển hóa thành triglyceride bởi enzyme acyltransferase. Toàn bộ quá trình này diễn ra trong dịch nội bào, tức phần chất lỏng bên trong tế bào;
  • Fatty acid (axit béo tự do): Axit béo được tổng hợp từ acetyl-CoA thông qua nhiều chuỗi phản ứng phức tạp, được thúc đẩy bởi các enzyme để tạo ra chuỗi hydrocarbon dài. Quá trình này chủ yếu xảy ra trong tế bào chất của tế bào gan và được điều chỉnh bởi nhu cầu năng lượng của cơ thể;
  • Cholesterol: Cholesterol được tổng hợp từ acetyl-CoA qua một loạt các phản ứng phức tạp. Phần lớn (70%) cholesterol trong cơ thể được tổng hợp ở gan, cần thiết cho việc sản xuất màng tế bào, một số hoóc-môn quan trọng và axit mật.

Cơ chế điều hòa chuyển hóa lipid

Quá trình chuyển hóa lipid có thể được điều hòa thông qua nội tiết tố, enzyme hoặc qua hoạt động của gen. Cụ thể như sau:

1. Điều hòa thông qua nội tiết tố

  • Insulin: Insulin là hoóc-môn được tuyến tụy tiết ra khi nồng độ glucose máu tăng cao. Nghiên cứu cho thấy, hóc-môn insulin có thể ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa lipid theo 4 cách khác nhau, đó là:
    • Làm giảm tốc độ phân giải mỡ trong mô mỡ, do đó làm giảm nồng độ axit béo trong huyết tương,
    • Kích thích tổng hợp axit béo và triglyceride trong các mô;
    • Làm tăng sự hấp thu chất béo trung tính (triglyceride) từ máu vào mô mỡ và cơ;
    • Làm giảm tốc độ oxy hóa axit béo trong cơ và gan.
  • Glucagon: Ngược lại với insulin, glucagon được tiết ra khi lượng đường trong máu thấp, kích thích phân giải lipid để tạo ra năng lượng. Quá trình này giúp tăng lượng đường trong máu, bảo đảm cơ thể có đủ năng lượng giữa các bữa ăn.
  • Hoóc-môn tuyến giáp: Hoóc-môn này tăng cường chuyển hóa cả lipid và glucose, giúp tăng tổng sản lượng năng lượng của cơ thể. Khi hoạt động của tuyến giáp cao, chuyển hóa lipid diễn ra nhanh chóng, giúp giảm lượng chất béo dự trữ và duy trì trọng lượng cơ thể.
  • Cortisol: Hoóc-môn này kích thích cơ thể tăng cường sản xuất glucose từ các nguồn không phải carbohydrate (như lipid và protein) để cung cấp năng lượng nhanh chóng cho cơ thể trong tình huống căng thẳng. Như vậy, cortisol giúp tăng cường quá trình chuyển hóa lipid và ức chế quá trình tổng hợp phospholipid và cholesterol tại gan.
  • Leptin: Là hoóc-môn do tế bào mỡ tiết ra, giúp điều chỉnh cảm giác đói và no. Khi lượng chất béo dự trữ cao, leptin tăng lên để làm giảm cảm giác thèm ăn, qua đó hạn chế cơ thể tiêu thụ nhiều quá nhiều calo và tích lũy thêm chất béo không cần thiết.

Như vậy, quá trình chuyển hóa lipid có mối liên hệ chặt chẽ với các hoóc-môn điều hòa nội tiết. Khi quá trình này cân bằng, chúng giúp cơ thể duy trì mức năng lượng ổn định, kiểm soát cân nặng và duy trì sức khỏe tổng thể.

Quá trình chuyển hóa lipid trong cơ thể năm 2024

Thông qua việc tác động đến gan và mô mỡ, insulin và glucagon giúp làm chậm hoặc thúc đẩy quá trình phân giải lipid

2. Điều hòa thông qua enzyme

Mỗi enzyme dưới đây đều đóng một vai trò cụ thể trong việc duy trì sự cân bằng năng lượng và sức khỏe tổng thể bằng cách điều hòa quá trình chuyển hóa chất béo, từ việc phân giải chất béo để tạo năng lượng đến tổng hợp chất béo mới để dự trữ năng lượng. Cụ thể như sau:

  • Enzyme lipase: Là các enzyme ngoại bào có khả năng liên kết với lipoprotein (cấu trúc protein chuyên vận chuyển lipid trong máu) để xúc tác quá trình thủy phân và giải phóng ra chất béo tự do. Các axit béo tự do sau đó được tế bào hấp thụ, nơi chúng có thể trực tiếp đi vào quá trình trao đổi chất hoặc được lưu trữ để sử dụng sau này trong các cấu trúc nội bào gọi là các giọt lipid (lipid droplets)
  • Enzyme tổng hợp axit béo FAS (fatty acid synthase): FAS là enzyme chính trong quá trình tổng hợp axit béo, giúp biến acetyl-CoA thành axit béo. Axit béo sau đó có thể được dùng để tạo năng lượng hoặc lưu trữ dưới dạng chất béo cho cơ thể sử dụng sau này. FAS hoạt động chủ yếu khi cơ thể có dư thừa năng lượng, cần chuyển glucose hoặc carbohydrate thành chất béo.
  • Carnitine Palmitoyltransferase (CPT1): CPT1 là enzyme chính giúp vận chuyển axit béo từ môi trường ngoại bào vào bên trong ty thể (nội bào), nơi chúng được oxi hóa để tạo ra năng lượng. Sự hoạt động của CPT1 rất quan trọng cho quá trình sử dụng chất béo làm năng lượng, đặc biệt trong tình trạng nhịn đói hoặc tập luyện kéo dài, khi cơ thể cần đến năng lượng từ chất béo.
  • Acetyl-CoA Carboxylase (ACC): ACC là enzyme quan trọng trong bước đầu tiên để tổng hợp axit béo, giúp chuyển acetyl-CoA thành malonyl-CoA, một bước trung gian cần thiết cho việc tạo ra axit béo. ACC không chỉ tham gia vào tổng hợp chất béo mà còn điều hòa quá trình oxy hóa axit béo, bởi malonyl-CoA cũng làm giảm hoạt động của enzyme CPT1, ảnh hưởng đến việc đưa axit béo vào ty thể để oxy hóa.
  • AMPK (AMP-activated protein kinase): Là một enzyme quan trọng giúp duy trì cân bằng năng lượng tế bào. AMPK được kích hoạt khi cơ thể cần năng lượng, giúp giảm tổng hợp lipid và tăng cường phân giải chất béo.

Quá trình chuyển hóa lipid trong cơ thể năm 2024

Minh họa enzyme lipase giúp thủy phân triglyceride thành axit béo tự do và glycerol

3. Điều hòa thông qua hoạt động gen

Dưới đây là một số hoạt động gen quan trọng giúp điều hòa quá trình chuyển hóa lipid:

  • PPARs (Peroxisome Proliferator-Activated Receptors): PPARs giúp tăng cường quá trình phân giải chất béo và sản xuất năng lượng. Có ba loại PPAR (alpha, beta/delta và gamma), mỗi loại có chức năng riêng biệt và biểu hiện ở các mô khác nhau. Cụ thể:
    • PPAR alpha và PPAR beta/delta: Chủ yếu liên quan đến quá trình sinh nhiệt và sử dụng lipid trong mô mỡ;
    • PPAR gamma: Đóng vai trò chính trong quá trình biệt hóa tế bào mỡ và lưu trữ lipid.
  • SREBP (Sterol Regulatory Element-Binding Proteins): SREBP thúc đẩy tổng hợp cholesterol và axit béo trong gan. Đồng thời, yếu tố phiên mã này cũng giúp cơ thể cân đối giữa lượng chất béo được lưu trữ so với lượng sử dụng.
  • LXR (Liver X Receptors): LXR là những yếu tố phiên mã điều hòa sự tổng hợp và chuyển hóa cholesterol, giúp bảo vệ cơ thể khỏi tình trạng dư thừa cholesterol bằng cách tăng cường quá trình chuyển hóa và loại bỏ lipid.
  • ChREBP (Carbohydrate Response Element-Binding Protein): ChREBP là một yếu tố phiên mã chính thúc đẩy quá trình chuyển hóa glucose thành triglyceride trong gan, giúp điều hòa sự biểu hiện của các gen liên quan đến tổng hợp axit béo và chuyển hóa carbohydrate.

Ý nghĩa của quá trình chuyển hóa chất béo trong cơ thể

Chuyển hóa lipid có vai trò quan trọng trong việc cung cấp / duy trì cân bằng năng lượng, hỗ trợ sản xuất các hormone quan trọng (testosterone, estrogen,….) và đảm bảo chức năng của tất cả tế bào.

Mặt khác, sự hiện diện của chất béo còn giúp:

  • Hòa tan và vận chuyển vitamin: Bao gồm các loại vitamin quan trọng, chỉ tan trong chất béo, như vitamin A, D, E, K; giúp tăng cường miễn dịch và nâng cao sức khỏe tổng thể.
  • Bảo vệ cơ quan: Chất béo dự trữ quanh các cơ quan trọng yếu (nội tạng, mắt, ngực,….) giúp bảo vệ chúng khỏi chấn thương và duy trì nhiệt độ ổn định.

Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa lipid

1. Yếu tố dinh dưỡng

Yếu tố dinh dưỡng ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa lipid trong cơ thể như sau:

  • Các loại chất béo: Chất béo không bão hòa giúp cải thiện quá trình chuyển hóa lipid, trong khi chất béo bão hòa và chuyển hóa (trans fat) có thể làm tăng nồng độ cholesterol xấu (cholesterol LDL), gây hại cho gan và hệ tim mạch.
  • Hàm lượng chất béo: Hàm lượng chất béo cao trong chế độ ăn uống có thể làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì – nguyên nhân hàng đầu gây rối loạn chuyển hóa lipid.
  • Lượng cholesterol: Cholesterol cao trong thực phẩm có thể làm tăng mức cholesterol trong máu, ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch.
  • Hàm lượng chất xơ: Chất xơ giúp giảm hấp thụ chất béo và cholesterol, từ đó cải thiện chuyển hóa lipid.
  • Carbohydrate tinh chế (cơm trắng, bún, phở, hủ tiếu, bánh mì trắng,…): Nếu tiêu thụ quá mức có thể nhanh chuyển hóa thành chất béo, làm tăng trữ lượng chất béo trong cơ thể.

Vì vậy, xây dựng một chế độ ăn cân đối, ưu tiên chất béo không bão hòa (dầu ô-liu, dầu hạt cải, dầu đậu nành,…), chất xơ và carbohydrate phức hợp (đến từ rau củ quả, đậu, hạt và ngũ cốc nguyên hạt) có thể hỗ trợ quá trình chuyển hóa lipid diễn ra lành mạnh.

Quá trình chuyển hóa lipid trong cơ thể năm 2024

Tiêu thụ nhiều thực phẩm chiên (rán) và carbohydrate tinh chế có thể làm tăng mức mỡ máu

2. Hoạt động thể chất

Hoạt động thể chất giúp tăng cường quá trình chuyển hóa lipid bằng cách kích thích cơ thể chuyển hóa chất béo thành năng lượng. Khi bạn vận động, cơ thể tăng cường phân giải triglyceride trong tế bào mỡ thành axit béo và glycerol để tạo ra năng lượng.

Điều này không chỉ giúp giảm mỡ thừa mà còn cải thiện thành phần lipid máu, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh liên quan đến rối loạn chuyển hóa lipid, chẳng hạn như bệnh tim mạch.

3. Yếu tố di truyền

Gen mà bạn thừa hưởng từ bố mẹ có thể tăng cường hoặc giảm khả năng chuyển hóa lipid, dẫn đến sự khác biệt về lượng chất béo dự trữ và mức độ cholesterol trong máu.

Điều này giải thích tại sao một số người có xu hướng tăng cân hoặc mắc các vấn đề sức khỏe như bệnh tim mạch và tiểu đường dễ dàng hơn người khác, ngay cả khi họ có lối sống và chế độ ăn tương tự.

4. Tuổi và giới tính

Khi tuổi tác tăng lên, tốc độ chuyển hóa (trao đổi chất) chung của cơ thể thường giảm đi, bao gồm cả quá trình chuyển hóa lipid, làm tăng khả năng tích tụ chất béo và cholesterol trong máu.

Phụ nữ và nam giới cũng có sự khác biệt về chuyển hóa lipid do ảnh hưởng của hormone. Cụ thể, phụ nữ trước tuổi mãn kinh (45 – 52 tuổi) thường có mức cholesterol HDL (cholesterol tốt) cao hơn và nguy cơ bệnh tim thấp hơn so với nam giới cùng tuổi, nhưng sự chênh lệch này giảm đi sau tuổi mãn kinh.

5. Tình trạng sức khỏe

Tình trạng sức khỏe cá nhân hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa lipid. Ví dụ:

  • Bệnh đái tháo đường: Có thể làm tăng triglyceride trong máu và gan;
  • Bệnh về tuyến giáp: Bệnh cường giáp có thể tăng tốc độ chuyển hóa lipid, trong khi bệnh suy giáp làm chậm tốc độ chuyển hóa, dễ dẫn đến tăng cholesterol máu;
  • Bệnh về gan: Gan đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa lipid. Khi chức năng gan suy giảm, quá trình này bị ảnh hưởng, dẫn đến tăng lượng triglyceride và cholesterol trong máu, gây hại cho sức khỏe tim mạch.

Vì thế, các tình trạng sức khỏe cần được quản lý chặt chẽ để giữ cho quá trình chuyển hóa lipid diễn ra ổn định, hạn chế rủi ro sức khỏe tim mạch.

Quá trình chuyển hóa lipid trong cơ thể năm 2024

Người có bệnh lý nền cần tuân thủ chặt chẽ chỉ định từ bác sĩ để quá trình chuyển hóa lipid diễn ra ổn định

Rối loạn chuyển hóa lipid ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe

Rối loạn chuyển hóa lipid có thể gây:

  • Tổn thương tế bào và mô: Có thể dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ; xơ vữa động mạch; và các vấn đề liên quan đến sức khỏe của não bộ và thị giác (do rối loạn thần kinh não và thị giác);
  • Mất cân bằng trao đổi chất: Làm tăng nguy cơ bệnh đái tháo đường, máu nhiễm mỡ, bệnh gút, loãng xương,…;
  • Suy giảm sức khỏe tổng thể: Góp phần dẫn đến bệnh tim mạch, viêm mạn tính như viêm khớp;
  • Ảnh hưởng khác: Gây chậm phát triển và khuyết tật ở trẻ em bị rối loạn di truyền, đồng thời làm giảm chất lượng cuộc sống và tuổi thọ ở những người mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa.

Tóm lại, chuyển hóa lipid trong cơ thể là một quá trình vô cùng thiết yếu, không chỉ đóng góp vào việc duy trì nguồn năng lượng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Để đảm bảo quá trình này diễn ra hiệu quả, việc duy trì lối sống lành mạnh và chế độ ăn cân đối là vô cùng quan trọng.

Trên đây là những thông tin quan trọng về quá trình chuyển hóa lipid trong cơ thể. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ chuyển hóa lipid là gì cũng như tầm quan trọng của lipid đối với sức khỏe.